Báo cáo động thái doanh nghiệp (DN) Việt Nam 6 tháng đầu năm 2003, do Viện Phát triển Doanh nghiệp - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho thấy các DN vẫn lo sợ về đầu ra cho sản phẩm bởi lượng hàng tồn kho còn nhiều.
69,2% doanh nghiệp lo ngại hàng tồn kho
Các chuyên gia cho rằng tổng cầu vẫn chưa có dấu hiệu tăng. Đây chính là mấu chốt giải quyết đầu ra cho hàng tồn kho. Đánh giá chính sách tiếp cận vốn 6 tháng đầu năm 2013 của VCCI cũng cho thấy 53,6% DN có nhu cầu vay vốn ngân hàng, giảm gần 4% so với cuối năm 2012; 32,3% vay vốn nhằm thực hiện phương án kinh doanh mới, 30% vay vốn để trang trải các chi phí lưu động do khan hiếm tiền mặt và 11,9% vay để trả các khoản nợ đến hạn. Theo thạc sĩ Đoàn Thị Quyên, Viện Phát triển DN, điều này khá nguy hiểm cho cả DN cũng như nền kinh tế. Nợ bên này chưa dứt mà DN tiếp tục vay nợ bên kia chỉ để trả lương, trả chi phí hoạt động chứ không dùng vốn để tạo ra doanh thu, lợi nhuận thì khó khăn sẽ còn nhiều thêm. Trong số những DN có nhu cầu vay vốn, chỉ khoảng 41% DN được ngân hàng đáp ứng và vốn vay từ tín dụng chỉ đáp ứng được 41% nhu cầu vốn dài hạn trong khi tỉ lệ này đối vốn ngắn hạn là 60%. TS Phạm Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, cho biết gần đây truyền thông xuất hiện từ "DN sát". Nghĩa là DN sống nhưng gần như chết, vì có hoạt động kinh doanh nhưng lợi nhuận không đủ trả lãi ngân hàng.
Mạnh dạn tái cơ cấu
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng bản thân các DN thành viên của hội - chủ yếu hoạt động về hàng tiêu dùng - rất quyết tâm mở rộng thị trường, đưa hàng Việt về nông thôn nhưng gần đây cũng gặp khó bởi người dân nông thôn thu nhập ngày càng eo hẹp vì nguồn thu từ nông nghiệp còn thấp. Theo bà Hạnh, hàng Việt được đề cao khi có tới 90%-95% sản phẩm tại siêu thị lớn nhưng thực tế chỉ là sản phẩm gia công. Sản phẩm của những công ty đa quốc gia và nhãn hàng riêng của các siêu thị lớn đã chiếm lĩnh thị trường, trong khi các thương hiệu Việt dần mất đi. Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Nguồn Sinh Thái, ông Võ Thanh Liêm, cho rằng không chỉ cái khó từ kinh tế vĩ mô, khó về vốn hoạt động, khó về đầu ra bao vây DN mà những tiêu cực phí và chi phí khác cũng làm cho DN ngày càng trở nên yếu thế, mất dần khả năng cạnh tranh.
Để giải quyết khó khăn, nhiều chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất là bản thân các DN phải mạnh dạn tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, mạnh dạn cắt lỗ để bán hàng tồn kho. Đồng thời, DN cần giảm sử dụng vốn vay ngân hàng, chỉ nên sử dụng vốn tối đa theo tỉ lệ 1:1 (có 1 vay 1), bởi nợ xấu gia tăng sẽ siết chết DN. DN nên tích cực huy động vốn từ phát hành trái phiếu, kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư tư nhân.