xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ấm áp tình người

Nguyễn Thị Như Hiền

Trao xe cho tôi rồi chú lội ngược đường về nhà mà không nghe thấy tiếng tôi lí nhí cảm ơn sau lưng. Mưa làm chú ướt từ đầu tới chân. Mưa lạnh mà lòng tôi ấm quá chừng!

Giống như một mạch ngầm trong lòng thành phố, tình người ở TP HCM luôn lặng lẽ chảy. Nếu hời hợt lướt qua có khi chẳng thấy nhưng nếu sống ở đây đủ lâu và có đủ cảm nhận, bạn sẽ phải thốt lên rằng: Người TP HCM tử tế quá!

Tôi vốn là người tỉnh lẻ, khăn gói lên TP HCM học đại học năm 2009 rồi ở lại với mảnh đất này. Ban đầu đây chỉ là nơi để sống, để tìm kiếm cơ hội tốt hơn cho tương lai. Tôi lúc nào cũng nghĩ mình là kẻ ở bên lề TP, tâm thức luôn ở một vùng đất khác, lòng luôn nghĩ về quê hương chứ chẳng phải ở nơi đầy khói bụi, kẹt xe và những khối bê tông cứng nhắc như ở TP HCM. Vậy mà ở chừng hơn 10 năm, TP HCM từ nơi chỉ để sống trở thành một nơi để yêu.

Hồi sinh viên, tôi đi làm gia sư cho một cậu nhóc tiểu học ở đường Cây Keo, phường Tam Bình, TP Thủ Đức. Lúc đó đường đang làm, đầy bụi bặm với những đống đá dăm lộn xộn. Một buổi chiều, khi sắp dạy xong thì trời mưa tầm tã. Có một ca dạy lúc 7 giờ tối nên tôi mặc kệ trời mưa, chạy xe về phòng trọ. Đường Cây Keo lúc ấu chẳng khác gì một dòng suối cuồn cuộn, đục ngầu do con đường này dốc, nước từ mọi phía dồn về. Vừa đi được một đoạn thì bánh xe trước lọt xuống một hố ga. Tôi nhảy xuống kéo chiếc xe lại nhưng dòng nước chảy quá xiết nên kéo không nổi. Trời mưa tầm tã, nhìn ngược nhìn xuôi chẳng có ai, tôi đứng giữa dòng nước gồng mình giữ chiếc xe máy vì buông tay ra chiếc xe sẽ bị hút xuống cống. Tôi bất lực, nước mắt cứ thế chảy ra hòa lẫn với màn mưa.

Ấm áp tình người - Ảnh 1.

Một tiệm bán trái cây phát cơm và trái cây miễn phí cho người khó khăn trong những ngày phòng chống dịch Covid-19 năm 2000 Ảnh: LÊ PHONG

May mắn thay, một người đàn ông nhà bên kia đường nhìn thấy. Chẳng cần mặc áo mưa, để nguyên đầu trần chân đất, ông vội vàng chạy ra kéo xe của tôi lên. Vừa dắt xe ông vừa quát to: "Trời ơi, đường này mưa to nguy hiểm lắm. Muốn chết hả? Con gái con đứa bữa sau nhớ cẩn thận nghen hông". Vừa la tôi, người đàn ông vừa dắt xe ra khỏi đoạn nước chảy xiết. Trao xe cho tôi rồi lội ngược đường về nhà mà không nghe thấy tiếng tôi lí nhí cảm ơn sau lưng. Mưa làm chú ướt từ đầu tới chân. Mưa lạnh mà lòng tôi ấm quá chừng!

Ở TP HCM chừng ấy năm, không biết bao nhiêu lần tôi chuyển trọ. Bao nhiêu vui buồn gắn bó, nhưng rồi kéo vali rời đi có những người chưa một lần gặp lại. Hồi mới đi làm, tôi cùng bạn ở trọ tại quận Bình Thạnh. Con hẻm sâu hun hút với những mảng tường loang lổ, xe máy chạy 2 chiều không tránh được nhau. Nhớ hồi đó, sát phòng tôi ở có một người đàn ông làm nghề phụ hồ. Sáng đi làm sớm, đến tối mịt mới về. Thỉnh thoảng ngày nghỉ tôi thấy ông cởi trần, trên lưng trên tay đầy những hình xăm nên hơi ớn. Vậy mà có bữa gần nửa đêm, trời mưa, ông gõ cửa phòng tôi để cho 4 cái trứng vịt lộn. Tôi vừa ngạc nhiên, vừa e dè chẳng muốn nhận, ông cười hiền: "Ăn đi, không bỏ thuốc độc đâu". Tôi nhận trứng, cảm ơn rồi vội vã chốt cửa. Sau đó vài ba bận, thỉnh thoảng tôi cũng thấy ông gõ cửa phòng này phòng kia để cho trứng lộn, lần nào cũng là vào gần nửa đêm. Tôi và bạn nói với nhau: "Ông này tánh kỳ quá chừng!".

Sau đó thật lâu tôi mới biết rằng ông thường mua trứng ế của bà già ngồi ngoài đầu đường. Bà già lắm, lưng còng hết cả, ngồi gật gù bán trứng lộn mưu sinh. Lắm bận bán ế, người đàn ông phụ hồ cạnh phòng tôi mua hết, về gõ cửa phát cho người này người kia trong xóm trọ. Chao ôi! Người TP HCM tánh kỳ quá. Đến cái kiểu làm điều tốt cũng khiến người ta ngỡ ngàng đến vậy.

TP HCM đi từ hẻm chật ra phố rộng, đâu đâu cũng dễ dàng nhìn thấy 2 từ miễn phí. Thùng trà đá miễn phí, hớt tóc miễn phí, quần áo miễn phí, vá xe miễn phí, chở đồ cho sinh viên miễn phí, rồi đến cả áo quan cho người chết cũng miễn phí... Một bữa đi ngang giao lộ Võ Thị Sáu và Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tôi thấy một người đàn bà trung niên mặc bộ đồ thể thao sành điệu ngồi đút cơm cho người đàn bà tật nguyền bán vé số. Ai bảo ở TP HCM chỉ người có tiền mới sống được? Người giàu kẻ nghèo, người tột bậc phú quý, kẻ nhọc nhằn kiếm sống từng ngày vẫn luôn sống được dưới một bầu trời.

Bạn có yêu TP HCM không? Khi được hỏi câu đó cách đây 10 năm tôi chẳng ngần ngại mà lắc đầu nguầy nguậy. TP HCM là một nơi chốn lạ kỳ. Có thể bạn chưa yêu được TP này khi mới lần đầu đặt chân đến. Nhưng TP HCM luôn khiến ta rung cảm bởi sự tử tế, sự hào sảng tự nhiên. Rồi một ngày nhận ra mình đã yêu TP HCM từ lúc nào mà không hay.

Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"

Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải

Nhận bài dự thi từ ngày 10-4-2021. Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.

Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021)

Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.

Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.

Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".

Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG

                                         


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo