Blog vẫn là xu hướng được ưa chuộng bên cạnh mạng xã hội và là thị trường đầy
tiềm năng chưa khai thác hết - Ảnh: Internet
Sau khi tốt nghiệp Học viện Tài chính London, anh Cheo Ming Shen bị thu hút bởi những gì mà Internet đã mang đến cho thế giới phương Tây. Nhận ra một mảnh đất làm giàu màu mỡ, anh quyết định khởi nghiệp tại châu Á, lợi dụng thị trường trực tuyến còn chưa phát triển tại khu vực này…
Khá ngắn gọn khi miêu tả về ý tưởng của mình khi đó, Chen cho biết: “Tôi tìm kiếm những cơ hội làm ăn mà tôi cho rằng có thể phát đạt nhờ thế giới mạng, rồi tôi phát triển nó, tiếp thị nó và cuối cùng là bán nó”.
Hôm nay, Chen đã có trong tay bốn doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến tại Singapore cùng đồng nghiệp là Timothy Tiah Ewe Tiam. Dự án đầu tiên của họ, “Nuffnang”, chuyên gắn những banner quảng cáo lên các vị trí còn trống trên các trang blog.
“Tại châu Á có hàng trăm ngàn trang blog, đây là một mỏ vàng mà phương Tây chưa nhận ra… Một lĩnh vực chưa nhận được đầu tư thích đáng, một đám đông khán giả lộn xộn chờ đợi được hướng dẫn chỗ ngồi” - Chen giải thích.
Những cơ hội đang lên
Nuffnang có phương thức hoạt động giống như một người trung chuyển giữa nhà quảng cáo và người viết blog (bloggers), qua đó mang hai đối tượng này lại gần nhau. Bloggers sẽ được trả tiền dựa trên mỗi người khách viếng thăm và Nuffnang được hưởng một phần trong số đó.
Ý tưởng này trở nên phổ biến. Nuffnang giờ đây đã bành trướng đến Malaysia, Philippines và cả Úc.
Ông Cheo cho biết thành công của Nuffnang đến từ mối quan hệ thân thiết giữa blog và độc giả, vốn là điều mà những trang web thông thường không thể tạo ra được: “Những trang blog là một môi trường có tính mở và tương tác rất lớn, đồng thời cũng tạo ra cảm giác riêng tư hơn cho người xem, nên khi người ta trông thấy một bảng hiệu quảng cáo trên blog, tỉ lệ người đọc click chuột cũng vì thế mà cao hơn”.
Nuffnang, dịch vụ quảng cáo trên blog - Ảnh minh họa: Internet
Sự mô phỏng
Tuy nhiên, ông Cheo cũng thừa nhận ý tưởng của ông không phải là độc nhất vô nhị, và cũng cho rằng tự nghĩ ra một ý tưởng độc đáo chưa ai từng có là một điều không dễ dàng chút nào. Nhưng ông cũng nói rằng trên thương trường có rất nhiều ý tưởng là sự mô phỏng lại của nhau.
Hiểu biết thấu đáo thị trường nội địa là chìa khóa cho vấn đề, đặc biệt là nói đến quảng cáo. Bạn không thể áp dụng một cách rập khuôn một phương thức kinh doanh cho mọi vùng lãnh thổ. Ông Cheo chỉ ra rằng đây chính là lý do thiết yếu giải thích cho việc tạo dựng hình mẫu kinh doanh tại Singapore, thay vì London.
“Tôi hiểu rằng cơ hội làm ăn tại châu Á đã và sẽ còn xán lạn hơn rất nhiều. London là một nền kinh tế đã phát triển cao, và công việc làm ăn sẽ gặp rất nhiều sự cạnh tranh tại đây. Tôi nghĩ tại sao không áp dụng những kiến thức được học vào nơi mà chúng tôi đã có hiểu biết và kinh nghiệm?”.
Đồng thời ông cũng tỏ ra bình tĩnh về viễn cảnh những công ty có quy mô lớn hơn có thể sẽ thực hiện những chính sách kinh doanh tương tự: “Những đại gia sẽ phải rất vất vả để cạnh tranh với chúng tôi trong cuộc chiến này, bởi lẽ chúng tôi hiểu rõ thị trường hơn họ. Công ty của tôi bé hơn chỉ đồng nghĩa với nhanh nhẹn và linh hoạt hơn. Chúng tôi là những chàng David, còn họ là những gã khổng lồ Goliath”.
Vốn là một vấn đề
Cheo và Tiah lập nên Nuffnang với nguồn vốn từ tiền tiết kiệm. Cả hai đều không chịu nhận hỗ trợ từ gia đình hoặc chọn giải pháp vay ngân hàng. Nói theo ông Cheo, việc có thời gian để nghĩ và nhào nặn ý tưởng kinh doanh là điều cần thiết, nhưng tiền bạc luôn là vấn đề lớn nhất đối với người mới bắt đầu.
Nuffnang bắt đầu sinh lãi chỉ sau một năm, cho phép Cheo và Tiah khởi động dự án thứ hai của họ: Jipaban, một dạng khu mua sắm trực tuyến. Hai người này đã rất cẩn trọng trong việc dùng tiền lãi từ Nuffnang để đầu tư vào những dự án kinh doanh khác.
Cuộc chiến dài hạn
Ngoài vấn đề vốn, một nhân tố chủ chốt khác quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp mới thành lập chính là sự chuẩn bị. Ông so sánh điều này với một chiến trường thật sự: “Lấy ví dụ một chiến trường, bạn cần phải nghiên cứu địa hình, tìm hiểu quân thù, loại vũ khí họ sử dụng… Trong kinh doanh mọi thứ cũng y hệt như vậy, bạn phải đặt vấn đề xem mình cần gì, sau đó là nghiên cứu tình trạng thị trường, nghiên cứu các xu thế đang diễn ra…”.
Bên cạnh đó, yếu tố may mắn cũng rất cần thiết. Theo ông Cheo, may mắn chiếm đến… 51% sự thành công, trong khi tài năng của người chủ và những nhân tố khác là 49%. Nhưng đồng thời người đàn ông thành đạt này cũng nhấn mạnh không có cách nào biết được một mục tiêu có thành công hay không ngoài cách thử nó, “nếu bạn không dám đương đầu với mạo hiểm để xắn tay làm thật, bạn đã bỏ lỡ 100% tất cả cơ hội mình có thể đã có được”.