xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thủ tướng gặp gỡ công nhân kỹ thuật cao (*): Đào tạo nguồn lực tại chỗ

Bài và ảnh: HỒNG ĐÀO

Việc xác định nhu cầu của từng đơn vị và chủ động lên kế hoạch đào tạo hằng năm đã giúp Tổng Công ty Liksin có được đội ngũ công nhân lành nghề

Nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp (DN) và lên kế hoạch đào tạo sát với thực tiễn là chủ trương của Tổng Công ty Liksin áp dụng từ ngày thành lập đến nay. Nhờ hướng đi riêng mà Liksin có được một đội ngũ công nhân (CN) giỏi nghề, thạo việc và vượt qua nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh. "Từ nhu cầu thực tế của DN ở từng vị trí, chức danh, mô tả công việc, tổng công ty sẽ lên kế hoạch tuyển dụng, đào tạo tổng thể. Sự chủ động này giúp Liksin ổn định nguồn nhân lực có tay nghề cao" - ông Lê Đức Dục, Phó Tổng Giám đốc Liksin, cho biết.

Không lo thiếu thợ giỏi

Ý thức được tầm quan trọng của đội ngũ CN kỹ thuật - lực lượng quyết định chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của DN, hằng năm Liksin lên chương trình đào tạo, thi nâng bậc thợ khá bài bản. Thành phần ban huấn luyện đào tạo gồm giám đốc các đơn vị, phòng nhân sự tổng công ty. Học xong lý thuyết nâng cao, các thí sinh sẽ được kiểm tra tay nghề đúng bậc thợ, ngành nghề đăng ký, đặc biệt là thực hành ngay trên thiết bị, máy móc tại DN. Cách làm này giúp CN cập nhật thường xuyên kiến thức, đánh giá đúng năng lực chuyên môn và có hướng cải thiện phù hợp. Chỉ tính riêng trong năm 2018, đã có 330 CN tham gia thi nâng bậc. Năm 2019, dự kiến có 200 CN tham gia kỳ thi này. Hiện CN bậc 1 và 2 tổng công ty chiếm 41%, CN từ bậc 3 đến bậc 4 chiếm 43%. Riêng CN từ bậc 5 đến bậc 7 chiếm 16% và đây là những CN xuất sắc, có kinh nghiệm tốt và gắn bó lâu năm với đơn vị.

Thủ tướng gặp gỡ công nhân kỹ thuật cao (*): Đào tạo nguồn lực tại chỗ - Ảnh 1.

Nhờ tự đào tạo, Tổng Công ty Liksin đã có được đội ngũ công nhân lành nghề

Đồng hành với ban giám đốc, mỗi năm Công đoàn (CĐ) Tổng Công ty Liksin đều tổ chức thi tay nghề dành cho CN với các ngành nghề như phối màu, kiểm tra và phát hiện lỗi sản phẩm, điện công nghiệp… Điển hình trong năm 2018, CĐ và Đoàn Thanh niên tổng công ty đã tổ chức hội thi tay nghề mới với tên gọi "JIT - Hướng dẫn chỉ việc tại nơi làm việc". Các thí sinh viết bài hướng dẫn chỉ việc với công việc thực tế đang làm ở các lĩnh vực như nhân sự, cơ điện, cơ khí, kỹ thuật in... bằng quy trình, công đoạn, hình vẽ cụ thể. Sau đó, ban tổ chức chọn ra 5 thí sinh cao điểm nhất để thi thực hành với việc hướng dẫn công việc cho một thành viên khác tại đơn vị. Hội thi nhằm kiểm tra chất lượng sau đào tạo, đồng thời hoàn chỉnh tài liệu huấn luyện nghiệp vụ cho CNVC-LĐ tổng công ty. Anh Nguyễn Hữu Thành - Xí nghiệp Bao bì giấy Liksin, người đoạt giải nhất trong hội thi - bộc bạch: "Qua hội thi, tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các anh chị đi trước, nhất là thợ bậc cao. Điều quan trọng hơn cả là thợ giỏi như tôi còn được ban giám đốc tạo điều kiện để phát huy hết khả năng sáng tạo".

