xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quốc tế hóa sản phẩm âm nhạc

THÙY TRANG

Cuối tháng 2 vừa qua, mạng xã hội xôn xao thông tin ca khúc "See tình" của Hoàng Thùy Linh đã đạt vị trí thứ 12 trên YouTube Music Hàn Quốc với hơn 1,5 triệu lượt truy cập

Trên trang tìm kiếm Google, từ khóa "See tình" cho ra gần 30 triệu kết quả trong 0,51 giây. "See tình" bất ngờ "nóng" trên nền tảng mạng xã hội, dù ca khúc này đã ra mắt cách đây hơn 1 năm (tháng 1-2022).

"Thần khúc" See tình

"See tình" là một sáng tác của DTAP do Hoàng Thùy Linh thể hiện. Ca khúc này đã được nhiều ca sĩ trên thế giới sử dụng, nam ca sĩ Hàn Quốc - Shindong (thành viên nhóm Super Junior) tung ra clip nhảy múa trên nền nhạc "See tình". Trước Shindong, ca sĩ Seung-hoon (thành viên nhóm Winner, một trong những ngôi sao của K-pop) cũng mê mẩn "See tình".

Quốc tế hóa sản phẩm âm nhạc - Ảnh 1.

Hoàng Thùy Linh càng nổi tiếng hơn với “See tình”. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Đoạn clip vận động viên bóng chuyền Hàn Quốc Lee Da-hyeon nhảy trên nền nhạc "See tình" cũng trở thành hiện tượng trên nền tảng mạng xã hội. Đoạn clip đăng trên kênh TikTok của đài KBS Sport (Hàn Quốc) đạt hơn 60 triệu lượt xem và tiếp tục tăng mạnh chỉ sau một tuần lên sóng.

Eric Tai - người mẫu, MC truyền hình, cầu thủ bóng rổ nổi tiếng người Philippines - cũng bị cuốn vào ca khúc của Hoàng Thùy Linh. Clip của Eric Tai đã có trên 1 triệu lượt xem.

Trên mạng xã hội Douyin của Trung Quốc, hàng triệu clip cover (hát lại) ca khúc ra đời. "See tình" cũng nhiều lần được phát trong các chương trình như: "Xin chào thứ bảy", "Thanh xuân hoàn du ký" có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng như Vương Hạc Đệ, Hà Cảnh, Trương Nghệ Hưng...

Ca khúc này cũng đứng thứ 4 trong mục tìm kiếm của Melon - kênh âm nhạc của Hàn Quốc. Truyền thông Trung Quốc gọi "See tình" là "thần khúc" vì mức độ lan tỏa rộng rãi. Lượt xem ca khúc này đã vượt con số 4 tỉ.

Tại Malaysia, ca khúc còn được lồng vào tiết mục biểu diễn múa lân. Trong khi đó, tại Nhật Bản, ca sĩ Shayne Orok từng cover bài hát, thu hút hơn 1 triệu lượt nghe trên YouTube. Cộng đồng mạng ở Thái Lan, Ấn Độ... cũng đang phát sốt vì "See tình".

Thành công bước đầu

Trước "See tình", một số sản phẩm của nhạc Việt cũng từng tiếp cận với thị trường âm nhạc quốc tế như "Ngẫu hứng", "Dễ đến dễ đi", "Hai phút hơn". Trong đó, "Ngẫu hứng" là bản nhạc điện tử kéo dài hơn 1 phút. Hoaprox đăng "Ngẫu hứng" trên nền tảng soundcloud vào năm 2015. Đến năm 2017, bản nhạc bất ngờ gây sốt ở Trung Quốc rồi lan tỏa ngược về thị trường Việt Nam.

Số liệu ước tính "Ngẫu hứng" thu hút gần 3 tỉ lượt stream (lượt nghe trực tuyến) ở Trung Quốc. Hoaprox (tác giả của "Ngẫu hứng") từng bị hiểu lầm là nhà sản xuất âm nhạc Trung Quốc. Chính những khán giả Việt Nam cũng bất ngờ khi biết "Ngẫu hứng" được tạo ra từ bàn tay của một nhà sản xuất Việt.

Ca khúc "Hai phút hơn" của rapper Pháo rất nổi tiếng trên mạng xã hội Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc... thu hút hàng triệu người dùng lấy làm nhạc nền. Sáng tác này trở thành bản nhạc Việt được stream nhiều nhất trên Spotify, với gần 13 triệu lượt. Cuối năm ngoái, bài hát đứng đầu bảng xếp hạng Shazam toàn cầu (ứng dụng tìm kiếm qua giai điệu với hơn 1 tỉ người dùng).

Tại Trung Quốc, "Hai phút hơn" nhiều lần xuất hiện trên bảng xếp hạng nền nhạc thịnh hành của Douyin (phiên bản nội địa của TikTok), thu hút hơn chục ngàn người sử dụng với hàng chục triệu lượt xem. Nhiều nghệ sĩ như Trương Nghệ Hưng, Lưu Vũ Ninh... cũng quay clip với phần nhạc nền ca khúc.

Quang Hùng MasterD với "Dễ đến dễ đi" đã đưa nam ca sĩ này lên một vị trí mới. Bài hát không chỉ khiến khán giả Việt mà cả các TikToker Trung Quốc, Thái Lan cũng yêu thích, cover rất nhiều.

Theo những người trong cuộc, thành công của nhạc Việt trên thị trường quốc tế là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở mức hiện tượng, những "See tình" hay "Ngẫu hứng", "Hai phút hơn" chưa phải là "hàng độc, hiếm".

Đã có một số nghệ sĩ Việt chủ động quốc tế hóa sản phẩm của mình bằng cách hợp tác với nghệ sĩ nước ngoài như Hà Anh Tuấn kết hợp cùng Kitaro trong "Chân trời rực rỡ"; Đức Phúc với nhóm 911 trong "I do" bản Việt; Sơn Tùng M-TP với rapper Snoop Dogg; K-ICM (với Plastik Funk, Polmoya và 9tySlac); Soobin (với Ji Yeon của nhóm T-Ara); Thanh Bùi (với Tata Young)… hoặc thông qua các hãng thu âm lớn mà họ là ca sĩ được chọn khai thác độc quyền như Hoàng Duyên (với Calum Scott), Vũ (với Lukas Graham). Dù vậy, những sự hợp tác này chỉ dừng lại ở mức tạo ra hiệu ứng truyền thông.

"Để V-pop tiến ra thế giới một cách vững vàng cần một chiến lược và tầm nhìn dài hơi của cả cơ quan quản lý và người làm nghệ thuật. Những gì có được ở hiện tại vẫn chỉ là xu hướng và may mắn" - nhạc sĩ Dương Khắc Linh nhận định.

Giới chuyên môn cho rằng "Nhạc Việt đang được chú ý nhưng để bắt kịp các thị trường âm nhạc ở Hàn Quốc, Trung Quốc, V-pop có lẽ vẫn cần hành trình dài".

Nhạc sĩ Quốc Trung nói: “Chúng ta có một nền văn hóa lâu đời, giàu bản sắc nhưng đó mới chỉ là nguồn lực, tài nguyên; chúng ta cần phải khai thác và mài giũa thành các sản phẩm có chất lượng đẳng cấp thế giới”.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo