xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiếp ảnh - Thế giới hỗn độn: Nghệ thuật cần đam mê, cống hiến

Ngọc Lê

Với những người đam mê, chỉ cần chụp được một tấm ảnh đẹp là đã thỏa lòng dù phải mất nhiều thứ

Trong thế giới nhiếp ảnh hỗn độn hiện nay, nhiều nhiếp ảnh gia không lấy việc chụp ảnh để mưu sinh, cầu danh. Họ đến với nhiếp ảnh bằng niềm đam mê cái đẹp. Bên cạnh những thành công họ có được trong suốt nhiều năm theo đuổi, cái giá phải trả không chỉ tốn nhiều tiền bạc mà cả cuộc sống riêng tư của mình.

“Tay chơi” lập dị

Nhắc đến Tăng A Pẩu, giới nhiếp ảnh bảo ông là “lập dị”. Pẩu ít khi giao du với hội, nhóm nhiếp ảnh vì tất cả thời gian rảnh rỗi, ông đều dành cho rừng. Suốt ngày lang thang trong rừng với những chiếc ống kính to đùng, Tăng A Pẩu đã góp những hình ảnh quý chụp hơn 300 loài chim. Vì thế, không chỉ giới nhiếp ảnh mà cả những phóng viên báo chí khi cần ảnh về chim hay muốn tìm hiểu về chim đều liên hệ ông. Không chỉ nổi tiếng trong nước, nhiều nhiếp ảnh gia nước ngoài cũng nhờ ông dẫn họ vào rừng chụp chim hoặc học hỏi thêm những kiến thức về các loài chim ở vùng nhiệt đới.

 

Bức ảnh Hoan lạc đồng điệu - sếu 3 của Tăng A Pẩu
Bức ảnh Hoan lạc đồng điệu - sếu 3 của Tăng A Pẩu

 

Nhiệt tình với bạn bè khắp nơi nên vừa qua, ông được nhóm nhiếp ảnh Malaysia mời sang nước họ và đi Indonesia chụp ảnh núi lửa. Những bức ảnh độc đáo tại vùng núi lửa Bromo - Indonesia đăng trên facebook của ông được nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng nhiếp ảnh. Đây là vinh dự không phải người Việt nào cũng có được.

 

Bướm Biển của Võ Phi Long
Bướm Biển của Võ Phi Long

 

“Tôi chưa một lần nào đem ảnh dự thi. Tôi nghĩ đây là một sân chơi phục vụ cho cuộc sống của mình. Việc chọn rừng là nơi sáng tác ảnh giúp tôi sống điều độ hơn, sức khỏe tốt hơn” - nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu chia sẻ. Với sự đam mê và những cống hiến cho nhiếp ảnh, ông được người trong giới công nhận là một nghệ sĩ.

Nghệ sĩ tài tử

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Phi Long, Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh kiến trúc sư TP HCM, có duyên với nghệ thuật nhiếp ảnh từ công việc của mình. Là kiến trúc sư, ông thường dùng máy ảnh chụp lại các công trình của mình để lưu giữ làm tài liệu. Sau đó, ông tìm thấy trang web photo.vn - nơi dành để các thành viên chơi ảnh và thường post ảnh giao lưu với nhau. Từ lúc giao lưu, ông gặp được một số anh em bạn bè, rồi cùng nhau đi sáng tác nhiều. “Máu nhiếp ảnh hình như đã có sẵn trong người và bộc phát dần, kể từ đó, đam mê nhiếp ảnh thực sự lộ diện, tôi đi lang thang khắp nơi” - Phi Long chia sẻ.

Năm 2012, một nhà thiết kế nội thất người Úc, bà Talia Marques, tìm đến tận nhà ông để hỏi mua bức ảnh Bướm biển - chụp những ngư dân ở Bạc Liêu đang đẩy xiệp. Điều làm bà Marques muốn mua bức ảnh vì bố cục chụp hoàn hảo, tư thế người lao động tuy cực nhọc nhưng sinh động như những con bướm trong truyện thần tiên. Không phải là người chụp ảnh để kinh doanh nhưng trước sự thành tâm của bà Marques, ông Võ Phi Long xiêu lòng bán với giá 750 USD. Bức Bướm biển hiện được trang trí trong các phòng nghỉ ở Resort Angsana Lăng Cô Huế, nơi mà bà Marques thiết kế nội thất.

Hiện tại, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ Phi Long là hội viên của VAPA (Hội Nhiếp ảnh Việt Nam) và đạt tước hiệu EFIAP (Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế).

Cái giá của niềm đam mê

Một nghệ sĩ nhiếp ảnh tâm sự rằng đã cầm chiếc máy ảnh trong tay là như con thiêu thân, suốt ngày chỉ gắn bó với nó.

Nhiều nhiếp ảnh gia bị… vợ bỏ vì tối ngày rong ruổi chụp ảnh. Thêm nữa, các ông giao du nhiều người, đủ thành phần nên các bà vợ ghen tuông. Nghệ sĩ T.P thì gần như ly thân vợ, nghệ sĩ N.H.N thì đã có vợ thứ hai. “ Ít ai có được người vợ như vợ của H.T.N, bà lo cho chồng tất thảy và tin tưởng tuyệt đối, ông ấy đi khắp thế giới cũng được” - một nhiếp ảnh gia cho biết.

Cũng vì cứ mải miết vào rừng mà nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu bị bạn bè, họ hàng xa cách. “Trong vòng 10 năm qua, tôi không giao du với họ hàng. Điều ấy khiến tôi không còn được mọi người nhắc tới nữa. Kho tàng đồ sộ về rừng buộc tôi phải đánh đổi. Tình yêu của tôi bây giờ là rừng” - Tăng A Pẩu nói.

Không chỉ gặp trục trặc với đời sống riêng tư, nhiếp ảnh gia còn tốn những khoản tiền rất lớn cho các máy ảnh. Công nghệ kỹ thuật số hiện đại phát triển mỗi ngày, một chiếc ống kính tốt cũng ngốn hết 10.000 USD. Mỗi lần vào rừng, xe của nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu chật cứng máy móc chụp ảnh. Ông bảo nguyên “cái đống” ấy trị giá cả một căn nhà.

Nhiều khi, trong quá trình đi chụp ảnh, rất nhiều rủi ro xảy ra cho tài sản lẫn sức khỏe của các tay máy. Nhiếp ảnh gia Võ Phi Long từng bị rớt nguyên chiếc máy ảnh Canon 5D Mark II xuống biển khi đi chụp ảnh ở đảo Lý Sơn năm 2013. “Máy ảnh bị rớt xuống nước thì cũng coi như bỏ đi. Mất toi cả trăm triệu đồng” - nghệ sĩ Phi Long tiếc nuối.

Gian nan, tốn kém nhưng chưa một nhiếp ảnh gia nào than phiền. Với họ, chỉ cần chụp được một tấm ảnh đẹp là đã thỏa lòng. Niềm vui ấy càng nhân đôi khi ảnh được giải thưởng lớn, được nhiều người công nhận, có người hỏi mua ảnh. Nhiếp ảnh gia Phạm Tỵ vui mừng cho biết tạp chí danh tiếng National Geographic vừa mua tấm ảnh Đêm hoa đăng của ông giá 4.200 USD, nhiếp ảnh gia Nguyễn Trường Giang kể anh vừa bán được bức ảnh nude 500 USD, còn ông Tăng A Pẩu báo tin vui sắp tới ông sẽ hân hạnh được gặp một cựu lãnh đạo người nước ngoài để hướng dẫn đi rừng chụp chim.

Có lẽ, khi lao động nghệ thuật nghiêm túc, thành quả gặt được sẽ như ly rượu ngon đem lại cho ta cảm giác ngọt ngào và say đắm, một nhiếp ảnh gia cảm nhận.

 

Nhiều giải thưởng quốc tế

Theo thống kê của Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến nay, các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tham gia hơn 30 cuộc thi ảnh quốc tế ở Nhật Bản, Pháp, Úc, Mỹ và đoạt nhiều giải thưởng từ huy chương vàng đến bằng danh dự. Các tác giả đoạt nhiều giải thưởng cao gồm có Nguyễn Vũ Phước, Nguyễn Ngọc Thạch, Trương Hữu Hùng... Theo ông Lê Xuân Thăng, Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP HCM, trong 5 năm gần đây, nhiếp ảnh Việt Nam đều đoạt giải thưởng cao ở các quốc gia nằm trong FIAP, góp phần khẳng định vị thế nhiếp ảnh Việt Nam trên thế giới. So với các loại hình nghệ thuật khác, nhiếp ảnh có nhiều thuận lợi vì đơn giản (chỉ cần gửi file hình) nên tính “tác chiến” nhanh, giúp Việt Nam gia nhập quốc tế nhanh; còn các loại hình nghệ thuật khác thì công phu và cần nhiều yếu tố khác nữa.

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo