Ngắm dòng nước chảy từ thác cao - Ảnh: Thanh Ba
|
Cách thị trấn Thạnh Mỹ chừng 7 km, chạy men theo tuyến quốc lộ 14D, thác Grăng nằm ẩn mình giữa những ngọn núi nhô cao, được bao bọc bởi cánh rừng bạt ngàn cây lá thuộc địa phận xã Tà Bhinh và được ví như mái tóc nàng tiên bồng bềnh giữa đại ngàn.
Trong làn sương sớm những ngày đầu xuân mới, chúng tôi quyết tâm cuốc bộ gần 2 km trên con đường đất gồ ghề sỏi đá dẫn vào thắng cảnh mà người dân địa phương bảo vẫn còn hoang sơ lắm.
Từ đằng xa, đã cảm nhận thứ âm thanh róc rách vang vọng tạo ra bởi dòng suối đang tuôn trào vỗ xô những ghềnh đá. Và rồi thác Grăng hiện ra trước mắt với nét đẹp mang đậm vẻ hoang sơ do thiên nhiên ban tặng khiến lữ khách mê mẩn.
Những bọt nước trắng xóa bắn tung tóe sau khi dòng suối từ non cao trút xuống va vào hốc đá rồi tạo thành dòng chảy trong vắt, men theo đường kênh dẫn về các bản làng, trở thành nguồn nước sạch vô tận cho đồng bào vùng cao nơi đây.
Thác Grăng chia thành 3 tầng nên còn có tên gọi khác là “Tam giác Grăng”, miền giao thoa giữa các tầng như một đường gấp khúc mang dáng dấp uốn lượn.
Độ cao của mỗi tầng ước chừng khoảng 20 m và ở bất cứ tầng nào của thác, du khách cũng có thể trải nghiệm, hòa mình với thiên nhiên hoang dã để tận hưởng cảm giác sảng khoái khi được ngâm mình trong dòng suối mát.
Những ngày chuyển giao giữa mùa xuân và hạ là thời điểm người dân và khách du lịch tìm đến tham thú thác Grăng đông nhất. Hi vọng tương lai không xa, thác Grăng sẽ góp phần thúc đẩy và thay đổi bộ mặt du lịch của huyện miền núi này.
Tầng 1 thác Grăng - Ảnh: Thanh Ba
|
Những bọt nước trắng xóa từ tầng 2 của “Tam giác Grăng” - Ảnh: Thanh Ba
|
Thỏa sức tận hưởng dòng nước suối trong mát - Ảnh: Thanh Ba
|
Nước suối chảy róc rách luồn qua các hốc đá - Ảnh: Thanh Ba
|