xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM luôn sát cánh cùng ngành y

Hải Yến

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ: "Khi người dân bệnh thì bác sĩ lo nhưng khi bác sĩ không khỏe thì ai lo? Đây là câu hỏi khiến chúng tôi day dứt"

Ngày 5-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đã có buổi gặp gỡ cán bộ, nhân viên ngành y tế thành phố.

Rơi nước mắt khi nói về thu nhập

Bác sĩ Đỗ Thị Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) quận 1 - người đã có 27 năm gắn bó với y tế cơ sở, nói mình cảm thấy ấm lòng khi được sự quan tâm và động viên của lãnh đạo thành phố.

Bác sĩ Tân trải lòng rằng những công việc của nhân viên tại trung tâm rất thầm lặng và chỉ đến khi dịch Covid-19 xảy ra mới thấy vai trò quan trọng của y tế cơ sở. Hiện nay, nhân viên tại các trạm y tế phải gánh 29 đầu việc từ điều trị cho đến dự phòng. "Ở bệnh viện cũng nhiều khó khăn nhưng ở tuyến cơ sở khó khăn gấp hàng chục lần. Hầu như thu nhập của chúng tôi chỉ có lương. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện cho đến nay, các em làm quần quật từ ngày này qua ngày nọ, cả thứ bảy và chủ nhật nhưng chưa được đền đáp tương xứng" - bác sĩ Tân nói.

Theo bác sĩ Tân, do lương thấp nên khó tìm được bác sĩ về tuyến cơ sở. Tại TTYT quận 1 cũng từng tự đào tạo bác sĩ tại chỗ nhưng đào tạo xong thì họ đi. Một số bác sĩ trẻ xin về được một thời gian ngắn cũng nghỉ. Chưa đến 1 năm, nơi đây có 21 người nghỉ việc.

TP HCM luôn sát cánh cùng ngành y - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên gặp gỡ cán bộ, nhân viên ngành y tế TP HCM vào ngày 5-8. Ảnh: TTXVN

PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM), cho biết bản thân cũng có 2 con vừa trở thành bác sĩ. "Tôi nhắc nhở con rằng muốn làm giàu thì chọn ngành khác. Chúng tôi làm nghề y không phải vì muốn giàu nhưng mức lương phải tương đối, đủ để trang trải cuộc sống. Với lương của bác sĩ trẻ mới ra trường chỉ 7-8 triệu đồng/tháng thì không đủ để sống tại TP HCM" - bác sĩ Tuyết nói.

Bác sĩ Tuyết bày tỏ nếu 1 tháng, 1 năm hay 5 năm họ có thể cố gắng nhưng không thể bền bỉ 10 năm, 20 năm... Mức lương của ngành y tế còn bị trói buộc bởi nhiều chính sách từ quốc gia đến thành phố nhưng mong thành phố có những chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế và đặc biệt khiến họ cảm thấy hãnh diện khi làm việc tại nơi này.

Cũng tâm tư về thực trạng của ngành, bác sĩ Huỳnh Nguyễn Lộc, Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP HCM, nói trong đại dịch không nhân viên y tế nào từ nan nhưng mọi sự chịu đựng đều có giới hạn. "Anh chị em đã làm việc hết sức mình, không từ bỏ vì đó là trách nhiệm của nghề. Nhưng có người cống hiến xong, về nhà, người thân đã mất trong đại dịch nhưng họ không giúp được gì, khiến họ phải nhìn lại" - bác sĩ Lộc kể.

Nhân viên y tế không đơn độc

Sau khi lắng nghe những tâm tư của các y - bác sĩ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên trăn trở: "Khi người dân bệnh thì bác sĩ lo nhưng khi bác sĩ không khỏe thì ai lo? Đây là câu hỏi khiến chúng tôi day dứt. Tôi biết cuộc gặp gỡ này không đủ thời gian để tâm sự hết trong bối cảnh hiện nay. Nhưng không có cách nào khác hơn, chúng ta cùng nghe, bàn và đưa ra giải pháp".

Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng đại dịch Covid-19 đi qua để lại nhiều bài học quý giá, đặc biệt là thử thách lớn với những người thầy thuốc. Để có được hôm nay, mọi người đã phải đương đầu với thử thách sinh tử và những người chiến sĩ áo trắng đã hy sinh cho cuộc chiến này - cuộc chiến chưa có tiền lệ. "Chúng ta đón nó và đối diện, vượt qua nó cũng giống như vượt qua cơn bão cho đến khi dừng lại, nhìn lại mới thấy người còn, người mất. Tuy nhiên, đến giờ này chúng ta rút ra nhiều bài học, trong đó có ý chí, tình người trong khó khăn. Thay mặt lãnh đạo thành phố, chúng tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc tới những chiến sĩ áo trắng" - ông Nguyễn Văn Nên nói.

Ông Nguyễn Văn Nên cho biết nỗi lo này chưa xong thì nỗi lo khác tới. Nỗi lo của ngành y tế luôn canh cánh, áp lực và còn có sứ mệnh chăm sóc cho hơn 10 triệu người dân thành phố. Do đó, đòi hỏi ngành y phải tiếp tục chiến đấu, xoay xở để vượt qua. Chính sách chăm lo cho ngành y tế hiện nay vẫn còn bất cập. Câu hỏi đặt ra là ngành y tế cần làm gì, lãnh đạo thành phố làm gì, người dân làm gì?... "Điều này sẽ là hành động cụ thể và chúng tôi mong các anh chị em ngành y tế đừng thấy mình đơn độc, chúng tôi luôn sát cánh cùng các đồng chí" - Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh. 

Có chính sách hỗ trợ tăng thu nhập

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, thẳng thắn nhận định ngành y tế thành phố vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là sự biến động về nhân sự.

Ông đề xuất 6 vấn đề của ngành: Thí điểm thi tuyển các chức danh quản lý của ngành; cần cơ chế, chính sách để củng cố và mở rộng mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng; tiếp tục thực hiện Nghị quyết 01 về các chính sách đặc thù củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế và có chính sách hỗ trợ lâu dài; không giảm biên chế của ngành y tế, đánh giá lại khả năng tự chủ để cấp kinh phí hoạt động phù hợp; có giải pháp hỗ trợ bảo đảm thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế; tăng cường phân cấp, phân quyền, quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương đối với hoạt động chăm lo sức khỏe nhân dân.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo