xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những người mở đất: Lê Văn Duyệt hai lần Tổng trấn Gia Định thành

Nhà sử học LÊ VĂN LAN

Sáu năm sau thời điểm cuộc Nam Tiến thần thánh của dân tộc đóng cột mốc năm 1757 căn bản hoàn thành sự nghiệp đưa toàn thể đất Nam Bộ nhập bản đồ nước Đại Việt, vào năm 1763, Lê Văn Duyệt ra đời ở vàm Trà Lọt thuộc làng Hòa Khánh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay thuộc đất Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

17 tuổi vào năm 1781, trong một lần chúa Nguyễn Ánh trốn chạy quân Tây Sơn truy bắt, thuyền bị chìm ở Trà Lọt, Lê Văn Duyệt đã được chúa Nguyễn Ánh thu nạp dưới trướng, để "đền ơn" người cha là Lê Văn Toại đã kỳ công cứu giúp thoát nạn.

Từ những thăng trầm thuở theo phò chúa Nguyễn Ánh…

Mới lọt lòng, Lê Văn Duyệt đã là người không rõ giới tính. Lớn lên, tuy vóc người nhỏ bé nhưng sức khỏe lại phi thường, giỏi võ nghệ, chí hướng lớn, nên được người đương thời xếp vào hàng "Gia Định Ngũ Hổ", cùng với Nguyễn Huỳnh Đức, Trương Tấn Bửu, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhơn.

Vì là người "ái nam ái nữ", nên chức phận buổi đầu theo phò chúa Nguyễn Ánh của Lê Văn Duyệt là "quan (thái) giám". Và phẩm chất hàng đầu của một quan giám là sự tận tụy và lòng trung thành ở nơi Lê Văn Duyệt đã khiến sự gắn bó giữa ông với chúa Nguyễn luôn cực kỳ sâu sắc, thủy chung, ngay cả trong những lúc ông bị quân Tây Sơn bắt vẫn tìm mọi cách để trốn thoát, về với chúa (năm 1784), hoặc khi Nguyễn Ánh phải "tẩu quốc" bôn ba sang nước Xiêm đến hai lần.

Cùng với tấm lòng tận trung như thế, tài năng quân sự của ông cũng dần bộc lộ, khiến chúa Nguyễn Ánh - vào năm 1793 - bắt đầu "chuyển ngạch", phong cho ông làm "Thuộc Nội Vệ úy", thường đem việc quân bàn với ông, kèm với lời nhận xét - đánh giá mà sách "Quốc triều sử toát yếu" đã ghi lại được: "Lê Văn Duyệt tuy sinh ra là người giám (hoạn quan) nhưng cũng là người mạnh tợn, đánh giỏi, có công tòng chinh".

Từ đó, sự nghiệp chiến trường của Lê Văn Duyệt nở rộ. Đặc biệt là ở trận đánh chiếm cửa biển Thi Nại (Quy Nhơn) của quân Tây Sơn năm 1801 được coi là "Đệ nhất võ công" của nhà Nguyễn, cũng đồng thời là "Võ công lớn nhất" của Lê Văn Duyệt.

Tiếp đó, trên đà lấn lướt, Lê Văn Duyệt đã cùng chúa Nguyễn Ánh đưa quân ra đánh thẳng vào Kinh đô Phú Xuân của nhà Tây Sơn, đuổi vua Cảnh Thịnh chạy dài ra Bắc.

Tháng 6-1801, được phong làm "Chưởng Tả Dinh, Đô Thống chế, Quận công", ông tiếp tục dẫn quân đi đánh chiếm hết các căn cứ còn lại của nhà Tây Sơn, từ Phú Xuân trở vào. Sau khi phò chúa Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế Gia Long (ngày 31-5-1802), được nhà vua phong làm "Khâm sai, Chưởng tả quân dinh, Bình Tây tướng quân, Quận công", ông lại dẫn quân vượt sông Gianh ra Bắc, đánh chiếm Nghệ An, Thanh Hóa, rồi Thăng Long, tận diệt nhà Tây Sơn.

18 năm sau đó, dưới thời trị vì của vua Gia Long, Lê Văn Duyệt còn tiếp tục sự nghiệp toàn thắng của mình, ở 3 lần cầm quân đi đánh dẹp cuộc nổi dậy của người dân tộc thiểu số Đá Vách (miền Tây Quảng Ngãi) vào các năm 1803, 1808 và 1816; ở lần đi "Kinh lược" các xứ Nghệ An, Thanh Hóa, Thanh Bình (tức Ninh Bình) năm 1819…

Trong các lần cầm quân đi trận đó, Lê Văn Duyệt không chỉ chứng tỏ mình là một nhà quân sự đại tài, mà còn là một chính khách lão luyện, khi khéo kết hợp thực hiện hàng loạt chính sách an dân, diệt trừ tham nhũng lộng hành và đặc biệt còn là một nhà kiến thiết tuyệt vời. Khi chủ trương và tổ chức xây dựng thành công dãy "Tĩnh Man trường lũy" (tức "Trường lũy Quảng Ngãi", theo cách gọi ngày nay): Dài 133 km, chạy dọc theo dải Trường Sơn, đi qua 7 huyện của tỉnh Quảng Ngãi và 2 huyện của tỉnh Bình Định; với 115 đồn canh kiêm trạm kiểm soát giao thương, thuế khóa, bằng kỹ thuật đắp đầm đất và xây - xếp đá ở trình độ rất cao.

Đỉnh cao của sự nghiệp Lê Văn Duyệt phục vụ chúa Nguyễn Ánh - Hoàng đế Gia Long, là vào cuối năm 1819, ông được nhà vua - trước lúc băng hà - triệu về kinh đô Huế, giao việc cai quản 5 dinh quân Thần Sách và đặc biệt là nhận di mệnh, lập ngôi hoàng đế kế nghiệp cho vua Minh Mạng.

Những người mở đất: Lê Văn Duyệt hai lần Tổng trấn Gia Định thành - Ảnh 1.

Mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt (phải) và vợ là bà Đỗ Thị Phẫn tại lăng Ông - Bà Chiểu ở quận Bình Thạnh (TP HCM) - Ảnh: QUỐC THẮNG

…Đến những vẻ vang khi quản trị Gia Định thành

Gia Định thành, gồm 5 trấn, từ Bình Thuận vào đến Hà Tiên, là kết quả trọng đại và rực rỡ của sự nghiệp mở đất hùng vĩ ở thời kỳ Nam Tiến thần thánh của dân tộc.

Quản trị và phát triển tốt Gia Định thành, là kết quả trông đợi, của sự nghiệp tiếp theo công cuộc mở đất ấy. Và, Lê Văn Duyệt là người hai lần được giao nhiệm vụ và giữ cương vị Tổng trấn, đứng đầu sự nghiệp ấy.

Lần làm Tổng trấn thứ nhất, là ở thời trị vì của Hoàng đế Gia Long, từ năm 1812 đến năm 1815. Lê Văn Duyệt khi ấy, trên thực tế, giữ vai trò đại diện cho cả nước Việt Nam vừa mới do Hoàng đế Gia Long sáng nghiệp (từ năm 1802) và đặt tên (từ năm 1804) mà xử lý việc bang giao với hai nước Xiêm La và Chân Lạp, đang ở vào lúc căng thẳng nhiều phức tạp - đã vừa cương quyết, vừa mềm dẻo, bảo vệ được thanh thế và sự vẹn toàn miền đất Nam Bộ, vừa giúp giải quyết êm thấm những lục đục, rối ren, tranh chấp trong nội bộ triều đình Chân Lạp và giữa Chân Lạp với Xiêm La.

Công trình kiến thiết chủ yếu của Lê Văn Duyệt ở thời này là những tòa thành Nam Vang và Lô Yêm, xây dựng cho/và ở trên đất/Campuchia để giúp Chân Lạp chống lại sự dòm ngó của Xiêm La.

Lần làm Tổng trấn Gia Định thành thứ hai dài hạn hơn - từ năm 1820 đến năm 1832 - là ở thời trị vì của Hoàng đế Minh Mạng.

Khi Chân Lạp lại gặp biến động từ vụ nổi loạn của Sư Kế, khởi dấy từ Phiên An, Lê Văn Duyệt đã lập tức ra tay trấn áp ngay và thành công trong việc giữ yên bờ cõi, cùng với sự an toàn của triều chính nước láng giềng, cho dù phải điều binh khiển tướng đến hai lần trong một năm 1820.

Sách "Đại Nam thực lục" có chép được câu sử bút sau đây, khi vua Minh Mạng "lấy Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt lĩnh chức Tổng trấn Gia Định thành (lần thứ hai): Phàm truất thăng quan lại, hưng lợi trừ hại, tất cả việc của Gia Định thành và việc biên cương, đều cho tùy nghi mà làm", tức thị: Lê Văn Duyệt đã được trao quyền rất lớn, trên rất nhiều lĩnh vực, trong đó, có việc điều hành bộ máy quan lại, phát hiện và trừng trị những tiêu cực, xấu kém, để làm trong sạch bộ máy này.

Điển hình trong việc Lê Văn Duyệt tích cực và thành công "chống tham nhũng" trong bộ máy chính quyền Gia Định thành là trường hợp vụ án tử hình Huỳnh Công Lý tham nhũng và lộng quyền năm 1821, cho dù đây là người đương chức Phó Tổng trấn và là nhạc phụ của Hoàng đế Minh Mạng!

Song song với công cuộc bảo đảm trật tự - trị an cho xã hội như thế, Lê Văn Duyệt còn là người rất giỏi việc "hưng lợi" bằng kinh tế cho/và trên toàn hạt cai quản của mình. Kể cả việc đem 15.000 "phương" gạo phát chẩn cho người dân Khmer bị nạn đói năm 1827. Tài kiến thiết của võ tướng họ Lê đến năm 1822 lại bộc lộ ở trường hợp một lúc huy động được 39.000 dân công - cả người Việt lẫn người Khmer - giúp Chỉ huy Nguyễn Văn Thoại/ và sang đến năm 1823, cũng chính Tổng trấn làm đổng lý/ đào kênh Vĩnh Tế, chạy dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, từ Châu Đốc đến Hà Tiên - một công trình cực kỳ quan trọng và rất có giá trị về đủ các mặt, không chỉ đối với đương thời, mà còn đến tận ngày nay.

Vị Tổng trấn Gia Định thành trong các năm 1820-1832 đã cho lịch sử thấy rõ mình còn đích thực là một người có tầm nhìn và hoạt động cùng công lao, về mặt văn hóa, rất lớn, khi đứng ra thành lập hai cơ quan là "Anh hài" để rèn luyện võ nghệ và "Giáo dưỡng" dạy văn chương và nghề nghiệp cho trẻ nhỏ khắp trong nước và cho mở các trường học ở nhiều nơi. Ông khuyến khích, giúp đỡ việc rèn luyện - đào tạo nhân tài, dẫn đến những trường hợp thành đạt - cụ thể như của Lê Văn Đức, Trương Minh Giảng, Phan Thanh Giản, Huỳnh Mẫn Đạt, Bùi Hữu Nghĩa…

Những hoạt động văn hóa - văn nghệ của "Bình Dương thi xã" với "Gia Định tam gia" (Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh, Lê Quang Định), Đoàn kịch Nghệ hát bội "Nhứt Chiêu"… đã diễn ra sôi nổi ở thời làm Tổng trấn Gia Định thành của Lê Văn Duyệt hoặc do chính Lê Văn Duyệt chủ trương.

Tầm nhìn văn hóa của Lê Văn Duyệt còn khiến ông có những ứng xử thoáng đạt, cởi mở, trong các vấn đề "người Tây Dương" và Công giáo, đặc biệt ở nhiều trường hợp làm ngoại giao.

Năm 1822, một phái đoàn ngoại giao hơn 30 người của Đại sứ nước Anh là John Crawfurd đã có cuộc gặp gỡ với Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt, đem tặng nhiều quà, bị từ chối. Nhưng khi "bí mật tặng quan Tổng trấn thuốc súng (để dùng vào việc quân) thì được tặng lại trâu, heo quay và gà vịt, lại còn được mời xem một buổi biểu diễn tranh đấu giữa voi và cọp" - như đã thấy ghi vào "Nhật ký" của John Crawfurd. Đại sứ nước Anh ghi vào "Nhật ký" (in năm 1828): "Quan Tổng trấn 58 tuổi, vẻ mặt sôi nổi và thông minh, hơi thấp bé và gầy nhưng hoạt bát. Ông ấy ăn mặc giản dị, với bộ đồ lụa và khăn quấn đầu màu đen. Được tặng nhiều quà nhưng ông ấy đã từ chối, rất khác với các quan chức tham lam ở Xiêm La"!

Ngôi mộ bị xiềng rồi tháo xiềng

Người hai lần làm Tổng trấn Gia Định thành ấy, vào năm 1832, đã mất, khi lâm trọng bệnh, tại chức, thọ 69 tuổi.

Rất bất ngờ là 3 năm sau, vào năm 1835, vua Minh Mạng đã cho đình thần nghị bàn và khép Lê Văn Duyệt vào 7 tội đáng trảm (chém đầu) và 2 tội nên giảo (thắt cổ)! Ngôi mộ của Lê Văn Duyệt bị đem san bằng, xiềng lại bằng xích, đề to hàng chữ: "Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ" (Đây là nơi hoạn quan lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu tội)!

Sáu năm sau, vào năm 1841, vua Thiệu Trị kế nghiệp vua Minh Mạng, vừa lên ngôi, đã xuống lệnh tẩy oan cho Lê Văn Duyệt, tháo xiềng và xây lại mộ.

Để cho đến bây giờ, Khu Di tích "Lăng Tả quân" họ Lê, người hai lần Tổng trấn Gia Định thành, luôn uy nghi, hoành tráng, thơm ngát khói hương sùng mộ của lòng dân, giữa TP HCM, sau Thời Mở Đất với xiết bao là sự việc, đang tiếp tục rầm rộ đi lên cùng sự nghiệp "Khát vọng phát triển".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo