xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cân nhắc khi nhảy việc

QUỐC ĐỊNH -THÀNH ĐỒNG

Tìm kiếm môi trường làm việc mới phù hợp với khả năng là điều cần thiết song người lao động phải hết sức thận trọng

Do bất đồng với người quản lý trực tiếp nên sau Tết, anh Lê Văn Nghi, nhân viên sale một công ty chuyên phân phối xe phân khối lớn tại TP HCM, nộp đơn xin nghỉ việc. Nói về quyết định của mình, anh Nghi chia sẻ: "Sếp quản lý quá độc đoán, ít khi lắng nghe cấp dưới, do vậy tôi rất ức chế và quyết định rời bỏ công ty. Tôi cần một nơi làm việc phù hợp với khả năng và thử thách mình nhiều hơn".

Tự làm mới mình

Thông qua quan hệ bạn bè, Nghi nộp hồ sơ ứng tuyển vào một công ty du lịch và được chọn lựa chỉ sau một vòng phỏng vấn. Giám đốc tại công ty mới đánh giá cao kiến thức của Nghi về các dòng xe gắn máy cũng như kinh nghiệm tổ chức các tour du lịch mạo hiểm mà anh đúc kết sau gần 6 năm phượt cùng bạn bè.

Cân nhắc khi nhảy việc - Ảnh 1.

Người lao động tìm việc tại một hội chợ việc làm ở TP HCM Ảnh: HỒNG ĐÀO

Chỉ một tháng sau khi gia nhập công ty, Nghi đã ghi dấu ấn bằng việc tổ chức tour du lịch bụi thành công cho một nhóm khách 5 người tại TP HCM. "Có thể cho là tôi may mắn nhưng việc được trải nghiệm ở một môi trường làm việc mới và tiếp tục đeo đuổi đam mê du lịch đã là thành công bước đầu. Tôi không hề hối hận về sự lựa chọn của mình" - Nghi chia sẻ.

Nghi cũng cho biết so với chỗ làm cũ, mức lương ở chỗ làm mới không cao hơn nhưng điều đó không quan trọng, bởi tìm kiếm thử thách mới là mục tiêu chính của anh.

Rời vị trí trưởng phòng kỹ thuật của một doanh nghiệp (DN) gia công giày da với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng, song anh Lê Văn Hậu (quê Quảng Ngãi) vẫn không thấy nuối tiếc. "Công việc cứ lặp đi lặp lại khiến tôi cảm thấy nhàm chán và muốn tìm kiếm môi trường mới để học hỏi thêm, đặc biệt là rèn giũa thêm kỹ năng quản lý" - anh Hậu cho biết.

Sau khi nộp hồ sơ ở 5 công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Bình Dương, Hậu được 1 đơn vị lựa chọn bởi anh đã có kinh nghiệm quản lý và biết ngoại ngữ.

"Thu nhập ở công ty mới thấp hơn chỗ cũ, song tôi rất hài lòng bởi nhà tuyển dụng đánh giá cao kinh nghiệm lẫn kỹ năng làm việc của tôi. Quan trọng hơn là qua trao đổi, họ vạch ra rất rõ định hướng phát triển của DN và kèm theo đó là những điều kiện bắt buộc để người lao động (NLĐ) nâng cao trình độ. Đặt mình trước áp lực sẽ giúp tôi trưởng thành hơn" - anh Hậu giãi bày.

Lường trước rủi ro

Tuy nhiên, không phải NLĐ nào cũng gặp may mắn như anh Nghi và anh Hậu. Rất nhiều bạn trẻ mong muốn tìm kiếm cơ hội việc làm mới, thử thách mới song không phải ai cũng được toại nguyện.

Theo các chuyên gia nhân sự, nhảy việc trong điều kiện kinh tế khó khăn là rủi ro lớn nhất mà NLĐ đối diện, nhất là trong trường hợp không tìm được việc làm phù hợp với nguyện vọng. "Môi trường làm việc ở các DN rất khác nhau, mỗi nơi đều có luật lệ bất thành văn nên NLĐ phải thích nghi mới có thể trụ lại được. Thay đổi môi trường làm việc đồng nghĩa với việc NLĐ phải gầy dựng lại các mối quan hệ và việc này mất khá nhiều thời gian" - ông Võ Văn Hùng, trưởng phòng nhân sự một DN có vốn đầu tư nước ngoài tại TP HCM, chia sẻ.

Ông Trần Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho biết thời điểm đầu năm các công ty có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhưng nhu cầu tìm việc vào giai đoạn này cũng không hề ít. NLĐ nào cũng đều mong muốn tìm được công việc tốt và cơ hội thăng tiến nên sự cạnh tranh lúc này là rất lớn, do vậy nếu không có chuẩn bị tốt NLĐ sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp. "Để hạn chế rủi ro, NLĐ phải biết nắm bắt cơ hội, tránh bị tiêu tốn nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc. Mặt khác, một công việc tốt, lương cao, chế độ tốt không có nghĩa sẽ tốt hơn ở công ty cũ. Bởi lương cao, điều kiện làm việc tốt sẽ đi kèm với áp lực công việc cao" - ông Tuấn lưu ý.

Lập kế hoạch rõ ràng

Từ kinh nghiệm tuyển dụng lao động, ông Lê Hòa Bình, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty CP Thực phẩm Hòa Bình, cho rằng động cơ của đa số NLĐ khi nhảy việc là để phát triển nghề nghiệp, tạo dựng mối quan hệ mới, môi trường làm việc mới. Do vậy, NLĐ cần lập kế hoạch nhảy việc sao cho hợp lý nhằm hạn chế rủi ro cho bản thân.

"NLĐ phải tìm hiểu kỹ về công ty tuyển dụng qua các kênh và xem có phù hợp với mục đích của mình hay không. Hãy tự đặt cho mình một số câu hỏi như bạn muốn phát triển kỹ năng gì và phát huy tốt nhất khả năng trong môi trường ra sao? Một khi đã xác định được thực chất những gì mình muốn, bước kế tiếp là tìm loại hình công việc phù hợp với phong cách và nhu cầu bản thân" - ông Bình đưa ra lời khuyên.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo