Theo đó, 2 bên cùng thực hiện các dự án nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác thương mại sản phẩm công nghệ cao.
Trả lời báo chí về việc vì sao một quốc gia như Nhật Bản có ngành công nghiệp vi mạch phát triển lại sang Việt Nam tìm hiểu, học tập kinh nghiệm, TS Shin Ichi Wakabayashi, Giám đốc Trung tâm Liên kết quốc tế Nanotech thuộc Quỹ Khoa học Công nghệ tỉnh Nagano, nói: “Chúng tôi rất coi trọng thương mại hóa sản phẩm mà mình nghiên cứu. ICDREC là đơn vị nghiên cứu có uy tín trong việc làm cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố. Đó là điều chúng tôi rất muốn học hỏi. Qua đó, chúng tôi cũng muốn tìm hiểu về chương trình, chính sách của TP HCM trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp vi mạch” (ảnh).
Được biết, việc ký kết hợp tác với Quỹ Khoa học Công nghệ tỉnh Nagano là kết quả của đợt tham gia hội chợ triển lãm về vi mạch và công nghiệp phụ trợ SEMICON Japan 2015 của ICDREC. Tại hội chợ này, ICDREC nhận được sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản như Sony, Renesas, Mitsubishi, CME… Ngoài việc ký kết hợp tác với Nagano, ICDREC còn được nhiều tập đoàn lớn của Nhật đặt hàng làm outsourcing. Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, cho rằng Nhật Bản là thị trường vi mạch tiềm năng mà chúng ta đang hướng tới, nhất là lĩnh vực outsourcing. Các tập đoàn lớn của nước này đánh giá cao đội ngũ kỹ sư thiết kế vi mạch của Việt Nam. “Chúng tôi cũng rất tự tin khi hợp tác với Quỹ Khoa học Công nghệ tỉnh Nagano. Về mặt công nghệ, mỗi bên đều có thế mạnh riêng, do vậy cần góp sức để tạo ra sản phẩm và sở hữu trí tuệ thuộc đồng sở hữu cho cả hai bên” - ông Hoàng nhấn mạnh.
Năm 2015 là năm thứ ba ICDREC triển khai chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của TP HCM và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, Phó Ban Chỉ đạo chương trình - đánh giá: “ICDREC thiết kế các sản phẩm vi mạch có tính ứng dụng cao, đặc biệt chip RFID ứng dụng thành công tại Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ X. Nỗ lực của ICDREC qua chương trình này đã khuyến khích doanh nghiệp Việt sử dụng chip Việt, mở ra nhiều triển vọng cho hợp tác quốc tế về phát triển vi mạch, nhất là hợp tác với Nhật Bản”.
Bài và ảnh: Linh Phạm