xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM XEM XÉT CHO PHÉP 3 NHÓM NHÀ XÂY SAI ĐƯỢC HỢP THỨC HÓA: Phải bảo đảm đúng và công bằng!

Bài và ảnh: THU HỒNG

Nhiều người tỏ ra vui mừng nhưng cũng không ít người tỏ ra tiếc nuối khi hay tin TP HCM đang tiến hành hợp thức hóa cho 3 nhóm nhà xây sai phép, không phép

"Đọc tiêu chí hàng đầu mà Sở Xây dựng TP HCM nêu với nội dung các công trình xây dựng không phép, sai phép để được "hợp thức hóa" phải phù hợp quy hoạch, không tranh chấp, đất có chủ quyền mà tôi vui không kể xiết" - chị Nguyễn Điệp (phường Thạnh Xuân, quận 12, TP HCM) hồ hởi nói.

"Vui hơn lượm được vàng"!

Theo chị Nguyễn Điệp, sau khi đọc nội dung trên cùng với việc tham khảo kỹ các tiêu chí để hợp thức hóa công trình sai phép, không phép của 3 nhóm nhà mà Sở Xây dựng ban hành, chị tin rằng không lâu nữa căn nhà của chị sẽ có đầy đủ giấy tờ. Số là chị Điệp mua căn nhà ở phường Thạnh Xuân từ năm 2017, lúc mua chủ nhà chỉ nói giao sổ đỏ. Tuy nhiên, khi xem quy hoạch chị biết căn nhà nằm trên quy hoạch đất ở, không tranh chấp, không vi phạm lộ giới đường và được xây dựng từ năm 2010 nên yên tâm mua vì không sợ tranh chấp nhưng lo là không biết bao giờ được hợp thức hóa. "Nhưng bây giờ, chiếu theo các điều kiện của Sở Xây dựng đề ra thì nhà tôi thuộc nhóm 2, muốn hợp thức hóa sẽ phải đóng tiền phạt bằng 40% giá trị công trình. Sắp tới, tôi sẽ mang hồ sơ lên quận để được hướng dẫn" - chị Điệp tự tin.

Tương tự, đọc thông tin trên báo, bà Nguyễn Thị Loan (ngụ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) khấp khởi mừng vì có thể làm sổ hồng cho căn nhà của mình. Căn nhà bà Loan xây dựng từ năm 2011, mong muốn được hợp thức hóa để thế chấp ngân hàng vay vốn làm ăn nên 3 năm nay, bà nhiều lần mang hồ sơ lên huyện để làm sổ hồng nhưng đều bị trả lại với lý do "chưa đủ điều kiện". Theo bà Loan, một số người dân khu vực bà sống, tình trạng giấy tờ nhà đất cũng tương tự, bởi khi con cái dựng vợ gả chồng, ai cũng cắt đất cho con xây nhà để có chỗ riêng tư. "Đợt này nhà được hợp thức hóa thì chắc xóm tui làm tiệc hoành tráng cho coi. Cái này phải gọi là vui hơn lượm được vàng" - bà Loan nói.

Trái với sự vui mừng của chị Điệp, bà Loan, ông Nguyễn Tâm (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) tiếc hùi hụi nói giá như hướng dẫn này thực hiện sớm thì ông có thể xin tồn tại một phần căn nhà xây dựng sai phép mà chính quyền cưỡng chế trong tháng 3. Do xây dựng công trình có một phần xây lố so với giấy phép được duyệt nên toàn bộ phần vi phạm bị cưỡng chế tháo dỡ. Căn nhà đồ sộ với diện tích gần 300 m2 bị tháo dỡ nham nhở khiến ai đi qua cũng tiếc nuối. Còn ông Cao Văn Chánh (quận Bình Tân) thắc mắc không biết trường hợp của mình có được hợp thức hóa không bởi nhà của ông được xây dựng từ năm 2009, không tranh chấp, không vi phạm lộ giới, có sổ đỏ, song quy hoạch khu đất hiện nay là đất nông nghiệp.

TP HCM XEM XÉT CHO PHÉP 3 NHÓM NHÀ XÂY SAI ĐƯỢC HỢP THỨC HÓA: Phải bảo đảm đúng và công bằng! - Ảnh 1.

Một công trình bị tháo dỡ do xây dựng sai giấy phép được duyệt tại huyện Hóc Môn, TP HCM

Lãnh đạo "địa bàn nóng" nói gì?

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các địa phương đều cho rằng đang cẩn trọng tiến hành thực hiện hướng dẫn trên của Sở Xây dựng để làm sao vừa bảo đảm quyền lợi của người dân nhưng phải tuyệt đối tránh sai sót.

Điển hình theo ông Nguyễn Văn Tài - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh (địa phương "nóng" về tình trạng xây dựng sai phép, không phép - PV), từ hướng dẫn của Sở Xây dựng TP, huyện đã thống kê, phân loại bước đầu được khoảng hơn 200 trường hợp trên địa bàn. "Việc chia nhóm và đưa ra các tiêu chí như hướng dẫn của Sở Xây dựng rất công phu, chi tiết, hỗ trợ người dân có nhu cầu chính đáng được an cư lạc nghiệp nhưng khi thực hiện sẽ là câu chuyện khác" - phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhận định. Theo đó, để tránh tâm lý so bì, công bằng cho người dân, tránh trường hợp hợp thức hóa những sai phạm đáng lẽ phải xử lý thì theo ông Tài, khi triển khai có thể huyện sẽ thành lập hội đồng thẩm định, đi sâu vào xác minh chủ thể sử dụng đất và mục đích sử dụng đất…

Từ thống kê trên, vị phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh băn khoăn do đặc thù của huyện ngoại thành nên rất nhiều trường hợp có mục đích sử dụng chính đáng, hợp quy hoạch nhưng lại không thuộc các nhóm đối tượng mà Sở Xây dựng đề ra, trong khi đây mới là nhóm đối tượng nên quan tâm. Một là trường hợp hộ dân mua nhà vi bằng dưới dạng "nhà 3 chung"; hai là trường hợp hộ dân xây dựng nhà bảo đảm các điều kiện xây dựng nhưng không phù hợp quy hoạch sử dụng đất (đất không có chức năng ở, có dự án...); ba là những công trình vừa phục vụ nông nghiệp vừa để ở vừa sản xuất.

Là xã có khá nhiều nhà xây dựng không phép, sai phép do quá khứ để lại, ông Lôi Đại Phong - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh - cho biết số trường hợp được hợp thức hóa trên địa bàn ít. Bởi tồn đọng lớn nhất ở đây là các trường hợp hộ dân mua bán nhà giấy tay. "Theo đó, dù căn nhà phù hợp các tiêu chí đề ra nhưng cuối cùng không có giấy chủ quyền nên không thể hợp thức hóa" - ông Phong nói.

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng hướng dẫn của Sở Xây dựng khá chặt chẽ, chi tiết, với mỗi nhóm đều kèm theo 5-7 tiêu chí phụ thì không dễ gì hợp thức hóa, nên không ngại văn bản trên sẽ "mở đường" cho vi phạm. "Vấn đề đặt ra là ngoài 3 nhóm trên, Sở Xây dựng cùng các sở, ngành cần quan tâm đến các trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp từ lâu với mục đích để ở hoặc cha mẹ chia cho con cái ra riêng… nên xét theo điều kiện thực tế, đề xuất địa phương thay đổi quy hoạch, hợp thức hóa cho người dân, vì đa phần đất nông nghiệp hiện nay đều được đô thị hóa, không còn công năng sản xuất nông nghiệp như trước" - luật sư Trương Thị Hòa đề xuất. 

Ba nhóm công trình trái phép được phép tồn tại

Nhóm 1 gồm các công trình xây dựng sai phép sửa chữa, cải tạo; sai nội dung giấy phép xây dựng đối với công trình mới; công trình không có giấy phép theo quy định; công trình xây dựng sai thiết kế; công trình xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế hoặc quy hoạch được duyệt theo Nghị định 121/2013, hành vi vi phạm đã kết thúc trước ngày 15-1-2018 (ngày Nghị định 139/2017 của Chính phủ có hiệu lực).

Nhóm 2 gồm các công trình xây dựng không giấy phép; công trình xây dựng sai phép; công trình xây sai thiết kế, sai quy hoạch chi tiết 1/500. Để được tồn tại, nhóm này phải bảo đảm 6 tiêu chí: không vi phạm chỉ giới xây dựng, không ảnh hưởng các công trình phụ cận, không tranh chấp, có chủ quyền đất, phù hợp quy hoạch hiện tại, hành vi vi phạm xảy ra từ ngày 4-1-2008 và kết thúc trước ngày 15-1-2018 nhưng sau ngày 15-1-2018 mới được phát hiện.

Nhóm 3 gồm các công trình xây dựng không phép, sai phép sau ngày 15-1-2018. Để được tồn tại nhóm này phải đáp ứng 7 tiêu chí: chưa tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính; không vi phạm chỉ giới xây dựng; không ảnh hưởng công trình phụ cận; không tranh chấp; có chủ quyền; phù hợp quy hoạch; đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo