xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ SAI CHÍNH TẢ” (*) Người bắt lỗi tiếp tục phản biện

HOÀNG TUẤN CÔNG

L.T.S: Sau loạt bài “Từ điển chính tả sai chính tả!” đăng trên Báo Người Lao Động (từ 7-6), PGS-TS Hà Quang Năng (chủ biên tác phẩm này) đã trả lời phỏng vấn trên báo, giải thích nhiều nội dung. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đăng bài trao đổi của tác giả Hoàng Tuấn Công với ông Hà Quang Năng

1. Về “nguyên tắc” và “mục đích” của “Từ điển chính tả tiếng Việt”

Trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động (số báo ngày 9-6), PGS-TS Hà Quang Năng nói: “Muốn phán xét phải hiểu nguyên tắc, mục đích biên soạn của chúng tôi. Tôi không coi những cái đó là sai, vì ngay mục đích, nguyên tắc khi biên soạn cuốn sách tôi đã ghi rõ là chúng tôi cung cấp một hệ thống những từ ngữ được dùng trong tiếng Việt hiện nay, trong đó có cả những dạng chuẩn lẫn những dạng chưa chuẩn nhưng vẫn được dùng. Tôi đã tuyên bố rõ trong lời giới thiệu”.

Xin thưa, chúng tôi đã đọc rất kỹ và rất hiểu “nguyên tắc”, “mục đích” biên soạn của nhóm tác giả. Bởi vậy, chúng tôi đã trích dẫn cụ thể “nguyên tắc”, “mục đích” ấy trong bài trao đổi lần trước để bạn đọc kiểm chứng. Nay xin được trích dẫn lại để tiện trao đổi: 

“Từ điển chính tả tiếng Việt được biên soạn nhằm cung cấp các dạng chính tả chuẩn của các từ ngữ thông dụng theo chính âm và chính tả tiếng Việt, đồng thời cũng chỉ dẫn những dạng chính tả không chuẩn nhưng vẫn được sử dụng” (trích “Nguyên tắc biên soạn và sử dụng từ điển”).

Như vậy, PGS-TS Hà Quang Năng đã nêu lên hai mục đích rất rõ ràng:

- “Cung cấp các dạng chính tả chuẩn”.

- “Chỉ dẫn những dạng chính tả không chuẩn nhưng vẫn được sử dụng”. 

a - Soạn giả đã “cung cấp các dạng chính tả chuẩn” như thế nào? (những chữ in hoa dưới đây do chúng tôi nhấn mạnh):

- Mục từ “dày”, soạn giả hướng dẫn cách viết chuẩn các từ có chữ “dày” (trích): “dày bình bịch, dày cồm cộp, dày cui, dày dạn, dày dày, dày đặc, dày gió dạn sương, dày kinh nghiệm, dày sụ, DÀY trông mai đợi, DÀY vò, DÀY xé, DÀY xéo >< bề dày, cấy dày (…) dạn dày, dây DÀY, lược dày (…) vỏ quýt dày có móng tay nhọn, voi DÀY ngựa xéo”. Theo đây, sách đã hướng dẫn sai chính tả hàng loạt những từ, ngữ đáng lẽ phải viết “GIÀY”, thì lại viết “DÀY” (chúng tôi đã nhấn mạnh bằng chữ in hoa).

- Mục “dãy”, hướng dẫn cách viết chuẩn các từ có chữ “dãy” (trích): “dãy bàn, dãy đồng đẳng, DÃY nảy, dãy ghế, dãy nhà…”. Theo đây, sách hướng dẫn viết sai chính tả từ “GIÃY nảy”.

- Mục “trường”, hướng dẫn viết chuẩn những từ có chữ “trường” (trích): “…từ trường, tựu trường, vũ trường, XA trường”. Theo đây, sách hướng dẫn viết sai chính tả từ “SA trường”. 

- Mục “trưởng”, hướng dẫn cách viết chuẩn những từ có chữ “trưởng” (trích): “trưởng ấp, TRƯỞNG bạ, trưởng ban, trưởng bản…”. Theo đây, sách hướng dẫn viết sai chính tả từ “CHƯỞNG bạ”. 

- Mục “trừu”, hướng dẫn cách viết chuẩn những từ có chữ “trừu”: “TRỪU mến, trừu tượng, trừu xuất”. Sách hướng dẫn viết “TRỪU mến” là sai.

- Mục “xuất”, hướng dẫn cách viết chuẩn những từ có chữ “xuất” (trích): “…xuất viện, xuất vốn, xuất xứ, xuất xưởng >< chiết xuất, diễn xuất, đề xuất, đột xuất, khinh XUẤT, nội bất xuất ngoại bất nhập…”. Theo đây, sách hướng dẫn viết sai chính tả từ “khinh SUẤT”. 

Thế thì căn cứ vào đâu PGS-TS Hà Quang Năng “không coi những cái đó là sai”? Không lẽ “từ điển chính tả” là loại sách liệt kê tất cả cách viết chuẩn, lẫn cách viết sai vào một chỗ, rồi tùy người sử dụng lựa chọn? 

b - Soạn giả đã “chỉ dẫn những dạng chính tả không chuẩn nhưng vẫn được sử dụng” như thế nào?

- Mục “bàn”, hướng dẫn cách viết chuẩn những từ có chữ “bàn” (trích): “…bàn đạp, bàn đèn, bàn định, bàn độc, bàn giao, bàn giấy, bàn hoàn (tv. bàng hoàng), bàn học, bàn là…” (“tv” = “thường viết”). 

Mục này có chỉ dẫn “bàn hoàn (tv. bàng hoàng)” nhưng là chỉ dẫn sai hoàn toàn. Bởi “bàn hoàn” và “bàng hoàng” là hai từ khác nhau. Theo đây, đáng lẽ phải chỉ dẫn: “bàn hoàn (không lầm với bàng hoàng)”, thì soạn giả lại đánh đồng hai từ này làm một và cho rằng cách viết “bàng hoàng” thông dụng hơn “bàn hoàn”.

- Mục “gia” hướng dẫn cách viết chuẩn những từ có chữ “gia” (trích): “…gia đồng, gia đường, gia giảm, gia giáo, GIA giết (cv. da diết), gia hại, gia hạn, gia hệ, gia hình…” (“cv” = “cũng viết”). 

Theo đây, soạn giả đã hướng dẫn viết từ “gia giết” không chuẩn chính tả. Tương tự, ở mục từ “giộp”, hướng dẫn viết: “giộp (cv. rộp): GIỘP da, GIỘP lưỡi, GIỘP nước sơn >< bỏng GIỘP”. Với những lỗi như thế này, PGS-TS Hà Quang Năng không thể lý giải rằng: “Chúng tôi cung cấp một hệ thống những từ ngữ được dùng trong tiếng Việt hiện nay, trong đó có cả những dạng chuẩn lẫn những dạng chưa chuẩn nhưng vẫn được dùng”. Bởi không ai làm “từ điển chính tả” mà lại tập hợp những cách viết “chuẩn”“chưa chuẩn” thành một mớ hỗn độn như vậy! 

“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ SAI CHÍNH TẢ” (*) Người bắt lỗi tiếp tục phản biện - Ảnh 1.

2. Về lỗi chính tả trong sách từ điển

* Lỗi “xét xử” thành “xét sử”:

 PGS-TS Hà Quang Năng giải thích: “Ví dụ “xét sử”, viết “s” là nằm ở trong mục S, được hiểu là xem xét lại lịch sử. Ở mục X, tôi vẫn có xét xử với nghĩa là xử án. Có nhiều trường hợp viết tắt, như Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, người ta gọi tắt Liên Xô được. Trung Hoa cộng hòa nhân dân quốc đọc là Trung Quốc, tài sản công là công sản, bảo hiểm Việt Nam là Bảo Việt…” và khẳng định “Những tư liệu này chúng tôi lấy dựa trên ngân hàng dữ liệu của Viện Từ điển, không phải tôi bịa ra”.

Ở đây, PGS-TS Hà Quang Năng đã đánh tráo khái niệm. Cách gọi tắt “Liên Xô” thay vì “Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết”, hay “Trung Quốc” thay cho “Trung Hoa cộng hòa nhân dân quốc” (chính xác là “Trung Hoa nhân dân Cộng hòa quốc” - HTC) là những cách gọi thông dụng, không ai không hiểu. Ngay như dùng “công sản” thay cho “tài sản công” cũng không thể so sánh với “xét sử”. Vì “công sản” là một từ thông dụng, đã được từ điển tiếng Việt ghi nhận từ trước năm 1945. Trong khi, không có từ điển hay cách nói, cách viết nào ghi nhận “xét sử” là một từ với nghĩa “xem xét lại lịch sử” cả. PGS-TS Hà Quang Năng nên công bố ngữ liệu từ “ngân hàng dữ liệu của Viện Từ điển”, để bạn đọc được biết từ “xét sử” nằm trong tác phẩm nào, tần suất của “xét sử” xuất hiện ra sao, có đáng để thu thập và đưa vào từ điển chính tả hay không?

PGS-TS Hà Quang Năng cũng cho rằng ông không viết sai từ “xét sử”, vì: “Ở mục X, tôi vẫn có “xét xử” với nghĩa là xử án”. Tuy nhiên, điều này không có nhiều ý nghĩa. Bởi cũng như ở mục “xuất”, ông viết sai chính tả “khinh suất” thành “khinh xuất”. Nhưng đến mục “suất” ông lại viết đúng = “khinh suất”. Hay ở mục “trừu” ông viết sai “trìu mến” thành “trừu mến” nhưng đến mục “trìu” ông lại viết đúng = “trìu mến”

Bởi vậy, chúng tôi mới nhận xét rằng việc sử dụng từ điển do nhóm PGS-TS Hà Quang Năng biên soạn mang tính chất “hên xui”! Cùng một từ nhưng gặp may thì giở được trang hướng dẫn viết đúng, không may thì giở phải trang hướng dẫn viết sai, là vậy.

* Lỗi “con trai; canh trai” thành “con chai; canh chai”:

PGS-TS Hà Quang Năng diễn giải: “Có ý kiến cho rằng tiếng Việt chỉ có con “trai”, nhưng thực tế tiếng Việt có từ chỉ con cá chai, một loại cá giống cá thờn bơn nhưng méo một miệng, thế nên có câu “thờn bơn méo miệng chê chai lệch mồm”.

Quả thực, có một loại cá biển tên là “cá chai” nhưng người ta không gọi nó là “con chai”. Xin lấy ví dụ ngay ở mục “chày”, PGS-TS Hà Quang Năng hướng dẫn viết những từ có chữ “chày” như sau: “chày cối >< CÁ CHÀY, cãi chày cãi cối…” (HTC nhấn mạnh). Không thấy soạn giả hướng dẫn viết “con chày” thay cho “cá chày”. Hay mục “cháy”: “cháy túi >< CÁ CHÁY, chết cháy, chữa cháy…”, cũng không thấy hướng dẫn viết “con cháy” thay cho “cá cháy”.

Như vậy, sự thực là “con trai” đã bị soạn giả viết sai thành “con chai”, cũng như món “canh trai” viết sai “canh chai” (PGS-TS Hà Quang Năng đã không lý giải được tại sao lại có món canh này!).

* Lý giải “trứng cuốc” thành “trứng quốc”:

PGS-TS Hà Quang Năng nói: “Từ “quốc”, không nhất thiết phải viết là “q” (“c” viết nhầm? - HTC), không có quyển từ điển nào viết con chim quốc mà chỉ có trong bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan”.

Không rõ PGS-TS Hà Quang Năng lấy đâu ra bản gốc chép tay bài thơ Nôm của Bà Huyện Thanh Quan để khẳng định trong đó bà viết “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc”, thay vì “con cuốc cuốc”? Giả sử có viết thế nào thì đây cũng giới hạn trong chuyện chơi chữ. Cách viết “con quốc” gắn cụ thể với câu thơ chơi chữ ấy. Lý do gì ở mục “quốc”, PGS-TS Hà Quang Năng hướng dẫn viết “trứng quốc” nhưng đến mục “trứng”, ông lại hướng dẫn viết “trứng cuốc”? Vậy, cách nào là “chính tả chuẩn”? Chẳng lẽ nào một trong hai cách ấy, muốn viết sao thì viết, đúng như ông khẳng định: “Rất nhiều trường hợp có nhiều cách viết khác nhau mà không có cách nào được coi là chuẩn tuyệt đối vì không ai đủ tư cách để đứng ra đánh giá cái này đúng hơn cái kia” (?!).

Trong khoa học, trao đổi, tranh luận cần sự minh bạch, sòng phẳng, không né tránh và ngụy biện. Bạn đọc mong chờ PGS-TS Hà Quang Năng tiếp tục trả lời từng mục sai chính tả của sách “Từ điển chính tả tiếng Việt” mà chúng tôi đã nêu trong vệt bài đăng trên Báo Người Lao Động

Không thể gọi đó là "từ điển"!

Đọc lời "bào chữa" của PGS-TS Hà Quang Năng, chủ biên cuốn "Từ điển chính tả tiếng Việt" mắc rất nhiều sai sót mà tác giả Hoàng Tuấn Công đã chỉ ra trong loạt bài đăng trên Báo Người Lao Động, tôi liền nhớ đến thành ngữ "Cãi chày cãi cối"! Đã sai mà còn cố cãi dù chẳng có lý lẽ gì thuyết phục cả.

Ông Năng hùng hồn: "Chúng tôi cung cấp một hệ thống những từ ngữ được dùng trong tiếng Việt hiện nay, trong đó có cả những dạng chuẩn lẫn những dạng chưa chuẩn nhưng vẫn được dùng". Sự ngụy biện này nguy hiểm ở chỗ anh đưa ra thuốc độc khiến người sử dụng "ngủm củ tỏi" nhưng vẫn chạy tội bằng "lý luận" là bên cạnh thuốc bổ còn có cả độc dược! Nghe có lọt lỗ tai không? Tất nhiên là không.

Bên cạnh rất nhiều lỗi về chính tả đến mức không thể ngờ hoặc giải thích nhì nhằng, chúng ta không thể chấp nhận lối suy nghĩ lệch lạc, phản khoa học, kỳ quặc. Thử nêu một trường hợp, như ông Năng nói: "ví dụ "xét sử", viết "s" là nằm ở trong mục s, được hiểu là "xem xét lại lịch sử". Ở mục x, tôi vẫn có "xét xử" với nghĩa là xử án". Nếu cứ theo như cách làm trái khoáy này thì ta viết "xét xoong" là xét cái xoong; "xét sáng" là xét buổi sáng hay sao? Có mà loạn trí! Tác giả, PGS-TS Hà Quang Năng cho rằng tác phẩm của mình là "từ điển", tôi không đồng ý. Phải gọi đúng tên sự vật, sự việc đang xem xét là "sách rác". Khi người dùng đã chỉ ra đầy rẫy lỗi sai như rác ấy, nếu cầu tiến, cầu thị thì nên dũng cảm nhận lỗi. Đã sai, biết nhận lỗi để sửa sai là lẽ bình thường, vì trong học thuật không một ai có thể tránh khỏi sai sót. Trong khi đó, ông chủ biên cứ tự bịt mắt mình, quả là điều đáng trách.

Lê Minh Quốc (nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà thơ)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-6

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo