xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Từ chối cung cấp thông tin, cán bộ dễ bị kiện

Hồng Ánh - Kỳ Nam

Luật Tiếp cận thông tin đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2018 nhưng hiện nay việc tiếp cận thông tin của người dân vẫn còn rất khó khăn do một bộ phận cán bộ, lãnh đạo chưa nắm rõ luật và không muốn cung cấp thông tin rộng rãi cho người dân

Ngày 16-8, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án hành chính giữa nguyên đơn là công dân Nguyễn Văn Bình (ngụ phường Lộc Thọ, TP Nha Trang) khởi kiện Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về việc từ chối cung cấp thông tin liên quan đến dự án Khu Du lịch giải trí Sông Lô.

Theo đuổi đến cùng

Đây là dự án có nhiều dấu hiệu bất thường, xảy ra khiếu kiện kéo dài của người dân trong 20 năm qua, trong đó có việc thu hồi đất ngoài ranh quy hoạch mà Báo Người Lao Động đã phản ánh. Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết các vấn đề sai phạm trong quá trình triển khai dự án, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân bị thu hồi đất ngoài ranh quy hoạch, xem xét trả lại đất cho người dân, xem xét xử lý trách nhiệm các cá nhân, cơ quan, đơn vị liên quan đến các sai phạm.

Tháng 8-2020, Thanh tra Chính phủ cử đoàn kiểm tra, rà soát đối với những nội dung liên quan đến dự án này. Để làm rõ một số vấn đề, ngày 13-4-2020, ông Nguyễn Văn Bình gửi phiếu yêu cầu đến UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị cung cấp giấy chứng nhận đầu tư và quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với sân golf 18 lỗ đã cấp cho Công ty TNHH Hoàn Cầu.

Ngày 16-6-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân ký Công văn số 5898 trả lời theo hướng từ chối cung cấp văn bản nói trên. Bức xúc vì không được cung cấp thông tin, ngày 24-6-2020, ông Bình gửi đơn kiện Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vì cho rằng vi phạm Luật Tiếp cận thông tin. Theo đơn khởi kiện, ông Bình yêu cầu hủy Công văn 5898 của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đồng thời cung cấp thông tin theo luật định. TAND tỉnh Khánh Hòa thụ lý đơn khởi kiện nhưng chỉ với nội dung yêu cầu hủy Công văn 5898.

Bất ngờ, trước khi đưa vụ án ra xét xử, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ra công văn khẩn thu hồi Công văn 5898 vì cho rằng thể thức không phù hợp. Chính vì vậy, ngày 20-4-2022, TAND tỉnh Khánh Hòa đưa vụ án ra xét xử và tuyên bác đơn khởi kiện của ông Bình vì cho rằng "đối tượng khởi kiện" (tức Công văn 5898) không còn nữa. Không đồng ý với bản án, ông Bình kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 16-8, tòa chỉ tuyên bác yêu cầu hủy Công văn 5898 vì công văn này đã bị thu hồi trước đó. Với yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa cung cấp thông tin hồ sơ sân golf, tòa sẽ xét xử ở một vụ khác.

Trao đổi riêng với Báo Người Lao Động sau khi phiên tòa kết thúc, ông Bình cho rằng sẽ tiếp tục khởi kiện để yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa cung cấp hồ sơ sân golf của dự án. Theo ông, từ năm 2001, gia đình ông lao tâm khổ tứ vì dự án này khi bị UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi đất, giao cho Công ty TNHH Hoàn Cầu thực hiện dự án trái quy định pháp luật. Ông cho rằng khu du lịch này được quy hoạch chỉ 104 ha nhưng thực tế triển khai đến hơn 180 ha, trong đó có sân golf 18 lỗ.

Từ chối cung cấp thông tin, cán bộ dễ bị kiện - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Bình theo đuổi việc làm rõ những khuất tất ở dự án Khu Du lịch giải trí Sông Lô suốt 20 năm qua Ảnh: KỲ NAM

Phải được công khai

Luật sư (LS) Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS Khánh Hòa, cho rằng đây là một vụ án điển hình để giải quyết việc người dân không được tiếp cận thông tin đúng quy định pháp luật.

Việc ông Nguyễn Văn Bình có phiếu yêu cầu cung cấp thông tin về dự án là đúng Luật Tiếp cận thông tin và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn Luật Tiếp cận thông tin. Theo luật và nghị định này, tài liệu do UBND tỉnh ban hành thì UBND tỉnh phải có trách nhiệm cung cấp và đầu mối cung cấp thông tin là Văn phòng UBND tỉnh. Lẽ ra, khi nhận phiếu đó của ông Bình thì Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa phải giải quyết bằng cách cung cấp thông tin. Nếu từ chối thì phải ban hành văn bản nói rõ lý do.

Đến khi ông Bình viết đơn khiếu nại về việc UBND tỉnh không giải quyết cung cấp thông tin theo Luật Tiếp cận thông tin gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thì lẽ ra áp dụng Luật Khiếu nại 2011, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phải ra quyết định giải quyết khiếu nại nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa không làm vậy mà lại ra Công văn 5898 từ chối cung cấp thông tin, cho nên ông Bình mới khởi kiện. Việc thu hồi Công văn 5898 là chỉ thu hồi một văn bản hành chính chứ việc không cung cấp thông tin vẫn chưa được khắc phục, do đó công dân này mới tiếp tục khởi kiện.

"Những thông tin được ông Bình yêu cầu cung cấp không phải là bí mật, không thuộc điều cấm mà UBND tỉnh không cung cấp thông tin cho công dân với lý do không chính đáng là vi phạm Luật Tiếp cận thông tin" - LS Hà nói. Theo ông, Luật Tiếp cận thông tin đã nêu rất rõ nhưng thực tế người dân và một bộ phận cán bộ, ngay cả chính quyền, nơi cung cấp thông tin cũng chưa nắm rõ nên quyền tiếp cận thông tin của người dân đến nay vẫn còn rất nhiều hạn chế. 

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu quan điểm

Ngày 8-7 vừa qua, bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa liên quan đến vụ việc này. Theo đó, Ủy ban Pháp luật nhận thấy cả 2 nội dung ông Nguyễn Văn Bình đề nghị cung cấp thông tin đều là thông tin phải được công khai theo quy định của pháp luật.

Căn cứ quy định của Luật Tiếp cận thông tin và các quy định của pháp luật có liên quan, Ủy ban Pháp luật đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét, hướng dẫn công dân làm rõ yêu cầu cung cấp thông tin; thực hiện việc cung cấp thông tin nếu đáp ứng đủ điều kiện cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật. Trường hợp có cơ sở từ chối cung cấp thông tin thì trả lời công dân bằng văn bản, nêu rõ lý do đồng thời thông báo đến Ủy ban Pháp luật kết quả giải quyết.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Cơ quan nhà nước phải là cơ quan phục vụ

Người dân khởi kiện tức là đang thực hiện quy định của pháp luật về quyền công dân, quyền con người. Điều này được quy định trong Hiến pháp và trong nhiều luật khác, trong đó trực tiếp là Luật Tiếp cận thông tin.

Khi Quốc hội ban hành Luật Tiếp cận thông tin, có nghĩa cơ quan và cán bộ, công chức nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp thông tin để người dân xử lý các vấn đề mang tính chất cá nhân cũng như tập thể. Bản thân công dân, hầu hết đều là cử tri và chính họ bầu ra các cơ quan nhà nước. Và cơ quan nhà nước phải là cơ quan phục vụ mà việc cung cấp thông tin cho người dân là một trong những nội dung phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó quyền yêu cầu, quyền đòi hỏi tiếp cận thông tin của người dân là hoàn toàn chính đáng theo luật, để một mặt bảo đảm quyền, lợi ích của họ, mặt khác để họ hiểu thêm pháp luật, giúp tương tác giữa người dân và cơ quan công quyền thực hiện đúng quy định mà nhà nước, pháp luật đặt ra. Điều này bảo đảm ý nghĩa dân chủ trong tổ chức, hoạt động của nhà nước theo đúng đường lối của Đảng.

Trong trường hợp cụ thể tại Khánh Hòa, một công dân đi kiện - đây không phải là chuyện lạ. Kiện ở đây, có thể hiểu không phải kiện bản thân ông chủ tịch UBND tỉnh mà người ta kiện "chức vụ chủ tịch UBND tỉnh" mà người đó đang giữ với tư cách đang nắm quyền lực tại địa phương trong quá trình chỉ đạo vụ việc.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:

Bài học kinh nghiệm cho nhiều địa phương

Vụ kiện ở Khánh Hòa cho thấy chính quyền địa phương chưa tuân thủ các quy định về cung cấp thông tin cho người dân theo yêu cầu. Nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân là chính đáng, ngoại trừ những thông tin thuộc bí mật nhà nước hoặc những thông tin mà nếu tiếp cận sẽ nguy hại đến lợi ích nhà nước, an ninh quốc gia... đã được quy định rõ trong luật. Khi nhu cầu chính đáng về tiếp cận thông tin không được đáp ứng thì việc người dân khởi kiện cơ quan quản lý nhà nước và người có trách nhiệm cung cấp thông tin là đương nhiên và cần thiết để được bảo vệ quyền lợi.

Vụ việc này là bài học kinh nghiệm cho chính quyền địa phương các cấp, cũng như những người có trách nhiệm cung cấp thông tin để tổ chức thực hiện việc cung cấp thông tin theo đúng theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của người dân.

V.Duẩn - M.Chiến ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo