xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những người làm hoa cho đất: Gia Định tam gia

Nhà sử học Lê Văn Lan

Trong "Gia Định tam gia", Trịnh Hoài Đức nhỏ hơn Lê Quang Định 6 tuổi và Ngô Nhân Tịnh 4 tuổi; là người thọ nhất, làm quan với nhiều chức vụ nhất và sáng tác "khỏe" nhất

Họ tuổi tác sàn sàn, cùng xuất thân từ Trường Hòa Hưng của danh sư Võ Trường Toản, đều theo giúp chúa Nguyễn Ánh mà trở thành đại thần của vua Gia Long hồi cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XXIX. Đó là "Gia Định tam gia" Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh và Trịnh Hoài Đức.

Lê Quang Định: Sự nghiệp lẫy lừng

Lê Quang Định sinh năm 1759, là người làng Tiên Nộn, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên (nay là xã Phú Mậu, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Thuở nhỏ, vì nhà nghèo, cha mất sớm, Lê Quang Định phải theo anh vào làm ăn ở huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc TP HCM). Thông minh, hiếu học, là "học trò cưng" của thầy Võ Trường Toản, Lê Quang Định được thầy thuốc Hoàng Đức Thành tận tình giúp đỡ, gả cả con gái cho.

Những người làm hoa cho đất: Gia Định tam gia - Ảnh 2.
Những người làm hoa cho đất: Gia Định tam gia - Ảnh 3.

Trường Tiểu học Võ Trường Toản ở quận 10 và đường Võ Trường Toản trên địa bàn quận 5, TP HCM (ảnh trên).Ảnh: TẤN THẠNH

Năm 1788, chúa Nguyễn Ánh chiếm lại được đất Gia Định từ tay nhà Tây Sơn, cho mở khoa thi chọn người "có chữ". Lê Quang Định trúng tuyển, được cử làm Hàn lâm Viện chế cáo, rồi Điền Tuần quan, Đông cung Thị giảng (chuyên giữ sổ sách giấy tờ, trông coi việc khai khẩn, dạy học cho hoàng tử Cảnh), sau thăng tới chức Hữu Tham tri Bộ Hình.

Năm 1802, chúa Nguyễn Ánh lên ngôi vua Gia Long, phong Lê Quang Định làm Thượng thư Bộ Binh, Chánh sứ sang triều đình nhà Thanh cầu phong. Năm 1810, Lê Quang Định được chuyển làm Thượng thư Bộ Hộ, kiêm quản Khâm Thiên giám.

Năm 1813, Lê Quang Định lâm bệnh rồi mất. Ông được vua Tự Đức (1847 - 1883) đưa vào thờ ở miếu Trung hưng Công thần.

Song song với sự nghiệp lẫy lừng của một chính khách như thế, Lê Quang Định còn được đánh giá là một nhà hoạt động văn hóa đa tài.

Năm 1806, Lê Quang Định đảm nhiệm trọng trách biên soạn bộ "Hoàng Việt nhất thống địa dư chí" gồm 10 quyển. Đây là bộ địa chí đầu tiên của triều đại nhà Nguyễn.

Lê Quang Định còn là tác giả tập "Hoa nguyên thi thảo", gồm 74 bài thơ chữ Hán và một số bài thơ khác được khắc in chung với Ngô Nhơn Tịnh, Trịnh Hoài Đức, trong bộ "Gia Định tam gia thi tập". Thơ của ông có phong vị hào sảng, phóng khoáng. Khi đem khắc in, một số bài còn được tài hội họa của ông kèm vào, thêm tính "thi trung hữu họa".

Ngô Nhân Tịnh: Một đời thăng trầm

Ngô Nhân Tịnh sinh năm 1761, là người Gia Định gốc Minh Hương (tổ tiên từ Quảng Đông - Trung Quốc sang Gia Định lánh nạn Mãn Thanh từ thế kỷ XVII).

Học thầy Võ Trường Toản rồi theo giúp chúa Nguyễn Ánh, Ngô Nhân Tịnh làm quan Thị độc ở Viện Hàn lâm, sau đó làm Hữu Tham tri Bộ Binh. Ông từng cùng chúa Nguyễn Ánh dẫn quân đi cứu viện thành Quy Nhơn. Lúc ấy, thành này do bạn đồng môn của ông là Ngô Tùng Châu trấn giữ, bị Tây Sơn vây hãm.

Ngô Nhân Tịnh 2 lần được cử đi sứ sang phương Bắc, trình quốc thư và cầu phong vào các năm 1798, 1802. Năm 1807, ông làm Chánh sứ sang Chân Lạp, phong "Cao Miên quốc vương" cho Nặc Chân.

Năm 1811, Ngô Nhân Tịnh được cử ra Nghệ An làm Hiệp trấn. Năm 1812, ông được thăng Thượng thư Bộ Công, kiêm Hiệp hành Tổng trấn Gia Định.

Đến năm 1813, Ngô Nhân Tịnh (cùng Lê Văn Duyệt) đem hơn 13.000 quân hộ tống Nặc Chân về nước làm vua Chân Lạp, đồng thời hội đàm với Xiêm La về quan hệ bang giao. Cùng năm, ông bị vu cáo nhận hối lộ của Chân Lạp và Xiêm La, dù được vua Gia Long "bỏ qua" nhưng không tin dùng nữa.

Sầu não nặng nề, Ngô Nhân Tịnh cáo quan về Gia Định. Ông sống ẩn dật, đến cuối năm 1813 thì mất.

Cuộc đời chính khách nhiều lúc thăng trầm nhưng Ngô Nhân Tịnh luôn được ca ngợi là người học rộng. Ông giỏi văn chương chữ nghĩa, thích ngâm vịnh, có nhiều tác phẩm làm hoa cho đất Phương Nam, để lại cho hậu thế.

Ngô Nhân Tịnh là đồng tác giả với Đốc học Nghệ An Bùi Dương Lịch soạn sách "Hoan Châu phong thổ ký" trong thời gian làm Hiệp trấn Nghệ An; nhuận chính sách "Nhất thống địa dư chí" của Lê Quang Định. Ông còn là tác giả của "Thập Anh đường văn tập" (gồm 187 bài Kinh nghĩa dùng làm mẫu tham khảo cho thí sinh khoa cử), "Thập Anh đường thi tập" (gồm 81 bài thơ chữ Hán làm khi đi sứ, ngồi ở quan trường, thù tạc cùng bằng hữu) và một số bài nữa, khắc in chung với Lê Quang Định cùng Trịnh Hoài Đức trong "Gia Định tam gia thi tập".

Trịnh Hoài Đức: 2 đời vua đều trọng dụng

Sinh năm 1765, kém Lê Quang Định 6 tuổi và Ngô Nhân Tịnh 4 tuổi, Trịnh Hoài Đức là người thọ nhất trong "Gia Định tam gia". Ông sống và làm việc đến tận năm 1825 - thời vua Minh Mạng, trong khi Lê Quang Định và Ngô Nhân Tịnh mất khi vua Gia Long còn trị vì. Trong "Gia Định tam gia", Trịnh Hoài Đức cũng là người làm quan với nhiều chức vụ nhất và sáng tác "khỏe" nhất.

Lúc Nguyễn Ánh còn làm chúa, năm 1788, Trịnh Hoài Đức đã được bổ chức Hàn lâm Chế cáo, năm 1789 làm Tri huyện Tân Bình kiêm Điền Tuần quan, năm 1793 làm Đông cung Thị giảng - kèm hoàng tử Cảnh ra giữ thành Diên Khánh. Năm 1794, ông làm Hộ bộ Hữu Tham tri; năm 1801 giữ việc tiếp viện quân lương từ Quảng Nam, Quảng Ngãi cho chúa Nguyễn Ánh đánh lấy Phú Xuân của Tây Sơn.

Khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua Gia Long, Trịnh Hoài Đức được phong làm Thượng thư Bộ Hộ, sung làm Chánh sứ sang nhà Thanh bang giao. Năm 1809 và 1816, hai lần ông vào Gia Định làm Hiệp Tổng trấn. Giữa 2 năm đó, ông làm Lễ bộ Thượng thư kiêm quản Khâm Thiên giám (1812) và Lại bộ Thượng thư (1813).

Đến thời vua Minh Mạng, năm 1820, Trịnh Hoài Đức tiếp tục làm Lại bộ Thượng thư kiêm Binh bộ Thượng thư, đồng thời làm Hiệp biện Đại học sĩ, Phó tổng tài Quốc sử quán. Năm 1821, ông hộ giá vua đi "Bắc tuần". Năm 1822, ông làm giám khảo kỳ thi Ân khoa...

Trịnh Hoài Đức viết rất nhiều. Về văn chương, ông có: "Cấn trai thi tập" (3 quyển), "Bắc sứ thi tập", "Gia Định tam gia thi tập", "Đi sứ cảm tác" (gồm 18 bài viết bằng chữ Nôm theo kiểu liên hoàn). Về khảo cứu, ông có "Lịch đại kỷ nguyên", "Khang tế lục", đặc biệt là "Gia Định thành thông chí" (ghi chép đầy đủ về tự nhiên, phong tục, sản vật, con người… Nam Kỳ, được đánh giá cao cho đến tận ngày nay, được dịch ra tiếng Pháp từ cuối thế kỷ XIX).

"Cả Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh và Trịnh Hoài Đức đều là những tác gia văn chương chữ nghĩa tài danh, làm đẹp cho văn hóa đất Nam Kỳ, được suy tôn là “Gia Định tam gia”.
Ngay từ thuở còn đi học thầy Võ Trường Toản, Lê Quang Định đã kết thân với các đồng môn như Ngô Nhân Tịnh, Trịnh Hoài Đức... Họ lập nhóm “Sơn Hội” (gồm những người “có chữ” mang tên tự chữ “Sơn”, như: Nhữ Sơn Ngô Nhơn Tịnh, Chí Sơn Trịnh Hoài Đức, Kỳ Sơn Diệp Minh Phụng, Hối Sơn Hoàng Ngọc Uẩn…), về sau mở rộng thành “Bình Dương Thi xã” nổi tiếng.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo