xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghe mùi mưa

Truyện ngắn của NGUYỄN LÊ VÂN KHÁNH

Tôi không thể nào hiểu nổi kiểu nhạy cảm có thể nghe được mùi mưa. Khanh nói:


- Ở đâu đó đang mưa, mình nghe thấy mùi mưa.

Mùi mưa? Thực sự có thể nghe thấy mùi mưa? Lúc đó là khoảng bốn giờ chiều, tôi đang ngồi trong nhà nhìn qua ô cửa kính. Khanh đang loay hoay tết tóc cho tôi. Trước đó, một người đàn ông chạy xe máy ngang qua. Ông ta bận áo mưa cánh dơi. Trên nền cảnh oi ả của mùa hè, trông người đàn ông ấy thật kỳ dị. Như thể hai cánh tai của con voi to lớn chuẩn bị bay lên. Phần xe máy nhô ra phía trước như thể mũi và vòi. Dù gì đi nữa thì một người đàn ông trong bộ đồ mưa lùm xùm trên nền trời nóng ran cũng khởi lên cảm giác kỳ dị.

- Đúng rồi. Nhưng sao lại có thể nghe được mùi mưa? Bên ngoài trời vẫn nắng và nóng mà.

- Vậy thì tại sao cậu cũng nghĩ là "đúng rồi"? - Khanh hỏi và cười - Mọi thứ chỉ là tín hiệu thôi.

Cuộc nói chuyện đó cũng là một kiểu tín hiệu. Nó cứ nhấp nháy nhấp nháy, ở bên trong tôi. Ngay đây thôi, không cần lục lọi sâu. Một kiểu tín hiệu chưa được giải mã. Ngay sau cuộc nói chuyện đó, chúng tôi không gặp lại nhau lần nào nữa.

Nghe mùi mưa - Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chúng tôi không còn xem nhau là bạn, ít nhất là tôi cảm thấy mọi sự đang diễn ra như vậy. Tôi nghĩ rằng về sau này có rất nhiều thứ ở Khanh đã đi chệch ra khỏi đường biên. Kiểu đường biên bằng cách nào đó đã khoanh vùng nên những vùng đất có ý nghĩa đặc biệt với cả hai chúng tôi, có thể nói là hai người bạn thân.

Chúng tôi gặp nhau trong lớp báo chí ở trường đại học. Bằng sự loại trừ thẳng thừng, thường thì bọn sinh viên thích chen chân đi kiếm chuyện để viết bài lại thường chơi với nhau. Nó giống kiểu thương gia chỉ chơi với hạng thương gia, bởi họ kiếm tiền nhờ tầm gửi lẫn nhau. Tôi nghĩ rằng nghề báo phải là cái gì đó thật khác. Tôi chán cảnh bạn học gặp nhau quán cà phê đầu đường vội đá đểu dạo này bác giàu thế, bác viết nhiều thế, bác viết gì cho em đi theo bác. Quê tôi không có "bác" nào, chỉ có "mày tao". Một hôm chửi đổng, từ đó hễ nghe sinh viên báo chí thì tôi chạy dài, dù mình cũng là sinh viên báo chí.

Khanh và tôi bắt đầu chơi thân với nhau từ những chuyện chán chường như thế. Tôi chán phải lớn lên, mà trường đại học là nơi buộc người ta phải lớn, có thể bằng cách đúng cách sai. Và vì không biết cách nào thực sự là đúng nên người ta sẽ chọn cách khác.

- Sau này mình chỉ ước mở một tiệm bán hoa. Nhiều hoa đẹp. Suốt ngày chỉ làm mỗi việc cắm hoa đẹp.

- Còn mình sẽ mở một tiệm bán kem. Trời nóng bán, trời lạnh cũng bán.

Sau này, khi nghĩ lại, thật khó có thể tin được bọn tôi đã nói với nhau những câu như thế. Nó có vẻ không hợp với sinh viên đại học thời bấy giờ hoặc có thể có và sẽ bị gán cho những tính từ không ra gì.

Ngay sau đó thì tôi bỏ học. Lúc đó vào khoảng sau năm ba, tôi còn chưa kịp kết thúc chuyến thực tập đầu tiên. Công việc đi lấy tin và viết bài không lạ gì với tôi nhưng gắn kết với một toà soạn, hằng ngày đến đó, gặp phóng viên này nọ thì tôi chưa bao giờ. Bài viết của tôi được đăng ngay tắp lự với tên của anh phóng viên hướng dẫn. Chứng kiến việc cãi cọ giữa hai phóng viên để giành thiệp mời dự hội nghị, ngay sau đó tôi nghỉ. Không những nghỉ thực tập ở tòa soạn, mà cả nghỉ học.

Khoảng thời gian sau đó mọi chuyện vẫn hoàn toàn bình thường. Gia đình tôi không biết chuyện tôi bỏ học, chuyện đó nếu vỡ ra chẳng khác gì tôi hết đường. Mà thực sự còn con đường nào, bản thân tôi cũng không hề hay biết.

Vậy mà tôi đã từng nghĩ rằng mình chưa hề sợ hãi khoảng thời gian đó. Bởi lẽ còn có Khanh ở bên cạnh. Chúng tôi vẫn thường nói những chuyện vẩn vơ không đầu không cuối. Những chuyện vẩn vơ ấy có lẽ đã vô tình chảy thành một nhịp điệu êm đềm qua vùng đất của riêng hai chúng tôi. Ở bên trong vùng biên thiêng liêng ấy, ít nhất cũng có một người tin những lời tôi nói.

Về sau, khi có thể tách xa mọi thứ, có khoảng cách đủ để tôi có thể nhìn lại, thì hóa ra Khanh có lẽ chỉ là bức màn che phủ nỗi sợ hãi có thật. Tôi cần vùng đất và đường biên ấy vì chỉ duy nhất một người tin tôi - ấy là Khanh. Dù bằng nỗ lực yếu ớt, bản năng tôi vẫn luôn nghĩ mình cần bảo vệ đường biên ấy. Nếu khi đó tôi đã tin chính bản thân mình thì Khanh, thậm chí cả mảnh đất ấy, cũng chẳng cần tồn tại.

Khanh được một người họ hàng gửi vào làm ở đài truyền hình thành phố sau khi ra trường. Bằng một sự hy vọng từ bên trong vùng đất thiêng, tôi tin rằng Khanh sẽ khác "bọn người khác" - những kẻ hành nghề cẩu thả và rẻ rúng chính bản thân mình. Tôi cứ dõi theo Khanh, cho đến khi Khanh xem điều đó trở thành nỗi phiền phức. Một hôm, tôi gặp cô ở tiệc cưới một người bạn cũ. Khanh bận một cái đầm đỏ tay dài, túi mổ có nắp ở hai bên hông với các đường may sắc sảo. Khanh nhìn tôi cười, một nụ cười khẳng định rằng giữa nàng và tôi có một khoảng cách là từ A đến B. Mọi thứ đều rõ ràng, cụ thể. Mà những thứ rõ ràng, cụ thể sinh ra trên đời vốn dĩ để tránh sự nhập nhằng và các ý định thu hẹp. Nếu không thể thu hẹp thì ta nên giãn ra.

"Này xem đi, nếu mi cần ta sẵn sàng bán nó". Phải rồi, Khanh đã bán đi vùng đất đó. Nàng nói câu đó với kẻ lạ khi đang bận cái đầm đỏ tay dài, túi mổ có nắp ở hai bên hông với các đường may sắc sảo. Mọi chi tiết trên cái đầm đỏ đều không chê vào đâu được, như thể một kẻ bên ngoài đường biên đứng giương mắt khiêu khích. Cứ hễ suy nghĩ ấy trôi qua, vai tôi bất giác rụt lại. Đôi lúc hành động ấy len lén một sự sợ hãi song phần lớn gốc rễ vẫn cảm giác thua cuộc. Nói rõ ra, khi người ta trưởng thành, ai cũng có quyền bước ra khỏi những vùng biên để đi tìm những điều mình mong muốn. Khanh được quyền làm điều đó, huống hồ tôi không chắc nàng có làm gì sai hay không. Mà cho dù Khanh đã làm điều gì sai thì có gì là quan trọng. Điều tôi muốn nhìn thấy ở Khanh, rốt cuộc chỉ là ảnh chiếu từ chính bản thân mình.

Ngay từ những ngày ngồi cà phê đầu đường và nghe bọn cùng lớp rỉ rả chuyện mánh khóe viết lách, cảm giác chán ngấy tận cổ đã cho thấy rằng tôi là kẻ thua cuộc. Tất cả chỉ là tín hiệu, còn cơn mưa có thể đến chốn này, hoặc không. Tôi đã sợ hãi tín hiệu, thứ mà tôi chạy trốn không phải là cơn mưa, mà chỉ là những tín hiệu vô vị và ảnh ảo.

Rồi tôi mở một tiệm bán kem. Sáng nọ khi xe kem đến giao hàng, tôi đứng xem người giao kem xếp chúng vào tủ. Anh ta lấy từng thùng một từ xe trữ đông bán tải đến gần tủ kem của tôi. Anh chàng mở nắp tủ và xếp ngay ngắn từng cây kem vào đúng loại của nó. Kem trái cây, kem đậu, kem sữa, cứ thế anh chàng tỉ mẩn phân loại và xếp chúng ngay ngắn hết thùng này đến thùng khác.

- Này, sao cô lại mở tiệm bán kem? - đột ngột anh ta hỏi, mắt không ngước lên nhìn tôi.

- Nếu không làm công việc này thì sẽ làm một công việc khác. Ngẫu nhiên công việc khác đó là mở tiệm bán kem.

Tôi chẳng suy nghĩ gì lúc đó, lời nói chỉ tự nhiên trả về như vậy, nhanh mát như làn hơi từ tủ kem.

Anh chàng giao kem về rồi, tôi lại tự hỏi mình vì sao lại mở tiệm bán kem. Chúng tôi thừa biết năm xưa, trong vùng biên thiêng liêng ấy, ý định mở tiệm bán hoa và tiệm bán kem chỉ là một cái gì đó thốt ra trong phút chốc. Tất cả đều không có nghĩa là chúng tôi thực sự yêu công việc ở tiệm hoa và tiệm kem. Nó chỉ là một tín hiệu thôi, tín hiệu cho phép bản thân mong chờ sự tưới tắm từ một cơn mưa.

Một cơn mưa. Sẽ tới. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo