xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dĩa cơm tấm năm ấy

Diệp Trần

Chúng tôi lớn lên với sự yêu thương của mẹ cha, sự lo lắng và đỡ đần của anh ở phương xa, mong ngóng anh luôn được thành phố bao dung và che chở

Tôi đặt chân đến thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên cách đây khoảng mười mấy năm. Tôi khi ấy, một cô bé đen lùi lũi, tóc bị gió Lào thổi cháy hoe vàng, ngọn chẻ đôi chẻ ba, tranh thủ nghỉ hè theo cha vào thăm anh trai.

Gia đình tôi có bảy anh chị em. Hồi nhỏ sao mà khổ quá, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc trở thành chuyện bình thường, lâu cũng thành quen. Mà xung quanh nhà tôi ai cũng khổ, sự nghèo khổ ngấm vào ký ức tới tận bây giờ. Trên cái xứ đất miền Trung thời tiết khắc nghiệt mà người ta thường nói "chó ăn đá, gà ăn sỏi" ấy, cha nhất quyết không cho chúng tôi thất học. Tôi nhớ khi anh tôi đậu tốt nghiệp cấp ba xong, xin cha vào thành phố Hồ Chí Minh kiếm sống phụ gia đình, cha im lặng. Mẹ giấu nước mắt vào vạt áo sau ánh đèn dầu, cha ngồi nín thinh, bóng gầy cong queo in lên tấm vách nhà bất động. Anh tôi là con trai duy nhất trong nhà, cha tôi lại là tộc trưởng. Giờ nếu anh không đi, còn lũ em nheo nhóc phía sau, làm sao cho chúng học lên nữa?

Thế rồi cha cũng chở anh ra ga đón tàu Thống nhất vào Nam trong một đêm thu, bọn tôi hí hửng chạy quanh sân bắt đom đóm, nghĩ vào thành phố chắc sướng lắm, sẽ có kẹo miền Nam gửi về, quà miền Nam ngon lắm chớ. Chúng tôi cứ nghĩ tới những niềm vui ấy, chẳng biết mẹ đang úp mặt khóc sau hồi, giấu bọn tôi không thấy. Cha lầm lũi đạp xe về giữa đêm, tiếng thở dài nén lại dưới mái tranh xập xệ.

Sau này, khi cha vào thăm anh, tôi may mắn được theo trong một lần như thế. Thành phố đập vào mắt tôi sự phồn hoa với những tòa nhà cao ngút, những dòng xe nối đuôi nhau mà đứa trẻ chỉ thấy đồi và núi như tôi đành nín thở ngồi sau. Anh làm cho xí nghiệp thủy hải sản, ở trọ tại Hóc Môn, khi ấy là vùng ngoại thành. Tôi ngạc nhiên đi từ nơi trung tâm thành phố vốn đang náo nhiệt, đến đầu ngõ thấy bụi tre già, ngỡ tre chỉ có ở làng tôi.

Anh dẫn tôi và cha đi bộ ra quán gần ăn món cơm tấm sườn heo. Đó có lẽ là ký ức đầu tiên về thành phố Hồ Chí Minh làm tôi không sao quên được. Với sáu chị em gái chúng tôi hồi ấy thịt là món xa xỉ, đến nỗi quê tôi có câu "mở mắt là đồi, mở nồi là nhút". Có chăng hôm nào có giỗ, được ăn miếng thịt ba chỉ kho là ngon thấu trời.


Dĩa cơm tấm năm ấy - Ảnh 1.

Dĩa cơm tấm đi vào ký ức của tác giả với tình cảm thân thương của người TP HCM Ảnh: HTD

Cha chối đây đẩy không ăn: "Cha không đói, trên tàu cha ăn rồi, con mua cho em Tỵ ăn, mua chi lắm tốn tiền". Anh gọi ba đĩa cơm sườn, anh lạ gì tính cha, chắc vô đây trời trưa thì ăn từ tối qua miếng cơm mẹ nắm. Chúng tôi ngồi nơi quán cóc ven chợ Bà Điểm. Miếng sườn vàng ươm, dày thịt gác trên ụ cơm trắng muốt. Cắn vào miếng thịt ngọt mềm. Nước chấm thì ngòn ngọt, canh ăn kèm cũng chua chua ngòn ngọt, có thêm trứng ốp-la và những sợi bì giòn giòn mà khi đó tôi không biết là gì. Chúng tôi ngồi trong góc nhỏ ấy, ngay bên mép lối đi đầy sỏi, khói từ bếp than hăng hắc lẫn trong mùi thịt nướng thơm lừng bay mù mịt xung quanh. Khung cảnh ấy đối với tôi khi đó, dường như là bữa tiệc vô cùng thịnh soạn. Tôi ăn uống ngon lành, chẳng để ý đến cha lặng lẽ nhìn những vết chai sần trên tay đứa con xa mà thương như đứt từng khúc ruột.

Ngày đầu vào thành phố, anh dẫn chúng tôi đi thăm Dinh Độc Lập, qua bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Hôm sau anh đưa cha thăm người họ hàng, còn mình tôi loanh quanh nơi xóm trọ. Quẩn quanh trong phòng chán quá, tôi trái lời cha và anh liều ra ngoài dạo chơi, ừ thì đi lát về có sao. Lò dò thế nào mà tôi mò ra đúng chợ Bà Điểm. Chắc món cơm sườn hôm qua có hấp lực lớn quá khiến tôi may mắn quay lại đúng chỗ đó, dù chỉ nhìn thêm lần nữa. Vẫn nghi ngút khói, nghi ngút mùi thơm, người ăn sột soạt. Tôi đứng thẫn thờ một hồi lâu, bỗng bừng tỉnh thấy xung quanh cái gì cũng lạ, bàng hoàng nhận ra chẳng nhớ được lối về. Chợt có ai gọi tôi: "Con, vô đây nè con, vô đây cô bảo nè!" Ra bà chủ quán thấy tôi đứng ngoài từ lâu, gọi vào bưng cho đĩa cơm sườn. Tôi không ăn mà khóc, phần vì sợ cha biết sẽ mắng, phần vì không nhớ đường về. "Sắp nhỏ đen thui nhìn tội nghiệp dữ", bà xoa đầu tôi, "ăn đi con rồi cô Ba dẫn dìa". Thế mà bà chủ quán dẫn về thật. Tôi khóc càng to, không ngờ ở một nơi hoàn toàn xa lạ, lại có những tình người ấm áp như thế.

Khi tôi về thì cha và anh đã ở phòng. Tôi ngạc nhiên là cha không mắng. Tôi hỏi anh sao người trong đây tốt vậy, anh cười hiền, ừ người TP HCM vốn chân chất bao dung như thế. Anh kể có dạo anh bị công an thổi phạt, dắt xe vô thấy xe hết xăng không phạt mà còn cho tiền đổ xăng. Hay hôm xe hư có chú đạp xích lô đẩy giùm xe về giữa đêm.

Sau này về quê, thỉnh thoảng trong bữa cơm nghe cha kể với mẹ chuyện thằng Khởi ở trong thành phố gặp nhiều người tốt thế nào, thấy mẹ cũng đỡ buồn. Chúng tôi lớn lên với sự yêu thương của mẹ cha, sự lo lắng và đỡ đần của anh ở phương xa, mong ngóng anh luôn được thành phố bao dung và che chở.

Những năm nay, mỗi khi đi đâu ăn một món ngon tôi lại nhớ về món cơm tấm sườn heo thấm đẫm những ân tình của TP HCM thuở ấy. Thỉnh thoảng đọc tin thấy thành phố đang oằn mình chống chọi giữa đại dịch, tôi biết với những người lao động, món cơm sườn giờ đây đôi khi trở thành xa xỉ. Nhưng tôi chắc chắn rằng, rồi thành phố Hồ Chí Minh sẽ vượt qua, bởi sức sống của một thành phố mạnh mẽ như ngọn lửa với tình người đầy ắp yêu thương ấy sẽ chiến thắng mọi khó khăn thử thách.

Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"

Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải.

Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.

Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).

Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.

Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.

Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".

Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo