Số liệu Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết 5 tháng đầu năm 2015 tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 4,29 tỉ USD, bằng 78% so với cùng kỳ năm 2014.
Đà suy giảm đã chậm lại
Đến thời điểm báo cáo, cả nước có 592 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 2,95 tỉ USD và 210 lượt dự án đăng ký tăng thêm 1,34 tỉ USD; tương ứng bằng 80,6% và 72,9% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, Đồng Nai là địa phương đầu tiên “cán đích” mục tiêu thu hút vốn FDI đạt 948 triệu USD. Các dự án đã giải ngân được 4,95 tỉ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Quy mô lớn nhất thuộc dự án sản xuất và gia công các loại sợi của Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai (Thổ Nhĩ Kỳ) đầu tư tại KCN Đồng Nai, với quy mô 660 triệu USD. Kế đó là các dự án như: dự án sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp của Công ty TNHH Worldon Việt Nam, vốn đầu tư 300 triệu USD, do British Virgin Islands đầu tư tại TP HCM; dự án sản xuất điện gió của Công ty TNHH MTV Điện gió Trà Vinh 1 của Hàn Quốc tại Trà Vinh có quy mô vốn 120 triệu USD; dự án sản xuất thiết bị viễn thông sử dụng vô tuyến điện, thiết bị đèn LED chiếu sáng của Công ty TNHH KMW Việt Nam vốn 100 triệu USD do nhà đầu tư Hàn Quốc thực hiện tại tỉnh Hà Nam... So với mức sụt giảm 45% của dòng vốn FDI trong quý I, đến nay đà suy giảm đã chậm lại. Tuy nhiên, do thiếu các dự án lớn khiến cho dòng vốn này chưa có khả năng đảo chiều để tăng lên.
Xuất khẩu hàng hóa tại cảng VICT. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Tấn Thạnh
Dẫn đầu về vốn FDI tại Việt Nam từ đầu năm đến nay là Hàn Quốc, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,1 tỉ USD; British Virgin Islands đứng vị trí thứ 2 với số vốn là 663,24 triệu USD; và Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 660,2 triệu USD.
Ngày càng nhiều công ty vệ tinh
Một xu hướng tích cực được ghi nhận là dòng vốn đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến đang tăng lên. Trong kỳ, vốn FDI đã đầu tư vào 14 ngành, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút 269 dự án đăng ký mới và 142 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 3,15 tỉ USD, chiếm 73,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đáng lưu ý là ngày càng có nhiều nhà đầu tư rót vốn để hình thành những cụm công nghiệp phụ trợ cung cấp linh phụ kiện cho các tập đoàn đa quốc gia để sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Công ty Vina Anydo Electronics (Hàn Quốc) đã rót 700.000 USD xây dựng nhà máy chuyên sản xuất, gia công các linh phụ kiện dùng cho điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác tại Vĩnh Phúc. Eujin Winsys Co., Ltd. (Hàn Quốc) cũng rót 100 triệu USD xây nhà máy Haengsung Việt Nam, chuyên sản xuất, lắp ráp bảng vi mạch điện tử, bo mạch điện tử cho các sản phẩm điện tử, điện thoại tại Hải Phòng. Tỉnh Bắc Giang cũng vừa cấp chứng nhận đầu tư cho một loạt dự án FDI quy mô nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như: dự án nhà máy Mooroc Printec Vina vốn đầu tư 2 triệu USD; dự án Wonjin Vina vốn đầu tư 10 triệu USD...
Lĩnh vực bất động sản bị đẩy xuống vị trí thứ 2, với 10 dự án mới, 7 lượt dự án tăng vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 461,5 triệu USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa với 92 dự án đầu tư mới và 19 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 234,12 triệu USD.
Hà Linh