Báo cáo tại Hội nghị, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) điểm lại một số kết quả đạt được năm 2023 liên quan việc thực hiện chính sách BHYT. Đồng thời nhấn mạnh, trong năm 2024, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo phối hợp xây dựng chính sách, pháp luật BHYT. Trong đó, kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Đặc biệt, chủ động phối hợp cùng BHXH Việt Nam giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ. "Hai bên sẽ xem xét thành lập Tổ công tác chung giải quyết các vướng mắc, với cơ cấu gồm: Lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo BHXH Việt Nam; đại diện các cơ quan liên quan; đại diện các vụ, cục, ban có liên quan của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam; các hội đồng chuyên môn về y dược của Bộ Y tế, Hội đồng Y khoa quốc gia. Để bảo đảm tính độc lập, khách quan và xử lý kịp thời các vướng mắc trong KCB BHYT và điều chỉnh kịp thời các vướng mắc do các văn bản quy định chưa thống nhất…" - đại diện Vụ BHYT cho biết.
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cũng cho biết, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, BHXH Việt Nam luôn chủ động, tích cực phối hợp cùng ngành Y tế và các cơ sở KCB xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về BHYT; kịp thời có giải pháp tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa người tham gia và hưởng BHYT theo luật định. Bên cạnh đó, trong năm 2023, toàn ngành BHXH Việt Nam đã ký hợp đồng với hơn 12.851 cơ sở KCB BHYT (2.600 cơ sở KCB BHYT ký trực tiếp). Tất cả cơ sở này đã kết nối với Hệ thống Thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam, với tỉ lệ liên thông dữ liệu trong ngày đạt 94,5%. Do đó, quyền lợi của người tham gia BHYT cơ bản được bảo đảm theo quy định. Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh liên quan các sai phạm trong công tác giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT; đồng thời hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc của địa phương...
Đến nay, 100% cơ sở KCB BHYT (12.851 cơ sở) trên toàn quốc triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, với hơn 55 triệu lượt người sử dụng hình thức này để làm thủ tục KCB, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.
Tiếp tục phối hợp, hoàn thiện luật BHYT
Xác định nhiệm vụ năm 2024 còn rất nhiều vấn đề cần phối hợp giải quyết, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh thống nhất với đề xuất của Bộ Y tế về các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Luật BHYT (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật. "Cân đối quỹ không chỉ là trách nhiệm của riêng BHXH Việt Nam, mà cũng là nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Hai bên cần phối hợp chặt chẽ bảo đảm sự phát triển bền vững của quỹ BHYT, vì quyền lợi của người tham gia" - ông Mạnh nói.
Tại hội nghị lãnh đạo Bộ Y tế và BHXH khẳng định thời gian tới, hai ngành sẽ tiếp tục phối hợp rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT, nhằm khắc phục bất cập trong tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, nhất là về phát triển người tham gia BHYT. Đồng thời, tìm ra phương án tối ưu để hướng tới mục tiêu lâu dài trong chăm sóc sức khỏe, bảo đảm lợi ích của người tham gia BHYT...