Theo các số liệu trong nghiên cứu của Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin Việt Nam, doanh thu của thương mại điện tử (TMĐT) năm 2013 tại Việt Nam tăng vọt lên 2,2 tỉ USD, so với năm 2012 là 700 triệu USD, tương đương mức tăng trưởng là 314% so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan này còn dự báo trong năm 2015, doanh thu của TMĐT có thể dao động trong khoảng 4,08-4,3 triệu USD. Ngoài ra, 61% người dùng internet tại Việt Nam đã từng mua ít nhất một món hàng trực tuyến. Chúng tôi xin tóm lược bài viết của ông Jeff McLean, Tổng Giám đốc UPS Việt Nam, về vấn đề này.
Xu hướng của người mua hàng trực tuyến
Theo bản khảo sát năm 2013 về xu hướng của người mua hàng trực tuyến trong lĩnh vực TMĐT do UPS phối hợp với comScore thực hiện, hầu hết những người mua hàng trực tuyến đều tìm kiếm dịch vụ “miễn phí giao hàng” và “chấp nhận nhiều hình thức thanh toán”. Điều đó cho thấy họ mong muốn chi phí giao hàng sẽ do người bán chi trả. Một điều quan trọng khác là nhu cầu xác thực thông tin khi mua hàng trực tuyến. Trong số 14.000 người được khảo sát trên thế giới thì hơn một nửa trong số họ cho rằng việc “dự tính hoặc bảo đảm thời gian giao hàng” và “xác định chi phí giao hàng ngay ở bước thanh toán” là những yếu tố quan trọng thu hút họ mua hàng.
Ngoài lượng chi tiêu lớn thì một trong những điều quan trọng mà nghiên cứu tìm ra chính là mức độ hài lòng khi trải nghiệm TMĐT của người tiêu dùng châu Á là thấp nhất, chỉ khoảng phân nửa người tiêu dùng châu Á nói rằng hài lòng với các trải nghiệm của mình so với 83% ở Mỹ và 78% ở châu Âu. Rõ ràng vẫn còn nhiều thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu của người mua hàng trực tuyến ở châu Á và nếu khắc phục được điều này, đây sẽ là một tiềm năng đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp TMĐT.
Bài học cho doanh nghiệp Việt Nam
Sự bùng nổ của internet đã tạo nên một nền tảng vững chắc cho những người dùng có nhu cầu sử dụng cao, có hiểu biết và kết nối chặt chẽ với nhau. Những người mua hàng trực tuyến có thể truy cập internet để so sánh giá cả, xem các bài đánh giá cũng như ý kiến về sản phẩm mà họ muốn mua hay người bán mà họ đang cân nhắc. Ngoài ra, họ còn có thể nghiên cứu về sản phẩm trên mạng xã hội, các video hay các trang blog. Khi sự cạnh tranh về giá và sản phẩm trở nên khó khăn hơn, các doanh nghiệp bán lẻ cần phải suy nghĩ xa và rộng hơn thay vì tập trung vào các chiến lược hiện tại.
Logistics là chìa khóa để mang đến một trải nghiệm đầy thiết thực cho người mua và có những cách khác biệt để tạo thêm doanh thu và thu hút khách hàng quay lại. Nghiên cứu trên nhấn mạnh việc các doanh nghiệp cần phải tối ưu hóa quy trình hoạt động của chuỗi cung ứng, xây dựng hệ thống logistics hợp lý để giao hàng với số lượng lớn và quản lý hệ thống logistics ngược để duy trì lợi thế cạnh tranh. Các lựa chọn giao hàng nhanh đóng góp một phần lớn vào quyết định mua sản phẩm của người mua hàng trực tuyến ở châu Á. Do đó, sự kết hợp giữa các doanh nghiệp TMĐT với nhà cung cấp dịch vụ logistics có uy tín sẽ là một lợi thế so với đối thủ cạnh tranh.
Bằng sự hợp tác với UPS, những doanh nghiệp bán lẻ có thể tạo ra một gói dịch vụ giá trị và hấp dẫn - đó là dịch vụ khách hàng ưu việt, hệ thống giao hàng nhanh chóng, linh hoạt - để mang đến một trải nghiệm TMĐT đa dạng, liền mạch và duy trì lợi thế cạnh tranh. Các doanh nghiệp TMĐT có thể tận dụng mạng lưới rộng lớn mà UPS đã phát triển và củng cố sau nhiều năm; sự hiện diện của UPS tại những thành phố lớn trên toàn cầu; kiến thức về các thủ tục hải quan tại hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ và kiến thức chuyên sâu về phân khúc thị trường của UPS.