Khi Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" (Net-Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), "ESG" trở thành khái niệm mới thu hút sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp nội địa trong đó trọng tâm là mạng lưới ngân hàng giữ vai trò chủ lực trong cung ứng vốn tín dụng, thúc đẩy quá trình "xanh hóa" nền kinh tế. Agribank cũng nhanh chóng hệ thống hóa và đánh giá toàn diện các hoạt động của ngân hàng theo ba trụ cột chính (E-Environmental: Môi trường; S-Social: Xã hội và G-Governance: Quản trị).
Bước đệm vững vàng cho hành trình tăng trưởng xanh
Trong suốt hành trình 35 năm lớn mạnh cùng đất nước, phát triển bền vững tại Agribank không phải hành động theo xu thế mà là sự tích lũy và phát triển cho chiến lược dài hạn. Ý thức được từ rất sớm về tầm quan trọng của tính bền vững trong hoạt động đầu tư cho nền kinh tế, Agribank đã tập trung vào các hoạt động phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đóng góp xã hội ngay từ những ngày đầu thành lập.
Yếu tố E tại Agribank không dừng lại ở mức nhận thức, Agribank lan tỏa hành động "xanh" từ nội tại ngân hàng đến khách hàng và đối tác. Xuất phát từ những thay đổi trong nhận thức của chính Agribanker với những hành vi nhỏ như thực hành tiết kiệm tài nguyên, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, không lãng phí nước, giảm rác thải nhựa, đồ dùng một lần… cho tới những phong trào thi đua phát động trên toàn hệ thống như "Agribank - Vì tương lai xanh, Thêm cây thêm sự sống", "Nói không với rác thải nhựa", "Nói không với hút thuốc lá", "Gìn giữ môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp", "Chung tay làm sạch môi trường biển", "Cùng hành động giảm khí thải ra môi trường". Tại nhiều chi nhánh Agribank trên toàn quốc, những món quà tặng như túi đựng tiền làm bằng các chất liệu thân thiện với môi trường, bình nước giữ nhiệt thay thế chai nhựa mang theo thông điệp "Vì tương lai xanh" đã góp phần truyền cảm hứng tới các khách hàng, đối tác và cộng đồng cùng thực hành bảo vệ môi trường.
Agribank và hành trình trồng 1 triệu cây xanh "Thêm cây thêm sự sống"
Với vai trò chủ lực trên thị trường tài chính cho nông nghiệp, nông thôn, Agribank xác định việc cung ứng vốn và dịch vụ tài chính hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện môi trường và thúc đẩy tăng trưởng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, xây dựng nền nông nghiệp sạch, an toàn, phát triển bền vững là một trong những mục tiêu trọng tâm. Trong nhiều năm qua, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; quản lý rủi ro thiên tai; hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp; cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; điện gió; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên... Dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của Agribank có sự tăng trưởng ổn định qua từng năm, đạt 12.212 tỉ đồng tính đến 31-12-2023 với gần 42 nghìn khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ lĩnh vực lâm nghiệp bền vững hơn 6.853 tỉ đồng, chiếm hơn 56% tổng dư nợ tín dụng xanh; tiếp đến là lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh... Từ 2016, Agribank tiên phong triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỉ đồng và không hạn chế về nguồn vốn phục vụ sản xuất "nông nghiệp sạch" vì sức khỏe cộng đồng với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm. Tính đến hết tháng 9-2023, doanh số cho vay từ khi bất đầu triển khai chương trình của Agribank đã đạt trên 30.000 tỉ đồng, dư nợ đạt trên 2.000 tỉ đồng với gần 300 khách hàng.
Nếu sử dụng lăng kính ESG để nhìn vào các hoạt động xuyên suốt, chỉ đạo điều hành của Agribank trong nhiều năm qua cho thấy, Agribank đã luôn gắn với yếu tố S. Agribank triển khai tài chính toàn diện tới mọi miền Tổ quốc với 7 Chương trình tín dụng chính sách và 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia giúp chuyển tải nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của người dân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Quy trình, phương pháp cho vay thường xuyên được cải tiến qua việc triển khai 2 mô hình đặc thù là liên kết chặt chẽ với 25.000 tổ vay vốn, các hội nông dân, hội phụ nữ và điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với 68 điểm tại 486 xã để khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ Agribank với thủ tục nhanh gọn, hiệu quả.
Giải chạy "Agribank - Vì tương lai xanh" - những bước chạy bền bỉ vì cộng đồng
Agribank luôn là một trong những ngân hàng tiên phong thực hiện những hoạt động lan tỏa trách nhiệm xã hội. Ghi dấu ấn 35 năm phát triển, giải chạy "Agribank - Vì tương lai xanh" thu hút sự hưởng ứng tham gia tích cực của đông đảo cán bộ, người lao động (CB-NLĐ) Agribank với thành tích số km của 35.000 vận động viên tham gia Giải chạy quy đổi tối đa thành 35 tỉ đồng triển khai tài trợ các hoạt động vì cộng đồng và bảo vệ môi trường. Riêng năm 2023, bằng nguồn tài chính của mình cũng như đóng góp tự nguyện của CB-NLĐ trong toàn hệ thống, Agribank đã ủng hộ hơn 500 tỉ đồng tài trợ an sinh xã hội, xây dựng trường học, trạm y tế, nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa, các địa phương còn nhiều khó khăn trên khắp cả nước.
Tại Agribank, môi trường làm việc được xây dựng dựa trên yếu tố bình đẳng và công bằng, tôn trọng sự đa dạng, trân trọng sự cống hiến và hướng tới phát triển bền vững cho hơn 4 vạn CB-NLĐ trong hệ thống. Tỉ lệ CB-NLĐ nữ chiếm gần 54% với 5 nữ lãnh đạo cấp cao nhất Agribank, 1.073 cán bộ nữ tham gia Ban Lãnh đạo các Ban, Trung tâm và tương đương tại Trụ sở chính và Ban Giám đốc các chi nhánh. Phúc lợi của Agrbank toàn diện trên mọi phương diện tài chính, tinh thần, nâng cao kiến thức và trình độ chuyên môn với nhiều hoạt động thường niên gắn kết và trao quyền cho nhân sự.
Xét trên yếu tố G (Quản trị), thông tin về hoạt động Agribank luôn được công bố minh bạch và công khai theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ qua các hệ thống kênh thông tin của Agribank và báo cáo lên các cấp có thẩm quyền. Về mặt tổ chức, Agribank có cơ cấu rõ ràng, phân bổ trách nhiệm quản lý hợp lý, bảo đảm tách bạch giữa quản trị và điều hành, định hướng chiến lược cụ thể giúp tăng trưởng bền vững; thiết lập đầy đủ các đơn vị chuyên trách về quản lý, giám sát rủi ro, đảm bảo an toàn trong mọi hoạt động. Các cơ chế, quy định được xây dựng bài bản, có hệ thống; trong nội quy lao động, văn hóa Agribank, yêu cầu CB-NLĐ tuân thủ phòng, chống tham nhũng, hối lộ; công khai tiền lương, thu nhập của Hội đồng thành viên, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát trong Báo cáo tài chính; thực hiện kê khai tài sản, thu nhập theo đúng quy định của pháp luật.
Tiến bước số hóa, "phủ xanh" dòng vốn và cam kết phát triển bền vững
Tiếp nối những điểm sáng trên các trụ cột về ESG đã thực hiện được trong nhiều năm qua, năm 2023, Agribank tuyên bố cam kết chính thức triển khai ESG theo chuẩn quốc tế. Đến nay, Agribank đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc triển khai ESG gồm các nhân sự cấp cao và đội ngũ chuyên môn nhằm nghiên cứu triển khai thực hành quản lý ESG đồng bộ, hiệu quả trong mọi mặt hoạt động.
Agribank cam kết thực thi ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị)
"Số hóa" là một trong những định hướng phát triển quan trọng của Agribank trong nỗ lực hiện thực hóa các cam kết phát triển bền vững. Trong nội bộ, công nghệ số được ứng dụng trong ban hành văn bản chỉ đạo, chuyển giao và lưu trữ giấy tờ giữa các đơn vị thông qua hệ thống iOffice, quy trình vận hành tại Agribank hạn chế đáng kể lượng tiêu thụ giấy. Bên cạnh đó, đối với khách hàng, Agribank tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng xanh trên nền tảng công nghệ để cung cấp hệ sinh thái tiện ích số vượt trội cho khách hàng, đẩy mạnh giải pháp thanh toán thân thiện với môi trường, cắt giảm lượng khí thảỉ carbon được tạo ra bởi chính các giao dịch thanh toán, chi tiêu hàng ngày.
Nắm bắt định hướng và mục tiêu của Chính phủ về tăng trưởng xanh, Agribank tiếp tục ưu tiên cấp vốn cho các dự án xanh, hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Quy định về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của Agribank trở thành khung pháp lý quan trọng trong quá trình đánh giá, thẩm định để xem xét cấp tín dụng cho khách hàng. Với nhiều nỗ lực và sự cam kết vào cuộc của toàn hệ thống, Agribank kiên định trên hành trình "phủ xanh" dòng vốn tín dụng, vì mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Xác định mục tiêu cụ thể và xây dựng kế hoạch đường dài nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh và thu hút các nguồn vốn quốc tế xanh và bền vững, Agribank thể hiện quyết tâm song hành cùng "mục tiêu quốc gia" của Chính phủ, ngành Ngân hàng, cũng như các bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển nền kinh tế bền vững, hiện thực hóa cam kết của Việt Nam chung tay với cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức cấp bách của toàn cầu về biến đổi khí hậu.