xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xây dựng lòng tin hợp tác khoa học ở biển Đông

Bài và ảnh: Kỳ Nam

Nghiên cứu khoa học biển ở biển Đông là chủ đề để tất cả các bên cùng quan tâm, cùng có lợi ích trong việc thúc đẩy hợp tác, từ đó xây dựng lòng tin, hòa bình, ổn định và phát triển chung

Ngày 5-10, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Học viện Ngoại giao, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) đồng tổ chức Đối thoại biển lần thứ 9 với chủ đề "Nghiên cứu khoa học biển: Xây dựng lòng tin và tạo dựng môi trường bền vững" với sự tham gia của gần 200 đại biểu quốc tế đến từ Mỹ, Anh, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Philippines, Indonesia… và các chuyên gia của Việt Nam.

Ra biển bằng khoa học công nghệ

TS Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho rằng nghiên cứu khoa học biển (KHB) có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học và phát triển bền vững đại dương. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở các khu vực tranh chấp, nghiên cứu KHB là chủ đề để tất cả các bên cùng quan tâm thảo luận, cùng có lợi ích trong việc thúc đẩy hợp tác, qua đó xây dựng lòng tin, góp phần vào thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển chung.

Mục đích của Đối thoại biển lần thứ 9 là làm rõ giá trị của hoạt động nghiên cứu KHB trong khu vực biển Đông - một khu vực có tính đa dạng sinh học cao nhưng lại đang chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển, suy giảm các nguồn tài nguyên và các thách thức đến từ vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ - để tìm kiếm các cơ hội nhằm tăng cường hợp tác giữa các quốc gia ven biển và các đối tác quốc tế trong hoạt động nghiên cứu KHB ở khu vực biển Đông.

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, cho rằng không thể ra biển nếu không ứng dụng khoa học công nghệ, không thể khai thác biển bằng phương tiện lạc hậu. Tất cả các nước muốn trở thành cường quốc biển thì khoa học công nghệ phải đi đầu, là tiền đề bắt buộc. Thứ hai là phải khai thác hiệu quả tài nguyên biển. Thứ ba, các vấn đề về biển phải quản lý liên ngành, liên quốc gia, quản lý theo không gian. Ở biển Đông hiện nay, các quốc gia trong khu vực chưa ngồi lại với nhau để bàn vấn đề KHB. Khi có các yêu sách chủ quyền phi lý thì thiện chí hợp tác giảm đi. Sự hợp tác nghiên cứu KHB giảm sút liên quan đến niềm tin chính trị. Thậm chí trong khu vực này dù đã ký với nhau về DOC (phương thức ứng xử đa phương trên biển Đông) nhưng chưa có sự hợp tác nào cụ thể về các vấn đề không nhạy cảm, ít nhạy cảm.

Xây dựng lòng tin hợp tác khoa học ở biển Đông - Ảnh 1.

TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa là một trong địa phương đi đầu Việt Nam trong phát triển nghề giải trí biển, nghiên cứu khoa học biển

Chú trọng đào tạo con người

PGS-TS Phạm Huy Giao (Đại học Dầu khí) cho rằng nghiên cứu về biển là nghiên cứu liên ngành nhưng ở Việt Nam chưa có một trường đại học nào đào tạo chuyên sâu về biển, nghiên cứu biển, địa chất biển. Liên Hiệp Quốc đã xác định năm 2021 đến 2030 đề ra thập kỷ đại dương, không chỉ khai thác tài nguyên đại dương để phát triển kinh tế mà còn phải gắn với sự bền vững. Ví dụ như năng lượng tái tạo là ngành mới nhưng đào tạo của chúng ta gần như chưa có. Muốn làm tốt nghiên cứu KHB thì phải đào tạo con người, kết hợp đào tạo trong nước và quốc tế. Trong giai đoạn hiện nay cần chú ý 2 yếu tố là chuyển đổi số và dịch chuyển năng lượng.

Theo PGS-TS Phạm Huy Giao, hiện nay KHB không chỉ thiếu về con người mà thiếu cả đội ngũ giảng dạy. Cập nhật khoa học trong giai đoạn này rất nhanh, vì vậy chúng ta phải có những hợp tác quốc tế, cần một tổ chức liên chính phủ để đào tạo quốc tế.

Ở trong nước, hiện nay có thể kết hợp Đại học Nha Trang, Đại học Dầu khí, Đại học Hàng hải và Học viện Ngoại giao là những cơ sở có những ngành nghiên cứu gần gũi với biển thì các trường này cần có mạng lưới nghiên cứu, chương trình đào tạo liên ngành. "Trên thực tế, việc thiếu nhân sự về nghiên cứu KHB là câu chuyện chung của nhiều nước chứ không riêng Việt Nam. Do đó, các nước cần sự hợp tác với nhau để giải quyết các vấn đề này. Có như vậy thì nền KHB của khu vực mới phát triển bền vững" - PGS-TS Phạm Huy Giao đề xuất. 

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng muốn hợp tác KHB ở biển Đông phải xây dựng trên niềm tin chính trị. Xây dựng niềm tin chính trị thông qua ngoại giao, tính hữu nghị ngày càng tăng lên thì mới có thiện chí để ngồi lại với nhau, bàn được những việc cụ thể trên biển. Điểm thứ hai phải quản lý được các rủi ro, căng thẳng trên biển để duy trì môi trường hòa bình. Chỉ khi hòa bình thì đủ bầu không khí để bàn câu chuyện khoa học. Thứ ba, nên chọn vấn đề đúng theo tinh thần DOC, lựa chọn vấn đề ít nhạy cảm, không nhạy cảm để ưu tiên hợp tác. Cuối cùng, nên xây dựng ban, ủy ban điều phối của khu vực biển Đông về mặt hợp tác KHB.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo