xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trồng thanh long giảm phát thải

Bài và ảnh: Châu Tỉnh

Các hợp tác xã, doanh nghiệp lập được kế hoạch kinh doanh "xanh", từ đó chủ động sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường, đầu ra sản phẩm được tích hợp đa giá trị

Năm 2021, tỉnh Bình Thuận tham gia dự án "Thúc đẩy sự tham gia của tư nhân đầu tư phát thải carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp trong thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam" trên địa bàn huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam, với mục tiêu hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạch, minh bạch. Dự án đang từng bước mang lại hiệu quả.

Quy trình thân thiện với môi trường

Dự án tập trung hỗ trợ kỹ thuật khuyến nông đào tạo về lập kế hoạch kinh doanh thanh long "xanh" và áp dụng các thực hành thân thiện với môi trường, tiết kiệm nước, sử dụng vật tư đầu vào, hướng đến giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất và chế biến.

Ông Trần Đình Trung (xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết với 1,5 ha thanh long canh tác theo hướng "xanh", ông đã giảm nhân công, thời gian lao động được rút ngắn hơn nhờ tự động hóa các khâu, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường. Từ đó, đầu vào chi phí sản xuất giảm mạnh, chất lượng trái cây được kiểm soát sạch hơn.

Theo ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Thuận, dự án này được triển khai tại 4 hợp tác xã và doanh nghiệp của 3 huyện sản xuất thanh long trọng điểm của tỉnh Bình Thuận, gần 4.500 người được hưởng lợi. Đến nay, 100% hộ thành viên tham gia dự án đã chuyển đổi từ đèn compact sang đèn LED tiết kiệm điện; áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm; ứng dụng nhật ký điện tử trong sản xuất; tập trung sản xuất thanh long đạt chứng nhận GlobalGAP để ký kết các hợp đồng tiêu thụ xuất sang thị trường cao cấp. Nhiều lô thanh long sạch từ dự án đã xuất sang châu Âu và Úc.

Qua đào tạo tập huấn, nhiều nông dân đã thay đổi tập quán canh tác, nhận thức về sản xuất thanh long sạch; các hợp tác xã, doanh nghiệp lập được kế hoạch kinh doanh "xanh"; từ đó chủ động sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường, đầu ra sản phẩm được tích hợp đa giá trị. Đặc biệt, thông qua hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch sản phẩm và sản xuất có trách nhiệm, đã xác lập tính cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Đầu năm 2022, hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử được thiết lập tại các hợp tác xã, doanh nghiệp thanh long ở Bình Thuận tham gia dự án. Hệ thống được phát triển với sự tham vấn của nông dân địa phương, cho phép theo dõi thời gian thực và truy cập vào số liệu thống kê cập nhật về lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất. "Thông qua mã QR trên từng trái thanh long, người dùng có thể truy xuất nguồn gốc, minh bạch sản phẩm" - ông Tấn khẳng định.

Nông dân Hợp tác xã Thanh long Thuận Tiến (xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc) sản xuất thanh long giảm phát thải carbon

Nông dân Hợp tác xã Thanh long Thuận Tiến (xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc) sản xuất thanh long giảm phát thải carbon

Hệ thống tưới nhỏ giọt tại trang trại thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam,  tỉnh Bình Thuận

Hệ thống tưới nhỏ giọt tại trang trại thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận

Mở rộng vùng trồng thanh long "xanh"

Ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho rằng Bình Thuận có điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng thuận lợi nên diện tích và sản lượng thanh long ở đây đứng đầu cả nước, khoảng 27.000 ha, trên 600.000 tấn/năm. Để sản xuất được bền vững, từ năm 2009, UBND tỉnh Bình Thuận đã tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ; chỉ đạo thực hiện các đề tài nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, bảo quản và chế biến thanh long. Cũng theo ông Dũng, trong giai đoạn 2021 - 2023, Bình Thuận được Bộ NN-PTNT, Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam hỗ trợ tham gia chương trình thí điểm thu hút sự tham gia của nông dân từ các hợp tác xã và doanh nghiệp trong việc xanh hóa chuỗi cung ứng thanh long.

Sau các đánh giá chuyên sâu về chuỗi cung ứng, sử dụng công nghệ giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng kế hoạch ban đầu để phục hồi xanh sau dịch COVID-19, đồng thời tiếp tục chuyển chuỗi cung ứng thanh long sang các hoạt động với mục tiêu bền vững. Trong đó, chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc và mã QR để cung cấp thông tin về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và trách nhiệm môi trường của người canh tác. Nông dân cũng được khuyến khích sử dụng chong đèn bằng bóng tiết kiệm điện, tập huấn chuyển đổi thực hành sản xuất canh tác theo hướng bền vững, phát thải carbon thấp. "Qua dự án, đã có 100% hộ thành viên tại các hợp tác xã tham gia, tiết kiệm được hơn 50% điện năng tiêu thụ, góp phần giảm 68% lượng khí thải; áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước cũng đã giảm 41,67% lượng nước sử dụng; đẩy mạnh công nghệ năng lượng tái tạo, năng lượng xanh qua lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để phục vụ đóng gói sản phẩm và phục vụ tưới" - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng khẳng định.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, các quy trình sản xuất góp phần "xanh" hóa vườn thanh long đã được địa phương triển khai nhiều trong thời gian qua. Tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực trong triển khai các hợp phần của dự án nói trên, bước đầu gặt hái những kết quả nhất định. Tuy nhiên, để nhân rộng và chuẩn hóa việc đo đạc carbon, tính toán lượng phát thải chính xác là hết sức khó khăn, do đây là hoạt động mới tiếp cận. 

Lượng truy xuất nguồn gốc tăng gấp 5 lần

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, từ 50 ha ban đầu có thể truy xuất nguồn gốc, hệ thống nay đã mở rộng theo cấp số nhân, lên 269 ha và đang tích cực thu hút 188 hộ gia đình thực hành các phương pháp "xanh" trên 4 chuỗi cung ứng thanh long của Bình Thuận. Tính đến tháng 12-2023, khoảng 8.640 lượt ha trang trại thanh long - tương đương 23.300 tấn thanh long - đã được theo dõi phát thải carbon. "Thời gian tới, thanh long Bình Thuận rất mong nhận được sự quan tâm, đầu tư tiếp tục từ UNDP, cũng như hỗ trợ từ các tổ chức khác nhằm thúc đẩy những kết quả đạt được của dự án" - ông Phan Văn Tấn mong mỏi.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo