xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc đời vẫn đẹp nhưng ông đã ra đi

NGUYỄN TRỌNG TẠO

Người nhạc sĩ tài hoa đã ra đi, giấc mơ của ông vẫn còn đó. Nhưng Phan Huỳnh Điểu cũng đã trả xong món nợ cuộc đời bằng chính những bài hát bất hủ mà ông để lại

Vẫn biết nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sẽ ra đi một ngày không xa vì tuổi cao sức yếu nhưng tin ông qua đời lúc 10 giờ 15 phút ngày 29-6-2015 vẫn làm hàng triệu người yêu nhạc của ông cảm thấy đột ngột và vô cùng thương tiếc.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và ca sĩ Cẩm Vân trong chương trình “Dòng thời gian” tại Nhà hát Bến Thành Ảnh: THANH HIỆP
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và ca sĩ Cẩm Vân trong chương trình “Dòng thời gian” tại Nhà hát Bến Thành Ảnh: THANH HIỆP

Kể từ bài hát đầu tiên sáng tác vào năm 16 tuổi có tên là “Trầu cau”, ông đã mang đến cho âm nhạc Việt Nam hàng trăm ca khúc xúc động lòng người suốt dọc chiều dài lịch sử, những bài hát chỉ cần cất lên câu đầu tiên là có rất nhiều người sẽ hát theo. Thời kháng chiến chống Pháp là “Đoàn Giải phóng quân” (sau đổi thành “Đoàn Vệ quốc quân”), “Mùa đông binh sĩ”, “Nhớ ơn Hồ Chủ tịch”, “Quê tôi ở miền Nam”... Thời hòa bình xây dựng và đấu tranh thống nhất đất nước ở miền Bắc, ông có “Tình trong lá thiếp”, “Những ánh sao đêm” cùng các bài hát cho thiếu nhi “Đội kèn tí hon”, “Nhớ ơn Bác”... Thời chống Mỹ cứu nước là “Ra tiền tuyến”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Hành khúc ngày và đêm”, “Bóng cây kơnia”, “Đêm nay anh ở đâu”, “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “Giải phóng quân”… Sau ngày nước nhà thống nhất, âm nhạc của ông như càng thăng hoa với nhiều bản tình ca mới: “Sợi nhớ sợi thương”, “Thơ tình cuối mùa thu”, “Tình ca Đămbri”, “Thuyền và biển”… và những ca khúc ca ngợi quê hương: “Quảng Nam yêu thương”, “Hát về thành phố quê hương”… Ông thật hạnh phúc khi có nhiều bài hát bất tử qua thời gian. Và ông đã được nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

 

 

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trong khoảnh khắc đời thường. Ảnh: THMX CC
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trong khoảnh khắc đời thường. Ảnh: THMX CC

 

Nhạc sĩ này khi tham gia sự kiện. Ảnh: THMX CC
Nhạc sĩ này khi tham gia sự kiện. Ảnh: THMX CC

 

Phan Huỳnh Điểu là một nhạc sĩ tình cảm và hóm hỉnh. Mỗi lần tôi có dịp gặp, ông không chỉ bắt tay mà còn ôm như ôm một đứa em lâu ngày gặp lại. Tôi còn nhớ lần đầu tiên gặp ông ở nhà chị Thu Hương, em gái nhà thơ Thúy Bắc, cạnh Đài Tiếng nói Việt Nam, lúc đó tôi đã có bài hát “Làng quan họ quê tôi”, còn ông thì đang có bài hát mới “Sợi nhớ sợi thương” phổ thơ Thúy Bắc rất nổi. Tôi ngỏ lời mời ông và chị Hương đến nhà tôi chơi. Trưa hôm sau, đúng hẹn, ông và chị Hương cùng đến căn phòng tập thể của tôi tại khu nghệ sĩ quân đội ở Vân Hồ. Thấy tôi chuẩn bị bữa cơm có cả rượu làng Vân, ông ngạc nhiên lắm. Vì ông không nghĩ là tôi lại tự nấu được một bữa cơm đón khách. Từ đó, nhiều lần từ TP HCM ra Hà Nội, ông đều ghé thăm tôi và rủ đi ăn phở.

Trong nhiều câu chuyện ông kể, tôi nhớ nhất là trường hợp ông phổ bài thơ của Dương Hương Ly, bài “Cuộc đời vẫn đẹp sao”. Tên bài thơ nguyên gốc là “Bài thơ tình yêu”. Năm 1969, ông và nhà thơ Dương Hương Ly cùng ở Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5 và ông được nhà thơ tặng cho bài thơ mới sáng tác. Sau đó vài tháng, vợ nhà thơ Dương Hương Ly là nhà văn Dương Thị Xuân Quý hy sinh ở Quảng Nam. Ông thích bài thơ này nhưng chưa phổ nhạc được. Đến năm 1970, ông bị bệnh sốt rét gầy yếu quá, được đưa ra Bắc chữa bệnh và trên giường bệnh, ông đọc lại bài thơ mang theo. Đến đoạn “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao…” thì bỗng dưng ông hát lên và thấy người như khỏe hẳn. Ông lấy giấy bút phổ đoạn cuối bài thơ thành bài hát và lấy câu thơ đặt tên cho tác phẩm mới của mình. Hôm sau, ca sĩ Quốc Hương vào bệnh viện thăm ông, ông khoe bài hát mới. Quốc Hương cầm về nhà tập hát. Tuần sau ca sĩ trở lại, ông đã ôm guitar hát cùng Quốc Hương khiến cả bác sĩ, y tá, bệnh nhân ùa đến nghe và vỗ tay tán thưởng. Ông nói rằng bài hát đã xua đi cả bệnh tật và đau buồn bởi sự lạc quan và yêu đời.

Nghe ca khúc của Phan Huỳnh Điểu, ta luôn gặp cảm xúc trữ tình sâu lắng với những âm điệu giàu chất dân ca và vô cùng trau chuốt. Ngay cả những bài hành khúc của ông cũng đậm chất trữ tình lạc quan. Trông bề ngoài hiền lành nhưng thực ra ông là một nhạc sĩ có cuộc sống nội tâm sâu sắc. Chính cuộc sống nội tâm đó mà dù khi tuổi đã cao, những sáng tác âm nhạc của ông vẫn cảm hóa được công chúng đông đảo, như một sức mạnh của tình yêu truyền thổi vào trái tim người. Đôi lúc người ta khen ông là “gừng càng già càng cay” quả không sai.

Nhưng nếu nghe ông tâm sự về nghề, về nghiệp, tôi thấy rất thương ông. Ông bảo, làm nhạc cả đời mà có lúc muốn làm một cái album tự chọn, lại không có tiền. Bây giờ có ca sĩ mới nổi đã bỏ bạc tỉ để làm album, tự quảng cáo rùm beng, vậy mà cả đời mình, điều đó chỉ là giấc mơ thôi.

Giờ người nhạc sĩ tài hoa đã ra đi, giấc mơ của ông vẫn còn đó. Nhưng tôi nghĩ là Phan Huỳnh Điểu cũng đã trả xong món nợ cuộc đời bằng chính những bài hát bất hủ mà ông để lại. Trong niềm nhớ thương ông, tôi nghe lại bài hát “Những ánh sao đêm” do NSND Quốc Hương hát từ hơn nửa thế kỷ trước. Nghe đến câu “… càng yêu em, anh càng hăng say xây cho nhà cao cao mãi”, tôi lại nhớ một lần ông đã vui đùa: “Càng yêu em anh càng hăng say viết nhiều bài ca hay hơn nữa”. Nhưng ông đã vĩnh viễn ra đi…

Hà Nội, 29-6-2015

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh năm 1924 tại Đà Nẵng; nguyên quán: Điện Bàn, Quảng Nam, đã từ trần lúc 10 giờ 15 phút ngày 29-6 tại Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) do bệnh phổi tái phát, hưởng thọ 91 tuổi. Linh cữu nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu quàn tại Nhà Tang lễ Thành phố (25 Lê Quý Đôn, P.7, Q.3, TP HCM). Lễ viếng bắt đầu từ 13 giờ 30 phút ngày 30-6. Lễ truy điệu lúc 5 giờ ngày 3-7, sau đó đưa đi hỏa táng tại Phú An Viên, quận 9, TP HCM.

T.Hiệp

 

PHAN HUỲNH ĐIỂU - Tình nhạc duyên thơ

“Thơ tôi tìm từng câu

Nhạc anh rung từng nốt”

Câu thơ của Tế Hanh dành tặng tri kỷ Phan Huỳnh Điểu ít nhiều cho thấy mối duyên thơ - nhạc. Nhiều nhạc sĩ có tài phổ thơ, nhờ vậy, ca khúc ấy sống bền theo năm tháng, thậm chí công chúng quên cả tác giả thơ. Tuy nhiên, không phải nhạc sĩ nào phổ thơ cũng thành công. Nếu có chăng chỉ là những khuôn nhạc cứng đơ trên trang giấy, không đi vào lòng người, tự nó đã chết. Sự khắt khe của nghệ thuật ràch mạch, rõ ràng, dù có phù phép bằng âm thanh, giọng ca của ca sĩ diva đi nữa nhưng một khi công chúng không nhớ đến, không hát, tự nó đã chết.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhiều thơ. Trong đó, có một số ca khúc vẫn “đứng lại” giữa dòng chảy xoáy cuốn về phía lãng quên của thời gian.

 

img
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và ca sĩ Ánh Tuyết. Ảnh: T.Hiệp

Có lẽ ca khúc phổ thơ đầu tiên của ông là “Những người đã chết” (thơ Tế Hanh, 1946). Rồi sau đó, “Điệu buồn” (thơ Huy Cận, 1949)… Nhưng phải đến thập niên 1970 với “Bóng cây kơnia” (thơ Ngọc Anh), “Cuộc đời vẫn đẹp sao” (thơ Dương Hương Ly), “Hành khúc ngày và đêm” (thơ Bùi Công Minh)… rõ ràng, các ca khúc ấy đã đi vào trí nhớ của người yêu nhạc. Với “Bóng cây kơnia”, nhà thơ Tế Hanh nhận xét: “Từ bài Cây kơnia/ Sương tan và mây tỏa/ Khắp rừng núi Tây Nguyên/ Điệu rông-chiêng rộn rã”.

Cảm hứng về thơ của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu còn tiếp tục với “Nhớ” (thơ Nông Quốc Chấn), “Tình yêu thì thầm” (thơ Diệp Minh Tuyền)… nhưng được nhiều người yêu thích nhất vẫn là “Anh ở đầu sông em cuối sông” (thơ Hoài Vũ), “Sợi nhớ sợi thương” (thơ Thúy Bắc). Có một điều bất ngờ, đầu năm 1980, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nổi bật với những ca khúc phổ thơ Xuân Quỳnh như “Thơ tình cuối mùa thu”, “Thuyền và biển”, “Sóng”. Trong khi đó, những ca khúc khác lại ít ai biết đến như “Nếu em là biển rộng” (thơ Nguyễn Thị Ngọc Tú), “Tiếng hát tình yêu” (thơ Lê Chí), “Tình thủy văn” (thơ Khương Hữu Dụng), “Giai điệu quê mình” (thơ Thế Hùng)…

Với người nhạc sĩ, tự họ luôn có ý thức tìm đến cái mới như một sự thử thách trong sáng tạo. Riêng năm 1988, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu lần lượt công bố một loạt ca khúc phổ những bài thơ thuộc hàng kinh điển trong nền thi ca Việt Nam như “Bạn đến chơi nhà”, “Mùa thu câu cá” (Nguyễn Khuyến), “Cái quạt” (Hồ Xuân Hương); năm 1989, lại có “Của nặng hơn người” (Nguyễn Bỉnh Khiêm), “Thiếu nữ” (Hồ Xuân Hương), “Qua đèo Ngang” (Bà Huyện Thanh Quan), “Làm cây thông reo” (thơ Nguyễn Công Trứ)… Thậm chí, có những bài thơ xuất sắc trong phong trào Thơ mới đã có nhiều người phổ trước đó nhưng ông vẫn thử sức một lần nữa, chẳng hạn, “Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mặc  Tử), “Vàng rơi” (Bích Khê), “Tương tư chiều” (Xuân Diệu), “Tiếng thu” (Lưu Trọng Lư)…

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu từng cho biết: “Ngày nào cũng vậy, ngoài chuyện nghe nhạc, tôi còn cần phải đọc thơ và chép nếu phát hiện bài thơ hay. Thú vị nhất là khi đọc được một bài thơ hay vừa mới in trong sách hay báo, khác nào nhà thiên văn vừa phát hiện được một ngôi sao mới trong bầu trời. Phần nhiều họ có nhiều suy nghĩ, cảm xúc rất táo bạo, mới mẻ, nhiều hình ảnh rất sinh động, gợi trong đầu tôi nhiều liên hệ đến âm nhạc”; và “Thơ và nhạc là hai chị em song sinh”. Có thể xem đây là quan niệm về thơ phổ nhạc của Phan Huỳnh Điểu.

Thời buổi này, sự thành công của một ca khúc tùy thuộc vào nhiều yếu tố, có thể nó đến ngoài tài năng của người sáng tạo ra nó. Chẳng hạn, một công nghệ lăng-xê rầm rộ của thời nghe nhìn có thể đẩy ca khúc hạng bét lên hàng ăn khách. Trong khi đó, có những ca khúc như con tằm nhả tơ lại có một số phận khác. Âu cũng là lẽ thường tình. Ở nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, không chỉ thơ phổ nhạc, tôi nghĩ rằng chỉ mỗi một “Giải phóng quân” viết năm 1945, ca khúc đó đã định hình vị trí không thể thiếu của ông khi nhìn lại tiến trình phát triển của nền âm nhạc nước nhà.

Lê Minh Quốc

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo