xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Mai Vàng nhân ái” thăm NGƯT Nguyễn Văn Phúc, nghệ sĩ Xuân Hiểu

Thanh Hiệp (ảnh Tấn Thạnh)

(NLĐO) – Sáng 24-3, chương trình “Mai Vàng nhân ái” do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã đến thăm Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Nguyễn Văn Phúc và nghệ sĩ Xuân Hiểu.

Hơn 50 năm bền bỉ với bục giảng

Nhà giáo Xuân Hiểu chuyên dạy về vũ đạo và múa hơn 50 năm qua. Trước đây, ông là diễn viên của Đoàn cải lương Nam Bộ, học trò của NSND Phương Danh (thầy Tám Danh - PV), cùng khóa với các nghệ sĩ: Công Thành, Tú Lệ, Lê Thiện, Ca Lê Hồng, Thanh Vy, Thanh Hạp, Hoàng Khanh...

Theo NSƯT Ca Lê Hồng, Xuân Hiểu từ miền Bắc nhưng học ca bằng giọng Nam, lúc nói chuyện giọng Bắc, lúc hát giọng Nam nên ai cũng cười. Nhưng vì ông hát hay quá lại còn dùng vũ đạo diễn đạt vai con hạc trong vở cải lương "Hạc trắng" mà ngày xưa thầy Tám Danh đã dạy, nên từ đó bén duyên với nghề diễn viên và cả nghề biên đạo múa.

“Mai Vàng nhân ái” thăm NGƯT Nguyễn Văn Phúc, nghệ sĩ Xuân Hiểu - Ảnh 1.

Đại diện Báo Người Lao Động trao tiền hỗ trợ đến nhà giáo Xuân Hiểu

Dù đã cao niên nhưng từng nét vũ đạo của nhà giáo Xuân Hiểu vẫn điêu luyện. Ông nói: "Hồi chúng tôi học, làm gì biết đến ba lê nhưng thầy Tám Danh đã dạy chúng tôi múa con hạc trắng cho giống Việt Nam, không phải thiên nga. Nghĩa là, dù hạc biến thành người nhưng lúc diễn thỉnh thoảng phải lộ cốt hạc bằng "chiếc mỏ" và "đôi cánh". Lúc hạc bị thương thì phải vỗ nhè nhẹ vào đôi vai, lúc đi trong đau đớn đôi chân phải kéo về phía sau và bấu xuống sàn diễn như gà bới, vì đó là hạc Việt Nam".

Nhắc lại thời trai trẻ, nghệ sĩ Xuân Hiểu tâm sự NSND Tám Danh đã truyền đạt cho học trò những kinh nghiệm qua sự quan sát thiên nhiên và từ cuộc sống. Những năm đầu của thế kỷ 20, sân khấu Việt Nam chưa có điều kiện tiếp cận với sân khấu thế giới nhưng NSND Tám Danh lại soạn được một chuyên đề để dạy cho bộ môn cải lương. Năm 1966, NSND Tám Danh còn đề xuất cách tân cải lương bằng cách kết hợp âm nhạc, vũ đạo, nội dung để tạo ra hình thức mới cho cải lương. Điều này dẫn đến một cuộc tranh luận dữ dội giữa các nghệ sĩ cải lương. Cuối cùng, mọi người yêu cầu dựng thể nghiệm vở "Ánh lửa". Câu chuyện chưa ngã ngũ thì có lệnh sơ tán đi chiến đấu chống Mỹ và việc cách tân cải lương cũng bỏ lửng từ đó.

“Mai Vàng nhân ái” thăm NGƯT Nguyễn Văn Phúc, nghệ sĩ Xuân Hiểu - Ảnh 2.

Nhà giáo Xuân Hiểu

Sàn diễn cải lương thời nay đã khác, suất diễn ngày càng giảm nên việc truyền nghề bên "cánh gà" sân khấu theo nghệ sĩ Xuân Hiểu ít đi. Vì vậy, cách đào tạo cũng phải thay đổi. Trong khi ở các nước, giáo trình giảng dạy 5 năm được cập nhật, thay đổi, còn ở ta vẫn cứ dạy và học theo giáo trình quá cũ, không bắt kịp yêu cầu của thời đại công nghệ 4.0.

Nhận được sự hỗ trợ của chương trình "Mai Vàng nhân ái", ông xúc động nói: "Tôi về hưu và không nghĩ rằng lại nhận được sự quan tâm của Báo Người Lao Động. Xin cảm ơn chương trình "Mai Vàng nhân ái" đã mang lại niềm vui cho nghệ sĩ lão thành, trao gửi niềm động viên tinh thần cho thế hệ nghệ sĩ đi trước".

Người thầy của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng

Nghệ sĩ thứ hai đoàn đến thăm là Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Phúc (SN 1937, nguyên phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP HCM – nay là trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM).

Do ông đang bệnh nặng nên bà Vũ Thị Nam (vợ ông) đại diện nhận tiền hỗ trợ. Bà bày tỏ lòng biết ơn chương trình khi đã hỗ trợ, giúp đỡ các văn nghệ sĩ, nghệ nhân trên toàn quốc. Bà cho biết ông luôn tâm nguyện đồng hành với thế hệ trẻ, dù không còn đứng trên bục giảng nhưng lúc nào cũng quan tâm truyền dạy mỗi khi các học trò cần.

“Mai Vàng nhân ái” thăm NGƯT Nguyễn Văn Phúc, nghệ sĩ Xuân Hiểu - Ảnh 3.

Chương trình “Mai vàng nhân ái” trao tiền hỗ trợ cho Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Phúc - do bà Vũ Thị Nam (vợ của ông) đại diện gia đình tiếp nhận

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Phúc được giới chuyên môn đánh giá là người thầy tận tụy với nghề và rất mát tay. Học trò của ông là những nghệ sĩ nổi tiếng như: Công Ninh, Trần Cảnh Đôn, Thanh Thủy, Quyền Linh, Minh Nhí, Đại Nghĩa, Phú Hải, Hữu Luận, Diệu Ðức, Trung Dân, Công Hậu, đạo diễn Minh Chung, Quang Minh, Nguyễn Mỹ Khanh, Đức Thịnh, Trường Giang, Vân Trang...

Nghệ sĩ Minh Nhí kể thầy Nguyễn Văn Phúc học ở Bulgaria về nên kiến thức sư phạm tốt, chắp cánh cho nhiều học trò vươn xa cao hơn trong nghề.

"Thầy Nguyễn Văn Phúc tiếp cho tôi thêm đôi cánh, không chỉ dạy nghề, mà còn dạy tôi về đạo đức, đam mê với nghề khi hoạt động trong môi trường nghệ thuật. Thầy Nguyễn Văn Phúc gắn bó với tôi trong 3 năm tại Trường Nghệ thuật Sân khấu II, nay là Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM" - nghệ sĩ Minh Nhí nói.

“Mai Vàng nhân ái” thăm NGƯT Nguyễn Văn Phúc, nghệ sĩ Xuân Hiểu - Ảnh 4.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Phúc

Các học trò là nghệ sĩ đều kể cho nhau nghe những câu chuyên đáng nể của thầy Nguyễn Văn Phúc. "Ông luôn tỉ mỉ phân tích nhân vật, hướng dẫn sinh viên, diễn viên khai thác hành động, tâm lý và đặt mình vào trong nhân vật để diễn chân thật, có niềm tin mãnh liệt với số phận nhân vật. Đôi khi chỉ một lớp diễn ngắn, thầy có thể mất cả giờ để giải thích, làm cho vai diễn đạt cảm xúc nhất" – MC Quyền Linh từng nói.

Ông là tác giả của cuốn sách "Nghệ thuật biểu diễn sân khấu và điện ảnh", được NXB Hội Nhà văn ấn hành. Đây là quá trình dày công nghiên cứu và trải nghiệm trên thực tế giảng dạy của thầy giáo dù nghỉ hưu mà vẫn tiếp tục giảng dạy thêm 19 năm như Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Phúc.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo