xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những vai diễn của Thanh Sang còn mãi

Cát Vũ

Tài năng của NSƯT Thanh Sang ví như cây quý. May thay, cây quý ấy được trồng trên một vùng đất phù sa màu mỡ của một giai đoạn thăng hoa rực rỡ của sân khấu cải lương nên được sai hoa trĩu quả

Những nghệ sĩ thuộc “thế hệ vàng” của sân khấu cải lương trước đây thành danh nhờ “mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”. Trong đó, Thanh Sang là trường hợp được xem có một không hai nhờ sở hữu chất giọng đặc biệt hiếm, vừa ấm áp da diết vừa trầm hùng dũng mãnh.

Vai diễn “cục xương”

Trong nghệ thuật sân khấu cải lương, âm nhạc và giọng ca luôn giữ phần quyết định cho sự thành bại bởi nó vốn được hình thành từ đờn ca tài tử, “ca” trước rồi mới “ra bộ”. Nghệ sĩ Thanh Sang đã diễm phúc có được một giọng ca thiên phú, nhẹ nhàng mà đầy sức truyền cảm, như một giống cây quý. Cây quý ấy, may thay, được trồng trên một vùng đất phù sa màu mỡ của một giai đoạn thăng hoa rực rỡ của sân khấu cải lương; được chăm sóc, vun xới, bồi đắp bởi những soạn giả, thầy đờn tài danh.


NSƯT Thanh Sang với các vai diễn: Thi Sách trong “Tiếng trống Mê Linh” Ảnh: THANH HIỆP

NSƯT Thanh Sang với các vai diễn: Thi Sách trong “Tiếng trống Mê Linh” Ảnh: THANH HIỆP


Vai Tạ Tốn trong “Cô gái Đồ Long”

Vai Tạ Tốn trong “Cô gái Đồ Long”


Vai Trần Minh trong “Bên cầu dệt lụa”

Vai Trần Minh trong “Bên cầu dệt lụa”


Vai Lục Vân Tiên trong “Kiều Nguyệt Nga”

Vai Lục Vân Tiên trong “Kiều Nguyệt Nga”

Năm 1964, theo trào lưu dựng tuồng dựa trên tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình của Kim Dung, soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng viết vở cải lương “Cô gái Đồ Long”, trong đó có vai Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, một lão mù có tâm trạng nửa tỉnh nửa điên, vốn là một người võ công cao cường, nuôi trong mình nỗi đau khủng khiếp về chuyện vợ con bị giết chết tức tưởi. Thanh Sang trong vai Tạ Tốn mắt mù, mái tóc vàng hoe, xù lên như bờm sư tử, gào thét dữ dội, khi nghe tiếng khóc oe oe đã khựng lại, ngơ ngác, nghếch tai về hướng tiếng động lắng nghe, môi nhếch cười, run giọng nói: “Con tôi…, phải tiếng khóc của con tôi không?”. Cơn giận dữ chợt tan biến, nụ cười nở trên môi, Tạ Tốn bồng đứa trẻ, ôm vào lòng kêu lên: “Con tôi đây rồi… Phải cho nó làm con tôi mới được…”. Đó chính là lớp tuồng đã gây xúc động mạnh, tâm lý nhân vật được chuyển đổi một cách bất ngờ, từ ác sang thiện nhưng hoàn toàn hợp lý, đem đến cho Thanh Sang Giải thưởng Thanh Tâm danh giá. Năm đó, ông mới 21 tuổi. Soạn giả Hà Triều - ông thầy tuồng rất “khó tính” với những đứa con tinh thần của mình - lúc sinh thời, khi nhắc lại vai diễn này của Thanh Sang, cũng không giấu nụ cười hài lòng: “Cũng như ông Hoa Phượng, tôi thật không ngờ, lúc đó còn trẻ, mới vào nghề mà Thanh Sang lại giải quyết “cục xương” này quá xuất sắc như vậy”.

NSND Ngọc Giàu, người từng chia cùng Bạch Tuyết vai Triệu Minh quận chúa trong vở tuồng “Cô gái Đồ Long” lúc ấy, nhớ lại: “Trẻ mà đóng vai già, lại bị mù, mất “vũ khí” sắc bén là đôi mắt rất khó diễn nên lúc đầu, Thanh Sang không chịu đóng. Tôi “xúi” nhận đi, biết đâu sẽ làm nên chuyện. Không ngờ, Thanh Sang làm nên chuyện thật. Vai Triệu Minh quận chúa của tôi cứ phải cột dây bay qua bay lại rất mệt, vậy mà khi Thanh Sang diễn đoạn này, tôi lúc nào cũng thích coi, coi lần nào cũng ứa nước mắt”. Vai Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn sau đó được nghệ sĩ Thanh Sang “trích diễn” đôi ba lần trong những dịp đặc biệt, lần sau cùng là trong live show của nghệ sĩ Hồng Nga năm 2008. Ông dự định sẽ tiếp tục làm Kim Mao Sư Vương nhân dịp khai trương khu trưng bày tượng sáp văn nghệ sĩ Việt Nam tại Nhà hát Hòa Bình ngày 11-4 vừa qua nhưng không kịp.

Trần Minh thật “chuẩn men”

Tác giả Thế Châu, khi viết vở “Bên cầu dệt lụa”, đã xây dựng Trần Minh thành một hình tượng nhân vật đầy nhân bản, thủy chung sâu sắc. Trần Minh thuộc giai tầng nghèo hèn nhưng hiếu học, có ý chí và đầy nghĩa khí. Khi trở thành tân Trạng, bị ép làm phò mã, Trần Minh đã dõng dạc đối đáp với vua và công chúa bằng khẩu khí cứng rắn và bản lĩnh. Đây là một nhân vật đẹp gần như hoàn hảo với những nét thể hiện tỏ rõ sự hiếu đễ, tình bằng hữu, nghĩa phu thê, phận quân thần,… đậm tính triết lý. Cảnh diễn xúc động và tinh tế nhất có lẽ là cảnh tiểu thư Quỳnh Nga - Thanh Nga lén sang nhà trao quà chia tay trước khi chàng Trần Minh - Thanh Sang “lai kinh ứng thí”, lúc chàng e dè ngại ngùng cất tiếng “Biết nói gì đây khi mình vẫn trắng đôi tay” thì nàng “cành vàng lá ngọc” bỗng trở nên cương quyết “Đường lai kinh dặm dài sương gió/Chàng mặc vào cho ấm lúc phong sương”. Họ chẳng có hành động gì, gần như chỉ đứng yên “trò chuyện” mà sao vẫn rất hấp dẫn, hút mắt người xem. Trần Minh - Thanh Sang và Quỳnh Nga - Thanh Nga đối đáp nhau bằng chất giọng trầm ngọt, khoan thai, nhẹ nhàng, cứ như không phải hát mà là tự nhiên như họ đang thở với những cung bậc tình cảm nồng nàn dậy lên trong lòng. “Em nguyện khép cửa phòng khuê/Đợi chàng bái tổ vinh quy tương phùng”. Từng lời ca ấm áp, chậm rãi cùng với ánh mắt trao gửi thiết tha như rót vào trái tim khán giả từng giọt mật ngọt ngào và thơm thảo. Nhân vật Trần Minh, với sự hóa thân tuyệt vời của nghệ sĩ Thanh Sang, đã “da thịt hóa” một cách đáng yêu hình ảnh một “Trần Minh khố chuối” dân gian vốn khắc ghi rất thân thương trong tâm tưởng của bao người từ thời niên thiếu qua những áng văn trong giáo khoa thư; đồng thời là một Trần Minh thật “chuẩn men” trong giấc mơ của nhiều thiếu nữ: chung tình, dũng mãnh và bao dung.

Vai nào cũng đẹp

Nhưng nhắc đến Thanh Sang là nhắc đến Thi Sách, mặc dù nhân vật trung tâm được xây dựng trong vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh” là Trưng Trắc. Khởi đi từ nguyên tác kịch bản ca kịch mang tên “Trưng Vương” của soạn giả Việt Dung soạn vào những năm 1960, sau năm 1975 được tác giả Vĩnh Điền chuyển thể sang cải lương với sự hợp tác của 2 soạn giả Viễn Châu và Nguyễn Phương, “Tiếng trống Mê Linh” được xem là vở cải lương lịch sử thuộc hàng kinh điển, hoàn hảo từ kịch bản, dàn dựng cho đến diễn xuất. Nội dung vở nói về cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng, giải phóng thành Luy Lâu dưới ách đô hộ của quân Đông Hán vào năm 40 sau Công nguyên; được đạo diễn Ngô Y Linh dàn dựng và công diễn vào dịp đón Xuân năm 1977, có sự góp mặt của hàng loạt tên tuổi từng đoạt giải cải lương Thanh Tâm như Thanh Nga (1958), Hùng Minh (1959), Bích Sơn (1960), Thanh Sang (1964), Bảo Quốc (1967)… Tiếng trống Mê Linh là một lời hiệu triệu, kêu gọi toàn dân đứng lên chống giặc ngoại xâm. Trong đó, hai nhân vật trung tâm là Trưng Trắc và Thi Sách là tấm gương chói sáng về lòng yêu nước, gác tình riêng để gánh non sông. Lời thoại, lời ca trong vở được chắt lọc từng chữ, từng câu, rất văn chương và đầy nghĩa khí.

Vai Thi Sách của Thanh Sang xuất hiện không nhiều song mỗi lần ra sân khấu, Thanh Sang đều làm cho thời khắc ấy trở nên “lịch sử”. Như khi đứng trên giàn hỏa, giữa đêm tối mịt mùng, Thi Sách đáp lại lời lạy tạ của Trưng Trắc và người xem cảm thấy “lạnh người” khi Thanh Sang, bằng chất giọng trầm buồn, “âm vang như sóng biển” cất tiếng hát: “Phu nhân ơi, khăn trắng đêm nay sẽ làm trắng khăn tâm sự và ba lạy tạ từ của phu nhân cũng đã trọn tình vẹn nghĩa. Đứng trên giàn hỏa, ta nguyện làm mồi cho lửa… đỏ để bao chiến sĩ hiên ngang không chậm bước oai… hùng. Lần gặp gỡ hôm nay là lần gặp gỡ sau cùng. Phu nhân ơi, sống thác là chuyện đi về, hợp tan là trò dâu bể. Tất cả đều không đáng kể, mà điều đáng lo là sự trường tồn của dòng dõi Hùng Vương…”.

Và cảnh làm tan chảy trái tim người xem chính là khi Trưng Trắc và Thi Sách cùng hòa giọng trong bài “Mê Linh biệt khúc”. Cũng vẫn là một cuộc trò chuyện, chỉ với vài động tác tay nhẹ nhàng nhưng khi giọng hát trầm ngọt của họ quyện vào nhau, khán giả không kìm được thổn thức: “Trong giây phút chia tay, tim nguyện ghi lời thề/Tuy xa nhau muôn dặm dài, như có nhau kề vai…” .

Nghệ sĩ Thanh Sang đã từng nói: “Đối với tôi, sẽ không bao giờ có một vai diễn nào đẹp hơn Thi Sách và không có một bạn diễn nào ăn ý hơn Trưng Trắc - Thanh Nga”. Nhưng với đông đảo người hâm mộ, với chất giọng truyền cảm “bất hủ”, cách diễn xuất điềm đạm, đậm tính hướng nội, Thanh Sang vào vai nào cũng “đẹp”. NSND Bạch Tuyết, người đã từng đóng cặp và làm việc cùng ông trong nhiều chục năm, nhận xét: “Vai nào anh cũng đặt hết niềm đam mê vào đó. Anh biết nắm bắt nhân vật để dẫn dắt bạn diễn đi cùng anh trên sân khấu. Vai nào đã giao cho Thanh Sang là yên tâm, từ hay tới rất hay mà thôi”.

Những ngày qua, rất nhiều tình cảm tiếc thương của đồng nghiệp và công chúng được bày tỏ trên các phương tiện truyền thông, đã cho thấy sự ra đi vĩnh viễn của NSƯT Thanh Sang là một mất mát lớn không gì bù đắp nổi cho sân khấu cải lương nước nhà. Cũng như đông đảo công chúng hâm mộ, xin chúc Trần Minh - Thi Sách “thượng lộ bình an” về “dệt lụa bên cầu” với Quỳnh Nga, “hợp cẩn Luy Lâu thành” với Trưng Trắc nơi miền cực lạc.

Dành riêng cho vai chính diện

Ngoài Tạ Tốn, Trần Minh, Thi Sách, sự nghiệp ca diễn của NSƯT Thanh Sang còn có Đảnh (Tần Nương thất), Lê Hoàn (Thái hậu Dương Vân Nga), Lục Vân Tiên (Kiều Nguyệt Nga), Lê Long Hồ (Tuyệt tình ca), Đường Huyền Tông (Dương Quý Phi), Lĩnh Nam (Sân khấu về khuya), Hai Cang (Nửa đời hương phấn), Tô Điền (Tiếng hạc trong trăng), vua cha (Đường gươm Nguyên Bá)... Ông như sinh ra để dành riêng cho những vai chính diện và hầu như tính cách của các nhân vật này đã vận vào con người ngoài đời của ông, một người sống trung thực, thẳng thắn, tình cảm, có trách nhiệm với những người chung quanh và với chính nghề nghiệp của mình.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo