Kết thúc phiên giao dịch chứng khoán (CK) cuối tuần qua, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng lên đạt mức 636,65 điểm, HN-Index lên 87,04 điểm, giá trị giao dịch 2 sàn đạt 4.857 tỉ đồng. Tính chung cả tuần, đã có 21.058 tỉ đồng cổ phiếu đã được trao tay, bình quân mỗi phiên đạt 4.211 tỉ đồng, nhiều gấp 2 - 3 lần so với những ngày trong tháng 6. Đây là tuần thứ hai trong tháng 8 giá trị giao dịch tăng lên mạnh, nhờ đó các công ty CK thu nhiều khoản lợi đáng kể.
Cái được lớn nhất…
Ông Johan Nyvene, Tổng Giám đốc Công ty CP CK TP HCM (HSC), cho biết quý I/2014, giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường đạt 3.200 tỉ đồng/ngày nhưng HSC thận trọng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2014 dựa trên giá trị giao dịch ở mức 2.500 tỉ đồng/ngày. Vào quý II, thanh khoản tụt giảm mạnh, có phiên giá trị giao dịch 2 sàn chỉ khoảng 1.000 đồng/phiên, đã khiến ông lo lắng. Tuy nhiên, với tình hình thanh khoản gia tăng trở lại như hiện nay và nếu kéo dài thêm thì HSC sẽ đạt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra trước cổ đông. Khi thị trường giao dịch mạnh, nguồn thu của công ty CK từ: phí môi giới, lãi vay margin, tự doanh và các nguồn khác đều tăng.
Tổng Giám đốc Công ty CP CK Rồng Việt (DVSC), ông Nguyễn Hiếu, cho rằng có 4 yếu tố tác động chính đến hoạt động của các công ty CK là thanh khoản, điểm số, tâm lý nhà đầu tư và diễn biến của các doanh nghiệp niêm yết. Khi thị trường CK tăng, thanh khoản cao, các công ty niêm yết hoạt động tốt hơn thì lại tiếp tục thu hút được nhà đầu tư tham gia vào thị trường nên các công ty CK gặp nhiều thuận lợi. Hiện tại, phí môi giới chiếm 35% trong doanh thu của DVSC, còn lại là hoạt động kinh doanh dịch vụ CK, các mảng tài trợ... “Kế hoạch lợi nhuận năm nay chúng tôi đặt ra không cao nhưng đã vượt kế hoạch 6 tháng. Với tình hình này, hy vọng chúng tôi tiếp tục tận dụng được các dịch vụ để có kết quả cả năm tốt nhất” - ông Hiếu nói.
Phân hóa “giàu, nghèo”
Tổng giám đốc một công ty CK có vốn điều lệ khá nhỏ cho rằng khi thị trường tăng thanh khoản thì các công ty CK thuộc tốp 10 thị phần môi giới thu nhiều lợi nhuận. Bởi việc chiếm thị phần môi giới đồng nghĩa với các dịch vụ kèm theo cũng gia tăng, trong khi các công ty nhỏ ngày càng bị “teo” dần vì khách hàng, đặc biệt là khách hàng lớn lần lượt ra đi vì các dịch vụ tài chính của công ty nhỏ không cạnh tranh lại với công ty lớn. Đó cũng là lý do ngày càng có sự phân hóa “giàu, nghèo” rõ ràng giữa các công ty CK.
Theo thống kê của Sở Giao dịch CK TP HCM, tốp 10 công ty CK dẫn đầu thị phần quý II tại sàn này đã chiếm 63,3% thị phần, tăng 62% so với quý trước; còn hơn 80 công ty CK khác tranh nhau “phần bánh” nhỏ xíu còn lại. Đáng chú ý là tốp 3 công ty CK dẫn đầu lại cách xa các công ty trong tốp 10 còn lại. Cụ thể, Công ty CP CK Sài Gòn (SSI), chiếm 13,22% thị phần, kế đó là HSC với 13,13% thị phần, Công ty CK ACB chiếm 6,23%, các công ty còn lại chiếm khoảng 4%.
Trong quý II, SSI đạt mức doanh thu thuần 488 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 237 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, 2 chỉ tiêu này tăng lần lượt tăng 161% và 363%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần SSI đạt 871 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 482 tỉ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu 6 tháng đầu năm của SSI cho thấy doanh thu môi giới mang về 144 tỉ đồng, cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước và đầu tư, góp vốn mang lại 509 tỉ đồng, cao gấp gần 4,5 lần cùng kỳ trước. Dù quý II thanh khoản tụt giảm nhưng HSC cũng có nguồn thu chính từ môi giới và tự doanh là 63 tỉ và 50 tỉ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty này đạt doanh thu 423 tỉ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 215 tỉ đồng, tăng 74%.