xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phố xa gần lại tim mình

Ngọc Thắng

Và bây giờ, cả thành phố kiên cường chống chọi với đại dịch. Mong TP HCM sẽ mạnh mẽ vượt qua, nhịp sống trở lại bình thường

Trong ký ức xa xăm của tôi, TP HCM bắt đầu là một hình dung xa lắc: miền Nam. Ở quê tôi lúc đấy không phân biệt được TP HCM và những tỉnh thành khác ở miền Nam. Người ở quê thời đó chủ yếu vào Nam cũng là vào TP HCM.

Trong khi bạn bè ra Hà Nội thi đại học, tôi lại chọn TP HCM làm miền đất hứa. Bởi tôi muốn biết màu nắng vàng rực rỡ vào dịp Tết trong một truyện ngắn trên báo Hoa Học Trò. Thành phố này cũng hứa hẹn với tôi là con của người đạp xích lô cũng có thể học được đại học.

TP HCM những ngày đầu để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi là "mưa rồi chợt nắng". Hôm ấy, tôi đang đạp xe bỗng nhiên thấy mọi người tấp hết vào lề đường. Tôi vừa kịp nép mình vào hiên nhà trên phố thì trời đổ mưa ào ạt. Câu hát "nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng" vụt chạy trong đầu khiến tôi bật cười. Nụ cười chưa dứt thì trời đã tạnh mưa, ráo hoảnh như chưa hề có giọt mưa rơi. Đoạn đường trước mặt tôi vẫn khô ráo như là ở một vùng xa xôi nào đấy.   

Những ngày chờ kết quả thi đại học tôi mới biết những căn phòng trọ chật hẹp, bầu trời bị cắt nhỏ với những ngôi nhà san sát nhau. Đêm vẳng lại tiếng gõ hủ tiếu lóc cóc. Tôi tự hỏi đây có phải là TP HCM mà tôi mong đợi hay không?

Phố xa gần lại tim mình - Ảnh 1.

TP HCM sẽ vượt qua đại dịch, nhịp sống sẽ trở lại bình thường Ảnh: PHONG NAM

Tôi nhập học. TP HCM rộng lớn đến độ các bạn ở ngoại thành cũng được ở lại ký túc xá. Lên năm thứ ba đại học, chúng tôi được chuyển về học ở cơ sở gần trung tâm thành phố hơn. Lúc này đây, TP HCM trong hình dung của tôi bắt đầu rõ nét. Đó là nơi cưu mang tất cả mọi sinh viên có ước muốn được học hành. Sinh viên lúc đó đa số đi làm thêm, nhiều nhất là dạy kèm. Có người đi làm thêm để lo toàn bộ cuộc sống của mình. Có người làm để chia sẻ một phần gánh nặng cho ba mẹ ở quê. Có người đi làm cho biết mùi sinh viên làm thêm. Có người đi làm cho khôn người ra. Cũng có người đi làm để lo cho mình và cho đứa em đi học ở quê. TP HCM như một bà mẹ bao dung, cưu mang mọi mảnh đời.

Ra trường, nhiều cơ quan đơn vị từ chối tiếp nhận sinh viên ngoại tỉnh bởi điều kiện xin việc thời đó thường đòi hỏi phải có hộ khẩu thành phố. Cái hộ khẩu thành phố trói chân bao người. Nó cũng khiến cho nhiều cuộc hôn nhân chóng vánh được sắp xếp để mong có một cơ hội ở lại thành phố. Tôi hoang mang, tìm những nơi tuyển dụng không yêu cầu hộ khẩu thành phố. Làm vài công việc linh tinh chẳng biết tương lai ngày mai ra sao, tôi rời TP HCM một thời gian.

Tôi ra Hà Nội định lập nghiệp. Thế nhưng những ngày ở Hà Nội, lòng tôi lại chỉ hướng về TP HCM. Tôi biết mình đã thương nhớ thành phố phương Nam. Tôi trở lại TP HCM, đi học thêm. Tôi kiếm được công việc mong ước trong những tòa nhà cao ốc, nơi người ta diện những bộ đồ công sở. Nơi đó, người ta nói chuyện về kinh tế, đầu tư, kinh doanh, chứng khoán, pháp luật... Đó là một TP HCM trong mơ mà tôi không tin là có ngày tôi có thể đặt chân vào được.

Có một dịp đi ra nước ngoài, gặp nhiều người nước ngoài ngỏ ý muốn đến thăm Việt Nam, tôi luôn giới thiệu về TP HCM. Mọi người đều nói: tôi sẽ đến thành phố của bạn. Mỗi lần có người nước ngoài thăm công ty, tôi lại giới thiệu cho họ về thành phố. Có người vội quá chưa kịp trải nghiệm những gì tôi giới thiệu đã nhắn lại rằng: "Tôi thật tiếc vì chưa được ngồi uống cà phê lề đường và ngắm TP HCM vào buổi sớm như bạn giới thiệu. Lần sau sang Việt Nam tôi sẽ đi cùng bạn".

Sếp tôi sang Việt Nam vào mùa dịch năm ngoái. Tôi hứa Tết sẽ đưa ông đi quanh TP HCM bằng xe buýt như mong ước của ông nhưng rồi dịch Covid-19 đã ngăn mọi dự định. Tôi hứa dịp tháng 4, rồi dịch lại trói chân. Và bây giờ, cả thành phố kiên cường chống chọi với đại dịch. Mong TP HCM sẽ mạnh mẽ vượt qua, nhịp sống trở lại bình thường, thành phố băng băng tiến về phía trước.

Hẹn với TP HCM một ngày làm lữ khách để ngắm, để yêu mà không bận bịu chuyện lo toan đời sống.

Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"

Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải.

Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.

Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).

Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.

Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.

Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".

Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo