xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đói giỗ cha, no ba ngày Tết”

Hoàng Tuấn Công

Trong bài “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết” trên Báo Lao Động số Chủ nhật, năm 2012, PGS-TS Phạm Văn Tình mở đầu bằng thắc mắc của sinh viên Trần Thu Thảo:

“Thưa thầy, lớp chúng em vẫn tranh luận với nhau về ý nghĩa của câu tục ngữ “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”. Tranh luận nhiều nhưng mỗi người một ý. Em có đem câu này về nhà hỏi bố mẹ thì bố em cũng chịu. Bố em còn bảo: “Ông nội của con mất đã lâu, giỗ nhiều lần rồi nhưng con cái chưa phải chịu đói bao giờ cả”. Đây có phải là một câu nói cho vui không ạ?”.

img

PGS-TS Phạm Văn Tình viết tiếp: “Không riêng gì bạn Trần Thu Thảo, thú thực, bản thân tôi nhiều lúc cũng không rõ nguyên do từ đâu dẫn đến câu tục ngữ này. Hầu hết các sách sưu tầm văn hóa dân gian chỉ thống kê chứ chưa giải thích kỹ câu đó, trừ một số câu khá đặc biệt. Đầu năm 2010, khi cuốn “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương, NXB Tổng hợp TP HCM, 2010) xuất bản, tôi vội vã tra ngay. Mục từ này được giải thích như sau: “Hay bị đói là vào dịp giỗ cha (vì đâu còn lúc nào mà nghĩ tới chuyện ăn trong khi đang mải lo chuyện cúng giỗ); hay được ăn no là vào ba ngày Tết (vì đó là một thông lệ vốn có tự ngàn xưa)”. Cách cắt nghĩa như vậy cũng thật chưa rõ ý”.

Để “rõ ý” hơn, PGS-TS Phạm Văn Tình đã đi “hỏi các cụ cao niên ở nhiều nơi tôi qua”, theo đó, “phong tục cúng giỗ ngày xưa (ở một số vùng Việt Nam) khá khắt khe”, nghĩa là giỗ ba năm đầu, con cháu còn phải mặc đồ tang, túc trực ở bàn thờ từ sáng sớm để đáp lễ người đến viếng, “cho đến khi người khách cuối cùng (đến chia sẻ, ăn uống) chào ra về (...); một số nơi bắt con cái phải nhập phép “tịnh cốc” (không được ăn mặn hay các loại ngũ cốc, chỉ uống nước lã đun sôi) để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ trong ngày này (...). Vậy thì dù là ngày giỗ cha, có mâm cao cỗ đầy thật đấy, nhưng chuyện họ phải mang bụng đói trong ngày này là điều có thực và cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu”.

Với “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam”, nhóm tác giả Vũ Dung - Vũ Thúy Anh - Vũ Quang Hào lại lý giải “đói giỗ cha” là do “có những người khách không mời mà đến, bởi vậy chủ nhà có khi phải nhịn miệng mà thết khách cho vui lòng họ”.

Theo chúng tôi, khảo sát, lý giải của PGS-TS Phạm Văn Tình công phu, cặn kẽ hơn cả nhưng thực chất cũng là đi theo hướng giải quyết vấn đề của Nguyễn Đức Dương và nhóm Vũ Dung mà thôi.

Thực ra, ở đây ý dân gian nói chuyện “đói” là do thiếu đói chứ không phải “đói” do không có thời gian để ăn, phải “tịnh cốc” hay “sự cố” khách không mời mà đến. Giỗ cha là dịp lễ trọng. Nếu “đói vì mải lo chuyện cúng giỗ” thì cúng xong cũng phải được ăn chứ? (tục ngữ có câu “Trâu bò được ngày phá đỗ, con cháu được bữa giỗ ông”; “Một ngày giỗ cha, ba ngày húp nước xáo” kia mà!).

Câu tục ngữ được hiểu như sau: Ngày giỗ cha rất quan trọng, thường làm rất to nhưng giỗ cha không dứt khoát phải cỗ bàn thịnh soạn. Gặp năm mùa màng thất bát, đói kém, chiến tranh, loạn lạc... thì có khi chỉ có nén hương, chén nước, bát cơm, là “cúng cáo” để nhớ ngày kỵ. Như thế không có gì là trái đạo lý bởi “Bắt thiếu giỗ, không ai bắt cỗ lưng”. Thế nhưng, ba ngày Tết lại là chuyện khác. Người ta có thể túng thiếu, quanh năm nhịn đói, nhịn thèm nhưng ba ngày Tết cũng phải chạy vạy bằng được để ít nhất không được ăn ngon cũng phải ăn no (“Giàu hay nghèo, ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà”; “Đói cho chết, ngày Tết cũng phải no”). Quanh năm cấy trồng, chăn nuôi, tằn tiện để dành cho Tết. Ngày Tết được ăn ngon, mặc đẹp, vui vẻ, nhàn hạ thì hy vọng cả năm cũng sẽ được như vậy. Bởi thế, Tết đến, người ta không chỉ ăn cho no bụng mà còn ăn để lấy may cả năm. Tết không chỉ có ý nghĩa với người sống mà còn với cả ông bà, tổ tiên. Kẻ ăn mày đến ngày giỗ cha có khi chỉ “dầu nhang cúng cáo” nhưng Tết đến cũng phải cố tìm cách có được bữa tươm tất, no bụng.

Dân gian đưa ra ngày rất quan trọng (giỗ cha) để so sánh, khẳng định một ngày khác còn quan trọng hơn nhiều: Tết là ngày quan trọng nhất trong tất cả những dịp lễ quan trọng trong năm. Có thể bị đói vào ngày giỗ cha nhưng ba ngày Tết dứt khoát phải được no (tương tự: “Cha chết không lo bằng gái to trong nhà”; “Đau mắt không bằng giắt răng”...). Có nghĩa là thông điệp chính của câu tục ngữ nằm ở vế thứ hai chứ không phải vế đầu. Do đó, không nên băn khoăn, cố đi tìm nghĩa đen và cách lý giải nội dung vế đầu.

Giỗ là chuyện của một gia đình nhưng Tết lại là thời khắc cả làng nước náo nức đón mùa Xuân mới. Hàng ngàn năm qua, bất kể thanh bình yên vui hay chiến tranh khốn khổ, mỗi năm một lần, cái Tết cổ truyền Việt Nam vẫn đến rạo rực, tươi mới, thắp sáng hy vọng vào ngày mai trong lòng muôn người, muôn nhà, bất kể sang giàu hay nghèo khó.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo