Cả nước đang thao thức cùng họ hằng đêm, trong đó có những người đang hành động cùng chiến dịch "90 ngày đồng hành cùng chiến sĩ áo trắng".
Cuối tháng 7-2020, tình hình dịch bệnh từ các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị… được chuyển tải trên nhiều phương tiện thông tin. Không ít người không thể không lo âu nhưng vẫn dõi theo, tin tưởng ngành y tế sẽ cùng toàn dân chung sức, chung lòng vượt qua Covid-19.
Có lẽ, nhiều người đã xúc động khi chứng kiến từng đoàn y bác sĩ ở TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang… tạm biệt bạn bè, người thân hành quân đến miền Trung, bất chấp hiểm nguy, lao vào tâm dịch - thành phố Đà Nẵng.
"Em đã đến Đà Nẵng. Anh và các con an tâm nhé!". Đó là tin nhắn điện thoại từ chị H.T.L - chuyên gia xét nghiệm của Viện Pasteur TP HCM - gửi cho người chồng. Trước đó, lúc 16 giờ ngày 29-7, chuyến bay đưa những "chiến binh áo trắng" khởi hành từ TP HCM đến Đà Nẵng. Nhưng do thời điểm này, sân bay Đà Nẵng tạm ngưng tiếp nhận nên máy bay phải đáp xuống sân bay Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngay trong đêm, họ tiếp tục vượt hơn 100 km đường bộ và đến 21 giờ có mặt tại thành phố Đà Nẵng. Những con phố vắng vẻ sau lệnh giãn cách xã hội khiến họ phút chốc thoáng chạnh lòng. Một vài "chiến sĩ áo trắng" khẽ lau nước mắt.
"Bình yên, các con đợi em về!" - dòng tin nhắn mà người chồng (cũng là một bác sĩ) hồi âm cho chị H.T.L. Tin nhắn chưa được xem vì liên tục sau đó là những cuộc họp kéo dài và những bộn bề của công tác phòng chống dịch cuốn chị đi gần như 24/24 giờ. Ngày bình yên là thời điểm chị H.T.L. hứa sẽ về với hai con trước khi lên đường nhận nhiệm vụ. Đó còn là niềm hy vọng, niềm tin chiến thắng đại dịch vào một ngày không xa.
Nhân viên y tế tác nghiệp tại thành phố Đà Nẵng
"Một con ngựa đau, cả tàu bỏ". Câu tục ngữ này ắt hẳn có sẵn trong tâm trí của những người thổn thức lo âu, luôn theo dõi tin tức và diễn biến bệnh tật của những bệnh nhân mắc Covid-19. Lúc 0 giờ của một ngày áp chót tháng 7-2020, bác sĩ Trần Hùng, Giám đốc Bệnh viện Family (Đà Nẵng) viết trên facebook:
"Các đồng nghiệp thân mến, giờ phút này, chúng ta không nghĩ đến sự an nguy của bản thân, quyết định đương đầu với dịch bệnh, không bỏ rơi bệnh nhân. Đêm qua, chúng ta chia tay người thân để trực chiến 24/7 tại Family Hopistal, siết chặt tay nhau giữ lại những bệnh nhận nặng, đầy rủi ro cho bản thân mình, không "chuyền bóng" cho người khác. Quyết định này sẽ làm không ít người bất an, không ít gia đình lo lắng. Nhưng tất cả chúng ta sẵn sàng nhận nhiệm vụ vì lòng yêu nghề, yêu con người..."
Rồi: "Anh em làm mệt quá, có lúc ăn cơm ăn không nổi. Với 1 đĩa cam, lon sữa hay một loại thực phẩm ăn nhanh nào đó tiếp sức là chúng tôi tiếp tục chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh" - bác sĩ Phùng Đình Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, bộc bạch.
"Chiến sĩ áo trắng" được xem là phòng tuyến cuối cùng, ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Các y bác sĩ phải đeo khẩu trang liên tục nhiều giờ mỗi ngày, mặc nhiều lớp quần áo bảo hộ trong điều kiện ngặt nghèo, không được dùng điều hòa nhiệt độ. Họ gần như kiệt sức khi đêm xuống vì không thể uống nhiều nước, ăn uống đúng bữa, không đủ thời gian nghỉ ngơi. Đặc thù môi trường làm việc và mức độ căng thẳng đòi hỏi cần có chế độ chăm sóc đặc biệt cho các y bác sĩ với thực phẩm bổ dưỡng, nước uống giàu năng lượng.
Từ thực tiễn này, Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) trăn trở và nảy ra sáng kiến kêu gọi các thành viên trong và ngoài hiệp hội cung cấp những sản phẩm tốt nhất, giàu chất dinh dưỡng, đầy đủ năng lượng, để hỗ trợ cho các y bác sĩ tuyến đầu. Chiến dịch "90 ngày đồng hành cùng chiến sĩ áo trắng" ra đời là nhằm mục đích kêu gọi cộng đồng cả nước cùng chung tay với các chuyên gia dinh dưỡng, các doanh nghiệp trong AFT, các nhà báo và tình nguyện viên nhằm bảo vệ sức khoẻ những "anh hùng áo trắng".
Tiếp sức cho y bác sĩ là tăng thêm sức mạnh bảo vệ cộng đồng! Người dân có thể tham gia tại địa chỉ http://bit.ly/90ngaydonghanh.