xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Công đoàn đề xuất tăng lương tối thiểu từ 7%-8%

Bài và ảnh: VĂN DUẨN

Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đưa ra 2 phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động trong năm 2020, với mức tăng bình quân từ 7,06-8,18%

Sáng 14-6, tại Hà Nội, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã tổ chức phiên họp đầu tiên về lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2020, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Đề xuất của các bên còn chênh lệch quá lớn

Đây là cuộc đàm phán giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam - cơ quan đại diện người lao động (NLĐ) và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện người sử dụng lao động với sự điều hành của cơ quan quản lý là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Công đoàn đề xuất tăng lương tối thiểu từ 7%-8% - Ảnh 1.

Phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia về điều chỉnh lương tối thiểu vùng

Như thường lệ, cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia là họp kín, không có sự tham dự của báo chí. Và qua các năm đàm phán về tiền LTT, chưa có tiền lệ các bên sẽ chốt được phương án trong 1 lần đàm phán mà thường phải qua 3 phiên.

Phát biểu khai mạc phiên đàm phán đầu tiên, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết mong muốn năm nay sẽ kết thúc việc đàm phán tiền lương vào tháng 7-2019. "Hôm nay, chúng ta đã có nghiên cứu kỹ lương, phối hợp cung cấp số liệu, tìm phương án kỹ thuật làm cơ sở thống nhất mức LTT vùng năm 2020" - ông Diệp nêu vấn đề.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sau khi phiên đàm phán kết thúc, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng phiên đầu tiên là dịp để các bên tìm hiểu mức đề xuất điều chỉnh của nhau. Bên cạnh đó, các bên cũng lắng nghe bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra những phân tích và phương án riêng. Theo ông Quảng, đề xuất tăng LTT vùng năm 2020 giữa đại diện NLĐ và đại diện chủ sử dụng lao động chênh nhau rất lớn với 5%. Cụ thể, phía Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất 2 phương án tăng. Phương án 1, tăng bình quân 8,18%, tương ứng với mức tiền tăng 180.000-380.000 đồng, tùy vùng. Phương án 2, đề xuất tăng 7,06%, tương ứng với mức 160.000-330.000 đồng, tùy vùng. Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất điều chỉnh mức LTT năm 2020 bình quân các vùng là khoảng 5,2%. Trong khi đó, phía VCCI chỉ đề xuất mức tăng LTT vùng năm 2020 dưới 3%.

Đánh giá về mức đề xuất của VCCI, ông Lê Đình Quảng nhìn nhận xuất phát từ quyền lợi của mỗi bên song mức đề xuất này chưa bám sát được yêu cầu từ tinh thần của Nghị quyết 27/NQ-TW về mức LTT đáp ứng được mức sống tối thiểu. "Nếu không đạt được kỳ vọng tăng lương cho NLĐ như đề xuất của tổ chức Công đoàn thì đời sống của NLĐ sẽ rất khó khăn" - ông Quảng bày tỏ.

Công nhân vẫn sống khổ

Phóng viên Báo Người Lao Động hỏi: Nếu mức tăng LTT vùng năm 2020 không đạt được như kỳ vọng của tổ chức Công đoàn thì NLĐ sẽ gặp những khó khăn ra sao? Ông Quảng cho biết bằng các chính sách nâng LTT những năm qua, đặc biệt là trong năm 2019, đời sống của NLĐ đã được cải thiện và nâng lên rất nhiều. Dù vậy, đời sống của NLĐ vẫn còn rất khó khăn.

Ông Quảng dẫn chứng kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam về đời sống công nhân (CN), đặc biệt là CN dệt may, da giày… có đến 69% NLĐ trả lời rằng tiền lương không đủ để trang trải cuộc sống; 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương trong tháng; 37% cho biết họ luôn ở trong tình trạng vay nợ từ bạn bè, người thân hay hàng xóm để bù thiếu hụt chi tiêu trong tháng. "Chúng ta biết rằng tình trạng "tín dụng đen" hoành hành ở khu vực CN tại các KCN đã tác động rất xấu đến đời sống CN. Bên cạnh đó, gần 70% số CN được hỏi cho biết hiếm khi hoặc chưa bao giờ có thời gian rảnh để đi chơi, thăm bạn bè vì họ thường xuyên phải làm thêm giờ. Đặc biệt, khi chúng tôi đi khảo sát, rất ngỡ ngàng khi có đến 20% NLĐ trả lời rằng với thu nhập như hiện nay, họ không đủ tiền để mua đồ dùng học tập cho con. Điều đấy nói lên dù đời sống CN đã được cải thiện nhưng so với nhu cầu tối thiểu thì NLĐ vẫn còn rất khó khăn" - ông Quảng nói. Từ những dẫn chứng này, ông Quảng khẳng định nếu năm 2020 không tăng LTT vùng theo đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam ở mức 7,06-8,16% thì chắc chắn đời sống của NLĐ sẽ còn vất vả, gian nan.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho rằng luôn kỳ vọng vào các chương trình đàm phán có kết quả tốt đẹp để đi đến thống nhất chung, đáp ứng được yêu cầu mong mỏi của sự nghiệp phát triển kinh tế cũng như sự phát triển của doanh nghiệp với mục tiêu cao cả là bảo đảm đời sống của NLĐ và duy trì việc làm cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập thành công. Tuy nhiên, ông cho biết hơn 20 hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đề nghị VCCI không chọn phương án tăng LTT vùng 2020.

Dự kiến, phiên thương lượng lần thứ 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gian sẽ diễn ra trong tháng 7-2019. 

LTT mới đáp ứng 95% nhu cầu sống tối thiểu

Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, với mức tăng LTT vùng năm 2019 là 5,3%, đời sống của NLĐ ngày càng được cải thiện. Đáng chú ý, ở nhóm có lương cao hơn lại có mức tăng thấp hơn, trong khi ở nhóm có mức lương thấp lại tăng cao hơn. Điều này chứng tỏ mức điều chỉnh ngày càng tiệm cận dần với nhu cầu sống tối thiểu. Tuy nhiên, trên thực tế, mức tăng này mới chỉ đáp ứng khoảng 95% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và đời sống của một bộ phận CN hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ý KIẾN

Ông NGUYỄN THANH AN, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Việt Nam Samho:

Đừng để công nhân hụt hơi

Năm nào Chính phủ cũng điều chỉnh tăng lương LTT vùng với mục đích cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống cho NLĐ. Nhưng thực tế, mỗi khi lương tăng thì vật giá cũng leo thang và điều này không giúp đời sống NLĐ được cải thiện. Đó cũng là lý do NLĐ buộc phải tăng ca để thêm thu nhập. Hiện nay, ngoài điều chỉnh LTT vùng theo quy định, hằng năm, công ty chúng tôi vẫn duy trì tăng lương theo niên hạn cho NLĐ ở mức 5%. Nhưng với thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/tháng (bao gồm cả lương tăng ca), NLĐ đã phải sống rất tằn tiện. Vậy thử hỏi với mức lương cơ bản khoảng 4,2 triệu đồng/tháng, không tăng ca và doanh nghiệp không có chính sách tăng lương niên hạn thì sao NLĐ đủ sống?

Do vậy, khi ra quyết sách về lương, các bộ - ngành cần cân đối chỉ số trượt giá để đưa ra tỉ lệ phù hợp. Với tình hình thu nhập của NLĐ hiện nay, tôi cho rằng mức tăng LTT vùng năm 2020 phải từ 7% trở lên mới hợp lý và đáp ứng phần nào sự kỳ vọng của NLĐ.

Chị ĐẶNG THỊ LOAN, công nhân Công ty TNHH Freetrend (KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TP HCM):

Lo cho bản thân đã khó!

Hiện nay, vật giá tăng rất nhanh, xăng tăng, điện tăng hoài nhưng lương lại tăng chậm. Với mức lương cộng các khoản phụ cấp sau 5 năm ký hợp đồng, hằng tháng tôi lãnh được 5,5 triệu đồng. Với mức thu nhập này, lo cho bản thân đã khó nói gì nuôi con hay phụ giúp gia đình. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều anh chị khác phải cật lực tăng ca mới đủ sống. Những người làm ở các doanh nghiệp ít đơn hàng, ít tăng ca, phải đi làm thêm như chạy xe ôm công nghệ, phụ bán quán ăn, lãnh hàng về nhà may gia công, bán hàng các chợ đêm... Chúng tôi phải cố gắng làm mọi cách để sống, nên thời gian nghỉ ngơi, vui chơi giải trí ngày càng ít đi. Đời sống vật chất thiếu thốn, đời sống tinh thần rất nghèo nàn.

Vì thế, tôi và rất nhiều anh chị em CN mong mỏi Hội đồng Tiền lương quốc gia xem xét, điều chỉnh mức nâng LTT phù hợp để CN chúng tôi sống được bằng lương!

H.Đào - C.Hường ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo