xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tranh luận về bài viết: ""Một cuốn sách quan trọng nhưng sai quá nhiều!"

Lời tòa soạn: Báo Người Lao Động nhận được công văn của Trung tâm Thông tin văn hóa các dân tộc phản hồi về bài báo "Một cuốn sách quan trọng nhưng sai quá nhiều" của tác giả Nguyễn Quang Tuệ đăng trên Báo Người Lao Động, viết về cuốn sách "Đặc trưng văn hóa vùng Tây Nguyên" do nhóm biên soạn của Trung tâm – Nguyễn Ngọc Thanh chủ biên.

Nhằm rộng đường dư luận, Báo Người Lao Động đăng nguyên văn (kể cả những lỗi chính tả) văn bản của ông Nguyễn Ngọc Thanh và đăng văn bản trả lời của tác giả Nguyễn Quang Tuệ, kèm theo Bảng so sánh do tác giả Nguyễn Quang Tuệ lập, để bạn đọc tiện theo dõi, từ đó hiểu rõ thêm về bản chất vụ việc, có thông tin chuẩn xác về các vấn đề liên quan đến cuốn sách này.

ÔNG NGUYỄN NGỌC THANH, TRUNG TÂM THÔNG TIN VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC (THAY MẶT NHÓM BIÊN SOẠN) PHẢN HỒI VỀ Ý KIẾN CỦA NGUYỄN QUANG TUỆ:

Trên Báo Người Lao Động điện tử, số ra ngày 22-08-2019, trong chuyên mục Văn nghệ có đăng bài viết của Nguyễn Quang Tuệ (dưới đây gọi tắt là bạn đọc), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, tiêu đề "Một cuốn sách quan trọng nhưng sai quá nhiều". Bài viết này có ba nhóm vấn đề. Thứ nhất, chỉ ra các lỗi sai sót; thứ hai về dấu hiệu đạo văn; thứ ba liên quan đến các tác giả được trích dẫn. Thay mặt cho tập thể tác giả gồm 9 thành viên, chúng tôi trao đổi lại với bạn đọc như sau:

Đây là sách biên soạn được dựa trên nhiều nguồn tư liệu khác nhau đã công bố, gồm tài liệu thống kê ở Trung ương và các địa phương, sách, báo, tạp chí, internet, ngay lời mở đầu nhóm biên soạn đã nói rõ điều đó. Mục đích chính của cuốn sách là: tập hợp tư liệu đăng rải rác ở nhiều nơi thành một hệ thống nhằm cung cấp những thông tin chung, cơ bản nhất về mảnh đất, con người; các di tích danh thắng; văn hóa vật chất; văn hóa tinh thần về Tây Nguyên tới độc giả phổ thông. Cuốn sách này KHÔNG nằm trong bất kỳ một chương trình, dự án quốc gia nào, hay trong bất cứ một chương trình liên kết xuất bản nào có sử dụng ngân sách Nhà nước. Nhóm biên soạn cũng không tự cho sách này là "quan trọng".

Tranh luận về bài viết: Một cuốn sách quan trọng nhưng sai quá nhiều! - Ảnh 1.

Cuốn sách "Đặc trưng Văn hóa vùng Tây Nguyên" có 208 chú thích, không phải khoảng 170 cước chú như bạn đọc đã viết. Đại đa số chú thích là trích dẫn tài liệu theo quy định, số ít là các chú giải do nhóm biên soạn bổ sung. Việc gọi trích dẫn là "cước chú" dễ gây hiểu nhầm là sách ít trích dẫn, vì "cước chú" là khái niệm rộng chỉ chung cả chú giải lẫn trích dẫn. Ngoài ra, sách còn có danh mục 100 tài liệu tham khảo và 55 đường dẫn website rõ ràng, minh bạch. Bạn đọc có thể đến thư viện hoặc truy cập internet bất cứ lúc nào. Tất cả website đều ghi rõ ngày truy cập, đến thời điểm hiện tại các đường dẫn hoạt động như thế nào nhóm biên soạn không thể kiểm soát được.

Về cơ bản, nhóm biên soạn không cắt dán, xào xáo lại bởi vì đã có trích dẫn từ tài liệu gốc. Cắt dán, xào xáo là việc chỉ thực hiện thao tác copy - paste, không được biên tập nghiêm túc. Còn đạo văn là sử dụng tư liệu của người khác mà không trích dẫn, còn đã trích dẫn rõ ràng thì không thể gọi là đạo văn. Đây là cách trích dẫn thông thường, thiết tưởng những người làm nghiên cứu ai cũng rõ!

Về những lỗi bạn đọc chỉ ra, nhóm biên soạn trao đổi lại từng điểm như sau: 

1. Về các lỗi sai sót

1.1. Những lỗi sai sót được chỉ ra đúng 

Biển Hồ (Gia Lai) là Ea Nueng; theo đó Ea có nghĩa là nước (tr. 127); Ia Ly bị viết lẫn thành Yaly, Ialy (tr. 132-133). Viết rất sai rằng người Bahnar gọi sử thi là hom (tr. 157). Sưu tầm được sử thi Jrai Chín chiêng, Zông (258). Việc dẫn cuốn sách Kho tàng sử thi Tây Nguyên: Sử thi Ba-na (tr. 260, 288) không đúng. Định vị "làng kháng chiến Stơr thuộc thị trấn K’Bang" (Gia Lai) là sai (tr. 82).

Trên đây là 6 sai sót được bạn đọc chỉ ra đúng, có lẽ do sơ suất của nhóm biên soạn trong quá trình đánh máy hoặc biên tập, và cũng không đến nỗi sai quá nhiều. Chúng tôi tiếp thu, chỉnh sửa. 

1.2. Những lỗi sai sót chỉ ra chưa chuẩn xác 

- Huyện Đak Pơ viết sai thành Đăk Pơ (tr. 134).

Trong cả trang sách không xuất hiện từ "huyện Đăk Pơ", chỉ có "chiến thắng Đăk Pơ" và "trận Đăk Pơ". Thực tế, địa danh "huyện Đăk Pơ" xuất hiện trong rất nhiều văn bản hành chính, trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, sách "Danh mục các đơn vị hành chính Việt Nam" của Nxb Thống kê, Hà  Nội, 2006. Sự không thống nhất trong ghi tên địa danh đang là vấn đề chung trong nhiều ấn phẩm ở Việt Nam.

- Gọi ăn trâu là sakapo (tr. 247, 248).

Trong toàn bộ đoạn trích không có một câu nào gọi "ăn trâu là sapako". Đoạn trích này, nhóm biên soạn đề cập đến cột Gưng trong lễ đâm trâu của người Ba - na, cụ thể: "Một cột chính bằng cây Pơ lang hay cây Xmuôn chôn thật chắc dùng để buộc trâu, người Bana gọi là cột Gưng Sapako".

- Xem đâm trâu là… lễ hội (tr. 246-250). Nhóm biên soạn cho rằng, trong quá trình tổ chức nghi lễ đâm trâu, có cả phần lễ và phần hội. Vì vậy, nói đâm trâu là lễ hội cũng không sai. Trên thực tế, có rất nhiều sách, báo gọi nghi lễ đâm trâu là lễ hội đâm trâu.

- Khẳng định khan là từ chung chỉ việc kể sử thi Tây Nguyên (tr. 258).Trong mục Sử thi, tên gọi sử thi của từng tộc người đã được chỉ rõ, không khẳng định Khan là từ chung chỉ việc kể sử thi Tây Nguyên. Nhóm biên soạn có đưa ví dụ về kể sử thi của người Ê - đê. Song, thiếu ghi chữ ví dụ hay chẳng hạn… nên chưa rõ ý làm cho độc giả hiểu lầm (tr.258). Chúng tôi tiếp thu và điều chỉnh cho phù hợp.

- Thông tin nghệ nhân nằm trên ghế để kể sử thi thiếu cơ sở (tr. 259). 

Cách kể sử thi này đã được nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh trong bài viết: "Tính thống nhất và đa dạng của sử thi Tây Nguyên", in trong sách: Sử thi Việt Nam trong bối cảnh sử thi Châu Á, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009, trang 116, viết như sau: "Khi diễn xướng nghệ nhân có thể ngồi hay nằm, đặc biệt người Ba na diễn xướng sử thi h’mon vào ban đêm, trong bóng tối" (bạn đọc chắc hẳn có cuốn sách này?), website baodaklak.vn cũng đăng bài của Ngô Đức Thịnh với tiêu đề "Kho tàng sử thi Tây Nguyên" nói về cách kể sử thi của người Ba - na.

Tiếp đến, Linh Nga Niê Kdam, Văn hóa Tây Nguyên giàu và đẹp, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2012, tr.73 viết: "Ở vùng Bâhnar An Khê, nghệ nhân nằm kề ở ngay gian đầu hồi phía Tây. Ông ta nằm ngửa trên sàn, vắt chân chữ ngũ, tay phải đặt lên trán, tay trái đặt lên bụng, đầu gối lên một khúc gỗ hay tấm choàng gấp lại". Như vậy, những điều chúng tôi đã chỉ ra liệu có thiếu cơ sở hay không? 

- Có những chi tiết mâu thuẫn ngay trong cùng một mục viết. 

Đoạn trên mới khẳng định "đến nay đã phát hiện được trên 20 sử thi lớn", ngay bên dưới lại viết: "Hiện nay, có tổng cộng hơn 200 bộ sử thi Tây Nguyên được sưu tầm, ghi chép" (tr. 258).

Ở đây, nhóm biên soạn nhấn mạnh trong tổng cộng hơn 200 bộ sử thi lớn nhỏ khác nhau thì có 20 bộ sử thi lớn/dài nhất, tiêu biểu nhất. Bạn đọc chưa đọc kỹ nên đã có sự hiểu lầm .

- Đoạn viết về khóc trâu (tr. 249) là một sự tưởng tượng.

Điều này, được Linh Nga Niê Kdam viết: "khóc trâu là một trong những bài ca có giá trị nghệ thuật và mang tính nhân văn sâu sắc. Nội dung là lời tạm biệt, cám ơn con vật đã vì sự tồn tại, sống còn của cả cộng đồng mà chịu làm vật hiến sinh. Nghi lễ này hầu như tộc người nào cũng có". Khi đề cập đến vấn đề này, chúng tôi đã trích rõ nguồn http://vovworld.vn/vi-VN/sac-mau-cac-dan-toc-viet-nam/le-hoi-dam-trau-cua-nguoi-bana-294874.vov ; Linh Nga Niê Kdam, Văn hóa Tây Nguyên giàu và đẹp, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2012, tr.179.

"Trong lễ ăn trâu, các nghi lễ như lễ đón bạn, lễ cúng hồn lúa, lễ khóc trâu, lễ đâm trâu, lễ tiễn bạn lần lượt diễn ra trong suốt 7 ngày đêm" (tr.252-253). 

Đúng là mỗi tộc người Tây Nguyên trong Hội mùa xuân có thời gian tổ chức khác nhau, nghi lễ khác nhau... Tuy nhiên, đây là phần viết chung về Hội xuân Tây Nguyên, nhóm biên soạn đã tổng hợp các nguồn tài liệu để biên soạn, với mục đích giới thiệu một cách chung nhất về Hội mùa xuân Tây Nguyên. Vì đối tượng mà sách hướng đến chủ yếu là bạn đọc phổ thông thay vì nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm, nên việc đơn giản hóa các nội dung là điều cần thiết. 

Không hiểu bạn đọc lấy ở đâu? Lại viết rằng, "kinh ngạc hơn khi nhóm tác giả hạ bút: Vùng đất phía Đông tỉnh Gia Lai ngày nay là nơi những cá thể người đầu tiên xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam", là chốn hình thành "Nhà nước cổ đại lớn mạnh nhất Việt Nam (Nhà nước Văn Lang)", cũng là điểm xuất phát của "những cuộc kháng chiến chống xâm lược đầu tiên (khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng)" (tr. 51). 

Chúng tôi trích lại nguyên văn của hai đoạn viết đó như sau:"Tây Sơn Thượng đạo là một địa danh ở vùng cao nguyên An Khê, thuộc địa phận xã An Khê và các huyện K’Bang, Đắc Pơ, Kông Chro của tỉnh Gia Lai. Đây là một bộ phận rất quan trọng của vùng đất khai sinh ra phong trào Tây Sơn xuối thế kỷ XVII. Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, miền Thượng đạo nói chung là nơi có vị trí cực kỳ quan trọng đến vận mệnh đất nước: những cá thể người đầu tiên xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam là ở Thượng đạo, Nhà nước cổ đại lớn mạnh nhất của Việt Nam (Nhà nước Văn Lang) là ở Thượng đạo và những cuộc kháng chiến chống xâm lược đầu tiên (khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng) cũng loại xuất phát từ Thượng đạo. Miền Thượng đạo tiếp tục khẳng định vai trò của nó trong quá trình chống bành trướng của phương Bắc, chống sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ".

Cuối đoạn hai trích dẫn: Bùi Thiết, "Thượng đạo và Tây Sơn Thượng đạo trong lịch sử Việt Nam", Chuyên san Khoa học xã hội & Nhân văn Nghệ An, Số 9, 2014, tr. 33-40.

Trong bài gốc, Bùi Thiết đã diễn giải "Thượng Đạo được nói đến ở đây là một danh từ chung, có tính chất mở, không chỉ một nơi chốn cụ thể nào cả và cũng không cố định; truy tìm ngữ nghĩa thì Thượng là trên, là cao hơn… để đối lập với dưới, là thấp hơn; cũng đồng nghĩa với miền ngược núi rừng hẻo lánh với miền xuôi đồng bằng đô hội trong cách xưng hô đương đại. Như vậy ở nước ta, chạy dọc theo chiều dài đất nước, địa hình tự nhiên dường như được kết cấu thành hai loại hình, mà phía Tây được gọi là Thượng đạo và trung du đồng bằng phía Đông là miền xuôi (hay Hạ đạo).

"Ở đây, có thể hiểu Thượng Đạo là một danh từ chung có ý nghĩa gần tương đương với "miền núi", nơi có độ cao hơn đồng bằng. Theo đó, miền núi hoặc trung du là nơi phát tích của nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước (nơi bắt nguồn của một số cuộc khởi nghĩa nông dân, chiến trường miền núi trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ).

Nhóm biên soạn đã sơ xuất không chú thích, diễn giải kỹ hơn khái niệm thượng đạo của Bùi Thiết. Cho nên, những ai chỉ đọc lướt qua, thấy khó hiểu song lại không đọc bài viết của Bùi Thiết sẽ dễ bị nhầm lẫn.

Cũng cần phải nói thêm rằng, việc trích dẫn tài liệu có hai chức năng quan trọng: thứ nhất là để tôn trọng bản quyền (quyền tác giả); thứ hai là cung cấp chỉ dẫn trong trường hợp không rõ ý thì người đọc tìm đến tài liệu gốc để tìm hiểu thêm. 

Trong trang 51, nhóm biên soạn KHÔNG dùng cụm từ "Vùng đất phía Đông tỉnh Gia Lai" để "hạ bút" như bạn đọc khẳng định và phê bình bằng lời lẽ hết sức gay gắt. 

- "Sau 5 năm khai quật (từ 2015) tại An Khê (Gia Lai), các nhà khoa học đã tìm thấy rìu tay sơ kỳ Đá cũ. Từ đó, bước đầu nhận định đây là nơi cách nay khoảng 80 vạn năm, con người từng cư trú? Nhưng họ là ai, họ có liên quan đến nhà nước hay các cuộc khởi nghĩa kia không thì chưa thể biết". 

Trong sách, không có một dòng nào viết như bạn đọc đã dẫn.

Trên đây là 10 lỗi sai sót bạn đọc chỉ ra chưa được chuẩn xác, thậm chí có chỗ suy diễn dẫn đến những thông tin sai lệch.

2. Về dấu hiệu đạo văn: 

Ở phần viết về "dấu hiệu đạo văn", trong hai mục: Mục Gà nướng Buôn Đôn (tr. 155 - 156) được tham khảo từ bài "Thưởng thức gà bản Đôn nướng sả" ( http://tuhaoviet.vn/san-pham-khac/thuong-thuc-ga-ban-don-nuong-sa-p4060.html , năm 2016). Mục này, nhóm biên soạn đã sử dụng 1/2 nội dung bài "Thưởng thức gà bản Đôn nướng sả", bổ sung thêm tài liệu điền dã của nhóm biên soạn năm 2014 tại Đắk Lắk. Mục "Gỏi lá Kon Tum" (tr. 159-161) có bài gốc là "Gỏi lá độc đáo ở Kon Tum" đăng năm 2013, trên vnexpress.net. Hai mục này, nhóm biên soạn đã có lỗi vì không trích rõ nguồn. Do sơ xuất trong quá trình biên tập bản thảo, nhóm biên soạn rút kinh nghiệm sâu sắc và sẽ bổ sung trích dẫn cho đầy đủ.

Mục "Cơm lam" (tr. 161-162) chứa nhiều câu, đoạn của bài "Cơm lam, gà sa lửa đặc sản Tây Nguyên", đăng trên vnexpress.net năm 2013. Nhóm biên soạn không sử dụng bài báo mà bạn đọc đưa ra. Mục này, nhóm biên soạn sử dụng tư liệu điền dã năm 2014, đồng thời tham khảo từ cuốn sách Nghi lễ và phong tục các tộc người ở Tây Nguyên xuất bản năm 2006, tr. 233. Có chú thích rõ nguồn tài liệu.

3. Về các tác giả được trích dẫn trong sách. 

Việc trích dẫn tài liệu của PGS.TS.Nguyễn Khắc Sử. Ví dụ: mục 2.2.3. Di chỉ khảo cổ Lung Leng. Mục này sử dụng 5 tài liệu, trong đó có 4 tài liệu của Nguyễn Khắc Sử. Tại sao lại dùng nhiều tài liệu của Nguyễn Khắc Sử, bởi vì những phát hiện (đi kèm các nhận định, kết luận) về việc khai quật di chỉ Lung Leng ở các thời điểm khác nhau, công bố thời gian khác nhau của cùng một tác giả. Trong bài báo hoặc một mục của cuốn sách có luận điểm hoặc câu kết quan trọng, nhóm biên soạn chỉ dẫn lại đúng luận điểm hoặc câu kết đó, và đã có trích dẫn nghiêm túc.

Trang 110, nhóm  biên soạn đã dẫn nguồn rõ ràng: Nguyễn Khắc Sử, "Di chỉ Lung Leng: một di sản văn hóa vô giá", Tạp chí Di sản văn hóa, Số 3, 2003, tr. 70. Thực tế nhóm biên soạn đã rút gọn, sửa và sắp xếp lại câu chữ nhưng vẫn tôn trọng những ý chính của Nguyễn Khắc Sử và có trích dẫn.

Tương tự như vậy, trang 111 đã có chú thích từ cuốn sách của Nguyễn Khắc Sử. Thậm chí, chỉ một câu ngắn như "Tồn tại một sự giao lưu, ảnh hưởng giữa văn hóa Lung Leng với cả giai đoạn phát triển sớm (tiền Sa Huỳnh) và giai đoạn phát triển cao của văn hóa Sa Huỳnh ở duyên hải Trung Bộ" cũng có một chú thích, tóm lược lại ý chính của cả một bài báo được công bố sau, thể hiện những phát hiện mới hơn của Nguyễn Khắc Sử. Các trang 112, 115, 119, 122, 125 nhóm biên soạn chỉ khai thác một số ý chính và cũng có trích dẫn.

Trong mục Dân ca Tây Nguyên (trang 261 - 263), nhóm biên soạn có sử dụng khổ đầu (gồm 8 dòng, trang 261) và 12 dòng khổ 2 và 3 trang 268) sách: Văn hóa Tây Nguyên giàu và đẹp của Linh Nga Niê Kdăm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2012. Mục 4.3.3. Cồng Chiêng (trang 263-269) nhóm biên soạn sử dụng 8 dòng bài viết của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, nhưng đã được chỉnh sửa lại cho phù hợp. Tôn trọng quyền tác giả và để độc giả dễ truy xuất nguồn tài liệu gốc, nhóm biên soạn đã chú thích rõ nguồn.

Tác giả Sỹ Nguyên ở các tr. 94, 95, 97, 210-212,  cũng đều có trích dẫn. Ví dụ: cuối trang 95 đã chú thích tài liệu của Sỹ Nguyên, nhưng cũng có chú thích một tài liệu khác (không rõ tác giả) mang tựa đề "Những di tích kỳ bí - Kỳ 11: Hổ trắng ba chân về nghe kinh Phật". Nhóm biên soạn đã lồng ghép có chọn lọc các chi tiết của hai tác giả để thành một đoạn tóm tắt, giới thiệu về lịch sử chùa Tổ Đình Bác Ái cho phù hợp với trình độ tiếp nhận của độc giả phổ thông.

Trang 96-97, có một đoạn "Nhìn tổng thể kiến trúc ... Đoàn quán và nhà trù" việc biên soạn được kết hợp giữa bài viết của Sỹ Nguyên với bài viết mang tựa đề "Kiến trúc Chùa ở Kon Tum". Ở trang 210 - 212 bài viết cũng đã được biên tập, chỉnh sửa.

Về bài của tác giả Thế Phiệt ( http://vanhien.vn/news/Nghe-ren-cua-nguoi-Gie-Trieng-Kon-Tum-trong-cuoc-song-hien-nay-37572 , truy cập ngày 28/7/2016) và bài viết của tác giả Đoàn Bích Ngọ ( http://www.langvietonline.vn/54-Dan-Toc/134471/Nghe-dan-lat-cua-nguoi-Kho.html , truy cập ngày 29/7/2016). Đây là hai bài viết ngắn nhóm biên soạn có sử dụng và biên tập, chỉnh sửa, nhưng không làm sai ý của tác giả,  các bài viết nêu trên đã trích dẫn rõ nguồn.

Việc yêu cầu nhóm biên soạn phải hỏi, xin phép từng tác giả, trong số đó có nhiều tác giả không rõ địa chỉ, thậm chí chỉ đề bút danh để được khai thác một đoạn tư liệu đã xuất bản, hoặc đăng tải trên internet là thiếu hợp lý. Vì theo lập luận này, nhóm biên soạn phải xin phép rất nhiều tác giả khác nhau chỉ để khai thác một đoạn văn, thậm trí chỉ vẻn vẹn có 10 dòng. Đó cũng là lý do khách quan để sinh ra hệ thống trích dẫn chứ không phải trích dẫn chỉ để cho đẹp hay cho có tính khoa học mà thôi.

Tất nhiên, trong quá trình biên soạn không tránh khỏi những sai sót và hạn chế, nhất là những công trình có nhiều người tham gia, kinh nghiệm biên soạn chưa thật đồng đều. Vì vậy, nhóm biên soạn rất mong bạn đọc lượng thứ, chia sẻ, đóng góp chân thành, đấy cũng là cầu nối tri thức văn hóa đến vùng miền núi, dân tộc thiểu số. Với những sai sót bạn đọc đã chỉ ra, nhóm biên soạn hoàn toàn chịu trách nhiệm, đồng thời trân trọng tiếp thu, chỉnh sửa, trong điều kiện cho phép làm việc với nhà xuất bản để hiệu đính lại những thông tin còn thiếu chính xác, bổ sung nguồn trích dẫn cho đầy đủ.

Một lần nữa, với tinh thần cầu thị, nhóm biên soạn cảm ơn những góp ý quý báu của bạn đọc.

ÔNG NGUYỄN QUANG TUỆ, SỞ VH-TT-DL GIA LAI, PHẢN HỒI ÔNG NGUYỄN NGỌC THANH:

Liên quan đến bài viết "Một cuốn sách quan trọng nhưng sai quá nhiều" của tôi trên Báo Người Lao Động số ra ngày 22-8-2019 về cuốn sách "Đặc trưng văn hóa vùng Tây Nguyên" (Nxb Khoa học xã hội, 2018); trên cơ sở văn bản "Trả lời ý kiến của Nguyễn Quang Tuệ…" của chủ biên, tôi lần lượt trao đổi với ông Trần Ngọc Thanh (từ đây gọi tắt là chủ biên, trong một số trường hợp được hiểu là tác giả sách), như sau:

Hoan nghênh chủ biên đã "tiếp thu, chỉnh sửa" một số sai sót mà tôi đã nêu. Tuy nhiên, việc chỉ công khai thừa nhận 6 trong rất nhiều lỗi như vậy là chưa đủ. Dưới đây, tôi chỉ ra những chỗ sai mà chủ biên chưa hoặc không muốn nhận:

I. Sai hay không sai?

1.1. Đak Pơ là tên 1 huyện ở Gia Lai. Lấy lí do có nhiều tài liệu viết khác nhau về địa danh ấy nên chủ biên đã viết "Đak" thành "Đăk". Tôi nghĩ, làm sách bán, nếu không cung cấp cho độc giả được thông tin đúng nhất có thể hoặc nếu chưa đủ điều kiện thì phải chú thích, chứ không thể vô trách nhiệm được.

Nếu chủ biên biết, theo tiếng Bahnar "đak" là nước, suối còn "pơ" (viết đúng: [ơ), là tên một loại cá, thì hẳn sẽ tốt hơn cho loại sách "đặc trưng văn hóa".

1.2. "Ăn trâu" có phải là "sapako"? Nếu biết tiếng Bahnar hoặc chịu khó tìm hiểu, chủ biên sẽ viết đúng là sa kơpô (ăn trâu) mà không gặp khó khăn gì. Trong bài, tôi chỉ muốn nhắc đến chữ "sapako" mà sách đã viết sai.

1.3. Ở Tây Nguyên, đâm trâu chưa bao giờ là một lễ hội. Nó chỉ là một phần trong một nghi lễ/lễ (có thể có hội hoặc không). Ví dụ, khi mừng nhà rông mới, người Bahnar có thể tổ chức đâm trâu.

Chủ biên không nên chống chế "nói đâm trâu là lễ hội cũng không sai" hoặc "có rất nhiều sách, báo gọi nghi lễ đâm trâu là lễ hội đâm trâu". Ý thức được "cũng không sai" tức là có khả năng sai, vậy sao không viết cho đúng luôn? Viết sai thì sửa, không nên lôi kéo những "sách, báo" viết chưa đúng về phía mình.

1.4. Đã viết sai khan là từ chung chỉ việc kể sử thi Tây Nguyên (chủ biên nên đọc lại phần này) thì nên nhận chứ không nên quanh co. Nếu không sai, chủ biên xin "tiếp thu và điều chỉnh cho phù hợp" làm gì?

Theo chủ biên, "trong mục Sử thi, tên gọi sử thi của từng tộc người đã được chỉ rõ". Đây là một sự nói quá. Thực tế, chủ biên chỉ mới nêu được tên gọi sử thi của người Bahnar, Êđê, Mơnông và Jrai. Nhưng Tây Nguyên đâu chỉ 4 tộc người trên có sử thi? Hơn nữa, cái sự "chỉ rõ" lại càng không thật vì, trong 4 tộc người kể trên, tên gọi sử thi Bahnar đã bị chủ biên viết sai, thông tin về sử thi Jrai cũng ghi không đúng. Cái này chủ biên đã thừa nhận, tôi không nhắc lại.

1.5. Chủ biên viết: "nghệ nhân nằm trên một chiếc ghế chỉ dành cho khách quý và là "chỗ ngồi" của dàn cồng, chiêng" để kể sử thi. Sử thi Tây Nguyên không chỉ được kể, mà còn được hát nữa – gọi chung là hát kể. Nằm là một kiểu nhưng từ 1 trường hợp cụ thể mà khái quát thành vấn đề của cả một vùng thì không đúng. Hai dẫn chứng của chủ biên không hề cho thấy nghệ nhân "nằm trên ghế để kể sử thi".

Nhân tiện, chắc chủ biên đã biết nhiều tộc người Tây Nguyên, trong đó có đồng bào Bahnar, Jrai tỉnh Gia Lai không ngồi ghế để đánh chiêng. Thậm chí, họ không có cái gọi là "chiếc ghế chỉ dành cho khách quý’’, như sách đã viết.

1.6. Về số lượng sử thi Tây Nguyên: Nếu chủ biên viết rõ ràng thì người đọc chỉ cần lướt qua đã hiểu. Theo tôi, đổ lỗi cho độc giả không phải là cách tốt nhất của người soạn sách bán.

Không nắm chắc số lượng sử thi đã được sưu tầm, công bố "đến nay" (chữ của chủ biên, không rõ "nay" là thời điểm nào, vì dự án sử thi Tây Nguyên đã kết thúc từ 2007) là bao nhiêu, cụ thể như thế nào thì càng không nên nói lấy được rằng "nhóm biên soạn nhấn mạnh trong tổng cộng hơn 200 bộ sử thi lớn nhỏ khác nhau thì có 20 bộ sử thi lớn/dài nhất, tiêu biểu nhất".

20 sử thi lớn nhất, dài nhất, trong đó có cả 2 sử thi Jrai chưa từng xuất hiện trên đời, mà chủ biên đã tự nhận là viết sai đấy ư? Sử thi H’điêu chủ biên dẫn chỉ có 570 câu (hơn 10 trang A4) mà cũng được xem là dài nhất, lớn nhất sao?

1.7. Khóc trâu là một sự tưởng tượng: Đoạn này chủ biên viết về "lễ hội đâm trâu của người Ba-na" toàn Tây Nguyên. Người Bahnar truyền thống tỉnh Gia Lai duy trì hai hình thức đâm trâu: Gia đình và cộng đồng. Khi tổ chức đâm trâu trong phạm vi gia đình, chủ nhà có thể nói vài lời trước khi thực hiện hiến sinh. Ở phạm vi làng, không có lời tâm sự nào được trình bày, vì con trâu lúc này đã là lễ vật linh thiêng của cả cộng đồng. Để trâu được đứng trước cột lễ, nó đã phải qua nhiều lễ thức. Do đó, đêm trước hiến sinh, dân làng không khóc trâu, mà chỉ đốt lửa, đánh chiêng, uống rượu và nhảy múa quanh đó.

Nhân tiện, chủ biên ở đoạn trước mới viết người Tây Nguyên nuôi trâu chủ yếu để hiến sinh thì hẳn rõ con trâu của đồng bào Bahnar không có nhiệm vụ "giúp  đỡ người trong công việc đồng áng nặng nhọc", như sách đã dẫn ở đoạn này. Dùng tài liệu của người khác vẫn nên diễn đạt thống nhất để người đọc không bị phân vân.

1.8. Chủ biên viết: "Trong lễ ăn trâu, các nghi lễ như lễ đón bạn, lễ cúng hồn lúa, lễ khóc trâu, lễ đâm trâu, lễ tiễn bạn lần lượt diễn ra trong suốt 7 ngày đêm" là không có thật. Chính chủ biên cũng thừa nhận "mỗi tộc người Tây Nguyên trong Hội mùa xuân có thời gian tổ chức khác nhau, nghi lễ khác nhau..." vậy mà  còn gộp chung cả lại thì làm sao bao quát hết?

Liên quan đến trâu, chủ biên dùng liền mấy từ khác nhau "lễ ăn trâu", "lễ khóc trâu", "lễ đâm trâu". Xin hỏi: Chúng là 1 hay là 3? "Lễ ăn trâu" và "lễ đâm trâu" thì khác gì nhau? Có "lễ khóc trâu" không?

Lễ ăn trâu, lễ đón bạn, lễ cúng hồn lúa, lễ khóc trâu, lễ đâm trâu, lễ tiễn bạn lần lượt diễn ra trong suốt 7 ngày đêm" ư? Chúng ở đâu và của những tộc người nào cụ thể, hay là tất cả các tộc người thiểu số Tây Nguyên đều có đầy đủ các lễ ấy mỗi khi tổ chức "lễ ăn trâu"?

Sách in rồi, tác giả đâu có theo nó mà giải thích cho từng người đọc được. Nên viết chưa đúng thì nhận và sửa lại cho sáng rõ chứ cần gì phải biện bạch "vì đối tượng mà sách hướng đến chủ yếu là bạn đọc phổ thông thay vì nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm, nên việc đơn giản hóa các nội dung là điều cần thiết"."Bạn đọc phổ thông" thì kém hiểu biết hơn các đối tượng kia nên muốn viết sao thì viết ư?

Nhân tiện, "Hội mùa xuân" là một kiểu định danh không phù hợp. Ở Tây Nguyên chỉ có 2 mùa, không phải 4 mùa.

1.9. Tây Sơn Thượng đạo ở đâu? "Vùng đất phía Đông tỉnh Gia Lai ngày nay" là cụm từ tôi mới viết trong bài báo thì chủ biên không tìm thấy trong sách của mình là phải rồi.

Chủ biên xác định: "Tây Sơn Thượng đạo là một địa danh ở vùng cao nguyên An Khê, thuộc địa phận xã An Khê và các huyện K’Bang, Đắc Pơ, Kông Chro của tỉnh Gia Lai" thì nhìn vào bản đồ Gia Lai sẽ thấy đó là "vùng đất phía Đông tỉnh Gia Lai ngày nay".

Còn nơi ấy có phải là nơi "những cá thể người đầu tiên xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam", là chốn hình thành "Nhà nước cổ đại lớn mạnh nhất Việt Nam (Nhà nước Văn Lang)", cũng là điểm xuất phát của "những cuộc kháng chiến chống xâm lược đầu tiên (khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng)" hay không thì đọc lại đoạn trích chủ biên đã viết sẽ thấy ngay (in đậm là do tôi):

"Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, miền Thượng đạo nói chung là nơi có vị trí cực kỳ quan trọng đến vận mệnh đất nước: những cá thể người đầu tiên xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam là ở Thượng đạo, Nhà nước cổ đại lớn mạnh nhất của Việt Nam (Nhà nước Văn Lang) là ở Thượng đạo và những cuộc kháng chiến chống xâm lược đầu tiên (khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng) cũng lại xuất phát từ Thượng đạo". Tôi chưa viết thêm gì, tất cả chữ đều là của chủ biên.

Chủ biên viết: "Nhóm biên soạn đã sơ xuất (sơ suất – NQT) không chú thích, diễn giải kỹ hơn khái niệm thượng đạo của Bùi Thiết. Cho nên, những ai chỉ đọc lướt qua, thấy khó hiểu song lại không đọc bài viết của Bùi Thiết sẽ dễ bị nhầm lẫn". Cụ Bùi Thiết mới mất, tưởng không nên đổ lỗi cho người thiên cổ. Độc giả cũng vậy, họ đã mất tiền mua sách của chủ biên về đọc, đến khi không hiểu, thắc mắc, lại khuyên họ đi tìm tài liệu gốc mà xem. Thế thì người ta mất tiền mua sách để làm gì?

Chủ biên viết: "Ở đây, có thể hiểu Thượng Đạo là một danh từ chung có ý nghĩa gần tương đương với "miền núi", nơi có độ cao hơn đồng bằng. Theo đó, miền núi hoặc trung du là nơi phát tích của nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước (nơi bắt nguồn của một số cuộc khởi nghĩa nông dân, chiến trường miền núi trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ)". Tóm lại, đọc xong chẳng biết "Thượng Đạo" mà chủ biên vừa giải nghĩa ấy nó ở đâu trong nước Việt Nam ta cả.

