Chăn nuôi sẽ là một trong những ngành phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt từ nguồn hàng nhập khẩu khi Việt Nam tham gia các nghị định thương mại. Ngành chăn nuôi gia cầm, gia súc bị thiệt hại nặng nhất. Phần lớn các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi của Việt Nam có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, trong khi các nước đang đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lại có ngành chăn nuôi hiện đại và được đầu tư lớn.
Nhiều hạn chế
Tham dự hội thảo có Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), sở NN-PTNT các tỉnh, các tổ chức quốc tế FAO, JICA, OXFAM, các đại sứ quán, tham tán thương mại các nước tại Việt Nam, Hội đồng Xuất khẩu trứng và gia cầm Mỹ. Các chuyên gia cung cấp nhiều thông tin hữu ích giúp cơ quan nhà nước, DN trong ngành nông nghiệp có bức tranh toàn cảnh về quá trình hội nhập cũng như có giải pháp ứng phó.
Chăn nuôi trong nước chủ yếu quy mô nhỏ, phân tán và đang gặp nhiều khó khăn như chất lượng con giống chưa bảo đảm, giá thức ăn cao, dịch bệnh; năng lực của người chăn nuôi về vốn, kỹ thuật, thị trường còn nhiều hạn chế; chưa có sự liên kết trong chăn nuôi (từ sản xuất, giết mổ, chế biến, tiêu thụ), giá cả lên xuống thất thường, làm cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều bị thua thiệt.
Giá thành sản phẩm chăn nuôi luôn cao hơn giá bán, chất lượng chưa bằng so với các nước trong khu vực, khó cạnh tranh và phát triển trong bối cảnh hội nhập. Để góp phần tháo gỡ khó khăn và có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, các bộ - ngành có liên quan xem xét, hỗ trợ DN, người chăn nuôi gia cầm phát triển bền vững. Hội thảo còn đánh giá cơ hội, thách thức của ngành chăn nuôi gia cầm trước thềm hội nhập và đề xuất các giải pháp quản lý nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành chăn nuôi.
Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, phát biểu tại hội thảo
Doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh
Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cho biết Ba Huân là DN chuyên doanh thịt và trứng gia cầm sạch, khi Việt Nam tham gia TPP, ngoài việc đón nhận lợi thế cũng phải chuẩn bị tâm thế thật vững để đối phó thách thức. Sức ép cạnh tranh là áp lực lớn cho DN khi mà việc giảm thuế nhập khẩu trở về 0%.
Để hội nhập, trong nhiều năm qua, Ba Huân đã chuẩn bị bài bản cùng bà con nông dân ký kết chăn nuôi tạo thành chuỗi khép kín. Đầu tư hệ thống thiết bị xử lý trứng gia cầm của Tập đoàn MOBA Hà Lan với quy trình xử lý trứng tự động hóa 100%. Theo bà Huân, Công ty Ba Huân còn làm cầu nối liên kết 4 nhà (nhà khoa học, chính quyền, ngân hàng và nông dân) cùng tạo nên chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, Công ty Ba Huân còn chuẩn hóa trang trại chăn nuôi quy mô 18 ha tại Tân Uyên, tỉnh Bình Dương như một dạng kiểu mẫu của ngành công nghiệp chăn nuôi hiện đại. Công ty đã mạnh dạn đầu tư xây dựng, mở rộng cơ sở vật chất cho sản xuất. Nhà máy thực phẩm Ba Huân do Công ty Ba Huân làm chủ đầu tư đã chính thức đi vào hoạt động tại Đức Hòa, tỉnh Long An.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành gia cầm, bà Huân cho rằng để cạnh tranh và phát triển trong thời kỳ hội nhập, DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình, phát huy lợi thế sân nhà của từng DN. Bên cạnh, nhà nước cũng cần đầu tư lớn cho ngành chăn nuôi trở thành ngành chăn nuôi công nghiệp thực sự; tập trung giải quyết về năng suất, chất lượng, cải tiến lại nhiều khâu để giá thành không còn cao so với các nước.
Bài và ảnh: Hùng Thanh