Twitter ra đời vào năm 2006, từ ý tưởng về một dịch vụ liên lạc tin nhắn ngắn như SMS giữa một nhóm người dùng. Vào lúc đó, những nhà sáng lập của Twitter làm việc cho Odeo - một công ty chuyên về radio mạng - đã chọn cái tên dựa theo tiếng chíp chíp của loài chim, tượng trưng cho phong cách đăng tải thông tin từng đoạn ngắn của mạng xã hội này. Từ lúc đó, Twitter đã trở thành một công ty riêng và là một trong những mạng xã hội có lượng người dùng nhiều nhất trên thế giới với hơn 200 triệu người và vẫn đang tăng lên.
Blog siêu ngắn
Twitter đã góp phần thay đổi nhiều tính chất trên mạng internet. Một ví dụ điển hình là làm thay đổi tính chất báo chí. Với Twitter, bất kỳ người dùng nào cũng có thể trở thành một “phóng viên” đăng tải tin nóng ngay tại nơi đang diễn ra sự kiện. Điều đó khiến các trang báo mạng, các nhà báo phải tìm cách chạy đua với tốc độ cập nhật nhanh đến chóng mặt của Twitter. Thậm chí các nhà báo còn phải lấy thêm thông tin từ những người dùng mạng microblog này.
Tính chất cho phép đăng tải thông tin và giữ danh tính hoàn toàn bí mật của Twitter cũng thu hút người dùng với các mục đích khác nhau. Twitter từng đóng vai trò một cổng thông tin mở trong suốt thời kỳ diễn ra “Mùa xuân Ả Rập” tại Trung Đông. Khi cuộc chiến ở Dải Gaza diễn ra ác liệt, Twitter lại là nơi người ta có thể chứng kiến các sự kiện được đăng tải nhanh nhất. Đây là cuộc chiến đầu tiên được tường thuật trực tiếp trên mạng xã hội.
Ngoài ra, Twitter là một giải pháp rất hiệu quả để cập nhật thông tin, giao lưu với cộng đồng. Do đó, không có lạ gì khi các chính khách thường sở hữu tài khoản trên Twitter.
Đồng tiền quảng cáo
Có một lượng lớn người dùng không đồng nghĩa với việc thu lại lợi nhuận lớn. Chính mối lo ngại này đã làm giá cổ phiếu của Facebook giảm nhanh chóng chỉ trong một thời gian ngắn sau khi công ty này lên sàn chứng khoán. Twitter cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự. Đặc biệt là khi công ty này chật vật với nhiều lời chỉ trích nhắm đến bộ phận quản lý, xung quanh việc họ không tìm được cách để thương mại hóa mạng xã hội này. Tuy nhiên, cho đến nay, các số liệu cho thấy doanh thu từ quảng cáo trên các thiết bị di động và mạng xã hội đang tăng nhanh. Giá cổ phiếu của Facebook, sau một thời gian rớt thảm hại, đã tăng kỷ lục. Trong khi đó, LinkedIn - mạng xã hội dành riêng cho giới thiệu việc làm - thành công rực rỡ trên sàn giao dịch. Và đó là thời điểm rất thích hợp để Twitter tung ra cổ phiếu của mình.
Về quảng cáo, giải pháp “làm tiền” mà Twitter lựa chọn xoay quanh các bài đăng “tài trợ” (sponsored tweet). Bằng cách phân tích các cụm từ khóa, Twitter đưa vào dòng thông tin của người dùng các quảng cáo phù hợp với sở thích của họ và đó là điều hấp dẫn các công ty quảng cáo. Phương thức thương mại hóa này rất hợp với định dạng của Twitter và cũng rất hợp với nền tảng di động. Dự báo Twitter đạt lợi nhuận 600 triệu USD trong năm nay và có thể sẽ tăng lên 1 tỉ USD vào năm sau.
Cũng như các công ty công nghệ đang trên đà phát triển, cách duy nhất để Twitter tiếp tục tồn tại là phải mở rộng thị trường. Để cạnh tranh với Facebook, Twitter cần phải có nguồn vốn lớn từ đợt bán cổ phiếu này. Muốn vậy, Twitter không chỉ tăng cường các tính năng dành cho người dùng mà còn phải lo quảng cáo. Twitter đã thực hiện chiến thuật này bằng cách mua lại rất nhiều công ty và dịch vụ.
Liệu mạng xã hội microblog này có thể vượt qua Facebook về lượng người dùng hay không thì vẫn còn phải chờ xem. Tuy nhiên, tính chất đặc biệt của Twitter vẫn sẽ giúp nó trở thành một thành phần không thể thiếu của mạng internet trong tương lai.
Đặc điểm kỹ thuật Trong khi các nền tảng mạng xã hội khác cho phép người dùng đăng tải nội dung dài, bao gồm nhiều định dạng ảnh và video, Twitter lại cho phép mỗi bài post chỉ 140 chữ. Người dùng có thể đưa các đường dẫn đến những nội dung đa dạng hơn trong một bài post nhưng vẫn phải sử dụng các dịch vụ làm ngắn đường link. Twitter dựa vào một hệ thống hashtag (dấu thăng #) để phân chia chủ đề, ví dụ như #Vietnam dành cho các bài viết về Việt Nam. Chính vì tính chất đặc biệt của mình, Twitter được đặt riêng ra thành một thể loại microblog (blog siêu ngắn). |