Đây là cuốn sách chủ biên viết về Tây Nguyên, nên hẳn là "Thượng Đạo" không thể nằm ngoài vùng đất này được. Tức là nó ở phía Đông tỉnh Gia Lai  và chính là Tây Sơn Thượng đạo?

Nếu chủ biên vẫn kiên trì loanh quanh, thì xin hỏi: Đoạn này, đề mục là "Tây Sơn Thượng đạo", phạm vi tự xác định "là vùng cao nguyên An Khê, thuộc địa phận xã An Khê và các huyện K’Bang, Đắc Pơ, Kông Chro của tỉnh Gia Lai" mà nội dung bên dưới lại không phải là nó (mà là 1 chỗ nào đó vô danh, chung chung) thì chủ biên viết về cái gì, ở đâu?

1.10. Đoạn "Sau 5 năm khai quật (từ 2015) tại An Khê (Gia Lai), các nhà khoa học đã tìm thấy rìu tay sơ kỳ Đá cũ. Từ đó, bước đầu nhận định đây là nơi cách nay khoảng 80 vạn năm, con người từng cư trú? Nhưng họ là ai, họ có liên quan đến nhà nước hay các cuộc khởi nghĩa kia không thì chưa thể biết" là do tôi mới viết trong bài báo nên chủ biên tìm không thấy trong sách của mình là đương nhiên.

Tây Sơn Thượng đạo ngày nay (vùng đất phía Đông Gia Lai) có phải là nơi "những cá thể người đầu tiên xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam", là chốn hình thành "Nhà nước cổ đại lớn mạnh nhất Việt Nam (Nhà nước Văn Lang)", cũng là điểm xuất phát của "những cuộc kháng chiến chống xâm lược đầu tiên (khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng)" như chủ biên đã viết hay không? Trong bài báo của tôi, người đứng đầu Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phủ nhận các thông tin chủ biên nêu.

II. Có dấu hiệu đạo văn hay không?

2.1. Chủ biên viết: "Mục Gà nướng Buôn Đôn (tr. 155 - 156) được tham khảo từ bài "Thưởng thức gà bản Đôn nướng sả" ( http://tuhaoviet.vn/san-pham-khac/thuong-thuc-ga-ban-don-nuong-sa-p4060.html , năm 2016). Mục này, nhóm biên soạn đã sử dụng 1/2 nội dung bài "Thưởng thức gà bản Đôn nướng sả", bổ sung thêm tài liệu điền dã của nhóm biên soạn năm 2014 tại Đắk Lắk. Mục "Gỏi lá Kon Tum" (tr. 159-161) có bài gốc là "Gỏi lá độc đáo ở Kon Tum" đăng năm 2013, trên vnexpress.net. Hai mục này, nhóm biên soạn đã có lỗi vì không trích rõ nguồn. Do sơ xuất trong quá trình biên tập bản thảo, nhóm biên soạn rút kinh nghiệm sâu sắc và sẽ bổ sung trích dẫn cho đầy đủ".

Ranh giới giữa đạo văn và "sơ xuất" (sơ suất - NQT) thật mong manh nhưng chủ biên đã trình bày như vậy, tôi không bàn thêm.

2.2. Bài báo của tôi cho rằng: Mục "Cơm lam" chứa nhiều câu, đoạn của bài "Cơm lam, gà sa lửa đặc sản Tây Nguyên", đã đăng trên vnexpress.net năm 2013. Chủ biên viết: "Nhóm biên soạn không sử dụng bài báo mà bạn đọc đưa ra. Mục này, nhóm biên soạn sử dụng tư liệu điền dã năm 2014, đồng thời tham khảo từ cuốn sách Nghi lễ và phong tục các tộc người ở Tây Nguyên xuất bản năm 2006, tr. 233. Có chú thích rõ nguồn tài liệu".

Tôi tin điều chủ biên viết, nhưng sách của chủ biên ra sau, mà lại có những câu, đoạn giống như bài của người ta đã công bố trước đó trên mạng nhiều năm thì giải thích như thế nào?

Tuy nhiên, như đã viết, tôi không khẳng định, chỉ nêu một "dấu hiệu".

III. Trích dẫn đúng hay không?

3.1. Trong bài báo của mình, tôi nghĩ 170 cước chú cho một cuốn sách chưa đầy 300 trang (280 trang nội dung) khổ nhỏ, với gần 100 mục từ đã là nhiều. Nhưng theo chủ biên thì "việc gọi trích dẫn là "cước chú" dễ gây hiểu nhầm là sách ít trích dẫn", và đưa con số chú thích là 208.

Theo từ điển tiếng Việt, "cước chú là lời chú thích ghi ở cuối trang hoặc cuối tài liệu" chứ có khác gì nhau?

Tôi không đếm lại số lượng cước chú nữa, vì cách đếm có thể khác nhau. Nhưng tôi tạm thống kê và tính bình quân, như sau: 208 cước chú/280 trang, tức là cứ hơn 3 trang thì có khoảng 2 chú thích; 208 cước chú/gần100 mục từ, tức là mỗi mục từ có hơn 2 tài liệu được tham khảo. Là người mua sách này, tôi tự hỏi: Tài liệu tham khảo nhiều đến mức như vậy, thì đâu là cái riêng có của chủ biên?

3.2. Theo chủ biên, việc trích dẫn tài liệu nghiêm túc và đúng quy định. Tôi nghĩ đó là việc bình thường, đương nhiên của những người nghiên cứu khoa học. Nhưng trích dẫn nghiêm và đúng như thế nào lại là chuyện khác. Thông thường, có hai kiểu trích dẫn, tạm gọi là dẫn nguyên văn (đặt trong ngoặc kép) và dẫn ý (không cần đặt trong ngoặc kép nhưng không được làm sai ý tác giả).

Sau khi lập bảng so sánh một số trường hợp là bài viết của người khác được chủ biên sử dụng, tôi nhận thấy việc trích dẫn, sử dụng tư liệu có những sai sót nghiêm trọng, không thể chấp nhận được. Ngoài việc không tuân thủ khi trích dẫn nguyên văn (phải được đặt trong ngoặc kép), chủ biên còn xào xáo, cắt dán bài của người khác một cách không thương tiếc. Dưới đây là vài ví dụ:

3.2.1. Bài viết của tác giả Đoàn Bích Ngọ  - "Nghề đan lát của người K’ho" - chỉ đề cập đến nghề này của 1 đối tượng duy nhất là "người K’ho", ở duy nhất 1 địa phương là Di Linh (Lâm Đồng) đã bị chủ biên ngang nhiên sửa thành "Nghề đan lát của người Cơ-ho, Gié-Triêng, Rơ-măm". Để hô biến bài viết dành cho nghề thủ công của 1 tộc người, tại một huyện cụ thể thành nghề thủ công của 3 tộc người Tây Nguyên, chủ biên đã xóa tất cả những thông tin liên quan đến địa danh Di Linh, Lâm Đồng; bỏ hoàn toàn những từ ngữ K’ho đã được tác giả sử dụng để tăng tính thuyết phục cho bài viết của mình.

Rõ ràng, chủ biên đã cố tình làm sai ý của tác giả, can thiệp thô bạo vào tác phẩm của người khác. Tác giả Đoàn Bích Ngọ chỉ viết về nghề đan lát của người K’ho ở Di Linh, bà không liên quan đến những gì còn lại. Tại sao chủ biên lại tùy tiện ép tác giả phải diễn đạt và sở hữu những điều người ta không hề viết? Ba tộc người Cơ-ho, Gié-Triêng, Rơ-măm có văn hóa, ngôn ngữ và nghề đan lát của riêng. Do đó, từng khâu trong quy trình, tên gọi nguyên liệu, sản phẩm đan lát v.v cũng không thể giống nhau. Vì chủ biên sao chép, gán ghép một cách thô thiển và gượng ép như trên nên độc giả không thể biết nội dung "Nghề đan lát của người Cơ-ho, Gié-Triêng, Rơ-măm" có đúng hay không, nghề ấy hiện đang tồn tại ở những địa phương nào… Tóm lại, việc sử dụng 1 bài viết về nghề đan lát của 1 tộc người cụ thể rồi khoác lên cho nó cái áo nghề đan lát của cả 3 tộc người là một hành động phi khoa học, không thể chấp nhận được.

Chưa hết, đoạn kết "Nghề đan lát… giá trị văn hóa độc đáo của nghề thủ công truyền thống này" chủ biên sửa vài ba chữ, không ghi nguồn trích dẫn, làm như tự mình viết, nhưng thực chất nó là phần kết bài của tác giả Đoàn Bích Ngọ. Đây có phải là đạo văn không?

3.2.2. Tương tự như trường hợp Đoàn Bích Ngọ, bài của tác giả Thế Phiệt cũng bị cắt xóa, gán ghép thô bạo. Bài gốc "Nghề rèn của người Giẻ-Triêng Kon Tum trong cuộc sống hiện nay" khi vào sách của chủ biên bị biến thành "Nghề rèn của người Gié-Triêng". Để thực hiện mục đích "Tây Nguyên hóa" 1 bài viết vốn có phạm vi hẹp với những làng xã, huyện tỉnh, con người cụ thể, chủ biên đã tự ý xóa các thông tin liên quan đến địa danh, nhân vật trong bài viết gốc, sửa Kon Tum thành Tây Nguyên. Với các hành động ấy, chủ biên có làm sai ý tác giả không, có được tác giả cho phép không?

Chưa hết, ở đoạn cuối phần viết này, chủ biên còn lấy 1 đoạn văn của tác giả Thế Phiệt, sửa lại đôi ba chữ, làm thành văn của mình ("Đến ngày nay… của ông cha mình"). Như thế có phải là đạo văn không?

3.3.3. Chủ biên viết: "Trong mục Dân ca Tây Nguyên (trang 261 - 263), nhóm biên soạn có sử dụng khổ đầu (gồm 8 dòng, trang 261) và 12 dòng khổ 2 và 3 trang 268) sách: Văn hóa Tây Nguyên giàu và đẹp của Linh Nga Niê Kdăm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2012". Tôi đã xem lại sách này, đối chiếu với sách của chủ biên thì thấy sự thật không phải như vậy. Chủ biên đã chép gần như toàn bộ phần này trong cuốn sách của tác giả Linh Nga Niê Kdăm. Để phục vụ mục đích của mình và "làm mới" phần viết "dân ca Tây Nguyên" một cách không chính đáng, chủ biên đã xáo trộn nhiều đoạn nội dung tài liệu gốc. Tất nhiên, ngoài viết thêm đôi ba chữ, chủ biên cũng tùy tiện xóa đi nhiều từ ngữ làm sai lệch thông tin từ tài liệu gốc. Chẳng hạn, khi viết về thang âm, tác giả Linh Nga Niê Kdăm đề cập đến "ba dân tộc có khu vực cư trú tương đối đan xen và gần kề với nhau là Jrai, Bâhnar và Xơ Đăng", "các tộc người Ê Đê, Mnông, K’Ho, Mạ… có những thang âm riêng, không (…) liền bậc như Jrai, Bâhnar và Xơ Đăng", thì chủ biên đã thay số lượng tộc người được nhắc đến từ 3 xuống còn 2, bỏ đi tộc người Xơ Đăng. Tương tự, ở ý tiếp theo người Xơ Đăng tiếp tục bị chủ biên loại ra. Ở một chỗ khác, tài liệu gốc viết thuật ngữ "hát nói" là ricitation thì chủ biên sửa lại thành ricitativ…

Theo tôi, dẫn nguyên văn mà không để trong ngoặc kép, tự ý sao chép, sửa đổi tài liệu của người khác là điều không được phép trong nghiên cứu khoa học.

Để tiết kiệm thời gian, tôi chỉ tạm nêu 3 ví dụ kể trên (kèm theo phụ lục so sánh) để chủ biên tham khảo:

BẢNG SO SÁNH NỘI DUNG VĂN BẢN GỐC VÀ VĂN BẢN 

SAU KHI ĐƯỢC CHỦ BIÊN THAM KHẢO, SỬ DỤNG

Tạm quy ước: Phần chữ có gạch chân là đã bị chủ biên cắt xén, bỏ đi; phần chữ đặt trong ngoặc vuông […] là do chủ biên thêm vào hoặc sửa chữa. Số thứ tự đầu mỗi đoạn tương ứng là do tôi thêm vào. Trật tự số thứ tự ở phần trích dẫn tài liệu của tác giả Linh Nga Niê Kdăm không đối sánh nhưng tương ứng về nội dung.

TT

Bài gốc của tác giả

Chủ biên bỏ/sửa/viết thêm

A

Nghề đan lát của người K’ho

1. Đan lát là một trong những nghề thủ công truyền thống của dân tộc K’ho (Lâm Đồng), thường được thực hiện vào những thời điểm nông nhàn. Hàng năm cứ vào khoảng tháng 6, tháng 7 dương lịch, sau khi công việc gieo trồng ngoài nương rẫy đã xong bà con dân tộc nơi đây lại bắt đầu bước vào mùa đan lát.

Nguyên liệu của nghề đan

2. Nguyên liệu dùng trong đan lát của người K’ho thường được khai thác trực tiếp từ thiên nhiên ở các đồi núi quanh địa bàn cư trú, bao gồm những loại: lồ ô, nứa, dây mây, cây sim rừng, cóc rừng, cói, vỏ cây pết, cây tỳ hoặc lá cây sơ đoă. Tất cả các loại cây nguyên liệu trên thường được khai thác vào những ngày không có trăng (cuối tháng). Theo kinh nghiệm dân gian của đồng bào thì nếu khai thác vào những ngày này cây sẽ không bị mối mọt, còn riêng các loại cây để tạo màu như: cây pết, tỳ, sơ đoă thì chọn loại cây già lắm nhựa để cho được màu chuẩn khi nhuộm.

3. Các loại cây nguyên liệu trên sau khi lấy từ rừng về đều được lựa chọn xử lý và sơ chế một cách đơn giản trước khi đưa vào sản xuất.

Công cụ sản xuất

Công cụ sản xuất dùng trong nghề đan lát của người K’ho tuy không nhiều nhưng sắc bén có kiểu dáng và kích thước đặc biệt phù hợp với yêu cầu trong các công đoạn đan lát và loại hình sản phẩm. Cụ thể như: xà gạt dùng để chặt, sơ chế nguyên liệu, dùi nhọn (xô - uých - kơ - sôi) dùng để dùi lỗ xuyên sợi khi cạp miệng (găp) và nấc vành (gơ - nap), dao nhọn (pêscôt): mũi nhọn, cán cong rất sắc bén dùng để chuốt sợi mây, vót nan; Khung đan (noa - rơ - sự) thường sử dụng trong đan gùi. Khung có hai loại: khung tròn và khung vuông và có kích thước to nhỏ khác nhau tùy thuộc vào loại gùi cần đan mà người đan sẽ sử dụng.

Kỹ thuật đan và hoa văn trang trí

4. Thông thường trong quy trình sản xuất để tạo sản phẩm, nghề đan lát của các dân tộc Mạ, K’ho, Churu cũng có nhiều điểm tương đồng, nhất là trong cách cài nan, kiểu đan. Ở các sản phẩm của họ phổ biến được đan theo kiểu cài lồng mốt (po - dul) và cài lồng đôi (po - pa - rờ) như các loại gùi, nong, nia, chiếu, sớp, chụp mối, lờ bắt lươn. Ngoài ra còn dùng kĩ thuật kết nan (găp) khi làm một số sản phẩm khác như: đó, nơm, chụp mối... Để định hình, tạo dáng cho sản phẩm, một số loại sản phẩm có sử dụng khung đan để uốn nan theo ý định của người đan.

5. Hoa văn trang trí trên các sản phẩm đan lát của người K’ho ở Lâm Đồng là các loại hoa văn hình học và thường được bố trí ở phần thân gùi, phần miệng hoặc chạy đường viền như: chiếu, sớp đựng cơm... Đặc biệt có hai loại hoa văn được người K’ho hay dùng để trang trí chủ yếu trên gùi mà đồng bào thường gọi là băng - cha - kiang (hoa văn xiên hình chữ V) và băng - cha - ờs (hoa văn hình thoi). Nhưng theo trí tưởng tượng tạo hình đơn giản của họ thì đó là dạng gấp khúc cùi chỏ và hình quả trám. Trên chiếu và sớp thường phổ biến loại hoa văn hình móng chân chó, hình vỏ rùa...

6. Màu sắc sử dụng để trang trí hoa văn chủ yếu trên các sản phẩm là màu đỏ, đen. Người K’ho cũng thường dùng màu để nhuộm nan, sợi để đan hoa văn nhưng chủ yếu là dùng cho chiếu, sớp. Riêng đối với gùi thì họ ít khi dùng nan nhuộm màu để đan gùi hoa mà họ lợi dụng chính bản chất của nan nứa, lồ ô để tạo màu làm nổi bật các đường nét hoa văn. Nghĩa là khi đan gùi hoa, người K’ho ở Di Linh sẽ dùng toàn bộ nan cật, các nan đều để nguyên cật xanh, riêng nan xương được cạo sạch lớp cật xanh mỏng ở bên ngoài cho nhạt hơn. Sau khi đan xong thì người ta mang gác trên giàn bếp một thời gian, lúc này khói và bồ hóng ăn vào các nan gùi tạo ra hai màu đậm nhạt rõ rệt (nan nguyên cật có màu nâu đậm, nan được cạo cật sẽ có màu vàng nhạt) làm nổi bật các đường nét hoa văn.

7. Nghề đan lát là một trong những nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc K’ho ở Di Linh (Lâm Đồng) nhưng hiện nay đang dần bị mai một. Những kỹ thuật tinh xảo như đan gùi hoa, chiếu, sớp đang có nguy cơ bị thất truyền (hiện nay hầu như chỉ có người già còn biết đan gùi hoa), nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do thiếu nguyên liệu. Nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng, đó là ngày nay trong cuộc sống hiện đại với sự xuất hiện của những đồ dùng bằng nhựa với giá rẻ và tiện dụng (như rổ, rá, làn, giỏ xách...) cũng đã ảnh hưởng nhiều tới nghề đan lát. Vì vậy, cần sớm có những dự án, chính sách thích hợp để khuyến khích, hỗ trợ giúp bà con bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của nghề thủ công truyền thống này

Đoàn Bích Ngọ

http://www.langvietonline.vn/54-Dan-Toc/134471/Nghe-dan-lat-cua-nguoi-Kho.html ;1/10/2019

Nghề đan lát của người K’ho [Cơ-ho, Gié-Triêng, Rơ-măm]

1. Đan lát là một trong những nghề thủ công truyền thống của dân tộc K’ho (Lâm Đồng),[Cơ-ho, Gié-Triêng, Rơ-măm] thường được thực hiện vào những thời điểm nông nhàn. Hàng[Hằng] năm cứ vào khoảng tháng 6, tháng 7 [D]dương lịch, sau khi công việc gieo trồng ngoài nương rẫy đã xong bà con dân tộc nơi đây lại bắt đầu bước vào mùa đan lát.

Nguyên liệu của nghề đan

2. Nguyên liệu dùng trong đan lát của người K’ho thường được khai thác trực tiếp từ thiên nhiên ở các đồi núi quanh địa bàn cư trú, bao gồm những loại: lồ ô, nứa, dây mây, cây sim rừng, cóc rừng, cói, vỏ cây pết, cây tỳ hoặc lá cây sơ đoă. Tất cả các loại cây nguyên liệu trên thường được khai thác vào những ngày không có trăng (cuối tháng), [tức cuối tháng]. Theo kinh nghiệm dân gian của đồng bào thì nếu khai thác vào những ngày này cây sẽ không bị mối mọt, còn riêng các loại cây để tạo màu như: cây pết, tỳ, sơ đoă [cây pết, tỳ, sơ đoă] thì chọn loại cây già lắm nhựa để cho được màu chuẩn khi nhuộm.

3. Các loại cây nguyên liệu trên sau khi lấy từ rừng về đều được lựa chọn xử lý và sơ chế một cách đơn giản trước khi đưa vào sản xuất.

Công cụ sản xuất

Công cụ sản xuất dùng trong nghề đan lát của người K’ho tuy không nhiều nhưng sắc bén có kiểu dáng và kích thước đặc biệt phù hợp với yêu cầu trong các công đoạn đan lát và loại hình sản phẩm. Cụ thể như: xà gạt dùng để chặt, sơ chế nguyên liệu, dùi nhọn (xô - uých - kơ - sôi) dùng để dùi lỗ xuyên sợi khi cạp miệng (găp) và nấc vành (gơ - nap), dao nhọn (pêscôt): mũi nhọn, cán cong rất sắc bén dùng để chuốt sợi mây, vót nan; Khung đan (noa - rơ - sự) thường sử dụng trong đan gùi. Khung có hai loại: khung tròn và khung vuông và có kích thước to nhỏ khác nhau tùy thuộc vào loại gùi cần đan mà người đan sẽ sử dụng.

Kỹ thuật đan và hoa văn trang trí

4. Thông thường trong[. Q]quy trình sản xuất để tạo sản phẩm, nghề đan lát của các dân tộc Mạ, K’ho, Churu cũng[của mỗi dân tộc này] có nhiều điểm tương đồng, nhất là trong cách cài nan, kiểu đan. [Nhìn chung, ] Ở các sản phẩm của họ phổ biến được đan theo kiểu cài lồng[lóng] mốt (po - dul) và cài lồng[lóng] đôi (po - pa - rờ) như các loại gùi, nong, nia, chiếu, sớp,[giỏ] chụp mối, lờ bắt lươn. Ngoài ra còn dùng kĩ thuật kết nan (găp) khi làm một số sản phẩm khác như: đó, nơm, chụp mối... Để định hình, tạo dáng cho sản phẩm, một số loại sản phẩm có sử dụng khung đan để uốn nan theo ý định của người đan.

5. Hoa văn trang trí trên các sản phẩm đan lát của người K’ho ở Lâm Đồnglà các loại hoa văn hình học và thường được bố trí ở phần thân gùi, phần miệng hoặc chạy đường viền như: chiếu, sớp đựng cơm [, tiêu biểu ở chiếu, giỏ đựng cơm]... Đặc biệt có hai loại hoa văn được người K’ho haydùng để trang trí chủ yếu trên gùi mà đồng bào thường gọi là băng - cha - kiang (hoa văn xiên hình chữ V)[là (hoa văn xiên hình chữ V)] và băng - cha - ờs (hoa văn hình thoi) [hoa văn hình thoi, mà]Nhưng theo trí tưởng tượng tạo hình đơn giản của họ thì đó là dạng gấp khúc cùi chỏ và hình quả trám. Trên chiếu và sớp [giỏ] thường phổ biến loại hoa văn hình móng chân chó, hình vỏ rùa1...

6. Màu sắc sử dụng để trang trí hoa văn chủ yếu trên các sản phẩm là màu đỏ, đen. Người K’ho[Cơ-ho, Gié-Triêng, Rơmăm] cũng thường dùng màu để nhuộm nan, sợi để đan hoa văn nhưng chủ yếu là dùng cho chiếu, sớp [giỏ]. Riêng đối với gùi thì họ ít khi dùng nan nhuộm màu để đan gùi hoa mà họ lợi dụng chính bản chất của nan nứa, lồ ô để tạo màu làm nổi bật các đường nét hoa văn. Nghĩa là khi đan gùi hoa, người K’ho ở Di Linh[họ]sẽ dùng toàn bộ nan cật, các nan đều để nguyên cật xanh, riêng nan xương được cạo sạch lớp cật xanh mỏng ở bên ngoài cho nhạt hơn. Sau khi đan xong thì người ta mang gác trên giàn bếp một thời gian, lúc này khói và bồ hóng ăn vào các nan gùi tạo ra hai màu đậm nhạt rõ rệt (nan nguyên cật có màu nâu đậm, nan được cạo cật sẽ có màu vàng nhạt) làm nổi bật các đường nét hoa văn.

7. Nghề đan lát là một trong những nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc K’ho ở Di Linh (Lâm Đồng) [Cơ-ho, Gié Triêng, Rơ-măm]nhưng hiện nay đang dần bị mai một. Những kỹ thuật tinh xảo như đan gùi hoa, chiếu, sớp[giỏ] đang có nguy cơ bị thất truyền (hiện nay hầu như chỉ có người già còn biết đan gùi hoa), [mà] nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do thiếu nguyên liệu. Nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng, đó là ngày nay trong cuộc sống hiện đại với sự xuất hiện của những đồ dùng bằng nhựa với giá rẻ và tiện dụng (như rổ, rá, làn, giỏ xách...) cũng đã ảnh hưởng nhiều tới nghề đan lát. Vì vậy, cần sớm có những dự án, chính sách thích hợp để khuyến khích, hỗ trợ giúp bà con bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của nghề thủ công truyền thống này.

Đặc trưng văn hóa vùng Tây Nguyên, Nxb Khoa học xã hội, 2018, tr. 203-207.

B

Nghề rèn của người Giẻ-Triêng Kon Tum trong cuộc sống hiện nay

1. Cũng như các nghề truyền thống khác của đa số người dân tộc thiểu số Kon Tum, nghề rèn (vanpẹk’tủ) của người Giẻ-Triêng chiếm một phần rất quan trọng trong sinh hoạt và cuộc sống của họ. Khi đời sống xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, một vài buôn làng của người Giẻ-Triêng vẫn còn giữ được nghề truyền thống của ông cha mình để lại như làng Đắk Giá 1 - xã Đắk Ang - huyện Ngọc Hồi, làng Đắk Dấc - xã Đắk Môn - huyện Đăk Glei... Thông qua những bàn tay khéo léo của người thợ rèn, họ đã cho ra đời hàng trăm dụng cụ khác nhau như cuốc (niếc), dao phát (xà gạt)... mà kiểu dáng và chất lượng cũng rất đặc trưng.

2. Trước tiên, tìm hiểu về lò thổi lửa (namk’tủ), người Giẻ-Triêng cũng như những dân tộc bản địa khác, lò rất đơn giản, họ lấy đất sét về đắp thành một ụ cao, lên rừng tìm 2 thân cây có đường kính chừng 20cm về khoét rỗng ruột (một số lò họ làm bằng thân cây lồ ô già) làm 2 ống đứng cao tầm 80cm, phía trong họ lấy da động vật bó một đầu thanh gỗ tròn tạo thành một pitong như ống bơm hơi, phía dưới có 2 ống lồ ô nhỏ (đường kính 5-7cm) được khoét thông suốt ép vào nhau gắn với 2 ống đứng (dài khoảng 1,2m) tạo thành 2 ống thổi lửa. Tất cả những ống tạo gió đều được cố định bằng đất sét. Công việc bơm hơi cần phải có một người chỉ đứng kéo đều 2 thanh gỗ nhịp nhàng để gió thổi ra đều đặn, còn người thợ rèn chỉ lo phần nung nóng thanh sắt để tạo dụng cụ lao động. Loại lò này tiện lợi ở chỗ những dụng cụ tạo ra nó dễ tìm, có sẵn từ thiên nhiên như lồ ô, gỗ, đất sét và khá dễ thực hiện, chỉ cần 2 người làm trong một ngày là có bệ lò để tạo gió. Tuy vậy vẫn có điểm bất tiện là nó không thể di chuyển linh hoạt và bắt buộc phải có 2 người làm, bởi thế ngày nay tuy không đặt mua những lò hiện đại ngoài thị trường nhưng họ cũng chế ra một loại dụng cụ mà vừa thổi lửa vừa có thể di chuyển và đặc biệt chỉ cần một người sử dụng, tiết kiệm được nhân lực. Họ lấy một cái vành (niềng) xe đạp hỏng, gắn cố định trên một bệ gỗ (khoảng 01m), chọn 2 thanh gỗ nhỏ (cao 50cm) gắn vuông góc với bệ, ở giữa tạo thành một trục cố định tâm, vành xe được hàn cố định thành một dụng cụ có thể xoay vòng, đầu bên kia bệ gỗ gắn cánh quạt tự tạo nằm trong một hộp sắt kín có một ống tròn nhỏ ở đầu để tạo gió, cánh quạt này cũng có thể quay quanh một trục, 2 thiết bị quay được nối với nhau bởi một sợi dây thừng, dụng cụ nhỏ gọn, di chuyển từ nơi này sang nơi khác, người thợ rèn cũng có thể một tay quay tạo gió, tay kia dùng kẹp gắp kim loại đưa vào lò nung.

3. Nét đặc trưng của người Giẻ-Triêng đó là kiểu dáng dụng cụ lao động của họ vô cùng tinh tế và sắc sảo, đa phần kim loại được lựa chọn rất kỹ. Tất cả những vật dụng họ đang sử dụng trong lao động hầu hết được tạo ra bằng một loại thép rất đặc biệt đó là mảnh bom được nhặt trên rừng hay được tìm dưới sông, loại thép này rất cứng và nặng, khó han rỉ, đến ngày nay họ vẫn có thói quen đi tìm mảnh bom vỡ để về làm dao, cuốc cho gia đình mình. Một điểm nữa là để tạo độ cứng và bền cho dụng cụ lao động, người thợ rèn đã tôi luyện bằng những phương pháp hết sức đặc biệt. Theo cụ A Dun (82 tuổi) thợ rèn lừ lúc 15 tuổi tại làng Đắk Dấc, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei, cho biết: ‘Trước đây các ông già trong làng thường tôi thép bằng lông và da con sơn dương, nung đỏ thanh kim loại đã được định hình, họ cọ sát nhiều lần vào tấm da, sau đó lại nhúng xuống nước, làm nhiều lần như vậy, con dao sẽ sáng và cứng, độ bền sẽ được lâu hơn’. Ở làng Đắk Giá 1 (xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi), cụ A Hương (81 tuổi) (thợ rèn lâu năm) lại có một cách tôi thép riêng biệt, họ lấy mai của con cua đồng giã nát trộn chung với nước, loại nước này dùng để tôi nhúng kim loại mỗi khi chuẩn bị cho ra lò một dụng cụ nào đó. Theo quan niệm của người xưa, cách làm này thể hiện một sự yêu nghề và họ cho rằng làm như vậy chất lượng con dao sẽ được bóng như mai cua, vật dụng sẽ bền hơn, không bị mẻ, một số người họ lại tôi bằng muối, tuy nhiên vật dụng có tốt hay không cùng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thép, nhiệt độ của than, cách tôi...đó cũng là những kinh nghiệm của các cụ kể lại.

4. Con dao được tạo ra từ đôi tay người thợ Giẻ-Triêng luôn có những điểm khác biệt đó là độ sáng, kiểu dáng đẹp, hoa văn tinh tế và rất sắc bén. Cán dao họ chỉ dùng một loại gỗ duy nhất đó là gỗ trắc, đầu tiếp xúc với chuôi có bọc đồng hoặc nhôm trông rất đẹp, còn về các dụng cụ khác như cuốc, niếc... họ sử dụng gốc tre già làm cán như các dân tộc bản địa khác, riêng cán rìu của họ lại có một lớp bọc bằng lô ô, có chạm hoa văn vô cùng đặc biệt và lạ mắt... Chính bởi điều đó, một số người từ các buôn làng khác, kể cả người Kinh thường xuyên đến đặt hàng, họ muốn sở hữu những vật dụng do chính tay người thợ rèn Giẻ-Triêng tạo ra...

5. Theo tìm hiểu một số lò rèn tại 3 làng của người đồng bào Giẻ-Triêng, đến ngày nay họ vẫn tạo dụng cụ lao động bằng phương pháp thủ công đơn giản với quy mô nhỏ, phạm vi từ nhà đến khuôn khổ trong buôn làng của mình, riêng lò tạo gió đã được cải tiến từ chất liệu đất và gỗ sang chất liệu thép. Một số gia đình (như gia đình cụ A Eo, 87 tuổi, làng Đắk Giá, xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi) vẫn xem nghề rèn truyền thống của mình như là công việc bắt buộc gắn với cuộc sống. Trong đời sống ngày nay, họ vẫn có thói quen tự tạo cho gia đình những vật dụng cần thiết khi lên nương rẫy mà không cần phải mua. Được biết công việc này vẫn có người cháu là A Tuấn và một người trong dòng họ đã và đang tiếp nối nghề truyền thống của ông cha mình.

Nguồn: CTO - Thế Phiệt

http://vanhien.vn/news/Nghe-ren-cua-nguoi-Gie-Trieng-Kon-Tum-trong-cuoc-song-hien-nay-37572 ; 1/10,2019

Nghề rèn của người Giẻ [Gié]-Triêng Kon Tum trong cuộc sống hiện nay

1. Cũng như các nghề truyền thống khác của đa số người dân tộc thiểu số Kon Tum [Tây Nguyên], nghề rèn (vanpẹk’tủ) của người Giẻ-Triêng [Gié-Triêng] chiếm một phần rất quan trọng trong sinh hoạt và cuộc sống của họ. [Trong bối cảnh] đời sống ngày càng phát triển như hiện nay, người Gié-Triêng một vài buôn làng của người Giẻ-Triêng vẫn còn giữ được nghề truyền thống của ông cha mình để lại như làng Đắk Giá 1 - xã Đắk Ang - huyện Ngọc Hồi, làng Đắk Dấc - xã Đắk Môn - huyện Đăk Glei... Thông qua những bàn tay khéo léo của người thợ rèn, họ đã cho ra đời hàng trăm dụng cụ khác nhau như cuốc (niếc), dao phát (xà gạt)... mà kiểu dáng và chất lượng cũng rất đặc trưng.

2. Trước tiên, tìm hiểu về lò thổi lửa (namk’tủ),[của] người Giẻ-Triêng [cũng đơn giản] như những dân tộc bản địa khác, lò rất đơn giản, [. H]họ lấy đất sét về đắp thành một ụ cao, lên rừng tìm 2 thân cây có đường kính chừng 20cm về khoét rỗng ruột (một số lò họ làm bằng thân cây lồ ô già) làm 2 ống đứng cao tầm 80cm, phía trong họ lấy da động vật bó một đầu thanh gỗ tròn tạo thành một pitong [pít tông] như ống bơm hơi, phía dưới có 2 ống lồ ô nhỏ [(]đường kính 5-7cm[)] được khoét thông suốt ép vào nhau gắn với 2 ống đứng [(]dài khoảng 1,2m[)] tạo thành 2 ống thổi lửa. Tất cả những ống tạo gió đều được cố định bằng đất sét. Công việc bơm hơi cần phải có một người chỉ đứng kéo đều 2 thanh gỗ nhịp nhàng để gió thổi ra đều đặn, [;] còn người thợ rèn chỉ lo phần nung nóng thanh sắt để tạo dụng cụ lao động. Loại lò này tiện lợi ở chỗ những dụng cụ tạo ra nó dễ tìm, có sẵn từ thiên nhiên như lồ ô, gỗ, đất sét và khá dễ thực hiện, chỉ cần 2 người làm trong một ngày là có bệ lò để tạo gió. Tuy vậy vẫn có điểm bất tiện là nó không thể di chuyển linh hoạt và bắt buộc phải có 2 người làm, bởi thế [vậy] ngày nay [,] tuy không đặt mua những lò hiện đại ngoài thị trường nhưng họ cũng chế ra một loại dụng cụ mà vừa thổi lửa vừa có thể di chuyển và đặc biệt chỉ cần một người sử dụng, tiết kiệm được nhân lực. Họ lấy một cái vành (niềng) xe đạp hỏng, gắn cố định trên một bệ gỗ (khoảng [0]1m), chọn 2 thanh gỗ nhỏ (cao 50cm [0,5cm]) gắn vuông góc với bệ, ở giữa tạo thành một trục cố định tâm, vành xe được hàn cố định thành một dụng cụ có thể xoay vòng, đầu bên kia bệ gỗ gắn cánh quạt tự tạo nằm trong một hộp sắt kín có một ống tròn nhỏ ở đầu để tạo gió, [. C]cánh quạt này cũng có thể quay quanh một trục, 2 [hai] thiết bị quay được nối với nhau bởi một sợi dây thừng, [. D]dụng cụ nhỏ gọn, [dễ dàng] di chuyển từ nơi này sang nơi khác, người thợ rèn cũng có thể một tay quay tạo gió, tay kia dùng kẹp gắp kim loại đưa vào lò nung.

3. Nét đặc trưng của người Giẻ-Triêng [Gié-Triêng] đó là kiểu dáng dụng cụ lao động của họ vô cùng tinh tế và sắc sảo, đa phần kim loại được lựa chọn rất kỹ. Tất cả những vật dụng họ đang sử dụng trong lao động hầu hết được tạo ra bằng một loại thép rất đặc biệt đó là mảnh bom được nhặt trên rừng hay được tìm dưới sông, [. L]loại thép này rất cứng và nặng, khó han rỉ, [. Đ]đến ngày nay[,] họ vẫn có thói quen đi tìm mảnh bom vỡ để về làm dao, cuốc cho gia đình mình. Một điểm nữa là để tạo độ cứng và bền cho dụng cụ lao động, người thợ rèn đã tôi luyện bằng những phương pháp hết sức đặc biệt. Theo cụ A Dun (82 tuổi) thợ rèn lừ lúc 15 tuổi tại làng Đắk Dấc, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei, cho biết: ‘

Trước đây [,] các ông già trong làng [người ta] thường tôi thép bằng lông và da con sơn dương, nung đỏ thanh kim loại đã được định hình, họ cọ sát nhiều lần vào tấm da, sau đó lại nhúng xuống nước, [. L]làm nhiều lần như vậy, con dao sẽ sáng và cứng, độ bền sẽ được lâu hơn. Ở làng Đắk Giá 1 (xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi [tỉnh Kon Tum]), cụ A Hương (81 tuổi) (thợ rèn lâu năm) lại có một cách tôi thép riêng biệt [:], họ lấy mai của con cua đồng giã nát trộn chung với nước, loại nước này dùng để tôi nhúng kim loại mỗi khi chuẩn bị cho ra lò một dụng cụ nào đó. Theo quan niệm của người xưa, cách làm này thể hiện [một] sự yêu nghề và họ cho rằng làm như vậy chất lượng con dao sẽ được bóng như mai cua, vật dụng sẽ bền hơn, không bị mẻ, [. M]một số người họ lại tôi bằng muối, tuy nhiên vật dụng có tốt hay không cùng [còn] tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thép, nhiệt độ của than, cách tôi... đó cũng là những kinh nghiệm của các cụ kể lại.

4. Con dao được tạo ra từ đôi tay người thợ Giẻ-Triêng luôn có những điểm khác biệt [,] đó là độ sáng, kiểu dáng đẹp, hoa văn tinh tế và rất sắc bén. Cán dao họ chỉ dùng một loại gỗ duy nhất đó là gỗ trắc, đầu tiếp xúc với chuôi có bọc đồng hoặc nhôm trông rất đẹp, còn về các dụng cụ khác như cuốc, niếc [, dao phát…,] họ sử dụng gốc tre già làm cán như các dân tộc bản địa khác, riêng cán rìu của họ lại có một lớp bọc bằng lô ô, có chạm hoa văn vô cùng đặc biệt và lạ mắt[...] Chính bởi điều đó, một số người từ các buôn làng khác, kể cả người Kinh[,] thường xuyên đến đặt hàng, họ muốn sở hữu những vật dụng do chính tay người thợ rèn Giẻ-Triêng [Gié-Triêng] tạo ra1...

5. Theo tìm hiểu một số lò rèn tại 3 làng của người đồng bào Giẻ-Triêng, [. Đ]đến ngày nay [người Gié-Triêng] họ vẫn tạo dụng cụ lao động bằng phương pháp thủ công đơn giản với quy mô nhỏ, phạm vi từ nhà đến khuôn khổ trong buôn làng của mình, riêng lò tạo gió đã được cải tiến từ chất liệu đất và gỗ sang chất liệu thép. Một số gia đình (như gia đình cụ A Eo, 87 tuổi, làng Đắk Giá, xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi) [người Gié-Triêng] vẫn xem nghề rèn truyền thống của mình như là công việc bắt buộc gắn với cuộc sống. Trong đời sống ngày nay, họ vẫn [,] có thói quen tự tạo cho gia đình những vật dụng cần thiết khi lên nương rẫy mà không cần phải mua. Được biết [C]công việc này vẫn có người cháu là A Tuấn và một người trong dòng họ đã và đang [những thế hệ] tiếp nối [trong dòng họ, với những người đã và đang giữ gìn] nghề truyền thống của ông cha mình.

Đặc trưng văn hóa vùng Tây Nguyên, sđd, tr. 213-216.

C

Dân ca Tây Nguyên

1. Trong kho tàng âm nhạc dân gian các tộc người Tây Nguyên, dân ca chiếm một vị trí đáng kể. Những năm đất nước còn tạm chia làm hai miền, thông qua những người con Tây Nguyên tập kết ra Bắc, luôn gìn giữ trong tâm hồn mình nỗi đau đáu về một miền quê đầy âm thanh của gió, của rừng đại ngàn, mà dân ca các dân tộc Tây Nguyên được truyền bá và phổ biến rộng rãi. Mỗi dân tộc một tính cách, một chất liệu âm nhạc dân gian khác nhau, độc đáo và phong phú.

Chúng tôi không có tham vọng nói hết được về dân ca các dân tộc Tây nguyên, bởi trong kho tàng đồ sộ đó, mỗi dân tộc thiểu số anh em đều có thể tự hào về những nét đặc sắc,độc đáo riêng biệt trong dân ca của dân tộc mình.

2. Dân ca, như hơi thở của con người, như miếng cơm nướng thơm trong ống nứa trên bếp lửa hồng, bầu nước suối trong mát ngọt lành. Dân ca không chỉ quen thuộc, mà còn gắn bó hàng ngày với cuộc sống của bà con các dân tộc thiểu số. Điều đặc biệt ở đây là nó nằm trong tâm thức, trong máu thịt của mỗi con người, nên các nghệ nhân không phải chỉ có giọng hát hay, mà còn ứng tác ngay qua những làn điệu có sẵn ấy, những nội dung mới rất có vần có điệu. Các cán bộ thông tin muốn động viên thanh niên đi nghĩa vụ quân sự bằng lời hát ư? Có ngay! Chị cộng tác viên dân số muốn vận động kế hoạch hóa gia đình ư? Chờ một chút nhé,xong rồi đấy! Đoàn kết dân tộc à? Kêu gọi sản xuất hả? Được thôi! Còn đề tài tình yêu thì muôn thuở, lúc nào cũng có thể cất lên say đắm.

Rằng: "Em ơi/Ướt váy ta phơi cành cây tang/Ướt khố ta vắt lên cây tung/Ướt người ta cùng sưởi bên lửa hồng/Xuống suối cùng anh bắt cá/Lên rừng với em hái rau/Ta sống bên nhau mãi mãi" (dân ca Ê Đê).

Không cần phải yêu cầu, chỉ cần có người muốn nghe, thêm một chút men cho la đà lâng châng nữa, là có thể hát sáng đêm, nhất là hát giao duyên nam nữ. Và khi đó "say nhau rồi chẳng cần nữa rượu ơi".

Dân ca Tây Nguyên là vậy. Những lúc nghỉ ngơi tránh nắng trưa dưới bóng cây k’nia trên rẫy, những khi ngừng tay cắt lúa trên đồng, đêm trăng sáng gái trai gọi nhau nơi đầu sàn, các lễ cầu cúng Yang diễn ra thường xuyên theo nông lịch… chính là dịp để tụ họp nhau,và không thể thiếu những lời hát cất lên.

3. Có thể chia dân ca các dân tộc Tây nguyên ra làm hai thể lọai chính: Loại hát nói (recitation) và loại hát có nhịp điệu (tempo).

Thể loại hát nối phổ biến nhất chính là phương tiện thể hiện trường ca, sử thi. Người Mnông ở Đăk Lăk còn có thể loại hát – kể gia phả bằng văn vần rất độc đáo, mà hầu như dòng họ nào cũng có người thuộc nằm lòng, để tránh sự kết hôn nhầm lẫn giữa những người trong cùng một tộc người có tập quán du cư. Trong một lần đi sưu tầm tại xã Nâm Nung, huyện Krông Nô tỉnh Đăk Nông, chúng tôi đã bật máy ghi âm đến 10 phút, chỉ để ghi một trong những gia phả của dòng họ như thế.

Hát nói thường không có nhạc cụ đệm, như một thứ tự sự, nghĩ gì nói đấy, với khách đến thăm, với cha mẹ già héo, với người thân đi về thế giới bên kia, dặn dò con cháu những điều hay lẽ phải, phán xử theo luật tục, bày tỏ niềm vui mừng, nỗi buồn bã với bất cứ sự việc gì diễn ra trong làng, buôn, kon, plei, bon… hay trong gia đình.

Ngược lại, những bài dân ca có nhịp điệu thường được đệm bằng các loại ting ning, t’rưng, đinh năm… rộn ràng.

Nội dung của các bài dân ca rất đa dạng, bất cứ một điều gì trong cuộc sống cũng có mặt trong lời hát. Chỉ cần có một cuộc tụ tập, một chút rượu cho la đà, hoặc đơn giản là có mặt cả hai phiá nam và nữ, là có thể khởi hứng cho ca hát.

Dân ca trong lao động sản xuất:

4. Đại đa số các dân tộc ở Tây Nguyên (trừ một số dân cư trú tại những vùng trũng dọc theo các triền sông Đăk Krông, sông Ba, sông Ayun Pa, sông Krông Ana… có canh tác lúa nước một vụ) sản xuất theo phương thức luân canh nương rẫy, chọc lỗ tra hạt và theo tín ngưỡng "vạn vật hữu linh", thì việc cúng các Yàng để cầu cho mùa màng tươi tốt là điều không thể thiếu. Những bài cầu cúng trong các lễ nghi theo nông lịch, cũng có xuất xứ giai điệu từ dân ca, và là nguồn gốc của thể lọai hát - kể trường ca.

Để cúng thần Đất khi lập buôn, người chủ làng khấn:

"Tôi dẫn dắt gia đình/Tôi dẫn dắt làng buôn/Cầu thần chớ nói lời giận dữ/ Cầu thần chớ mắng mỏ thân tôi" (Bài cúng của người Mnông).

Trong lễ cúng hồn luá phải cầu xin:

"Búi rơm cho to tựa tranh lợp nhà /Hỡi hạt thóc to,/Hỡi hạt thóc bé /Nay mau về với ta" (Bài cúng của người K’Ho)

Đầu mùa sản xuất phải có lễ cầu mưa:

"Buôn đằng Đông mây lui nhanh xuống/Buôn đằng Tây mây cuốn nhanh lên/Ước sao cho được trận mưa to/Ước sao cho được cả mưa rào" (Bài cúng của người Ê Đê)

Đến lúc gieo hạt lại phải cầu xin:

"Này rượu một ché, gà một con/Gà Yàng ăn gan, rượu Yang ngậm cần/Yang thêm bông cho lúa, thêm hạt cho kê/Sâu ở gốc rễ hãy bắt sạch trơn/Mọc lên được búp/Đúc nên được trái" (Bài cúng của người Jrai).

Được mùa lớn phải tạ ơn, hiến sinh bằng trâu:

"Tiết trâu đã xoa lên đầu/Cho dân làng sống lâu khỏe mạnh/Cho đầy chòi lúa bắp". (Bài cúng của người Xơ Đăng).

Khi nghỉ ngơi, người ta đều có thể ca hát, giống như các hình thức hát ví, hát lý, hát đố trong lao động sản xuất của người Việt.

Dân ca trong cuộc sống đời thường:

5. Nhiều dân tộc Tây nguyên có hệ thống luật tục bằng văn vần, do những người thông thái trong buôn, plei nắm giữ. Khi có việc xảy ra ở trong cộng đồng cần có sự phân xử, họ là người đứng ra thay mặt chủ làng "cầm cân nảy mực". Đây là sự tập hợp những câu răn dạy về phương thức đối nhân xử thế giữa cá nhân với cộng đồng, với thiên nhiên, như lời người già hay cha mẹ Ê Đê dạy con cái:

"Con gái (phải) biết rõ thân họ/Con trai biết rõ thân ta/Bò trâu biết ai là chủ"

Đi xúc cá người K’Tu hát:

"Vừa thả lưới, vừa bơi/ Cá mắc vào lưới/Trắng như bã mía rơi"

"Ăn" ong trên rừng cũng thành lời ca:

"Ong như lúa vãi/Ong giống rũ nằm cho đông/Leo lên tận ổ ktưng/Lấy cho hết mật rừng, mật cây". (Dân ca của người Ê Đê).

Đến cơn ho cũng được hát thành lời:

"Cơn ho khôc khôc/Cơn ho trăng cho/Cơn ho đầy trời/Cơn ho đầu rừng (Dân ca Mnông).

Nhiều nhất, hay nhất là những bài hát đố, hát giao duyên, chỉ cần ngồi kề bên nhau, hát lên một câu là có người đối đáp lại ngay. Ngắm người yêu chàng trai Bâhnar ca ngợi.

"Em thắm đẹp như hoa cheng rét/Tóc như suối nguồn êm trôi/Cuối rừng anh nhìn em ngẩn ngơ"

Không lấy được nhau thì họ dám thề thốt:

"Hai ta chết sẽ nằm chung một hòm/Em hoá thành thần chớp sáng/Anh hoá thành thần sét thét vang"(Dân ca Ê đê)

(…)

6. Trước khi đất nước hoàn toàn giải phóng, đi đến thống nhất, chúng ta vẫn thường biết đến dân ca, dân nhạc Tây Nguyên qua thang âm ngũ cung: "Son - si - đô # - mi - pha # - son" có những quãng nửa cung rất ấn tượng.

Rất nhiều nhạc phẩm của các tác giả không công tác ở Tây Nguyên, nhưng yêu thích âm nhạc Tây Nguyên, thường dựa trên thang âm ngũ cung này. Nhưng thực ra, thang âm trên chỉ là đặc trưng âm nhạc của ba dân tộc có khu vực cư trú tương đối đan xen và gần kề với nhau là Jrai, Bâhnar và Xơ Đăng mà thôi. Riêng các tộc người Ê Đê, Mnông, K’Ho, Mạ… có những thang âm riêng, không có nhiều những quãng nửa cung liền bậc như Jrai, Bâhnar và Xơ Đăng.

Linh Nga Niê Kdăm, Văn hóa Tây Nguyên giàu và đẹp, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2012, tr. 262-268.

Dân ca Tây Nguyên

1. Trong kho tàng âm nhạc dân gian các tộc người Tây Nguyên, dân ca chiếm một vị trí đáng kể. Những năm đất nước còn tạm chia làm hai miền, thông qua những người con Tây Nguyên tập kết ra Bắc, luôn gìn giữ trong tâm hồn mình nỗi đau đáu về một miền quê đầy âm thanh của gió, của rừng đại ngàn, mà dân ca các dân tộc Tây Nguyên được truyền bá và phổ biến rộng rãi. Mỗi dân tộc một tính cách, một chất liệu âm nhạc dân gian khác nhau, độc đáo và phong phú.

5. Trước khi đất nước hoàn toàn giải phóng, đi đến thống nhất, chúng [người] ta vẫn thường biết đến dân ca, dân nhạc Tây Nguyên qua thang âm ngũ cung: "Son si #đo mi #pha son" có những quãng nửa cung rất ấn tượng. Rất nhiều nhạc phẩm của các tác giả [khác nhau] không công tác ở Tây Nguyên, nhưng yêu thích âm nhạc Tây Nguyên, thường dựa trên thang âm ngũ cung này. Nhưng thực ra, thang âm trên chỉ là đặc trưng âm nhạc của ba [2] dân tộc có khu vực cư trú tương đối đan xen và gần kề với nhau là Jrai [Gia-rai], Bâhnar Xơ Đăng [và Ba-na] mà thôi. Riêng các tộc người Ê Đê [Ê-đê], Mnông, K’Ho [Cơ-ho], Mạ… có những thang âm riêng, không có nhiều những quãng nửa cung liền bậc như Jrai, Bâhnar và Xơ Đăng [Gia-rai và Ba-na].

2. Có thể chia dân ca các dân tộc Tây Nguyên ra làm hai thể lọai chính: loại hát nói (recitativ) và loại hát có nhịp điệu (tempo). Thể loại hát nói phổ biến nhất chính là phương tiện thể hiện trường ca - sử thi. Người Mnông ở Đắk Lắk còn có thể loại hát - kể gia phả bằng văn vần rất độc đáo mà hầu như dòng họ nào cũng có người thuộc nằm lòng, để tránh sự kết hôn nhầm lẫn giữa những người trong cùng một họ.

Hát nói thường không có nhạc cụ đệm, như một thứ tự sự, nghĩ gì nói đấy với khách đến thăm, với cha mẹ già héo, với người thân đi về thế giới bên kia, dặn dò con cháu những điều hay lẽ phải, phán xử theo luật tục, bày tỏ niềm vui mừng, nỗi buồn bã với bất cứ sự việc gì diễn ra trong làng buôn, kon, plei, bon… hay trong gia đình. Ngược lại, những bài dân ca có nhịp điệu thường được đệm bằng các loại nhạc cụ Ting ning, T’rưng, Đinh Năm… rộn ràng.

Nội dung của các bài dân ca rất đa dạng, bất cứ một điều gì trong cuộc sống cũng có mặt trong lời hát: từ việc đi ăn ong lấy mật, xúc cá dưới suối, ngày mùa gieo hạt, cầu mưa trong lao động sản xuất đến giao duyên nam nữ trong cuộc sống hàng ngày... Chỉ cần có một cuộc tụ tập, một chút rượu cho la đà, hoặc đơn giản là có mặt cả hai phiá nam và nữ, là có thể khởi hứng ca hát.

3. Đại đa [Đa] số các dân tộc ở Tây Nguyên (trừ một số dân cư trú tại những vùng trũng dọc theo các triền sông Đăk Krông, sông Ba, sông Ayun Pa, Sông Krông Ana… có canh tác lúa nước một vụ) sản xuất theo phương thức luân canh [khoảnh] nương rẫy, chọc lỗ tra hạt và theo tín ngưỡng "vạn vật hữu linh", thì việc [Việc] cúng các Yàng [(Giàng)] để cầu cho mùa màng tươi tốt là điều không thể thiếu [trong đời sống tâm linh của bà con]. Những bài cầu cúng trong các lễ nghi theo nông lịch, cũng có xuất xứ giai điệu từ dân ca, và là nguồn gốc của thể loại hát - kể trường ca. Để cúng thần đất khi lập buôn[,] người chủ làng khấn: "Tôi dẫn dắt gia đình/Tôi dẫn dắt làng buôn/Cầu thần chớ nói lời giận dữ/ Cầu thần chớ mắng mỏ thân tôi" (B[b]ài cúng của người Mnông). Trong lễ cúng hồn lúa phải cầu xin: "Búi rơm cho to tựa tranh lợp nhà /Hỡi hạt thóc to,/Hỡi hạt thóc bé /Nay mau về với ta" (B[b]ài cúng của người K’Ho [Cơ-ho]). Đầu mùa sản xuất phải có lễ cầu mưa: "Buôn đằng đông mây lui nhanh xuống/Buôn đằng tây mây cuốn nhanh lên/Ước sao cho được trận mưa to/Ước sao cho được cả mưa rào" (B[b]ài cúng của người Ê Đê [Ê-đê]) [.] Đến lúc gieo hạt lại phải cầu xin: "Này rượu một ché, gà một con/gà Yàng ăn gan, rượu Yang ngậm cần/Yang thêm bông cho lúa, thêm hạt cho kê/Sâu ở gốc rễ hãy bắt sạch trơn/Mọc lên được búp/Đức nên được trái" (B[b]ài cúng của người Jrai [Gia-rai]). Được mùa lớn phải tạ ơn, hiến sinh bằng trâu: "Tiết trâu đã xoa lên đầu/Cho dân làng sống lâu khỏe mạnh/Cho đầy chòi lúa bắp". (B[(b]ài cúng của người Xơ Đăng [Xơ-đăng]).

4. Nhiều dân tộc Tây nguyên có hệ thống luật tục bằng văn vần, do những người thông thái trong buôn, plei nắm giữ. Khi có việc xảy ra ở trong cộng đồng cần có sự phân xử, họ là người đứng ra thay mặt chủ làng "cầm cân nảy mực". Đây là sự tập hợp [Họ cất tiếng hát] những câu răn dạy về phương thức đối nhân xử thế giữa cá nhân với cộng đồng, với thiên nhiên, như lời người già hay cha mẹ Ê Đê [Ê-đê] dạy con cái: "Con gái (phải) biết rõ thân họ/Con trai biết rõ thân ta/Bò trâu biết ai là chủ".

Đi xúc cá ngưòi K’Tu hát:

"Vừa thả lứơi, vừa bơi/ Cá mắc vào lưới/Trắng như bã mía rơi"

"Ăn" ong trên rừng cũng thành lời ca:

"Ong như lúa vãi/Ong giống rũ nằm cho đông/Leo lên tận ổ ktưng/Lấy cho hết mật rừng, mật cây". (Dân ca của người Ê Đê).

Đến cơn ho cũng được hát thành lời:

"Cơn ho khôc khôc/Cơn ho trăng cho/Cơn ho đầy trời/Cơn ho đầu rừng (Dân ca Mnông).

Nhiều nhất, hay nhất là những bài hát đố, hát giao duyên, chỉ cần ngồi kề bên nhau, hát lên một câu là có người đối đáp lại ngay. Ngắm người yêu chàng trai Bâhnar ca ngợi. [:]"Em thắm đẹp như hoa cheng rét/Tóc như suối nguồn êm trôi/Cuối rừng anh nhìn em ngẩn ngơ" Không lấy được nhau thì họ dám thề thốt: [;] "Hai ta chết sẽ nằm chung một hòm/Em hoá thành thần chớp sáng/Anh hoá thành thần sét thét vang". (Dân ca Ê đê)

6. [Có thể nói,] D[d]ân ca [Tây Nguyên], như hơi thở của con người, như miếng cơm nướng thơm trong ống nứa trên bếp lửa hồng, bầu nước suối trong mát ngọt lành [nơi đây]. Dân ca không chỉ quen thuộc, mà còn gắn bó hàng [hằng] ngày với cuộc sống của bà con các dân tộc thiểu số [Tây Nguyên]. Điều đặc biệt ở đây là nó  [Nó] nằm trong tâm thức, trong máu thịt của mỗi con người, nên các nghệ nhân không phải chỉ có giọng hát hay, mà còn [giỏi] ứng tác ngay qua những làn điệu có sẵn ấy, [để viết lên] những nội dung mới rất có vần có điệu nữa [có vần điệu và giàu biểu cảm].

Đặc trưng văn hóa vùng Tây Nguyên, sđd, tr. 261-263


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo