xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xe, tàu vẫn "án binh bất động"

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Trong khi nhiều địa phương chưa cho phép nối lại các tuyến vận tải liên tỉnh vì lo ngại dịch bệnh, thì quy định nghiêm về tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 khiến đường sắt cũng đang bị ách tắc

Theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), kể từ ngày 1-10, nối lại vận tải hành khách trong 5 lĩnh vực. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các địa phương vẫn chưa cho phép xe khách liên tỉnh hoạt động.

Vẫn phải nằm chờ

Bắc Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên cho xe khách, xe buýt hoạt động trở lại. Xe hoạt động với các quy định phòng dịch chặt chẽ, tạo điều kiện đi lại giá rẻ cho hành khách. Ông Nguyễn Thế Nhân, Giám đốc Ban Quản lý các bến xe tỉnh Bắc Ninh, cho biết hiện ở miền Bắc chỉ có Bắc Ninh, Cao Bằng, Thái Nguyên và một số tỉnh cho xe chạy liên tỉnh nên lượng khách và xe rất ít. Bình thường, bến đón 2.000 lượt khách/ngày, còn hiện nay chỉ khoảng 100-200 khách/ngày.

Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, khẳng định địa phương này ủng hộ kế hoạch của Bộ GTVT nên đang tích cực triển khai, từng bước cho phép hoạt động vận tải hành khách trở lại. Theo ông Trần Văn Long, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên, tỉnh đang triển khai hoạt động vận tải theo hướng dẫn của Bộ GTVT, cho phép khai thác nhiều tuyến vận chuyển hành khách liên tỉnh với một số tỉnh "vùng xanh".

Ngoài số ít các tỉnh nói trên, nhiều địa phương như TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An vẫn đang "án binh bất động". Ông Hoàng Phú Hiền, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nghệ An, xác nhận tỉnh chưa họp hay dự kiến thời gian cho xe khách liên tỉnh hoạt động lại.

Trong khi đó, TP Hà Nội vẫn rất thận trọng nối lại hoạt động vận tải khách, kể cả xe buýt công cộng trong thành phố. Hiện nay, xe khách, xe buýt, taxi vẫn chưa được phép hoạt động tại thủ đô. Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, hiện dịch bệnh đã được kiểm soát, hầu hết người dân được tiêm vắc-xin, việc cho phép taxi hoạt động là cần thiết. "Doanh nghiệp sẵn sàng hoạt động, chỉ chờ thành phố chấp thuận. Thành phố phòng dịch kiểu cầu toàn quá!" - ông Hùng góp ý.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhiều tỉnh - thành vì lo ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh nên đang thận trọng trong việc cho phép khôi phục vận tải hành khách. Một số địa phương dự tính làm thí điểm theo từng tuyến với tỉ lệ, tần suất xe thấp, số lượng khách trên phương tiện giãn cách phù hợp.

Xe, tàu vẫn án binh bất động - Ảnh 1.

Bến xe Mỹ Đình vẫn chưa thể hoạt động do Hà Nội và nhiều địa phương chưa cho phép xe khách hoạt động

Lấn cấn việc tiêm vắc-xin Covid-19

Đối với vận tải hành khách bằng đường sắt, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt, thông tin cơ quan này đã xây dựng kế hoạch tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải bằng đường sắt gửi 24 UBND tỉnh, thành phố xin ý kiến. Tuy nhiên, đến ngày 9-10, cục vẫn chưa nhận đầy đủ phản hồi, ngoại trừ một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Trị…

UBND TP Hà Nội nêu rõ quan điểm dừng vận tải hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội và đề nghị các bước chuẩn bị điều kiện cần thiết trước khi hoạt động trở lại. Lãnh đạo Hải Phòng và Hải Dương cũng cho rằng cần lùi thời gian thực hiện kế hoạch để tiêm phủ vắc-xin Covid-19.

Đối với tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM, nhiều tỉnh, thành như TP HCM, Đồng Nai, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Bình... thống nhất mở lại vận tải hành khách đường sắt nhưng cũng có địa phương chưa đồng ý; hoặc đồng ý nhưng đề nghị lùi thời gian bắt đầu chạy tàu. Do vậy, chưa thể chạy tàu khách trên các tuyến.

Về điều kiện khách đi tàu, nhiều địa phương ủng hộ đề xuất phải quy định chặt chẽ như đối với hành khách đi máy bay. Cụ thể, khách phải tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 và mũi cuối đã qua 14 ngày hoặc là F0 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng và phải có giấy xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh trong vòng 72 giờ; cách ly tại nhà trong vòng 7 ngày hoặc quy định y tế bắt buộc của địa phương nơi đến. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng quy định như vậy không phù hợp với đối tượng khách đi tàu vì người từ TP HCM và các tỉnh phía Nam về quê đa số chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, nhấn mạnh hiện nay rất cần thiết mở lại vận chuyển đường sắt đưa người dân về quê và đón người dân có nhu cầu quay lại khu vực miền Nam để làm việc. Do đó, cần xem xét điều kiện y tế đối với hành khách, nếu đưa ra tiêu chí như với hàng không thì rất khó đáp ứng.

Trước băn khoăn của các địa phương về điều kiện y tế đối với hành khách, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, đề xuất chỉ quy định người đã tiêm 1 mũi vắc-xin Covid-19 đủ 14 ngày và xét nghiệm âm tính là được đi tàu. Thay vào đó, trên tàu phân ra toa chở người đã tiêm 1 mũi, toa chở người đã tiêm 2 mũi... để dễ kiểm soát, phòng lây nhiễm. 

15-10 phải có kế hoạch chạy tàu

Tại cuộc họp trực tuyến ngày 8-10 với các địa phương về kế hoạch dự kiến vận tải hành khách bằng đường sắt, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh việc mở lại tàu khách trên các tuyến phải được thống nhất thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ông Đông đề nghị các địa phương phản hồi bằng văn bản trước ngày 13-10. Đồng thời, giao Cục Đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt, Vụ Vận tải hoàn thành dự thảo kế hoạch vào ngày 15-10 để báo cáo Chính phủ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo