xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhớ thương thành phố phương Nam

Nguyễn Xuân Phương

Đôi lúc tôi nghĩ một ngày sẽ rời TP HCM để sống một nơi khác nhưng khi rời xa tôi lại luyến lưu, nhung nhớ

Hồi tôi dọn về ở quận 12, cô chủ trọ nói, tính ra TP HCM là nơi "tạp xứ tứ phương". Chỉ riêng khu trọ này, cũng đón người ngụ cư khắp nơi.

Mỗi người đến với TP này đều mang theo giọng nói, nét văn hóa vùng miền riêng biệt. Vậy mà, dù "Quảng Nam hay cãi", dẫu "Quảng Ngãi hay co", rồi "Bình Định hay lo"... với bao tính cách trái ngược nhưng lại chẳng hề xung khắc. Tất cả đều được TP HCM dung hòa. TP HCM chẳng phân biệt vùng miền. TP HCM rộng lượng dang tay cưu mang, đón nhận.

Cô xởi lởi, gần 20 năm kinh doanh nhà trọ, chẳng thể nhớ hết đã đón bao nhiêu người di dân. Rời quê đến TP này mưu sinh, ai nấy cũng đều có những lo toan, nỗi niềm. Nhưng TP bao dung đã thấu nghe tiếng lòng của họ. Cho họ có cuộc sống mới ổn định hơn, đủ đầy hơn.

Cô dặn tôi cứ sống đàng hoàng, tử tế. Cứ chăm chỉ, cầu tiến, hiền lương, tương lai sẽ khác. Bởi có nhiều người, ngày mới đến TP này tay trắng, nhưng chí thú làm ăn, giờ đã có nhà cửa để an cư lạc nghiệp.

Nhớ thương thành phố phương Nam - Ảnh 1.

Người nghèo đến nhận gạo và thực phẩm tại cây ATM thực phẩm miễn phí của Báo Người Lao Động trong những ngày phòng chống dịch Covid-19 vào tháng 4-2020 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Không riêng cô chủ nhà trọ mà tôi thường nghe nhiều người nhìn nhận rằng những phẩm cách bao dung, hào sảng là vẻ đẹp bất biến của con người nơi đây. Có lần tôi hỏi người bà con, một người Sài Gòn chính gốc. Cụ kể lúc sinh ra, tinh thần trọng nghĩa hào hiệp đã có trong huyết quản. Phẩm cách tử tế, hào sảng ấy đã thấm đẫm trong lồng ngực của người dân xứ này từ thời khai sinh lập địa, từ thuở nơi đây còn là chốn nước độc, rừng thiêng. Cụ bảo những tính cách nghĩa tình, bao dung ấy, luôn được đắp bồi. Dẫu cuộc sống có biến thiên. Dẫu nơi đây là mảnh đất hội tụ, tích hợp con người, lối sống, văn hóa khác nhau từ khắp nơi, cả trong và ngoài nước. Nhưng người dân TP này biết chắt chiu, tinh lọc, để vẻ đẹp của phẩm cách luôn tỏa sáng.

Đó là lý do mà TP này nay đã phát triển, hiện đại, nhưng những tinh túy, hồn cốt đặc trưng vẫn còn vẹn nguyên.

Đợt ngồi với nhóm bạn, là dân tứ xứ, tôi nói TP bây giờ có vẻ xô bồ. Cuộc sống cứ vội vã. Nên hình như người TP HCM "ruộng ai người nấy đắp bờ". Đứa bạn quê ở Quảng Trị vội cắt lời: "Không đúng. Người TP HCM tử tế, tốt bụng thì sẽ mãi như vậy". Đứa bạn quê ở Gia Lai thêm vào: "Hào sảng, bao dung, là giá trị đạo đức bất biến của người TP HCM. Nên sẽ luôn được phát huy, tiếp nối ".

Hồi miền Trung oằn mình trong bão lũ, cô bán cà phê đầu hẻm khóc: "Đọc tin mà thương quá chừng. Thấy có nhiều nơi vận động cứu trợ. Lát cô đi gởi tiền ủng hộ". Chú may đồ sát bên góp giọng: "Nên vậy, của ít lòng nhiều. Hồi sáng tôi cũng đập hũ heo, rồi gom tiền quyên góp".

Những ngày dịch Covid-19 hoành hành, tấm lòng tương thân tương ái của người TP HCM lại càng bừng sáng. Họ chung tay giúp đỡ người khổ cực qua cơn khốn khó bằng những phần quà miễn phí. Là những thùng mì, túi gạo, suất cơm... Chính nghĩa cử này góp phần lan tỏa tình yêu thương, khơi dậy sự thiện lương trong mỗi người sống ở nơi đây.

Tôi nhận ra tôi sai, còn những người bạn tôi đúng. Tôi đã hiểu vì sao họ đến từ những miền đất khác, nhưng vẫn khăng khăng bảo vệ TP HCM khi nghe có ai đó nói không tốt về thành phố này. Đơn giản, họ bị mê hoặc bởi TP HCM chân tình, rộng lượng. Để rồi họ yêu thương TP HCM như quê hương của mình.

Với tôi, TP HCM như một bản nhạc với đủ đầy những bổng, trầm, thăng, giáng. Có những nốt nhạc vui, cũng có những nốt nhạc buồn. Đó là lý do có đôi lần tôi nghĩ một ngày sẽ rời TP HCM để sống một nơi khác. Nhưng rồi khi vừa rời xa tôi lại luyến lưu nhung nhớ. Tôi rung lên nỗi nhớ TP HCM khi nhớ đến những tủ bánh mì, thùng nước uống miễn phí trên đường, những điểm sửa xe miễn phí cho người nghèo, người khuyết tật. Hay khi nghĩ lại lúc đi xe được người TP HCM chạy theo nhắc: "Gạt chân chống lên kìa con!" Cả cái chuyện mấy lần hỏi đường, người dân TP này sợ tôi lạc, nên chạy trước, dẫn đường đến... tận nơi.

Tôi cứ thương cứ nhớ trong lòng!

Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"

Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải

Nhận bài dự thi từ ngày 10-4-2021. Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.

Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021)

Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.

Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.

Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".

Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo