Hồi tháng 1-2015, dự án xây dựng sân bay Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) đã khởi công, do Tập đoàn Rạng Đông làm chủ đầu tư hạng mục hàng không dân dụng, với tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỉ đồng. Đây là dự án sân bay kêu gọi xã hội hóa, lần đầu tiên xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng, kinh doanh, chuyển giao).
Đối với việc xin nhượng quyền khai thác nhà ga sân bay, thực chất hãng hàng không nào cũng muốn có một khu vực riêng của mình ở sân bay để xây dựng hình ảnh, thương hiệu, nhất là hàng không quốc gia. Ở các nước trên thế giới, hãng hàng không quốc gia thường có khu vực riêng. Với hàng không giá rẻ, các hãng càng cần một khu vực riêng để có thể tính toán cung cấp dịch vụ, tiết giảm tối đa chi phí, có giá vé rẻ hơn nhằm cạnh tranh.
Chẳng hạn, tại khu vực sân bay riêng của hãng hàng không giá rẻ Air Asia ở Malaysia, lối ra máy bay thường không có điều hòa nhằm tiết giảm chi phí. Hàng không giá rẻ có nhà ga riêng còn có thể kinh doanh các dịch vụ phi hàng không như cửa hàng tiện lợi, quầy ăn uống, lưu niệm... để tăng doanh thu. Các hãng chỉ bán vé giá rẻ thông thường thì rất khó có lãi nhưng nếu kinh doanh khu dịch vụ ở nhà ga lại có lợi nhuận cao và tiềm năng lớn. Chỉ cần nhìn vào lượng hành khách đi lại ở các sân bay, số lượng chuyến bay cất - hạ cánh mỗi ngày sẽ tính toán, ước lượng được nguồn thu từ các dịch vụ trong nhà ga. Với các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất..., chắc chắn nhà đầu tư sẽ không lo bị lỗ nếu nhà nước bán, nhượng quyền khai thác.
Nhìn ở góc độ khác, cơ quan quản lý ngành hàng không đang có sự “loay hoay” khi nhiều nhà đầu tư xin được nhượng quyền khai thác nhà ga, thậm chí mua đứt 100% vốn sân bay. Nhượng quyền xong, ngành hàng không sẽ được lợi gì? Ở Campuchia, sân bay Siem Reap và Phnom Penh đã được bán cho một tập đoàn lớn về hàng không của Pháp. Sau khi hết thời hạn, ngành hàng không nước này sẽ học được kinh nghiệm về đào tạo, quản lý, vận hành theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Đây mới là điều quan trọng.
Ở Việt Nam, sau khi hết thời hạn chuyển nhượng quyền khai thác sân bay, nếu không nâng tầm trong cách quản lý, vận hành, phải chăng chúng ta chỉ thu được vốn? Khi cổ phần hóa, mở cửa ngành hàng không cho nhà đầu tư tham gia thì cũng nên thu hút cả nhà đầu tư nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm quản lý, điều hành theo hướng hiện đại như các nước đã làm, chứ không chỉ là vốn.
“Nếu bán sân bay, vấn đề an ninh, an toàn hàng không có thể không lo nhưng vấn đề quan trọng khác là có xây dựng được tính chuyên nghiệp của hệ thống, theo tiêu chuẩn quốc tế như các nước hay không?” - một chuyên gia kinh tế nêu quan điểm