xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trăm năm Sa Huỳnh muối mặn

Bài và ảnh: TRANG THY

Giá một bao muối chưa đủ mua tô phở nhưng bao người vẫn dãi nắng dầm sương làm ra hạt muối mang thương hiệu Sa Huỳnh

Dưới tán cây cạnh ngôi miếu nhỏ, những lão diêm tóc nhuốm sương gió đang bàn việc sửa soạn cúng tế tổ nghề muối Sa Huỳnh. Rằm tháng bảy, họ thành kính dâng cúng cỗ chay và hôm sau chuyển sang cỗ mặn.

Bao bận mồ hôi ướt áo

Lễ cúng mặn luôn có con heo quay cùng nhiều sản vật quê hương. Dẫu cuộc sống khó khăn nhưng mâm cỗ luôn tươm tất, thể hiện ghi nhớ công ơn đối với người tạo nên đồng muối giúp bao người có cơm ăn, áo mặc.

Diêm dân Võ Tấn Phát (ngụ xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) với đôi chân trần bước tập tễnh trên bờ ruộng nóng rát, gánh muối nặng oằn vai. Chiếc đòn gánh kẽo kẹt như tiếng thở than của diêm dân nhọc nhằn trên ruộng muối. Những hạt muối trắng tinh từ trong thúng nghiêng chảy thành đống, cao dần, lấp lóa ánh nắng. Bao bận mồ hôi ướt áo để làm ra hạt muối trắng mang hương vị mặn mà của biển.

Trăm năm Sa Huỳnh muối mặn - Ảnh 1.

Chất muối lên xe tải để vận chuyển đi bán

Có người đặt vè trêu diêm dân: "Nậu nại (dân làm muối) đã dại lại quê (quê mùa)/Mát trời thì về, nắng lại ra phơi". Da của diêm dân ai cũng sạm đen vì nắng gió. "Trời nắng chói chang nhưng chúng tôi vẫn gắng sức san phẳng và đầm chặt nền, đưa nước vào ruộng, kiểm tra độ mặn, cào muối rồi oằn lưng gánh muối. Nước mặn từ biển qua đầm rồi vào ô chứa mươi ngày cho tăng thêm độ mặn. Sau đó, đưa nước vào ruộng phơi nắng, chan thêm nước rồi đảo đều đến 3 ngày thì thành muối" - anh Phát cho biết.

Lão diêm Đỗ Chiếm Nguyên bị "nhiễm mặn" sau hơn nửa thế kỷ gắn với ruộng muối. Trưa nắng, ông ráng sức nâng chiếc đầm gỗ nện chặt nền ruộng sau khi san phẳng. Chốc lát, ông đưa tay áo lau mồ hôi đang chảy thành dòng trên gương mặt sạm đen, hằn vết chân chim. Thấm mệt, ông ngồi trên bờ múc từng thau nước nóng rát như sắp sôi đổ vào ô ruộng muối bên cạnh.

"Nắng càng nhiều thì càng phải ra đồng vì muối mau kết tinh hơn những hôm mát trời. Người không quen hoặc yếu sức là xây xẩm mặt mày, ngất xỉu vì nắng đấy" - ông Nguyên hổn hển.

Ven đường làng, nhiều phụ nữ hối hả dồn muối vào bao để bán cho thương lái. Những bao muối trĩu nặng được cánh đàn ông gắng sức nhấc lên vai rồi vác đến chất lên xe tải. Dáng đi mệt nhọc nhưng những gương mặt sạm đen vẫn nở nụ cười tươi. "Mỗi ký muối chỉ bán được 450-500 đồng nhưng có người mua là vui rồi. Nhiều lúc muối ế phải đến tận nhà tư thương năn nỉ nhưng họ không mua vì chẳng có thị trường tiêu thụ. Nếu giá muối cao thì chúng tôi đỡ khổ" - diêm dân Võ Tấn Nghi bộc bạch.

Chuyện trăm năm

Theo sử liệu, nghề sản xuất muối ở Sa Huỳnh bắt đầu từ hơn 200 năm trước.

Thuở ấy, có người đàn ông họ Ngô từ đất Bắc di cư vào Nam định cư cạnh vùng biển Sa Huỳnh bốn mùa lộng gió. Nơi đây có đầm nước mặn thông với đại dương qua cửa biển Sa Huỳnh. Cạnh đầm nước là khu đất sình lầy với lau cỏ phất phơ trong gió. Lúc rỗi rãi, ông thường dạo quanh bờ đầm thưởng ngoạn trời nước bao la.

Ngày nọ, ông phát hiện vũng nước đọng có lớp màng màu trắng lấp lánh dưới nắng. Ông đưa tay sờ nhẹ, lớp màng vỡ thành những hạt nhỏ mang vị mặn đậm đà khi nếm thử trên đầu lưỡi. Những hạt muối ấy giúp ông ý tưởng sử dụng nguồn nước mặn trong đầm để sản xuất muối. Ông cần mẫn phát dọn, be bờ, tạo thành những ô ruộng vuông vức trước ánh mắt tò mò của cư dân trong vùng.

Sau nhiều ngày chờ đợi, mọi người hồ hởi đón nhận những hạt muối đầu tiên từ tay ông trao tặng. Họ vui mừng khôn xiết rồi gắng sức cùng ông mở mang ruộng đồng, dâng cho đời hạt muối trắng đậm đà hương vị biển khơi.

"Diêm dân ghi nhớ ơn ông nên cùng nhau góp tiền của và công sức xây dựng miếu thờ. Vào ngày rằm và mùng một hằng tháng, chúng tôi sửa soạn hoa quả rồi thắp hương khấn vái, cầu cho mùa màng bội thu, đời sống no đủ. Rằm tháng bảy và ngày hôm sau, chúng tôi tổ chức cúng lớn với đông đảo diêm dân cùng con em làm ăn phương xa trở về tham dự" - cụ Nguyễn Hiến, Trưởng Ban Tế tự miếu thờ tổ nghề muối Sa Huỳnh, cho biết.

Mùa tiếp mùa đi qua đồng muối trong tiếng sóng rì rầm vỗ về bờ cát. Dòng nước mặn từ đại dương qua đầm đến những thửa ruộng để làm ra hạt muối, là tinh hoa của biển và trời. Sau Tết nguyên đán, diêm dân tất bật ra đồng tu sửa bờ, san phẳng và đầm chặt nền ruộng để bước vào vụ mới. Khi những hạt mưa thu làm vơi đi nắng nóng oi ả, họ rời ruộng sau chuỗi ngày "bán mặt cho muối, bán lưng cho trời" để đổi lấy miếng cơm manh áo.

"Thời chiến tranh làm muối cơ cực lắm. Trước Tết, diêm dân chung sức đắp đê ngăn nước giữa đầm và đồng muối bị máy bay Mỹ ném bom phá tan hoang. Mọi người phải gắng sức đắp lại đê trong bom đạn. Nhiều người bị bắn chết khi ra đồng nên phải mò mẫm trên ruộng muối cả trong đêm tối. Bây giờ, nhà nước đắp đê chắc chắn nên chúng tôi đỡ khổ. Dẫu vậy, làm muối vẫn vất vả hơn so với công việc khác nhưng nhiều người vẫn cố giữ nghề. Bởi đây là nghề truyền thống do ông cha truyền lại, bỏ đi không nỡ. Nhưng ngặt nỗi, giá muối quá thấp nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn" - lão diêm Trần Ngọc Cảnh cho biết.

Hơn 60 năm gắn bó với ruộng muối, lão diêm Đinh Ngộ nếm trải bao hiểm nguy lẫn nhọc nhằn. Thuở tóc còn để chỏm, ông theo cha mẹ ra đồng sửa ruộng, cào muối. Cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, ông tham gia cách mạng ở địa phương. Ban ngày, ông hoạt động cách mạng, đêm tối mò mẫm ra đồng quần quật trên ruộng muối đến tận khuya.

"Lúc ấy, vừa làm vừa canh chừng, sợ địch thả pháo sáng rồi nã đạn từ máy bay" - ông Đinh Ngộ nhớ lại.

Niềm vui thoáng qua

Gần cả vụ quần quật trên mẫu ruộng, vợ chồng ông Nguyên thu được hơn 50 tấn muối. Gia cảnh túng bấn nên ông bán 20 tấn muối để lấy chưa đến 10 triệu đồng.

Đôi mắt đượm buồn nhìn những hạt muối trắng tuột dần khỏi lòng bàn tay chai sần, ông Nguyên thở dài. "Muối rẻ quá nên tôi trữ hơn 30 tấn chờ giá nhích lên. Mỗi ngày, công làm muối chỉ được vài chục ngàn đồng. Vậy nên cái nghèo cứ đeo bám từ đời ông cha đến giờ" - ông Nguyên than thở.

Gia đình ông Nguyễn Thành Út có 4 đời gắn bó với ruộng muối. Gần 40 năm lam lũ trên ruộng đồng, ông Út được diêm dân tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Muối 1 Sa Huỳnh. Sản lượng muối của HTX thu hoạch hằng năm trên dưới 4.000 tấn nhưng "lương" của ông chưa đến 1 triệu đồng/tháng. "Bán 4 tạ muối mới được 200.000 đồng, chỉ đủ bỏ phong bì tiệc cưới. Xã viên thu nhập quá thấp nên mỗi năm HTX chỉ thu được vài triệu đồng" - ông Út bộc bạch.

Sáng chớm thu 8 năm trước, hàng trăm diêm dân hớn hở tụ họp tại sân Trường Tiểu học số 3 Phổ Thạnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) dự buổi công bố thương hiệu muối Sa Huỳnh. Những gương mặt dãi dầu nắng gió rạng ngời niềm vui vì sản phẩm của bao kiếp người "còng lưng" trên ruộng muối được công nhận thương hiệu. Nhiều người chuyền tay nhau xem quyết định công nhận thương hiệu, hể hả nói cười. Có cụ bà chống gậy, chân bước run run đến sờ biểu trưng thương hiệu muối Sa Huỳnh, mắt lệ hoen mi. Họ hy vọng hạt muối sẽ đến tay người tiêu dùng cả nước, mang lại cuộc sống sung túc cho diêm dân.

Nhưng niềm vui thoáng qua như gió giữa trưa hạ oi nồng. Giá muối vẫn rẻ như cho xua tan hy vọng vừa nhen nhóm trong lòng. "Có thương hiệu rồi mà muối vẫn ế. Thi thoảng mươi ngày đầu vụ, giá 1.000 đồng/kg, thời gian còn lại trong năm chỉ 400-500 đồng/kg" - anh Nghi cho biết. 

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn viết: “Muối Sa Huỳnh mặn mà tha thiết/Như những tấm lòng hiền hậu thủy chung”. Hạt muối nơi đây mặn dịu, góp phần tạo nên những món ngon cho đời thêm ý vị. Nhưng diêm dân bao đời vẫn lận đận, phận nghèo đeo bám trăm năm.

Vận động dân làm du lịch cộng đồng

Đồng muối Sa Huỳnh có diện tích hơn 116 ha với gần 600 hộ dân tham gia sản xuất. Hằng năm, sản lượng muối Sa Huỳnh trên dưới 8.000 tấn với vụ mùa từ sau Tết nguyên đán đến tháng 7 âm lịch.

"Chúng tôi sẽ vận động người dân đầu tư sản xuất muối sạch, chất lượng cao. Xã cũng sẽ phối hợp đơn vị chức năng giới thiệu, quảng bá muối gắn với văn hóa Sa Huỳnh có niên đại trên dưới 3.000 năm. Bên cạnh đó, xã sẽ vận động người dân tham gia mô hình du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho du khách thưởng ngoạn và trải nghiệm cuộc sống của diêm dân" - ông Vũ Minh Tâm, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, cho biết.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Trăm năm Sa Huỳnh muối mặn - Ảnh 4.
Trăm năm Sa Huỳnh muối mặn - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo