xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM: Thêm 22 Đề án đô thị thông minh

PHAN ANH

Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu các quận, huyện sớm có Đề án xây dựng đô thị thông minh, trong đó xác định rõ mục tiêu, lộ trình và cách thức thực hiện

Chiều 14-2, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì hội nghị triển khai Đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh tại 24 quận, huyện. Tại hội nghị, quận 1 và quận 12 đã báo cáo kết quả sau 2 năm triển khai thí điểm đề án trên địa bàn để 22 quận, huyện còn lại có cái nhìn rõ hơn về đô thị thông minh.

Phải có chủ trương cụ thể, tài chính bảo đảm

Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Văn Dũng cho biết Trung tâm Điều hành đô thị thông minh được tích hợp cùng 8 hệ thống thông minh gồm phòng cháy chữa cháy thông minh, quản lý đô thị thông minh, quản lý giáo dục thông minh, y tế thông minh, du lịch thông minh, dịch vụ công trực tuyến, hệ thống điều hành an toàn thông tin mạng. Quận đã hoàn thành việc tích hợp camera tại địa bàn dân cư và trụ sở công an 10 phường trên địa bàn, kết nối về Trung tâm Điều hành đô thị thông minh với 1.115 camera và 128 đầu thu; đầu tư lắp đặt mới các camera quan sát tầm xa tại những vị trí trọng điểm phục vụ an ninh trật tự. "Hệ thống này đã hỗ trợ, phục vụ tốt cho quận 1 trong công tác chỉ đạo, điều hành xử lý các tình huống phát sinh vào các ngày lễ, Tết và phòng chống, báo động, các hành vi quá khích gây rối trật tự công cộng vào các đợt cao điểm bảo đảm an ninh trật tự" - ông Dũng thông tin. Quận cũng đã triển khai nâng cấp dịch vụ công trực tuyến "Tiếp nhận đăng ký không giấy" trên các lĩnh vực. Điều đáng nói là quận đã số hóa dữ liệu, tích hợp vào kho dữ liệu dùng chung của TP; triển khai hệ thống điều hành an toàn thông tin mạng.

Việc triển khai Đề án đô thị thông minh cũng đã tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho quận 12. "Các ứng dụng công nghệ thông tin do UBND quận triển khai được sự đánh giá cao từ UBND TP, các địa phương và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ nhân dân. Đây cũng là kênh tương tác, góp ý, phản ánh của nhân dân trong việc xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân" - Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu khẳng định.

TP HCM: Thêm 22 Đề án đô thị thông minh - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Văn Dũng (đứng) cho rằng muốn xây dựng thành công đề án đô thị thông minh trước hết phải có chủ trương cụ thể và tài chính bảo đảm Ảnh: TẤN THẠNH

Đáng chú ý là nhằm giám sát biến động sử dụng đất và phát hiện các công trình xây dựng không phép, quận 12 đã xây dựng, ứng dụng ảnh viễn thám và GIS trong quản lý đô thị, tài nguyên môi trường; sử dụng ảnh độ phân giải siêu cao từ vệ tinh kết hợp ứng dụng GIS để phân loại, tách đối tượng công trình xây dựng, đánh giá biến động của công trình xây dựng so với dữ liệu quy hoạch, so sánh biến động giữa hai thời điểm thu nhận ảnh.

Muốn xây dựng thành công Đề án đô thị thông minh, kinh nghiệm được Chủ tịch UBND quận 1 đưa ra là phải quyết tâm, quyết liệt làm. Trước hết, phải có chủ trương cụ thể và tài chính bảo đảm. Thứ 2, là ứng dụng công nghệ thông tin. Một cái khó mà ông Dũng lưu ý là công nghệ liên tục phát triển nên phải cập nhập kịp thời. Bên cạnh đó là việc kết nối các dữ liệu, thông tin từ quận về TP cũng đáng quan tâm. Về phía quận 12, ông Hiếu cho biết sẽ sửa chữa, tích hợp thêm camera về trung tâm chỉ huy hình ảnh và an ninh quận; đưa vào áp dụng phần mềm nhận diện, phân tích đối tượng; phần mềm cảnh báo cháy nhanh; hệ thống cảnh báo tấn công website của UBND quận; hệ thống camera giao thông. Tăng cường ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, kết nối internet vạn vật, dữ liệu lớn vào các ứng dụng phục vụ nhân dân và công tác quản lý nhà nước.

Sẽ bố trí vốn đầy đủ

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM Dương Anh Đức nhìn nhận việc triển khai đô thị thông minh rất đa dạng. Như quận 1 với quận 12 thí điểm có sự khác nhau nên đã triển khai với những mô hình, khai thác ưu thế riêng. Trong đó, nổi bật là quận 1 khai thác hệ thống camera để giải quyết tình hình an ninh trật tự; quận 12 ứng dụng GIS và ảnh viễn thám trong quản lý đô thị, đất đai, môi trường. Do đó, để triển khai thành công, cần xác định rõ nhu cầu, hiện trạng để xây dựng kế hoạch phù hợp. "Cần có yếu tố tốt về nguồn lực như nhân lực, vật lực, vốn; biết ứng dụng công nghệ phù hợp, kịp thời và có sự kết nối; ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ cao khác nên phải có sự phân kỳ đầu tư hiệu quả vì công nghệ thông tin thường xuyên thay đổi" - ông Đức nói.

Trong khi đó, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh: "Những vấn đề mà các quận, huyện triển khai phải cung cấp được nhiều tiện ích nhất cho người dân và có những đầu việc bắt buộc phải tuân thủ". Đó là phải triển khai trên nền tảng Khung kiến trúc Chính quyền điện tử của TP; sử dụng các danh mục điện tử dùng chung; kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP; tích hợp, chia sẻ về Kho dữ liệu dùng chung của TP; khi xây dựng đề cương phải tham chiếu mô hình của TP; khi triển khai hệ thống camera thì phải tích hợp, tuân thủ để kết nối được cả TP. Phải tích hợp về hệ thống 1022 của TP khi triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin của người dân.

"Tư lệnh" các ngành kế hoạch và đầu tư, Tài chính cũng đưa ra nhiều hướng dẫn cho các quận, huyện trong việc thực hiện đề án đô thị thông minh. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai lưu ý các đơn vị phải nghiên cứu kỹ Luật Đầu tư công năm 2019, yếu tố thời gian cũng rất quan trọng. Còn Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà cho biết đã chuẩn bị vốn bố trí cho các dự án sau khi được UBND TP thông qua. Vốn dành cho công nghệ thông tin trong năm 2020, sở đã tính toán và bố trí đầy đủ. Nếu có phát sinh, sở sẽ tham mưu UBND TP sử dụng nguồn vốn dự phòng.

Nhiều đầu việc phải làm ngay

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu 22 quận, huyện còn lại phải chủ động xây dựng Đề án đô thị thông minh, không đợi UBND TP nhắc. "Phải ý thức tầm quan trọng của đề án để chủ động làm, đồng thời nắm rõ các quy định để thực hiện, không đẩy qua đẩy lại sẽ làm chậm tiến độ" - ông Trần Vĩnh Tuyến nói.

Đánh giá cao quận 1, quận 12, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhận xét qua hơn 2 năm triển khai Đề án đô thị thông minh, TP đã đạt được nhiều kết quả, nhất là hình thành 4 cấu phần của đề án. Những kết quả tại quận 1 và quận 12 là cơ sở quan trọng để TP triển khai, mở rộng đề án ra tất cả quận, huyện. Ông Nguyễn Thành Phong cho hay TP sẽ thành lập hội đồng đánh giá kết quả thí điểm tại 2 địa phương này một cách cụ thể để triển khai mở rộng hiệu quả.

Về phía 22 quận, huyện còn lại, Chủ tịch UBND TP đưa ra nhiều đầu việc phải làm ngay. Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu đến 15-3 phải xây dựng xong Đề án các quận, huyện trở thành đô thị thông minh phù hợp với đặc thù của từng quận, huyện; trong đó xác định rõ mục tiêu, lĩnh vực, lộ trình và điều kiện thực hiện. Chọn đơn vị tư vấn, có thể là Sở Thông tin và Truyền thông, Viettel, VNPT hoặc một trường đại học. Sau khi xây dựng xong đề án, các quận, huyện phải trình đề án lên Tổ Công tác của TP để được góp ý, hoàn chỉnh và phê duyệt; trình đề án lên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ, HĐND quận, huyện thông qua. Khi đề án được thông qua, các quận, huyện phải thành lập ban điều hành thực hiện đề án.

Song song đó, Chủ tịch UBND TP đề nghị các quận, huyện phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân, để họ hiểu một cách đầy đủ bởi chính họ cùng với chính quyền thực hiện đề án. Không có sự hợp tác, đồng thuận của người dân thì khó lòng làm được. "Đề án phải hướng đến người dân, mở rộng tính tương tác giữa người dân và chính quyền, coi người dân như là một cảm biến" - Chủ tịch UBND TP lưu ý. Đồng thời, quận, huyện có kế hoạch huấn luyện, đào tạo cho đội ngũ cán bộ. Mặt khác, kết nối dữ liệu và hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn TP. 

Không để thất thoát dữ liệu

Tại hội nghị, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung cam kết: "Công viên Phần mềm Quang Trung hiện có 40 ứng dụng liên quan đến đô thị thông minh, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các quận, huyện". Tuy nhiên, ông Long lưu ý khi các quận, huyện ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp dịch vụ, cần phải bảo đảm yếu tố an toàn thông tin, tránh thất thoát dữ liệu khi kết nối về TP. Ông Long cũng cho biết sắp tới, Công viên Phần mềm Quang Trung sẽ cung cấp cho chủ tịch các quận, huyện một công cụ mà chỉ cần ngồi tại chỗ cũng biết được hạ tầng công nghệ thông tin của địa phương mình được xài như thế nào, có lãng phí hay không.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo