xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xây dựng chính quyền đô thị: Tiếp tục gỡ vướng

Bài và ảnh: PHAN ANH

Dẫu còn nhiều vướng mắc khi thực hiện chính quyền đô thị, TP HCM vẫn phải nhìn ở góc độ tích cực để tiến lên...

Một tháng qua, HĐND TP HCM đã tổ chức nhiều cuộc giám sát về việc thực hiện chính quyền đô thị theo Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội. Nội dung các buổi giám sát này cho thấy TP HCM đã đạt được nhiều kết quả song cũng còn không ít vướng mắc.

Linh hoạt trong triển khai

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan khẳng định việc triển khai Nghị quyết 131 hơn 1 năm qua không làm gián đoạn các hoạt động hành chính của địa phương, không ảnh hưởng đến hoạt động công vụ của các cơ quan nhà nước. Việc giải quyết chính sách, sắp xếp đội ngũ công chức có nhiều giải pháp linh hoạt. TP HCM cũng đã mạnh dạn thực hiện phân cấp, ủy quyền cho quận - huyện, nhất là TP Thủ Đức.

Cụ thể hơn, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Huỳnh Thanh Nhân thông tin việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy được tiến hành nghiêm túc. Tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và minh bạch trong quản lý của chính quyền thành phố được tăng lên.

Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, song song với việc rà soát, đề xuất trung ương tháo gỡ khó khăn, TP HCM đã nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các quy định của trung ương vào tình hình thực tế của thành phố để kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm phù hợp. Cùng với đó, ban hành các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với số cán bộ dôi dư do sắp xếp, cán bộ có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi. TP HCM cũng đã xây dựng Đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức..

Nên có cơ chế tài chính đặc thù

Phấn khởi trước những kết quả đáng khích lệ trên nhưng UBND TP HCM cũng như HĐND thành phố đều nhìn nhận còn nhiều bất cập.

Một trong những vướng mắc lớn nhất là UBND cấp quận chuyển từ cấp ngân sách thành đơn vị dự toán ngân sách, không còn nguồn kết dư nên khó chủ động trong công tác điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các nhiệm vụ cấp bách. Ngoài ra, chưa có hướng dẫn cụ thể về việc có tiếp tục giao UBND cấp quận quản lý đối với các dự án chuyển tiếp do UBND cấp quận quyết định đầu tư trước đây hay không. Do đó, cấp quận chưa có cơ sở thẩm định, quyết định điều chỉnh dự án.

Đây cũng là nội dung được lãnh đạo các quận liên tục phản ánh trong suốt thời gian HĐND TP HCM đến giám sát. Trong đó, Chủ tịch UBND quận 3 Võ Văn Đức dẫn chứng có những dự án kinh phí rất nhỏ nhưng quận phải đợi các sở, ngành tổng hợp, tham mưu trình UBND TP HCM rồi chờ HĐND thành phố duyệt mới được cấp ngân sách. Quy trình này gây khó cho quận vì không kịp thời bố trí vốn cho các dự án cấp bách.

Ông Võ Văn Đức kể trong giai đoạn chống dịch COVID-19, quận 3 lập nhiều khu cách ly tập trung tại trường học. Sau đó, phải sửa lại nhà vệ sinh ở những điểm này cho học sinh trở lại trường nhưng chỉ có 6 tỉ đồng cho toàn bộ hệ thống hơn 30 cơ sở giáo dục nên sửa sang được rất ít. Về đầu tư công, các dự án trọng điểm hướng tới chào mừng 50 năm thống nhất đất nước vào năm 2025 phải chờ ngân sách, mà vốn đầu tư công của thành phố ít nên có dự án chờ 3 nhiệm kỳ chưa được ghi vốn.

Đồng tình, Giám đốc Sở Tài chính TP HCM Phạm Thị Hồng Hà nhìn nhận khi không còn là một cấp ngân sách tức là đã làm giảm tính chủ động trong điều hành quản lý ngân sách của cấp quận, tăng áp lực rất lớn lên sở và UBND TP HCM cũng như HĐND thành phố. "Nếu quận gặp khó về ngân sách thì Sở Tài chính phải giải quyết một lượng công việc khổng lồ, điều chỉnh dự toán ngân sách với hơn 1.400 đơn vị sử dụng ngân sách thuộc UBND 16 quận. Cán bộ, công chức của sở cũng gặp nhiều áp lực về khối lượng công việc" - bà Phạm Thị Hồng Hà băn khoăn.

Sở Tài chính và Sở Kế hoạch - Đầu tư đều cho rằng trong nội dung nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, cần bổ sung nội dung cho phép thành phố áp dụng cơ chế tài chính đặc thù.

Xây dựng chính quyền đô thị: Tiếp tục gỡ vướng - Ảnh 1.

HĐND TP HCM giám sát việc thực hiện Nghị quyết 131 đối với quận 3

Cần Luật Tổ chức chính quyền đô thị

Mổ xẻ nguyên nhân, UBND TP HCM cho biết các văn bản pháp luật chưa được điều chỉnh một cách hệ thống khiến thành phố gặp không ít lúng túng khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Theo ông Võ Văn Hoan, TP HCM làm đúng nghị quyết nhưng gặp bất cập trong quy định pháp lý. Có 3 tình huống xảy ra: Áp dụng đúng nghị quyết thì phát sinh khó khăn; Nghị quyết 131 có quy định nhưng phải chờ bộ, ngành chuyên môn hướng dẫn thực hiện; thực tế phát sinh vấn đề cần quy định cụ thể nhưng chưa có trong nghị quyết.

Ông Võ Văn Hoan cho hay TP HCM sẽ tiếp tục rà soát, chấn chỉnh các hạn chế, bổ sung giải pháp để triển khai tốt hơn Nghị quyết 131. TP HCM cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương hướng dẫn thực hiện các vấn đề còn trở ngại.

Về lâu dài, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng phải có Luật Tổ chức chính quyền đô thị thì mới giải quyết gốc rễ vấn đề, bảo đảm quản lý thống nhất, đồng bộ, hiệu quả cao. Đây là xu thế mà 5 thành phố trực thuộc Trung ương rất quan tâm và đã thống nhất "đồng thuận, đồng lòng, đồng lên tiếng" để có tiếng nói chung với trung ương.

Đánh giá về Nghị quyết 131, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ khẳng định đây là văn bản rất quan trọng, tạo điều kiện, mở lối cho thành phố. UBND TP HCM và các sở, ngành đã có nhiều nỗ lực triển khai; các quận không còn HĐND cũng rất cố gắng thực hiện nhiệm vụ của mình.

Với những khó khăn, theo Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ, cần phân tích nguyên nhân để có đánh giá sát nhất. Bà Nguyễn Thị Lệ lưu ý trách nhiệm các cơ quan, đơn vị cũng như người đứng đầu những nơi này, từ đó nhấn mạnh ý thức tự soi, tự sửa trong quá trình triển khai để làm sao thực hiện chính quyền đô thị đạt hiệu quả tốt nhất.

"Chúng ta làm cho mình chứ không làm cho ai hết. Một năm qua đã giúp chúng ta có bệ đỡ vững chắc ban đầu để năm thứ hai thực hiện hiệu quả hơn" - bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.

Chủ tịch HĐND TP HCM cho rằng cần nhìn nhận ở góc độ tích cực của Nghị quyết 131 để tiến lên, vấn đề nào khó thì cùng lên tiếng để tháo gỡ. Trong đó, tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho phép tổ chức lại Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng và đội quản lý trật tự xây dựng đô thị; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho quận, huyện, TP Thủ Đức…

"Dù còn nhiều khó khăn nhưng xây dựng chính quyền đô thị là hướng đi đúng nên chúng ta phải tiếp tục tháo gỡ theo thẩm quyền để triển khai mô hình này” - Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Khắc phục tình trạng cán bộ, công chức nghỉ việc

Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết 2 năm qua, hơn 6.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc có nguyên nhân về cá nhân, áp lực công việc, cơ hội thăng tiến. Theo ông, Sở Nội vụ đang tham mưu xây dựng đề án khắc phục tình trạng này, trong đó có những nội dung liên quan giải pháp nâng cao thu nhập, cơ hội thăng tiến, thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý. Tháng 10 này, một số đơn vị sẽ tổ chức thi tuyển nhiều chức danh lãnh đạo, trong đó có chức danh lãnh đạo phòng ở một số quận, huyện.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo