xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cát Tường - Cuộc đời rồi cũng như tên gọi

MINH NGA

Tất cả những gì có được hôm nay, Cát Tường đều phải chiến đấu để giành lấy nhưng chị coi đó là số phận phải chấp nhận. Cát Tường bây giờ không còn hậm hực, giận dữ cuộc đời nữa mà vô tư, yêu đời, tạo cho người ta cảm giác “em hồn nhiên rồi em sẽ bình yên”

Khi vở Vũ nữ vừa ra mắt, người ta nhắc đến Nguyễn Khắc Duy như một đạo diễn trẻ khẳng định phong cách riêng với nhạc kịch, đến Diễm Phương như một “làn gió mới” của giới kịch nghệ. Song, ít ai biết rằng để vào vai Anna, Cát Tường cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt trong những ngày ròng rã trên sàn tập. Dưới ánh đèn màu lung linh cùng những giai điệu sôi động, Cát Tường - người phụ nữ đã bước qua tuổi “băm” - vẫn quyến rũ, căng tròn sức sống trong những vũ đạo bốc lửa không kém gì đàn em trẻ trung.

Ghê gớm, lẳng lơ trong vai diễn

Trên màn ảnh, Cát Tường khiến nhiều phụ nữ ghét bao nhiêu thì trên sân khấu, chị lại khiến nhiều đàn ông có thể… ngất ngây bấy nhiêu. Chị ghê gớm và lẳng lơ trong các hình hài nhân vật. Chừng đó thôi cũng đủ thấy Cát Tường thật “đáng sợ”. Cứ xem những vai diễn của Cát Tường trên màn ảnh, khán giả sẽ hiểu tại sao người ta toàn nhắc đến chị bằng những tính từ: đanh đá, mưu mô, độc ác…

Vai diễn đầu tay trong Gió qua miền sáng tối là vai phản diện nhưng phải sau Yến trong Đồng tiền xương máu (năm 1998), Cát Tường mới thật sự làm khán giả… sợ. Thời ấy, vai diễn của Cát Tường bị ghét nhiều đến nỗi trong những câu chuyện “tám” với nhau của các bà nội trợ, họ nhắc đến Yến như một phụ nữ mưu mô, xảo quyệt điển hình.

Những lần hóa thân của Cát Tường sau này cũng không được tử tế hơn cho lắm. Không ngoại tình, giật chồng người ta thì cũng thủ đoạn, mưu mô chiếm đoạt tài sản, giết chồng; không bà trùm thì cũng là chủ nợ trong các phim: Nghề báo, Nhịp đập trái tim, Giá mua một thượng đế, Chào buổi sáng em yêu. Cát Tường vào những vai này thật dễ dàng. Đôi mắt sắc lẹm của chị chỉ cần liếc ngang đã thấy nhọn, đôi môi cong cong chỉ cần mở miệng là thấy cay nghiệt rồi. Chị chỉ cần trợn, lườm, nguýt mắt một cái là cũng đủ khiến nhiều người co rúm lại!

Nghệ sĩ Cát Tường. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nghệ sĩ Cát Tường. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nhưng trên sàn diễn, dưới ánh đèn, vẻ ghê gớm của Cát Tường nhường chỗ cho sự “lẳng lơ” của một cô đào đẹp. Cát Tường chuyển qua sân khấu cũng có một lý do vui là “không muốn khán giả ghét mình nữa”. Tại đây, chị được sắm nhiều vai tính cách đa dạng hơn, khắc khổ có, trẻ trung có, hài hước cũng có trong các vở: Rạo rực, Kính thưa ôsin, Đôi bờ, Đôi mắt của biển… Chỉ dưới ánh đèn sân khấu, khán giả mới thấy lớp diễn nội lực, sâu sắc cả vẻ đẹp, sức quyến rũ mặn mà của chị.

Thân thiện, dễ gần

Nếu gặp Cát Tường ngoài đời mà vẫn bị ám ảnh với những vai diễn của chị trên phim, nhiều người sẽ thấy chị đẹp, gợi cảm nhưng khó thiện cảm. Được “trời phú” cho má lúm đồng tiền, Cát Tường có sức hấp dẫn đầy “ma lực” với cả người cùng giới và khác giới.

Cát Tường dễ gần, thân thiện, ngoan hiền và rất hiểu người, hiểu đời. Có cảm giác Cát Tường chỉ cần liếc mắt một cái là nhìn thấu ruột gan người đối diện nhưng ta lại khó lòng biết chị đang nghĩ gì. Nói chuyện với chị, đừng mơ xạo được nửa lời. Vậy nên cứ thành thật, chân thành rồi sẽ thấy chị xởi lởi, thân thiện, dễ gần đến cỡ nào.

Cát Tường tâm sự tất tần tật về mình, chẳng giấu giếm, quanh co. Nói chung, mới gặp Cát Tường, người ta đề phòng, cảnh giác nhưng sau đó lại yêu thích, quý mến chị. Khi ví von Cát Tường như một con cọp, chị cười: “Ai nói con mèo thì dễ thương mà con cọp thì đáng sợ? Chỉ cần xử lý mọi việc đúng tình huống và phù hợp thì con nào cũng đáng yêu hết”.

Gan góc đi qua giông bão

Vì tính thẳng thắn, bộc trực, Cát Tường gặp không ít lận đận trong nghề nghiệp. Chị từng đoạt giải ba cuộc thi Tiếng hát truyền hình

TP HCM nhưng không thể cất cao giọng hát. Cát Tường nói mình chưa gặp thời nhưng lý do chính là chị không chịu đánh đổi tất cả để lấy danh tiếng. Chị cho biết thời trẻ chị sống rất phóng khoáng và liều lĩnh. Có thời điểm, chị tìm niềm vui ở các quán bar. Chị uống rượu nhiều nhưng tuyệt đối chưa bao giờ say.

Cát Tường đi vào tình yêu bằng một “trái tim lửa”. Chị thuộc dạng “yêu hết mình”, yêu ai là yêu đến mất ăn mất ngủ, có thể thức cả đêm để làm thơ tình tặng họ. Cũng vì yêu đến điên dại, tận hiến mà Cát Tường kết hôn sớm rồi đổ vỡ mau chóng. Đau khổ bao nhiêu thì chị cay đắng với đời bấy nhiêu. Chị hậm hực sống qua tuổi thanh xuân, chị giận dỗi cuộc đời của mình nhưng cũng lao vào công việc đến mức quên cả những khổ ải riêng mang. Thời gian đó, Cát Tường chạy sô đến chóng mặt, đi hát, đi diễn từ sáng sớm này đến rạng sáng hôm sau. Có nhiều đêm chị về nhà, thấy mẹ đang thắp nhang cầu khấn và chờ con về mới an tâm đi ngủ.

Nói về cuộc đời buồn hiu của mình, Cát Tường cho biết nước mắt chị đã cạn cho những tháng ngày bẽ bàng, phôi pha. Cát Tường không bao giờ che giấu về cuộc đời không vui của mình. Có lần tôi hỏi: “Luôn bảo mình đau khổ, bất hạnh, chị không sợ người khác nói mình hay than thở sao? Sự kiêu hãnh của chị đâu rồi?”, Cát Tường tần ngần: “Có khi tôi chạnh lòng về những thiếu thốn, mất mát, thấy mình đau khổ. Giờ tôi thấy mọi thứ đã tốt nhưng vẫn chưa có một mái ấm gia đình nhỏ nên buồn và thấy mình bất hạnh. Điều đó có gì xấu để phải giấu giếm!”.

Tất cả những gì có được ngày nay, Cát Tường đều phải chiến đấu để giành lấy. “Tôi coi đó là số phận nên chấp nhận. Tôi không còn hậm hực, giận dữ cuộc đời nữa”. Cát Tường bây giờ vô tư, yêu đời, tạo cho người ta cảm giác “em hồn nhiên rồi em sẽ bình yên”.

Ước mong may mắn, an lành

Cát Tường cho biết lần đầu tiên trong đời, có người hỏi chị về cái tên và ý nghĩa của nó. Cha chị giải thích: “Năm 1977, con ra đời trong giai đoạn đất nước khó khăn. Vừa đi tù về, mọi cửa tìm việc đều đóng kín đối với ba, tương lai là số không mịt mù. Nhìn con đỏ hỏn mà nước mắt ba không ngừng chảy. Ba giận mình vô tích sự, giận đời bắt mình lao đao phận người. Làm sao đây? Mình thì sao cũng được nhưng con mình thì phải bình an. Vậy là ba đặt tên con ở nhà là bé An. Hồi ấy, nhà mình ở cầu Lòn, Huế. Tối nào ông ngoại ba cũng tụng kinh. Ông tụng từ khi thằng cháu ngoại vào lính, tụng mãi đến khi nó có con, đời không bình an. Ba cũng theo ông ngoại tụng đến ngày con cúng đầy tháng. Lúc đó, ba đã tìm thấy tên con trong lời kinh: Cát Tường (kiết tường). Với cái tên này, ba mong con an lành trong cuộc đời, đừng như ba mẹ”.

Thời điểm Cát Tường ly hôn chồng, ngày nào cha chị cũng tụng kinh và chị thấy ông khóc. Cát Tường không kịp ngăn dòng nước mắt. “Ba tôi viết về tôi trong nhật ký của ông nhiều lắm! Viết từng giai đoạn, từ lúc còn nhỏ đến khi lớn, lúc khỏe mạnh hay ốm đau bịnh hoạn, lúc thành công hay đau khổ” - chị nghẹn ngào.

Khi Cát Tường có con, chị cũng đặt tên bé là Cát Tường An, tức muốn sau này con sẽ bình an, may mắn hơn cuộc đời của mẹ.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo