Sở dĩ có tình trạng trên là do ngành sản xuất mía đường trong nước còn nhiều bất cập. Diện tích trồng mía còn manh mún, chưa áp dụng được cơ giới hóa, chưa ứng dụng được khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng dẫn đến chi phí sản xuất còn quá cao so với nhiều nước trên thế giới. Sử dụng phân bón tràn lan nhưng không mang lại hiệu quả. Sử dụng giống mía hàng chục năm qua, năng suất thấp, trữ lượng đường không cao. Sử dụng nhiều lao động nên đẩy chi phí lên cao. Để giải quyết vấn đề này, Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công vừa tổ chức hội thảo quốc tế “Giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho người trồng mía Việt Nam”.
Tại hội thảo, các công ty mía đường trong nước cũng như nước ngoài đã chia sẻ nhiều thông tin về việc áp dụng khoa học công nghệ, hệ thống tưới tiết kiệm, giống, sử dụng phân bón sao cho hiệu quả trên cánh đồng mía. Trong đó có cả những tiến bộ khoa học kỹ thuật với đầu tư thấp nhưng mang lại hiệu quả cao; kể cả những kỹ thuật, công nghệ đơn giản dễ thực hiện mà lâu nay chưa được quan tâm.
Do diện tích nhỏ, không ứng dụng được khoa học kỹ thuật nên nông dân trồng mía có thu nhập thấp
Công ty CP Đường Nước Trong đã ứng dụng mô hình tưới nước hiệu quả cũng như đầu tư xây dựng được 32 km đường dây trung thế 12,7 KV; 53 trạm biến áp có tổng công suất 2.183 KW và trên 500 đồng hồ điện để cấp điện phục vụ tưới cho trên 2.000 ha mía vào mùa khô. Đối với các vùng có nguồn nước suối từ trên thác, chênh lệch độ cao khoảng 7-10 m so với mặt đất có áp lực cao nên thiết kế hệ thống tưới theo mô hình nước tự chảy và lắp đặt các thiết bị tưới phù hợp để khai thác và sử dụng cho tưới mía hữu hiệu như ống phun mưa, béc phun, tưới tràn, tưới nhỏ giọt đều mang lại hiệu quả cao.
Các chuyên gia nước ngoài còn chia sẻ các hệ thống tưới nhỏ giọt nổi trên mặt đất hoặc chôn ngầm dưới đất. Hệ thống tưới chôn ngầm phù hợp cho diện tích canh tác lớn, tập trung, sử dụng nguồn điện ba pha, còn hệ thống tưới nổi trên đất lắp đặt đơn giản, không cần máy móc, sử dụng điện một pha, phù hợp cho diện tích nhỏ, hộ nông dân, kể cả nguồn nước có lưu lượng thấp cũng sử dụng được. Ngoài ra, còn có hệ thống tưới tràn, tháp tưới tự hành chi phí thấp.
Bằng nhiều biện pháp cải tiến kỹ thuật canh tác, kết hợp kiểm tra quản lý tốt về chăm sóc và thu hoạch, năng suất chất lượng mía vùng nguyên liệu của nhiều công ty tăng lên khá cao. Một số đơn vị còn tận dụng mía gốc do mang lại lợi nhuận cao hơn so với mía tơ, giảm được chi phí vốn đầu tư ban đầu. Càng kéo dài vụ gốc, lợi nhuận càng cao, tăng lợi thế cạnh tranh với các cây trồng khác. Người nông dân luôn sẵn sàng đồng hành cùng công ty xây dựng vùng nguyên liệu mía phát triển bền vững. Để tận dụng gốc mía làm giống cho vụ tiếp theo, khi thu hoạch vụ trước không nên đốn chặt sát gốc mà để vài mắt mía cho vụ sau phát triển tiếp.
Nhiều quốc gia đã thành công trong chương trình lai tạo giống mía phù hợp với điều kiện sản xuất cụ thể của họ như Indonesia, Ấn Độ, Nam Phi, Úc, Brazil, Cuba, Argentina, Mỹ, Colombia, Philippines, Ai Cập, Peru và Cộng hòa Mauritius. Nhờ sự hợp tác giữa những người làm công tác lai tạo giống cây trồng ở các nước khác nhau, giống được lựa chọn tại một quốc gia lại đôi khi là giống thương mại thành công ở các nước khác.
GS-TS Võ Tòng Xuân chia sẻ về kinh nghiệm làm giống mía như dùng giống mía đã qua khảo và thử nghiệm đầy đủ. Giống mía sạch bệnh, thuần thông qua chương trình nhân giống mía ba cấp. Dùng giống mía được lấy từ ruộng giống, lấy vụ mía tơ hoặc gốc một. Dùng mía bảo đảm chất lượng (đúng tuổi làm giống), xử lý giống mía trước khi trồng mới.