Nhiều người mua nhà luôn tỏ ra do dự, phân vân trước khi ra quyết định, trong khi đó một số người khác lại không có sự chuẩn bị cần thiết trước khi quyết định “xuống tiền”, để rồi sau đó phải hối tiếc.
Ảnh minh hoạ
Vậy có cách nào để tránh lâm vào những tình thế như vậy? Nói cách khác, cơ sở nào giúp chúng ta có thể ra được những quyết định sáng suốt trong việc mua nhà? Dĩ nhiên, rất khó để có thể đưa ra một đáp án chung cho mọi quyết định mua, tuy nhiên, người mua nhà cần lưu ý tránh để mắc phải 4 sai lầm thường gặp sau đây:
1. Không làm nghiên cứu và phân tích thích hợp
Hãy là chuyên gia để tự trả lời 2 vấn đề, đó là tài chính và nhu cầu.
Người mua nhà khôn ngoan sẽ phân tích tài chính hiện giờ của gia đình, các khoản thu, chi trong mỗi tháng, mỗi năm, tìm ra “chìa khóa” cho các khoản nợ hiện tại và phát sinh khi mua nhà.
Dù bạn là người có khoản tiền dành dụm khá ổn, nhưng phương án dự trù vay ngân hàng không bao giờ là thừa. Tốn chút ít thời gian tìm hiểu vấn đề này có thể mang lại cho bạn quyết định sáng suốt và bạn sẽ không quá hoảng hốt khi tình huống xấu xảy ra.
Đặc biệt, không nên đánh giá thấp các khoản phí mà bạn trả trong mỗi tháng khi sở hữu căn nhà. Ngoài số tiền mua nhà phải trả, bạn còn phải chịu các khoản phí như các dịch vụ tiện ích, thuế, bảo hiểm, chi phí cải tạo ngôi nhà, chi phí bảo trì sửa chữa mỗi năm… Tại thời điểm này, chúng có thể nhỏ đối với bạn, nhưng theo thời gian, chi phí để duy trì ngôi nhà sẽ tăng lên đáng kể.
Bạn có bao giờ mua nhà và nghĩ rằng ngôi nhà của mình sẽ như thế nào sau 5 năm, 10 năm? Khi ấy, những điều gì khiến bạn phải lo lắng? Trả lời được những câu hỏi này, bạn có thể lập cho mình một danh sách những chi phí cần phải có, điều ấy sẽ khiến bạn phải suy nghĩ nhiều hơn cho quyết định của mình và sẽ có những quyết định đúng đắn hơn.
Điều gì cần cho ngôi nhà mơ ước của bạn? Ngôi nhà trong mơ mà bạn sắp sở hữu đã đáp ứng đủ những yêu cầu đó chưa? Hãy nhớ rằng bạn không chỉ mua một ngôi nhà mà còn đang mua một vị trí. Vì vậy, hãy làm quen với hàng xóm tương lai, tìm hiểu khu phố bạn sắp trở thành cư dân… để tìm hiểu về chất lượng của các trường học, tiện ích, mức độ tội phạm, giao thông và các vấn đề quy hoạch có thể trong tương lai.
2. Không sử dụng trợ giúp chuyên nghiệp
Chắc chắn, bạn có thể đi ra ngoài và mua một ngôi nhà mà không cần sự trợ giúp của bất kỳ một đại lý bất động sản chuyên nghiệp nào. Nhất định bạn sẽ tiết kiệm được một khoản phí. Nhưng điều ấy có phải là lựa chọn tối ưu?
Một đại lý bất động sản chuyên nghiệp đóng vai trò gì mà bạn nên cần đến họ? Để bắt đầu, một chuyên gia bất động sản sẽ tìm hiểu những ngôi nhà phù hợp với nhu cầu mà bạn đặt ra để có một danh sách lựa chọn, sau đó dành thời gian để nghiên cứu và làm công tác thực địa để có hơn một sự lựa chọn tốt, sắp xếp các cuộc hẹn để bạn có được trải nghiệm thực tế tại những ngôi nhà phù hợp với nhu cầu của bạn. Họ sẽ tư vấn, phân tích cho bạn giá trị từng ngôi nhà, giải đáp những thắc mắc của bạn trong từng trường hợp cụ thể.
Cuối cùng, họ sẽ hỗ trợ bạn về vấn đề hợp đồng và pháp lý khi bạn quyết định mua. Điều quan trọng ở đây là nếu bạn tự mua căn nhà của mình có nghĩa là bạn đang đóng vai trò của một chuyên gia bất động sản, nhưng liệu bạn có đủ kinh nghiệm, kiến thức, phân tích chuyên môn để làm điều đó?
3. Gật đầu trước khi thuê một chuyên gia kiểm tra ngôi nhà
Bạn đã tìm thấy một ngôi nhà hoàn toàn phù hợp! Nói cách khác, bạn đang cảm thấy ngôi nhà ấy là người bạn đời trong mộng hằng mơ ước và bạn sẵn sàng “kết hôn” ngay? Hãy khoan! Bạn đã hiểu gì về ngôi nhà mà bạn đang cảm thấy thích thú?
Rất cần một chuyên gia để kiểm tra sự an toàn của ngôi nhà tiềm năng đó. Chuyên gia này sẽ kiểm tra những vấn đề hết sức quan trọng như đánh giá kết cấu, xây dựng, các hệ thống điện nước của ngôi nhà và sẽ cung cấp cho bạn mức giá xấp xỉ cho những vấn đề cần sửa chữa nếu cần thiết. Hãy nhớ rằng những chuyên gia kể trên được đào tạo để tìm lỗi, vì vậy đừng quá bất ngờ khi họ “sản xuất” ra một danh sách dài các lỗi mà ngôi nhà mơ ước của bạn đang tiềm ẩn.
Bạn nên tìm và tự thuê chuyên gia kiểm tra ngôi nhà độc lập với các đại lý môi giới bất động sản, để đảm bảo rằng không có xung đột lợi ích và tránh gian lận nếu có từ đại lý.
4. Không xem xét khả năng thanh khoản của ngôi nhà
Bạn vừa mới mua nhà, viễn cảnh bán nhà chưa bao giờ thoáng qua trong tâm trí của bạn.Tuy nhiên, cuộc sống đầy rẫy những bất ngờ. Khoan nói đến những bất ngờ xấu, khi bạn buộc lòng phải tính chuyện bán nhà vì xảy ra những biến cố, thì việc bạn có thể dễ dàng bán được nhà khi muốn chuyển sang ngôi nhà mới tốt đẹp hơn cũng luôn là điều tuyệt vời.
Tính thanh khoản của ngôi nhà quyết định một phần giá trị của ngôi nhà. Nếu có vị trí tốt, trang trí nội thất đẹp… ngôi nhà ấy sẽ có tính thanh khoản cao và ngược lại.