xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khán giả chán kịch?: Còn ai tâm huyết với nghề!

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Đạo diễn luôn chờ diễn viên. Có khi người nhắc tuồng phải đóng thế đến 7 vai trên sàn tập. Ngày nay, kiếm nghệ sĩ kịch nói sống chết với vai diễn thật khó

Duy nhất hiện nay tại TP HCM chỉ có rạp Công Nhân (số 30 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM) trực thuộc Nhà hát Kịch TP HCM, đơn vị nghệ thuật quốc doanh của bộ môn kịch, là có cơ ngơi tương đối của nhà hát. Thế nhưng, biên chế của Nhà hát Kịch TP HCM chỉ có… một nghệ sĩ, đó là nghệ sĩ Anh Tuấn. Vậy làm sao để sàn diễn này sáng đèn khi không phối hợp với các nhóm kịch xã hội hóa. Thế nên, sau nhiều lần “tái hợp”, “chia tay” với nhóm kịch Kiều Oanh, Ngọc Trinh, Tấn Beo, Nguyễn Khắc Duy…, rạp Công Nhân vẫn phải chờ diễn viên mới có thể sáng đèn hằng tuần. Ông bầu Lê Nguyên Đạt lên kế hoạch dàn dựng, biểu diễn rất nhiều vở cho sàn diễn này nhưng kế hoạch vẫn giậm chân tại chỗ bởi diễn viên tứ tán khắp nơi.

Sống chết với kịch: Chuyện xưa!

Dự định dựng vở “Không thể khác” của tác giả Lê Chí Trung, dự kiến ra mắt cuối tháng 6 tại rạp Công Nhân và cũng để tham dự Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2015 tại Thanh Hóa nhưng vì diễn viên kẹt, đạo diễn Lê Nguyên Đạt phải chuyển sang dựng vở “Trai đẹp Sài Gòn” và rồi vẫn phải chờ đợi vì bị động nguồn diễn viên. “Ngày nay kiếm nghệ sĩ kịch nói sống chết với vai diễn thật khó!” - ông Nguyễn Anh Kiệt, Giám đốc Nhà hát Kịch TP HCM, than thở.

Cảnh trong vở nhạc kịch “49 ngày yêu” của nhóm xã hội hóa nghệ sĩ Ngọc Trinh phối hợp với Nhà hát Kịch TP HCM dàn dựng đoạt Giải Mai Vàng 2014 của Báo Người Lao Động
Cảnh trong vở nhạc kịch “49 ngày yêu” của nhóm xã hội hóa nghệ sĩ Ngọc Trinh phối hợp với Nhà hát Kịch TP HCM dàn dựng đoạt Giải Mai Vàng 2014 của Báo Người Lao Động

Ông Kiệt cho biết từ khi tiếp nhận sân khấu rạp Công Nhân, mong muốn của ông là gầy dựng một đội ngũ đạo diễn, diễn viên hết lòng với nghề. “Nguồn diễn viên, đạo diễn trẻ có thể ban đầu vẫn chưa đủ sức thu hút khán giả nhưng tôi chủ trương để họ nỗ lực phấn đấu khi được giao vai, giao vở. Bằng chứng vở hài kịch “Không phải vừa đâu” của tác giả Lê Bình, đạo diễn Hoàng Khánh hoặc trước đó là vở “Đại hỷ” của đạo diễn Lê Nguyên Đạt đã thu hút đông khán giả đến rạp Công Nhân. Nhưng tôi vẫn cho rằng bế tắc hiện nay của sàn kịch là từ khâu diễn viên. Họ quá nhiều sô, không còn thời diễn viên đau đáu vì nhân vật, vì vai diễn, mong chờ đến tối để bước lên “thánh đường nghệ thuật”. Công việc chính của họ là ở phim trường truyền hình, ở các điểm quay game show, phim truyền hình nhiều tập còn sàn diễn là nơi họ quay về khi trống sô, trong trạng thái mệt mỏi, không còn hồn vía để diễn, để hóa thân thì làm sao gọi là sáng tạo nghệ thuật và khán giả đến xem nhận được gì khi họ diễn như trả nợ cho xong lớp kịch của mình” - ông Kiệt ngao ngán.

NSND - đạo diễn Doãn Hoàng Giang có lần vào Nam dàn dựng vở diễn sân khấu đã nhận định: “Cơ chế thị trường với quá nhiều sô diễn đã hút hết sức lực nghệ sĩ. Trở về sàn kịch, diễn viên mệt mỏi, hấp tấp, xem cảm xúc vai diễn chỉ là sự mơn trớn bên ngoài thì làm sao nhân vật chạm vào trái tim khán giả”.

Bây giờ hằng ngày, các đạo diễn ngồi chờ diễn viên, có người này, vắng người khác. Có khi người nhắc tuồng phải đóng thế đến 7 vai trên sàn tập và rồi “sao” đến chỉ tập 20 phút lại phải chạy đến phim trường, có sàn diễn linh động để diễn viên trẻ tập đúp vai của diễn viên ngôi sao, diễn phúc khảo vai của diễn viên ngôi sao, quay hình lại rồi chuyển cho “sao” xem. Vì vậy, suất diễn đầu tiên bao giờ cũng là những màn diễn viên ngôi sao “bơi” từ cảnh này đến cảnh khác.

Không gian sáng tạo nghệ thuật còn đâu!

NSND Hồng Vân kể: “Thời chúng tôi, nghệ sĩ cũng đi sô, tôi ra diễn tận Hà Nội nhưng đến lịch diễn vở “Dạ cổ hoài lang” của Sân khấu 5B lại mua vé bay về TP HCM diễn rồi sau đó lại bay ra Hà Nội diễn. Nói như thế để thấy diễn viên chạy sô thời nào cũng có nhưng phải có ý thức và trách nhiệm đối với sàn kịch, nơi cho mình danh tiếng, nơi cho mình vị trí trong lòng khán giả”.

Đạo đức của diễn viên đáng báo động khi họ đặt nặng giá cát-sê chứ không phải những vai diễn có độ sâu sắc, sáng tạo mãnh liệt. NSND - đạo diễn Huỳnh Nga cho hay: “Kịch nói ngày nay có tình trạng một vài ngôi sao bảo người quản lý nói sơ qua vai diễn, xem bạn diễn là ai, xem có lớp kịch nào gây cười không và quan trọng là giá cát-sê cao nhất trong dàn diễn viên thì họ sẽ nhận diễn và lịch diễn do họ cung cấp”.

Đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc trong cuộc họp Chi hội Lý luận phê bình sân khấu Hội Sân khấu TP HCM, lên tiếng: “Yếu tố đạo đức của người làm nghề hiện nay rất đáng báo động. Ông kêu gọi cấp thiết trả lại không gian sáng tạo nghệ thuật đúng nghĩa cho các sàn diễn. Giải pháp này phải mang tính đồng bộ vì không thể chỉ kêu gọi diễn viên, đạo diễn, người làm nghề tâm huyết với nghệ thuật, hết lòng với sàn diễn trong khi thu nhập ở đó không đủ nuôi sống họ”.

Sân khấu ngày nay không còn hấp dẫn công chúng, một phần quan trọng là thiếu kịch bản hay. NSƯT - đạo diễn Nguyễn Công Ninh cho biết: “Thu nhập không đủ sống khiến tác giả sáng tác kịch chuyển sang viết kịch bản phim truyền hình, họ có viết kịch bản sân khấu cũng chỉ để thỏa mãn niềm đam mê nhưng rồi đam mê không thể nuôi sống bản thân và gia đình nên họ phải lao theo nơi cần mình để viết, để sống. Lòng yêu nghề được đề cao khi công việc đó nuôi sống được họ. Người làm nghề hiện nay đều muốn được cống hiến nhưng tương lai sân khấu lại thiếu những giải pháp mang tính khả thi nên họ tự cứu lấy mình trước”.

Khi đội ngũ làm kịch hiện nay đối xử với nghề như thế, tình trạng khán giả mua vé đến nơi phải quay về vì bị hủy diễn do diễn viên kẹt quay phim hoặc ngồi chờ vở diễn mở màn trễ do diễn viên chính chưa đến kịp là phổ biến. Chưa kể, nhiều  sự việc tiêu cực khác ở hậu trường làm ảnh hưởng đến chất lượng vở diễn… khiến sàn kịch không còn đẹp trong mắt người mộ điệu.

Cần sự dấn thân

“Sàn diễn đang cần những nghệ sĩ tâm huyết với nghề thật sự như cặp đôi NSƯT Thành Hội - đạo diễn Ái Như. Cả hai đã gầy dựng Sân khấu Hoàng Thái Thanh hơn 5 năm, nhiều tác phẩm đỉnh cao được dàn dựng tử tế và được khán giả đón nhận. Nhà hát Thế Giới Trẻ được một tư nhân đầu tư khai thác, đã 5 năm qua tạo cơ hội cho nhiều đạo diễn, diễn viên trẻ gắn bó với nghề. Tác phẩm họ hướng đến khán giả trẻ có nhiều vở được đánh giá cao về mặt tư tưởng, hình thức thể hiện. Gầy dựng lại những sàn diễn đang rơi vào khủng hoảng hiện nay, theo tôi cần có sự dấn thân vì nghề của đội ngũ diễn viên” - đạo diễn NSƯT - Nguyễn Công Ninh nói.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo