xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Dưới ánh sáng thiên đường" thấy vẻ đẹp nhân văn

Lê Thiếu Nhơn

(NLĐO) - Sau khi đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn "Người lao động hôm nay" do Báo Người Lao Động tổ chức năm 2019, tác phẩm "Dưới ánh sáng thiên đường" được chọn làm tên cho cuốn sách thứ 5 của nhà văn Phương Trà, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM vừa ấn hành

Chỉ tròm trèm 150 trang in, 12 truyện ngắn gói ghém "Dưới ánh sáng thiên đường" chứng minh tác giả có sự hào hứng nhất định khi khai thác đề tài y tế vốn ít xuất hiện trong văn chương. Vì vậy, đọc "Dưới ánh sáng thiên đường" giữa thời Covid-19 cũng có nét thú vị riêng.

Ngoài công việc của một nữ phóng viên báo Phú Yên, nhà văn Phương Trà dành dụm thời gian để theo đuổi đam mê viết lách. Với 4 cuốn sách đã xuất bản "Nơi hai dòng sông đi qua", "Giấc mơ ban ngày", "Ngược gió" và "Nghe nắng qua thềm", chị được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020. Thế nhưng, phải đến tập truyện ngắn "Dưới ánh sáng thiên đường" thì lối viết của Phương Trà mới định vị rõ ràng. Chị rời bỏ được thói quen loay hoay kể lể, để dùng giọng điệu uyển chuyển vun đắp từng tác phẩm.

Cảm hứng chủ đạo của "Dưới ánh sáng thiên đường" là những con người giản dị với những sinh hoạt thầm lặng. Nhà văn Phương Trà có xu hướng nâng đỡ những nhân vật có chút khiêm nhu, có chút lẩn khuất và có chút thua thiệt. Họ đi qua trang văn, đôi lúc như cái bóng mờ nhòe, nhưng để lại hơi ấm ân cần.

Dưới ánh sáng thiên đường thấy vẻ đẹp nhân văn - Ảnh 1.

Bìa tập truyện ngắn "Dưới ánh sáng thiên đường"

Truyện ngắn trong tập "Dưới ánh sáng thiên đường" thể hiện đầy đủ phong cách của một người vừa viết văn vừa làm báo là "Sự tha thứ cuối cùng". Ở đó, tác giả Phương Trà không chỉ thu nạp dữ kiện thời sự, mà còn trưng dụng ngôn ngữ thời sự: "Người ta nói đúng, mất ghế là mất hết. Thật ra, cái ghế không mất, nó được chuyển giao từ người này qua người khác, tức là chuyển giao luôn những bổng lộc, hoa hồng hoa huệ, những bợ đỡ xun xoe, những xinh tươi ngơ ngác cần được nâng đỡ không trong sáng".

Truyện ngắn trong tập "Dưới ánh sáng thiên đường" hiển lộ tính chuyên nghiệp của một nhà văn là "Người mẫu". Xoay quanh quan hệ một anh họa sĩ bất đắc chí và một cô tiếp viên karaoke tình nguyện làm người mẫu khỏa thân, truyện ngắn "Người mẫu" phản ánh một đề tài khá cũ mòn và khá nhạy cảm. Thế nhưng, tác giả Phương Trà có cách xử lý thật khéo léo, không đay nghiến thân phận bẽ bàng mà cũng không sướt mướt thương hại. Đoạn kết phục thiện hồi hương của cô tiếp viên karaoke thì nhiều người có thể đoán được, nhưng "Người mẫu" không sa vào ngôn tình, không sa vào sến súa và không sa vào khiên cưỡng. Sự bịn rịn lỡ làng của anh họa sĩ và cô tiếp viên karaoke được dẫn dắt một cách mềm mại, một cách tự nhiên. Đó là tín hiệu của một nhà văn có nghề.

Chiếm dung lượng vượt trội trong tập "Dưới ánh sáng thiên đường" là những truyện ngắn viết về giới bác sĩ. Năm truyện ngắn "Dưới ánh sáng thiên đường", "Chỗ nghẽn trong tim", "Máu hiếm", "Bão" và "Đợi" đưa ra 5 góc nhìn khác nhau về những con người khoác áo blouse trắng. Nhà văn Phương Trà huy động một hệ thống chi tiết tương đối phong phú để soi rọi sứ mệnh của họ trong bệnh viện và tâm tư của họ ngoài đời thường. Họ cũng có những bận bịu, những vướng mắc, những đắm say, những đổ vỡ... nhưng khi đối diện lằn ranh sinh tử của tính mạng người cần cứu giúp thì họ toàn tâm toàn ý phụng sự và cống hiến.

Truyện ngắn "Bão" có lẽ là sáng tác văn xuôi đầu tiên viết về đại dịch toàn cầu tại Việt Nam. Những thông tin truy vết, cách ly, xét nghiệm, phong tỏa... tràn ngập trên các trang báo, nhưng đưa vào tác phẩm văn chương không hề dễ dàng. Truyện ngắn "Bão" chỉ là lát cắt nhỏ, viết về một giai đoạn Covid-19 chưa khốc liệt, nhưng cũng đáng trân trọng suy tư của một nhà văn biết âu lo cho cộng đồng.

Tô đậm hình ảnh bác sĩ trong tập truyện ngắn "Dưới ánh sáng thiên đường", nhà văn Phương Trà muốn cùng độc giả khám phá những câu chuyện phía trước lẫn phía sau ánh đèn phòng phẫu thuật, mà nhiều nhất là lĩnh vực can thiệp tim mạch. Nhà văn Phương Trà không giấu giếm mục đích biểu dương những con người biết cho đi mà không cần người khác phải khiến mình vừa ý đẹp lòng, những con người biết cưu mang người khác mà không cần đợi bản thân phải nhàn rỗi hoặc thuận lợi, những con người dám hy sinh mà không cần xã hội phải tôn vinh hay trọng vọng. Mục đích ấy, gián tiếp nhắc nhở lời thề Hippocrates khi đâu đây đã vang lên hồi chuông cảnh tỉnh y đức. Mục đích ấy, trực tiếp hồi sức tích cực cho vẻ đẹp của những trái tim nhân hậu vẫn thường xuyên chìm lấp trên cõi nhân gian đang sôi sùng sục danh lợi.

Khép cuốn sách lại, có điều gì tiếc nuối dành cho "Dưới ánh sáng thiên đường" không? Có đấy. Một vài truyện ngắn trong tập vẫn chưa được đầu tư đặt tên tương xứng. Ví dụ, cái tên "Đợi" không đủ sức gợi mở cho tác phẩm, còn cái tên "Bão" lại nằm ngoài ý nghĩa của tác phẩm. Văn chương hiện đại, công chúng đã khó tính hơn, cái tên cũng là một thành phần cốt yếu của tác phẩm. Một thương hiệu hàng hóa, thì chất lượng sản phẩm không thể thuyết phục đám đông, nếu thờ ơ với công nghệ bao bì.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo