xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

XOAY XỞ VỚI LƯƠNG TỐI THIỂU (*): Công nhân cần được chia sẻ

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nhiều doanh nghiệp trả lương thực tế cao hơn mức lương tối thiểu vùng khoảng 30%, song có không ít doanh nghiệp chỉ trả bằng hoặc nhỉnh hơn chút đỉnh với lương tối thiểu vùng

Tại hội thảo khoa học quốc gia "Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 - Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương" do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - nhấn mạnh: Trong điều kiện nền kinh tế bắt đầu hồi phục, Hội đồng Tiền lương quốc gia cần sớm thống nhất, đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu (LTT) vùng, đồng thời có giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân và người lao động (NLĐ).

Mới đáp ứng 59% mức sống của công nhân

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2018, mức LTT vùng phải bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình người hưởng lương, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu của nghị quyết là đến năm 2020, mức LTT sẽ bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện lộ trình điều chỉnh LTT vùng, khoảng cách giữa LTT và mức sống tối thiểu ngày càng xa do tác động của dịch bệnh, biến động giá cả. Theo tính toán của Viện Công nhân và Công đoàn - Tổng LĐLĐ Việt Nam, mức LTT vùng hiện nay chỉ đáp ứng 59% mức sống của NLĐ.

XOAY XỞ VỚI LƯƠNG TỐI THIỂU (*): Công nhân cần được chia sẻ - Ảnh 1.

Lương tối thiểu hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của công nhân và gia đình .Ảnh: MAI CHI

Điểm lại lộ trình điều chỉnh LTT vùng có thể thấy LTT tăng khá nhanh ở giai đoạn 2013-2016 (khoảng 13%-15%) trước khi giảm còn 7% (2017), 6,5% (2018), 5,3% (2019) và 5,5% (2020). Từ năm 2020 đến nay, NLĐ đang hưởng mức lương 4.420.000 đồng/tháng (vùng I); 3.920.000 đồng/tháng (vùng II); 3.430.000 đồng/tháng (vùng III) và 3.070.000 đồng/tháng (vùng IV). Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, trên 90% doanh nghiệp (DN) hiện căn cứ vào LTT vùng để trả lương cho NLĐ (bằng hoặc cao hơn 7%-10% so với LTT vùng). Cách trả này phù hợp quy định của pháp luật lao động nhưng chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.

Chị Cao Thị Thúy, công nhân (CN) Công ty TNHH Printa (KCX Linh Trung II, TP HCM), cho biết sau 8 năm làm CN may, thu nhập mỗi tháng của chị (gồm lương và phụ cấp) chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Chồng chị là CN cơ khí, lương cũng chẳng khá hơn là bao. Mỗi tháng, ngoài tiền thuê nhà, điện nước, vợ chồng chị phải dành dụm gửi về quê cho 2 con ăn học. Vì thế, tháng nào không tăng ca hoặc tăng ca ít sẽ không đủ chi tiêu.

Từ thực trạng này, bà Lê Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Tai Nan International Vietnam (quận 8, TP HCM), cho rằng việc sớm điều chỉnh LTT vùng cho NLĐ là cần thiết bởi mức LTT vùng đang áp dụng đã quá lạc hậu và không còn đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu của NLĐ. Bà Hằng nhẩm tính: Một gia đình CN có 1 con nhỏ phải ở trọ mỗi tháng sẽ cần chi các khoản: tiền thuê phòng, điện, nước (từ 1,5-2 triệu đồng/tháng), chi phí ăn uống (nếu chỉ tính 50.000 đồng/ngày thì 1 tháng cũng hết 1,5 triệu đồng), tiền xăng xe đi lại, học phí, tiền sữa, tã cho con… chưa kể chi phí phát sinh khi đau ốm, cưới hỏi, ma chay hay dịch bệnh, tính sơ đã thấy thu không đủ bù chi. "Muốn NLĐ gắn bó lâu dài thì trước hết tiền lương phải bảo đảm cuộc sống của họ. Vì vậy, việc điều chỉnh LTT vùng là rất cần thiết, song cần tăng thực chất. Mức tăng phải đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu của NLĐ chứ không chỉ để bù trượt giá như thời gian qua" - bà Hằng nhấn mạnh.

Còn nhiều bất cập

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng khái niệm mức LTT là mức thấp nhất để trả cho NLĐ làm các công việc đơn giản nhất nhưng phải bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Hiện trong 7 yếu tố làm căn cứ để điều chỉnh mức LTT đã có nhiều yếu tố thay đổi mạnh như chỉ số giá tiêu dùng (CPI), mức sống tối thiểu cho NLĐ và gia đình họ, tốc độ tăng trưởng kinh tế, quan hệ cung cầu lao động...

Theo ông Quảng, tỉ lệ lương thực - thực phẩm và phi lương thực - thực phẩm trong việc xác định mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ hiện nay được xác định là 48/52, có thể nói là rất lạc hậu vì điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước đã có bước phát triển, đời sống người dân nói chung, NLĐ nói riêng đã được cải thiện, nhu cầu lương thực - thực phẩm giảm nhiều so với trước đây. "Đây là tỉ lệ của thời điểm đất nước gặp khó khăn, kinh tế - xã hội chưa phát triển. Vì vậy cần phải xem xét lại tỉ lệ này" - ông Quảng nói và đề xuất điều chỉnh tỉ lệ này theo hướng 46,5/53,5 (tương đương Campuchia) hoặc ở mức 47/53 (tương đương Philippines).

Đồng quan điểm, ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TP Hà Nội, cho biết quy định về chuẩn mức sống tối thiểu hiện nay là những nhu cầu tối thiểu nhất mà mỗi người cần phải có để sinh sống, bao gồm nhu cầu về tiêu dùng lương thực - thực phẩm và tiêu dùng phi lương thực - thực phẩm như giáo dục, văn hóa, thể thao. Tỉ lệ 2 yếu tố này hiện nay là 50/50. Tuy nhiên, khi cuộc sống phát triển, các tiêu chí về phi lương thực phải cao hơn tiêu chí lương thực, ngoài ra còn phải tính đến yếu tố tích lũy cho NLĐ. "Theo tôi, xác định được mức sống tối thiểu hiện nay rất khó, vì bên cạnh nhu cầu về lương thực - thực phẩm thì giá trị nhu cầu về tinh thần của NLĐ cũng rất lớn: nhà cửa, con cái, học hành, vui chơi - giải trí... Vì vậy, hiện tại mức LTT vùng chưa đáp ứng mức sống tối thiểu, phải tăng từ 15%-20% nữa mới đáp ứng được mức sống tổi thiểu" - ông Dưỡng bày tỏ. Cũng theo ông Dưỡng, LTT vùng chỉ là mức Chính phủ đưa ra để làm căn cứ cho các DN thương lượng, sắp xếp trả lương không thấp hơn mức đó. Thực tế, nhiều DN trả lương thực tế cao hơn mức LTT khoảng 30%, song có không ít DN không hiểu hoặc cố tình không hiểu chỉ trả bằng hoặc không cao hơn LTT vùng bao nhiêu, đặc biệt là trong thời gian vừa qua, khi Chính phủ không chủ trương tăng LTT vùng, nhiều DN cũng không tăng lương cho NLĐ. Đây chính là điều thiệt thòi, khiến đời sống NLĐ thêm khó khăn. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-3

Kỳ tới: Tạo động lực cho người lao động


Ông NGUYỄN ĐÌNH THẮNG, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN-KCX Hà Nội: Thời điểm thích hợp để tăng lương

Với việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", hầu hết các DN đã đi vào hoạt động bình thường, thậm chí nhiều DN còn tuyển dụng số lượng lớn CN để phục vụ lượng đơn hàng mới bắt đầu dồi dào. Hầu hết DN trong các KCX-KCX TP Hà Nội đã chi trả tiền lương cho NLĐ cao hơn mức LTT vùng được quy định. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đời sống CN vô cùng khó khăn, việc 2 năm qua chưa được tăng LTT càng đè thêm gánh nặng lên vai họ. Tôi nghĩ đây chính là thời điểm thích hợp để tăng LTT cho NLĐ, mức tăng có thể không quá cao, phù hợp với khả năng của DN trong bối cảnh hiện nay nhưng vẫn rất cần tăng để bù đắp, san sẻ bớt khó khăn cho NLĐ. Đây cũng chính là cách giúp NLĐ yên tâm sản xuất, gắn bó với DN, hạn chế tình trạng nhảy việc, nghỉ việc...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo