xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trong sáng nhạc đồng quê

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

Năm 1952, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, người Quảng Nam, viết ca khúc boléro đầu tiên "Nắng chiều", khai sinh dòng nhạc boléro trong âm nhạc miền Nam.

Phải đợi đến năm 1954, các nhạc sĩ miền Bắc di cư vào miền Nam, kết hợp với những nhạc sĩ tài hoa của miền Nam thì điệu thức boléro mới được sử dụng một cách rộng rãi để viết nên một dòng nhạc rất giá trị trong giai đoạn 1955-1965. Tôi gọi đó là dòng nhạc đồng quê miền Nam.

Sinh động, tươi vui

Miền Nam đất đai phì nhiêu, ruộng đồng tươi tốt, cho những vụ lúa bội thu. Thiên nhiên thoáng đãng, đêm trăng thơ mộng, lúa về đầy sân, trai gái hẹn hò trao duyên mới. Đó là những nội hàm lớn được phản ánh trong dòng nhạc đồng quê thời ấy.

Về thanh nhạc, các nhạc sĩ sử dụng điệu thức boléro 4/4 của Nam Mỹ làm nền tảng. Để tránh tình trạng đơn điệu (monotone) vốn đại kỵ trong âm nhạc, các nhạc sĩ sáng tác và hòa âm đã pha trộn thêm vào những bài boléro ấy các điệu mambo, calypso, rumba, chachacha, baiao; thậm chí cả tango và tango habanera; tạo ra một dòng nhạc sinh động, phong phú, tươi vui, phù hợp với tâm hồn người miền Nam.

Về ca từ, dòng nhạc đồng quê này có ca từ giản dị, chân phương nhưng vẫn giàu tính nghệ thuật, tính văn học. Ca từ đó không bay bướm, lãng mạn nhưng vẫn đủ sức lay động lòng người. Thời ấy, người ta chỉ nghe nhạc qua radio; nhà nào sang lắm mới mua được dàn pick-up hát đĩa. Dòng nhạc đồng quê này nhằm hướng đến bà con nghe nhạc bình dân qua radio; vì vậy mà ca từ của các nhạc sĩ rất giản dị, trong sáng: "Em gái miền quê/ Cuộc đời trong trắng/ Dầm mưa dãi nắng mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm" (Hoàng Thi Thơ - "Em gái miền quê").

Có lẽ chưa bao giờ âm nhạc khiến cho con người yêu nông thôn, yêu làng quê thanh bình êm ả đến như vậy. "Chiều làng quê say sưa trong tiếng ca/ Người làng quê yêu bông lúa thiết tha/ Những mẹ già ngồi trông trẻ đùa xóm dưới/ Rung rung môi cười như thuở còn đôi mươi" (Trúc Phương - "Tình thắm duyên quê"). Trúc Phương trải lòng ra, viết những ca khúc thiết tha cho quê nhà yêu dấu: "Anh ơi, nhớ về thăm thôn xưa/ Để nghe tiếng ngọt ngào ru bóng dừa/ Xa xôi bước người anh lữ thứ/ Nhớ thương hoài câu hát chiều làng em" (Trúc Phương - "Chiều làng em").

Trong sáng nhạc đồng quê - Ảnh 1.

Tình yêu trong sáng, thủy chung

Cái gì làm nên hồn vía của đồng quê yêu dấu ấy? Đó là những mùa lúa vàng bội thu. Tâm tư của người nhạc sĩ tươi vui khi đứng trước những mùa vàng bội thu: "Cùng nhau ta vui ca/ Gió đồng thơm ngây ngất/ Cùng nhau ta say sưa/ Với mùa đầy lúa chín/ Ta hát hát và ca/ Ta cắt lúa đầy đồng/ Lúa vàng thơm bát ngát/ Gió đưa hương về" (Thu Hồ - "Mùa gặt mới"). Âm nhạc làm thanh thoát tâm hồn con người: "Anh có nghe chăng dư âm đồng quê/ Khi trăng ngàn mờ tỏa chiếu trên đê/ Đoàn người nông phu vui gánh lúa về/ Bóng trai gái làng hẹn hò nhau ước thề (Hoài An và Huyền Linh - "Trăng về thôn dã").

Nền nông nghiệp ngày ấy còn rất thô sơ, người nông dân chưa sắm được những chiếc máy xay lúa nhỏ. Lúa gặt về rồi phơi khô, khi cần gạo ăn, người ta phải giã bằng tay. Tiếng chày giã gạo trong đêm trăng thanh bình bỗng trở thành một âm thanh thi vị, đầy sức sống: "Giã cho thật đều/ Giã cho thật nhanh/ Giã cho khéo kẻo trăng phai tàn/ Khoan hò khoan/ Tiếng chày khua vang mãi trong đêm dài" (Lam Phương - "Khúc ca ngày mùa").

Tác phẩm âm nhạc đồng quê của Hoàng Thi Thơ dung hợp một chút sắc thái dân ca Quảng Trị nên nghe rất đẹp, rất dịu dàng: "Đêm nay bao con thuyền về đâu xuôi mái/ Ai ca dưới trăng vàng gần xa vắn dài/ Mái chèo khoan thai/ Trên sông hai màu/ Con thuyền về đâu ô hay sao trăng rụng xuống cầu/ Vì đâu ô hay sao trăng rụng xuống cầu" (Hoàng Thi Thơ - "Trăng rụng xuống cầu"). Hoàng Nguyên là một tài hoa khác của miền Trung. Trong dòng nhạc đồng quê, người ta yêu bóng trăng dịu dàng trên quê nhà của ông: "Thuyền xuôi mái đêm nay vui với thuyền xuôi mái/ Với thuyền xuôi mái vui với vừng trăng dãi/ Với vừng trăng dãi vui trời rộng với sông dài" (Hoàng Nguyên - "Duyên nước tình trăng").

Dòng nhạc đồng quê phong phú những tình yêu. Đó là tình yêu hồn nhiên, thơ mộng, trong sáng và thủy chung: "Quê hương ta đất xưa vốn nghèo nhưng giàu tình thương nhau/ Biết yêu lúa mùa xa cuộc đời cơ cầu/ Gái trai biết làm tròn lời thề khi ban đầu" (Hoài An - "Tình lúa duyên trăng"). Tình yêu đó thật dịu dàng, nhẹ như cơn gió thoảng nhưng đậm đà nỗi nhớ khôn nguôi: "Hôm qua buồn nhìn đâu/ Thoáng mẹ già nom thấy/ Hỏi con chờ ai đấy/ Em víu lấy cành dâu/ Che giấu mộng ban đầu" (Hoàng Trọng và Hồ Đình Phương - "Mộng ban đầu").

Dòng nhạc này chỉ có em gái miền quê, anh trai miền quê. Họ thương mến nhau, hẹn hò nhau với một ngôn ngữ bình dân nhưng trang nhã: "Ai đang đi trên đường quê/ Tai lắng nghe muôn câu hò đê mê/ Vô đây em dù trời khuya/ Anh vẫn đưa em về" (Hoàng Thi Thơ - "Gạo trắng trăng thanh"). Đó là tình yêu kết thúc thật tròn vẹn: "Trời quê bát ngát sẽ trông thấy tương lai qua tình lứa đôi/ Mướp cà thắm nơi nơi/ Lúa đồng mãi xanh tươi/ Và đàn em thơ bé hát câu ca yêu đời" (Phạm Thế Mỹ - "Đường về hai thôn").

Ngày ấy, công nghệ thu thanh còn thô sơ, các hãng đĩa lớn ở Sài Gòn như Việt Nam, Sóng Nhạc, Tân Thanh, Pathé Béka (Asia) thu nhạc trong đĩa than lớn 33 vòng tua, qua năm 1960 có thêm đĩa nhựa 45 vòng tua. Ông Ngô Văn Mạnh được xem là người đầu tiên thu nhạc tại Sài Gòn; trên bìa đĩa của ông luôn ghi dòng chữ "Chủ nhơn Ngô Văn Mạnh 324 đường mé sông Chợ Quán, Chợ Lớn". Ca sĩ hát trực tiếp với dàn nhạc sống, hễ sai sót một chút là bỏ tất cả để làm lại. Những bản thu ở Đài Phát thanh Sài Gòn, đài Pháp Á (đường Hàm Nghi) cũng vậy. Vì vậy mà ca sĩ thuộc lòng ca khúc và họ hát nhạc đồng quê bằng cả tâm tình của mình với quê nhà yêu dấu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo