xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ý nghĩa gia đình trong văn hóa thờ Táo quân

HỮU THÂN

Trong văn hóa gia đình của người Việt xưa, đàn ông luôn được đề cao, được xem là trụ cột của gia đình. Họ phải có trách nhiệm gánh vác công việc gia đình gấp đôi người phụ nữ. Đó là nguồn gốc đẻ ra sự tích Táo quân, hai ông một bà

"Thế gian một vợ một chồng, không như vua bếp hai ông một bà". Câu ca dao từ xa xưa của người Việt nói về sự tích Táo quân trong tín ngưỡng truyền thống của người Việt như thế. Nhưng vì sao lại có chuyện hai ông một bà?

Hầu như mỗi người Việt đều thuộc lòng sự tích Táo quân (còn gọi là Vua bếp hay Ông Công tùy từng vùng miền). Hằng năm, theo phong tục cổ truyền, vào ngày 23 tháng chạp, các gia đình đều thực hiện nghi lễ cúng tiễn ông Táo về Trời, theo khả năng kinh tế cho phép của mỗi gia đình, với mong muốn ông Táo tâu lên Ngọc hoàng Thượng đế những điều tốt đẹp của gia đình mình và cầu xin được Ngọc hoàng ban phước cho các thành viên trong gia đình được mạnh khỏe, bình an, may mắn trong năm mới sắp đến.

Sự tích Táo quân được truyền khẩu, ghi chép với nhiều dị biệt nhưng chung quy kể câu chuyện ngày xưa có hai vợ chồng tiều phu nghèo, suốt ngày sống xung đột nhau đến nỗi người vợ phải bỏ nhà ra đi, rồi may mắn lấy được người chồng thợ săn tốt bụng. Còn người chồng cũ do nghịch cảnh trở thành kẻ ăn xin. Một hôm, tình cờ gặp lại người chồng cũ, nghĩ đến tình cũ nghĩa xưa, người vợ đưa chồng cũ về nhà, đối đãi tử tế.

Người chồng mới sau đi săn trở về nhà, sợ lộ chuyện, người vợ đưa chồng cũ ra giấu trong đống rơm. Người chồng mới đốt đống rơm thui con thú săn được. Người vợ thấy chồng cũ bị chết cháy oan uổng, nghĩ mình gây ra tội lỗi nên lao vào đống lửa chết chung. Người chồng không hiểu chuyện tưởng mình đã làm điều không phải với vợ đến nỗi khiến vợ tự thiêu nên cũng lao vào chết với vợ để trọn lòng chung thủy. Trời cảm động trước tình yêu tay ba này, bèn cho cả ba hóa thành vua bếp, chụm đầu thành bộ ba trong bếp lửa.

Ý nghĩa gia đình trong văn hóa thờ Táo quân - Ảnh 1.

Hình tượng Táo quân hai ông một bà trong tranh dân gian Đông Hồ. Ảnh: INTERNET

Sự tích Táo quân là một trong rất nhiều sự tích mà người Việt Nam xưa sáng tác ra để giải thích một hiện tượng, sự vật cụ thể nào đó trong đời sống gia đình và xã hội, mang yếu tố giải trí và ý nghĩa giáo dục nhất định. Quan niệm "vạn vật hữu linh" của người nông dân xưa khiến họ tin rằng những vật dụng trong nhà đều có thần cai quản, bếp lò trong nhà cũng vậy. Dựng sự tích Táo quân để giải thích cho chiếc kiềng ba chân trong bếp của mỗi gia đình cũng không ngoài tinh thần đó. Nhưng vấn đề ở chỗ tại sao ông bà ta lại dựng câu chuyện hai ông một bà để giải thích cho chiếc kiềng ba chân dùng nấu bếp?

Với truyền thống văn hóa Á Đông, chịu ảnh hưởng của nho giáo, người Việt xưa không dễ chấp nhận cuộc hôn nhân hai ông một bà. Vậy thì quan hệ hai ông một bà trong Táo quân của người Việt mang ý nghĩa gì để có thể tồn tại cho đến ngày nay?

Người Việt Nam từ ngàn xưa đến nay luôn coi trọng bếp lửa gia đình. Hướng nhà đôi khi không quan trọng bằng hướng bếp, vì bếp lửa là nơi quần tụ gia đình, là nguồn sống cho mỗi thành viên. Sự thịnh vượng của một gia đình xuất phát từ bếp lửa. Vật dụng làm bếp có khi là ba cục đá bằng phẳng hoặc ba viên gạch kê theo thế chân vạc vững vàng. Khi công nghệ rèn sắt phát triển, nhiều nhà dùng những chiếc kiềng ba chân chắc chắn để nấu bếp (vững như kiềng ba chân); những loại bếp lò làm bằng gạch nung cũng có ba mấu bên trên để đặt nồi. Như vậy, bếp lửa và con số 3 có mối liên hệ.

Bếp là lửa. Trong kinh dịch, quẻ ly (lửa) gồm hai hào dương, một hào âm, ứng với con số 3 chân của vật dụng nấu bếp. Dương là nam, âm là nữ. Có lẽ mấu chốt "hai ông một bà" nằm ở đây.

Trong văn hóa gia đình của người Việt xưa, đàn ông luôn được đề cao, được xem là trụ cột của gia đình. Họ phải có trách nhiệm gánh vác công việc gia đình gấp đôi người phụ nữ. Vừa lo công việc đồng áng, người đàn ông phải gánh vác thêm trách nhiệm cùng vợ làm công việc trong nhà, chăm sóc, nuôi dạy con cái. Gia đình nào có người chồng gánh vác trách nhiệm gấp đôi người vợ thì cuộc sống luôn được hạnh phúc, ấm êm. Như chiếc kiềng bếp có ba chân chống đỡ, nếu người đàn ông sức dài vai rộng trụ nổi hai chân thì gia đình ấy sẽ vững vàng còn ngược lại, thường hay lục đục, thậm chí đổ vỡ.

Mỗi năm cứ đến cuối tháng chạp âm lịch, thời điểm ông Táo về chầu trời cũng là lúc gia đình ngồi tổng kết lại một năm, kiểm điểm những gì làm được, chưa làm được trong năm để rút kinh nghiệm, tính toán lại cho năm mới.

Hiểu được ý nghĩa sâu sắc này của văn hóa Táo quân, ta lý giải được câu chuyện hai ông một bà trong sự tích Táo quân được người xưa chấp nhận, tồn tại như một gia vị trong đời sống văn hóa dân gian. Ý nghĩa sâu sắc này góp phần giáo dục mỗi người về văn hóa xây dựng gia đình, ý thức nhận lãnh trách nhiệm đóng góp của mỗi thành viên trong việc xây dựng nên gia đình hạnh phúc, ấm êm vững chãi trước những bão tố của cuộc đời. Gia đình là tế bào của xã hội, của quốc gia. Gia đình phồn thịnh là xã hội, quốc gia phồn thịnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo