Theo kênh CNBC (Mỹ), các nước Đông Nam Á có nhiều tiềm năng "nhảy vọt về số hóa" hơn các nước phát triển nhờ vào dân số trẻ, với sự bùng nổ điện thoại thông minh, internet và xu hướng tích hợp kinh tế.
Cạnh tranh với siêu cường
"Trong bối cảnh các cuộc công nghiệp hóa vẫn tiếp diễn, đây là lần đầu tiên các công ty Đông Nam Á có thể cạnh tranh với các công ty khắp thế giới. Đây cũng là lần đâu tiên các công ty Đông Nam Á có thể trở thành nhà vô địch" - ông Patrick Walujo, nhà đồng sáng lập Quỹ đầu tư Northstar Advisors (Singapore), phát biểu tại diễn đàn diễn ra vào tuần rồi ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia nói trên. Quản lý hơn 2 tỉ USD tiền vốn, Northstar Advisors đang hỗ trợ Go-Jek, một unicorn (công ty khởi nghiệp được định giá từ 1 tỉ USD trở lên) chuyên cung cấp dịch vụ gọi xe bằng ứng dụng (tương tự Uber).
Năm nay, ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập và tổ chức gồm 10 thành viên này sẽ mất rất nhiều thời gian nếu muốn đuổi kịp các nước phát triển trong các ngành công nghiệp truyền thống. "Nhưng hệ sinh thái cho số hóa rất khác biệt, đem lại cơ hội cho chúng tôi" - ông Walujo nói thêm. Bằng chứng là, theo dữ liệu của Công ty Tư vấn A.T Kearney (Mỹ), tổng doanh thu của nền kinh tế số khu vực ASEAN đạt 150 tỉ USD/năm, trong đó dẫn đầu là lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
Sự hợp tác giữa các láng giềng càng thắp thêm hy vọng. Ông Paul Bragiel, đồng sáng lập Công ty Bragiel Brothers (tại thung lũng Silicon, bang California - Mỹ) phát biểu tại WEF rằng không chỉ chất lượng nhà đầu tư tăng lên mà các doanh nghiệp cũng hỗ trợ nhau nhiều hơn, từ đó đẩy nhanh tốc độ phát triển. Dĩ nhiên, không dễ để ASEAN trở thành nhà vô địch số thực sự. Một trong những rào cản, theo bà Tan Hooi Ling - đồng sáng lập công ty gọi xe qua ứng dụng Grab (Singapore), là khu vực này "có nhiều tài năng trẻ nhưng chưa có cơ hội phát triển các công ty lớn".
Hệ sinh thái số hóa đem lại cho Đông Nam Á cơ hội vươn lên Ảnh: SHUTTERSTOCK
Lợi thế lao động trẻ
Các chuyên gia tại WEF đã dành cho các doanh nghiệp ASEAN nhiều lời khuyên. Thứ nhất, phải đặt công ty tại trung tâm. "Không thể đi ngược xu hướng đô thị hóa. Mật độ dân cư rất quan trọng" - ông Bragiel nói. Lời khuyên thứ hai đến từ ông Walujo: "Bạn là một công ty ở Đông Nam Á và muốn tạo ra công cụ tìm kiếm làm đối thủ với Google? Điều đó không thực tế. Thay vào đó, bạn có thể tập trung vào những tìm tòi mang tính địa phương".
Thứ ba là lời khuyên về giáo dục. Theo ông Markus Lorenzini, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Công ty Siemens (Đức) ở Thái Lan, Myanmar và Campuchia, ngoài Singapore ra thì các nước ASEAN còn lại đều thiếu điều kiện cơ bản để phát triển môi trường sáng tạo. "Đó là vấn đề giáo dục và cải thiện tiếng Anh. Các chính phủ phải nhấn mạnh chuyện số hóa trong chương trình giảng dạy" - ông Lorenzini nói. Ngoài ra, ASEAN cần đồng bộ tiêu chuẩn để các công ty có thể hợp tác nhiều hơn.
Không chỉ trong lĩnh vực số hóa, trang Bloomberg dự đoán sau nhiều năm nấp dưới cái bóng của các láng giềng ở phía Bắc, Đông Nam Á đang dần chiếm lĩnh vị trí đầu tàu về tăng trưởng trong khu vực. Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng của nhóm ASEAN 5 - bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam - sẽ vượt mức 5% từ nay đến năm 2022 trong khi khu vực Bắc Á chỉ đạt tăng trưởng bình quân 3%.
Một lợi thế của Đông Nam Á, theo Tập đoàn Tài chính Nomura Holdings Inc. là dân số trong độ tuổi lao động sẽ liên tục tăng cho đến năm 2020. Thêm vào đó, các nước ASEAN đều đang đầu tư mạnh cho các dự án hạ tầng quy mô lớn - bình quân chi 110 tỉ USD/năm cho đến năm 2025, qua đó cải thiện việc vận chuyển hàng hóa, dịch vụ và đi lại của người dân, theo Công ty Ernst & Young (Anh).
Sức hút tăng trưởng sẽ kéo những công ty quốc tế đến khu vực, như Coca-Cola đang mở rộng ở Việt Nam và Myanmar; Apple xây dựng các trung tâm nghiên cứu ở Indonesia; còn Heineken (Hà Lan), Anheuser-Busch InBev (Bỉ), Asahi Group Holdings (Nhật Bản), Kirin Holdings (Nhật Bản) đang cạnh tranh miếng bánh lớn nhất trong thị trường bia Việt Nam.