Khen thưởng, tôn vinh xứng đáng

Ông Bùi Nguyễn Nam Khai, Chủ tịch CĐ Tổng Công ty Liksin, cho biết năm 1995, Tổng Công ty Liksin được thành lập. Qua 15 năm, tổng công ty có 16 cá nhân đạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng do UBND TP và LĐLĐ TP tổ chức hằng năm, có năm tổng công ty có đến 2 cá nhân cùng đạt giải thưởng này. Nhiều cá nhân đạt giải Tôn Đức Thắng hiện nay đã trưởng thành và giữ chức vụ quan trọng tại các đơn vị hoặc tổng công ty như ông Lê Đức Dục (đoạt giải năm 2011) nay là Phó Tổng Giám đốc Liksin, ông Nguyễn Văn Hòa (đoạt giải năm 2013) hiện là Phó Giám đốc Xí nghiệp Bao bì Liksin. Ông Khai cho biết: "Bên cạnh đó, tổng công ty còn có vài chục cá nhân đạt Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi của Thành đoàn TP, Giải thưởng Người thợ trẻ giỏi của Trung ương Đoàn, Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh của Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức… Đặc biệt, có những CN kỹ thuật đã nhận được bằng khen của Thủ tướng như anh Ngô Văn Miên (năm 2014), Nguyễn Thành Long (năm 2017), Huỳnh Ngọc Thạch (năm 2018)…".

Để giữ được lực lượng CN giỏi nghề này, mỗi năm Liksin dành ra khoảng 6-7 tỉ đồng để khen thưởng các sáng kiến, tăng năng suất, phong trào thi đua, những người tham gia đào tạo… Hằng năm, CĐ Tổng Công ty Liksin còn phát động phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch năm. Mỗi tháng, mỗi tổ CĐ chọn ra 1 CN xuất sắc nhất và CĐ tổng công ty khen thưởng 300.000 đồng/người. Cuối năm, CĐ tổ chức lễ rút thăm trúng thưởng phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch. Người trúng giải đặc biệt nhận được 1 xe máy trị giá 30 triệu đồng. Ban tổ chức còn trao nhiều giải thưởng là vàng SJC hoặc tiền mặt… Chị Trần Thị Kiều Oanh, Xí nghiệp Bao bì giấy, được nhận thưởng giải đặc biệt, chia sẻ: "Tôi cảm thấy mình may mắn khi được CĐ và tổng công ty quan tâm. Món quà là động lực lớn để tôi và các anh em đồng nghiệp cố gắng hơn để có cơ hội tham gia giải thưởng năm sau". 

Lo chảy máu chất xám

"Hiện Tổng Công ty Liksin chủ yếu tự đào tạo nội bộ và đang làm tốt. Tuy nhiên, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi chảy máu chất xám. Mỗi năm, Liksin có khoảng 8% CN nhảy việc sang các công ty đa quốc gia, đây là lực lượng CN lành nghề, có chuyên môn, kỹ thuật tốt, gây khó khăn cho quá trình sản xuất của DN. Vì thế, chúng tôi rất mong Chính phủ có cơ chế hỗ trợ cho DN trong quá trình đào tạo và giữ được CN lành nghề như hỗ trợ về chuyên gia, kỹ thuật, miễn giảm thuế..." - ông Lê Đức Dục bày tỏ.

Lời tâm huyết gửi thủ tướng

Anh ĐINH TUẤN KIỆT, Công ty TNHH Vĩ Châu:

89-đinhtuankiet

Đầu tư cho trường nghề

Hiện tỉ lệ lao động kỹ thuật có trình độ trung cấp trở lên trong tổng số lực lượng lao động là 18,79% - con số khiêm tốn so với yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang có những nỗ lực cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu phát triển mới cũng như không để tụt lại phía sau thì cuộc gặp gỡ lần này với người đứng đầu Chính phủ một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Chính phủ, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội đối với CN, lao động.

Để đào tạo nguồn nhân lực cao gắn với thị trường lao động, Chính phủ và các bộ, ngành cần nghiên cứu sắp xếp lại hệ thống các trường nghề; khuyến khích đào tạo theo nhu cầu của DN thay vì đào tạo đại trà thiếu định hướng. Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm, hình thành một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có cơ sở vật chất hiện đại, đủ khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, chương trình đào tạo của một số nước tiên tiến, đồng thời cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của quốc gia.

Anh NGUYỄN VĂN TRỌN, Công nhân Điện lực Tân Phú, TP HCM:

89-nguyenvantron

Học để không bị tụt hậu

Với anh em CN ngành điện như tôi thì việc trau dồi nâng cao tay nghề, năng lực là việc gần như bắt buộc. Công nghệ cứ thay đổi từng ngày, không học thì không biết cách để làm việc. Ngay chuyện đơn giản như việc ghi điện cũng đã áp dụng công nghệ mới, CN phải học mới thực hiện một cách thuần thục. Trong xu thế hội nhập sâu rộng, việc học có lợi cho cả DN lẫn người lao động (NLĐ). Tự thân NLĐ phải hiểu rằng học là vì tương lai của bản thân, không học thì sẽ bị đào thải, do vậy dẫu khó khăn mấy cũng phải ráng học, nâng cao trình độ không ngừng.

Khi điều kiện thu nhập không cho phép thì sự hỗ trợ từ phía DN là rất cần thiết để NLĐ nâng cao trình độ tri thức, tay nghề chuyên môn. Ở đơn vị tôi, NLĐ luôn được tạo điều kiện về thời gian để có thể tham dự các khóa học nâng cao kiến thức chuyên môn và anh em CN luôn chắt chiu cơ hội này. Song song đó, CN bậc cao có trách nhiệm truyền đạt kinh nghiệm cho anh em đồng nghiệp trẻ, nhất là kỹ năng làm việc nhóm. Nhờ được nâng cao tay nghề thường xuyên nên tôi có cơ hội tiếp cận các công nghệ mới cũng như giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với bạn bè trong các nước ASEAN. Là một CN trực tiếp, tôi hy vọng qua buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng và CN kỹ thuật cao, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ có nhiều chính sách để hỗ trợ CN nâng cao trình độ tay nghề, xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Anh LÊ ĐỨC ANH, Công ty CP Thực phẩm Cholimex:

89-lêđứcanh

Tạo động lực bằng chính sách đãi ngộ

Là một trong những CN được tham dự buổi đối thoại trực tiếp với Thủ tướng, bản thân tôi cảm thấy rất vinh dự. Có thể nói, thời đại công nghệ 4.0 tác động lớn đến lực lượng lao động sản xuất. Theo tôi, để hình thành một đội ngũ CN lành nghề, Chính phủ cần thực hiện nhiều chính sách đồng bộ để hỗ trợ DN. Trong đó, cần ưu tiên khuyến khích DN đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại nhằm tạo điều kiện cho CN tiếp cận công nghệ mới, từng bước nâng cao trình độ tay nghề. Đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực công nghệ cao, cần có chính sách ràng buộc DN chuyển giao công nghệ, huấn luyện kỹ năng nghề cho CN.

Đối với CN lành nghề, ngoài chế độ đãi ngộ từ DN, Chính phủ và các bộ, ngành cần nghiên cứu xây dựng chính sách tiền lương hợp lý nhằm tạo động lực làm việc cho NLĐ; khen thưởng và tôn vinh xứng đáng CN có sáng kiến trong lao động sản xuất, nhất là những ngành nghề đòi hỏi hàm lượng chất xám cao, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước.

B.Đằng - T.Nga - K.An ghi

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-5

Kỳ tới: Công nhân kỹ thuật cao là động lực phát triển

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo