xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những lá thư từ thành phố Hồ Chí Minh

PHAN PHAN

Trong những câu chuyện mẹ kể đêm đêm nơi miền quê nghèo nắng lửa, chúng tôi vẫn hằng tha thiết nhắc về TP HCM tình nghĩa, xa xôi đó mà gần gũi biết bao

Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng miền núi hẻo lánh của Hà Tĩnh, cách TP HCM hơn ngàn cây số. Thế nhưng, vượt qua khoảng cách địa lý xa xôi, vượt qua những khác biệt vùng miền, thành phố phương Nam từ bao giờ đã trở thành một phần yêu thương tha thiết trong tâm tưởng của tôi.

Năm 1992, sau mấy mùa hạn hán rồi lại lũ lụt liên miên khiến một dải đất miền Trung đã khắc nghiệt cỗi cằn lại càng thêm kiệt quệ, cha mẹ tôi đành dằn lòng để đứa con trai duy nhất của gia đình lên đường vào Nam, nhờ một người họ hàng tìm giúp công việc tại TP HCM. Anh đi vào thời điểm xóm làng đói khổ, hành trang mang theo chỉ có đôi bộ quần áo cũ đựng trong chiếc balô bộ đội của cha cùng với niềm hy vọng đau đáu tìm kiếm được việc làm để đỡ đần cha mẹ nuôi bà nội già yếu và mấy đứa em thơ dại.

Tàu Thống Nhất ngày ấy chạy ròng rã hai ngày hai đêm mới vào đến nơi, khoảng thời gian đó trôi qua đối với gia đình tôi sao mà dài dằng dặc. Cho tới khi nhận được bức điện đầu tiên anh gửi từ thành phố báo đã đến nhà bác bình an, cha mẹ tôi mới vơi bớt phần nào nỗi lo lắng bồn chồn.

TP HCM đã bao dung mở rộng vòng tay đón anh tôi. Anh nhanh chóng xin được việc làm trong một xưởng sơ chế thủy sản, ở trọ cùng những người công nhân tứ xứ chung một cảnh nghèo nên đùm bọc yêu thương nhau. Thỉnh thoảng trên những chuyến tàu qua, chúng tôi nhận được từng bao gạo trắng, thùng sách vở, nồi nhôm, màn tuyn, quần áo cũ, những thứ quý giá vô cùng mà anh chắt chiu được gửi cho một người cùng quê làm trên tàu Thống Nhất giúp mang về. Tôi hãnh diện mặc chiếc áo hoa lành lặn đến trường, vui sướng ăn cơm không phải độn khoai, tự hào kể cho bạn bè nghe về thành phố của anh có cái nhà cao tít đếm mãi không hết tầng. Sau này tôi mới biết khoảng thời gian ấy đêm nào mẹ cũng nén tiếng thở dài lau nước mắt nhớ anh. Trong ý nghĩ của mẹ tôi, thành phố là nơi đầy bất trắc và cạm bẫy, một đứa con trai nhà quê khờ dại mới vừa học xong lớp 12 liệu có sống nổi được hay không?

Những lá thư từ thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Những lá thư năm ấy

Dường như hiểu được nỗi âu lo của cha mẹ nên anh tôi rất chăm viết thư về. Trong chiếc sập gỗ kê nơi góc nhà, những bức thư của anh chính là thứ tài sản quý giá được cha mẹ tôi gìn giữ cẩn thận nhất. Để rồi giờ đây mỗi lần anh về quê, chúng tôi lại ngồi bên nhau lần giở từng trang ký ức, cùng khóc cười nhớ về năm tháng xa xưa.

TP HCM những năm 90 của thế kỷ trước chưa rộng lớn, nguy nga như bây giờ nhưng tình người lúc nào cũng ấm. Anh kể có hôm đi làm bằng xe đạp, đêm khuya về lủng ruột xe, anh dắt bộ bỗng có người chạy xe Cub chầm chậm phía sau làm anh sợ hết hồn. Hóa ra người ấy giúp rọi đèn qua quãng vắng, còn dặn dò: "Chú em ráng lên, tới lối rẽ đầu kia có tiệm sửa xe miễn phí rồi".

Hồi mới vô anh lơ ngơ đi lạc, nói giọng miền Trung trọ trẹ mãi không ai hiểu ra, may có bác bán vé số già tận tình đưa về đầu hẻm. Chao ôi là những con hẻm quanh co, rắc rối như mê cung làm sao nhớ cho hết. Thành phố chợt nắng chợt mưa, lúc tan ca đột ngột nước đổ trắng trời, đồng nghiệp dúi vào tay chiếc áo mưa bảo: "Cậu về Hóc Môn xa lắm mang vô kẻo ướt, nhà tui gần đây chạy ù một tí không sao". Thời gian trôi qua từng cánh thư, những câu chuyện anh kể trên trang giấy ngả màu đã đưa TP HCM xa xôi trở nên gần gũi và thân thương với gia đình tôi biết mấy.

Năm năm sau khi anh vào Nam, từ tiền lương anh gom góp gửi về, cha mẹ tôi mua bò rồi gây giống thành một đàn đông đúc, quả đồi trồng cam được đầu tư chăm bón cũng dần cho thu hoach. Mẹ viết thư vào bảo anh có lẽ đã đến lúc sắp xếp để quay về, để con một thân một mình nơi quê người, cha mẹ làm sao yên lòng được. Phải chờ rất lâu cha mẹ mới nhận được thư anh. Tôi không nhớ anh viết gì kín 4 trang giấy học trò, chỉ nhớ khoảnh khắc mẹ bật khóc khi cha đọc đến hàng tái bút: "Xin phép cha mẹ cho con ở lại".

Anh tôi chọn ở lại TP HCM, nơi đã cưu mang anh trong những tháng năm khó khăn nhất của gia đình, nơi nối dài bàn tay để những đứa em của anh có cơm no áo ấm cắp sách đến trường, nơi gieo vào lòng anh biết bao hy vọng. Cùng với sự phát triển của thành phố, cơ hội việc làm ngày càng mở ra nhiều hơn. Sau khi theo học một lớp nâng cao trình độ, anh tìm được công việc tốt hơn và may mắn gặp được tình yêu của cuộc đời mình nơi đó.

Bây giờ đây, sau rất nhiều lần đến TP HCM, tôi mới hiểu được rằng không chỉ riêng anh trai tôi, mà mảnh đất phương Nam này đã được nhiều người chọn làm quê hương thứ hai như thế. Thành phố mở rộng vòng tay che chở những phận người tứ xứ không phân biệt vùng miền, không kể sang hèn, không chia ngôi thứ. Thành phố qua mấy trăm năm vẫn vẹn nguyên tinh thần của những lưu dân thuở ấy - hào sảng, chân thành, tử tế, vị tha. Tôi vẫn nhớ trong một lá thư gửi từ thành phố, anh trai tôi nói rằng ban đầu đến đây chỉ vì lẽ mưu sinh, nhưng không biết tự bao giờ những ân tình sâu nặng đã chảy vào thẳm sâu tâm thức khiến anh đem lòng gắn bó yêu thương mảnh đất này như máu thịt. Để rồi trong những câu chuyện mẹ kể đêm đêm nơi miền quê nghèo nắng lửa, chúng tôi vẫn hằng tha thiết nhắc về TP HCM tình nghĩa, xa xôi đó mà gần gũi biết bao. 

Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"

Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải

Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.

Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).

Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.

Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.

Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".

Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo